'Under the Skin' - Trải nghiệm kiếp người
/

‘Under the Skin’ – Trải nghiệm kiếp người

Bắt đầu
10 phút đọc

Under The Skin bộ phim giả tưởng của Jonathan Glazer hấp dẫn bởi một phong cách kể chuyện dị biệt và câu chuyện độc đáo.

Giữa đêm đông lạnh giá vùng Scotland, một chiếc xe gắn máy lao như bay trên con đường đèo khúc khuỷu, xung quanh hoang dại núi đồi. Gã lái xe dừng chân tại một đoạn quốc lộ vắng vẻ, bước xuống bãi đất trống bên lề đường rồi lặn dần vào bóng tối. Sau đó gã nhanh chóng trở lại, vác trên vai một người phụ nữ không rõ bất tỉnh hay đã chết, bỏ vào một chiếc ô tô đang đứng chờ sẵn từ trước… Không dùng lời thoại mà chỉ dẫn dắt câu chuyện bằng hình ảnh và âm nhạc, Jonathan Glazer trở lại ghế đạo diễn sau chín năm vắng bóng với phong cách làm phim cực kỳ tối giản. Under the Skin, tác phẩm thứ ba của ông, đặt ra những câu hỏi về bản chất con người, thông qua hình ảnh một cô gái mang vẻ đẹp quyến rũ, nhưng bên trong thực ra lại là quái vật hành tinh khác.

Ngay từ trường đoạn mở màn của bộ phim, Jonathan Glazer đã tạo cho người xem một cảm giác vừa hoang mang vừa tò mò. Không có gì trong suốt mười lăm giây đầu tiên, ngoại trừ màn hình ở trạng thái đen đặc và những âm thanh vo ve đang rít lên đầy cuồng nộ hai bên tai. Tiếp đó, giữa khung hình bỗng hiện ra một chấm nhỏ như lỗ kim. Chấm sáng bắt đầu lan rộng thành hình hạt gạo, rồi từ hạt gạo lại chuyển thành một vì sao, xung quanh phát ra hào quang rực rỡ. Cảnh quay khiến ta liên tưởng đến vũ trụ đang trong thời kỳ tạo lập. Giữa đốm sáng bắt đầu xuất hiện những vòng tròn. Những vòng tròn tách ra khỏi đốm sáng, trở thành một cá thể riêng biệt. Cá thể này lại che lấp cá thể kia, như mặt trăng “nuốt chửng” mặt trời lúc nhật thực.

under the skin sonphuoc review

Thực ra, đây chính là con mắt loài người đang dần thành hình, với những vòng tròn tạo nên nhãn cầu và đốm sáng là hình ảnh phản chiếu trên thủy tinh thể. Đạo diễn Jonathan Glazer muốn dùng đoạn mở đầu này thay cho lời giới thiệu về nhân vật chính, một quái vật ngoài hành tinh đội lốt người. Với phần kịch bản dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Michel Faber, Under the Skin đặt ra một giả thiết đáng sợ có thể xảy ra ngay trong chính cuộc sống hiện đại, khi lẫn giữa chúng ta là những sinh vật đến từ hành tinh khác. Ngay khi được gửi xuống trái đất, chúng sẽ chọn một cơ thể con người bình thường để sử dụng và tồn tại dưới hình hài này. Sau đó, chúng học cách giao tiếp và trao đổi thông tin như một người bình thường, rồi thực hiện nhiệm vụ chính là “săn bắt” con người để gửi về nuôi dưỡng hành tinh mẹ.

Tuy là một bộ phim thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, nhưng Under The Skin không sử dụng nhiều kỹ sảo vi tính phức tạp. Thay vì đào sâu vào những cảnh máu me, bạo lực, Jonathan Glazer tìm cách kích thích trí tưởng tượng của người xem bằng những hình ảnh cô đọng mang hiệu quả thị giác cao (chẳng hạn như cận cảnh con mắt người ở đầu phim). Phần lớn bộ phim được quay chủ yếu ở ngoại cảnh vùng Glasgow (Scotland), với núi rừng trùng điệp, sóng biển vỗ về, gợi nhớ đến phong cách làm phim của Lars von Trier (Breaking the Waves, Antichrist). Những cảnh rùng rợn nhất lại được quay giữa phông nền đen hoặc trắng đơn giản. Đó là khi kẻ săn mồi tóm được con mồi đam mê dục vọng mà cũng chẳng cần phải ra tay thủ ác. Chỉ có loài người ngu xuẩn tự động dấn mình vào vũng lầy vô tận, để rồi không còn cách nào thoát thân.

Nỗi sợ hãi còn bắt nguồn từ những đoạn nhạc mang màu sắc kinh dị do Mica Levi biên soạn, hệt như cách Stanley Kubrick tạo cảm giác ma quái cho The Shining. Có thể nói, phần âm nhạc ăn rơ với bộ phim một cách tuyệt đối khi lồng giữa mỗi bản nhạc cũng là thanh âm từ thiên nhiên (tiếng ong vò vẽ, tiếng gió hú, tiếng sóng biển tới tấp xô bờ). Tương tự đạo diễn, Mica Levi cũng chủ động đi theo phong cách tối giản để phù hợp với không khí của bộ phim. Những tiếng trống đập thình thịch như nhịp tim vang lên theo từng bước chân của nhân vật. Âm nhạc dồn dập liên tục đẩy người xem lên đến đỉnh điểm của nỗi sợ hãi, rồi lại đột ngột tắt ngúm không hề báo trước. Bên cạnh đó là những bản ambient u ám chất chứa nỗi buồn (BedroomLove), thể hiện tâm trạng của nhân vật chính ở cuối phim, từ một kẻ săn mồi lại trở thành con mồi bị săn.

Lựa chọn Scarlett Johansson đảm nhận vai chính trong Under The Skin là một quyết định mang tính may rủi của Jonathan Glazer. Bởi lẽ trong sự nghiệp của mình, nữ diễn viên này không có nhiều vai diễn đột phá được đánh giá cao. Tuy nhiên, cô đã nhanh chóng dập bỏ mọi định kiến của người xem với màn trình diễn xuất sắc trong phim, ngay từ biểu cảm trên gương mặt cho đến những động tác hấp dẫn của cơ thể. Ở đầu phim, Scarlett Johansson xuất hiện như một cô gái vừa ngây thơ lại vừa quyến rũ. Mái tóc cắt ngắn, làn da trắng hồng, đôi môi mọng đỏ. Hàng ngày, cô lái xe một mình trên phố, ánh mắt dò xét xung quanh, truy tìm đàn ông. Gặp được đối tượng thích hợp, cô sẽ dừng lại bắt chuyện, hỏi đường. Nhưng thực ra đó chỉ là cái bẫy hiểm nguy mà “người đẹp” giăng ra.

Cái bẫy của Scarlett Johansson cũng chính là phép thử mà Jonathan Glazer đặt ra đối với con người. Có bao nhiêu đàn ông trên đường đồng ý giúp cô gái trẻ? Bao nhiêu trong số chấp nhận về nhà cô? Và họ tìm kiếm điều gì trong mối quan hệ vội vàng này? Nếu như phần lớn câu trả lời là tình dục thì duy chỉ một trường hợp trong phim lại chọn một đáp án khác. Đó là một người đàn ông mang gương mặt dị dạng, không bè bạn và bị mọi người ghẻ lánh. “Người ta giễu nhại tôi”, anh thủ thỉ tâm sự. Ở tuổi hai sáu, anh chưa từng có một người bạn gái và cũng không hề nghĩ đến việc chạm vào da thịt phụ nữ. Tình yêu với anh là một vật xa xỉ ngoài tầm ngắm, chưa kể đến tình dục.

Hoàn toàn toàn không phải ngẫu nhiên khi Jonathan Glazer để một người xinh đẹp và một kẻ xấu xí ngồi chung trên một chuyến xe. Trong Under the Skin, ông liên tục đặt ra những đối lập rõ rệt giữa bản chất bên trong với vẻ hào nhoáng bên ngoài. Đóa hoa hồng rất đẹp, nhưng lại có gai, khiến cho tay người bán hoa vô tình chảy máu. Chiếc bánh ngọt trông hấp dẫn, nhưng mang mùi vị kinh tởm, vừa cho vào miệng đã phải trào ra. Cũng như vậy, người đàn ông tuy xấu xí, nhưng nhân cách tốt đẹp, còn cô gái xinh xắn kia, hóa ra cũng chỉ là một kẻ sống tạm bợ trong thân xác người khác.

Jonathan Glazer đã quyết định chuyển thể tiểu thuyết của Michel Faber ngay khi hoàn thành bộ phim đầu tay Sexy Beast (2001). Mất tổng cộng hơn một thập kỷ để thực hiện, Under The Skin không tránh khỏi sự cũ kỹ về mặt nội dung. Tuy nhiên, cách làm phim của Glazer thì lại cách tân và không hề “lỗi thời”. Càng về sau, Scarlett Johansson càng có cơ hội thể hiện chiều sâu trong diễn xuất. Nếu nửa đầu phim cô tự tin, chủ động bao nhiêu thì nửa cuối phim lại yếu đuối, vụn vỡ bấy nhiêu. Nữ diễn viên thực sự khiến người xem tin rằng “bên trong” vẻ mặt xinh xắn của mình còn có một tâm hồn khác. Cảnh kết của Under The Skin cũng hết sức ấn tượng, khi nhân vật chính quyết định sống thật với chính mình, nhưng dường như tất cả đã quá muộn màng…

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

7 Comments

  1. Xem xong phim, mình thấy là Scarlett đã quyến rũ được người đàn ông dị dạng đó đấy chứ, nhưng cô nàng bỗng nhiên nhân từ tha cho, hehe. Theo mình thì người lái xe mô tô cũng là người ngoài hành tinh, đồng bọn với Scarlett.

    • Đúng vậy. Đó chính là người đàn ông mình viết ở đầu bài. Ban đầu định viết thêm về nội dung phim, nhưng cuối cùng mình nghĩ nên để mỗi người tự xem và tự suy ngẫm.

  2. Xem xong phim này là có vô vàn câu hỏi mọc ra (==” )
    Tại sao tự nhiên cô người ngoài hành tinh lại rời bỏ ngôi nhà của người đàn ông trên chuyến xe buýt ở gần cuối phim thế ạ? Có phải sau khi “soi đèn” cô phát hiện ra là mình có khả năng bị lộ không? Tại sao đạo diễn lại để một bà lão chứng kiến hành vi thủ tiêu của tên đồng bọn ở gần cuối phim mà về sau lại không thấy đả động gì?
    Cách dẫn phim cô đọng thật, cách tân thật, em cũng thấy nó vừa dài dòng, lại vừa hơi chủ quan ở một số chỗ, ví dụ như phân cảnh “chấm sáng” ở đầu phim, nếu không ai nói ra đó là sự hình thành của đôi mắt của người ngoài hành tinh thì em cũng chả biết. Không nói nhân vật chính là người ngoài hành tinh thì em cũng chỉ nghĩ đấy là một loại quái vật.
    Với lại nói người đàn ông xấu xí có nhân cách tốt đẹp cũng hơi khiên cưỡng. Tuy một khuôn mặt đẹp không phải tem đảm bảo cho phẩm cách, nhưng cũng không có nghĩa là ngoại hình xấu xí làm được việc đấy.
    Có thể phim không chỉ nói về sự đối lập giữa bản chất bên trong và cái vỏ bên ngoài, mà còn nói về kết quả của việc “đội lốt”. Đội lốt nào thì sớm muộn cũng sẽ biến thành cái lốt ấy; đi đứng như con người, được đối xử như con người, thì rốt cục sẽ dần trở thành con người.

    • Bạn phải hiểu là kịch bản phim này không phải do Jonathan Glazer sáng tạo, mà chuyển thể từ tiểu thuyết. Đạo diễn kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh, còn người xem hiểu thế nào là tùy mỗi người. Cách hiểu ở đoạn cuối trong comment của bạn cũng là một cách. Nhưng tôi không đồng ý.

      Xin được trả lời một vài câu hỏi của bạn:

      – Nhân vật của Scarlett Johansson bỏ vào rừng, vì cô ta nhận ra mình không phải là con người. Bản chất thật sự của cô ta vẫn là một “quái vật ngoài trái đất”, nên không thể nào tồn tại ở thế giới con người như một con người bình thường được.

      – Tại sao có nhân vật bà lão? Bà ta đại diện cho con người. Cái ác xuất hiện ở khắp mọi nơi và con người chứng kiến nó. Nhưng họ làm được gì?

      – Cảnh “chấm sáng” ở đầu phim không nhằm mục đích kể chuyện, mà để tạo cảm giác cho người xem. Nó lột tả được một phần nào đó chủ đề và không khí của toàn bộ tác phẩm.

      Đây cũng chỉ là một cách nghĩ của tôi. Phim hay, dở thế nào là do cảm nhận của mỗi người xem.

      Đạo diễn hay ngay cả người viết review phim không thể nào ngồi kể tường tận cho bạn từng chi tiết của bộ phim được. Khi đó chắc gì đã “có vô vàn câu hỏi mọc ra” như bạn nói?

      • Em cũng không viết comment này để chê phim hay hay dở, chỉ là muốn vài khúc mắc của mình được gỡ rối thôi. Em cũng biết phim này là adaptation, trong truyện Laura đã là người ngoài hành tinh rồi, chỉ là em thấy nó không được nhấn mạnh trong phim, nên có lẽ việc cô ấy là loài gì không phải vấn đề then chốt. Việc Laura dần dần có tính người trong thân thể của một con quái vật không hề đảm bảo rằng cô ta có thể sống như một con người, nhưng cũng không thể phủ nhận được ảnh hưởng của cái lốt con người cô ta đang mang trên mình.
        Hiển nhiên không có ai có thể ngồi kể tường tận từng chi tiết cho em nghe, và đấy cũng là việc vừa không nên vừa không tưởng, nên chỉ cần có người trả lời mấy câu hỏi lắt nhắt của em là tốt rồi.

        • Tôi không chắc, nhưng có cảm giác rằng bạn bạn chưa hiểu, hoặc đang hiểu sai ý của tôi, đặc biệt là qua phản hồi ở trên.

          Việc cô ta thay đổi không phải là do cô ấy đội cái lốt gì. Mà điều quan trọng là cô ta bị đặt vào một môi trường sống toàn là con người. Hàng ngày, cô ta nhìn thấy họ, tiếp xúc với họ, trò chuyện với họ, đến một chừng mực nào đó thì bắt đầu có cảm giác “thèm muốn” được sống như một con người thực thụ. Nhưng cuối cùng thì cô ta vẫn không thể nào “rốt cục sẽ dần trở thành con người” như ý bạn nói được. Bởi vì bản chất bên trong là thứ không thể thay đổi. Chủ đề này đã được nhiều bộ phim và sách đề cập đến, nên không còn mới nữa.

          Phát hiện của bạn về việc đạo diễn không nhấn mạnh chuyện “người ngoài hành tinh” cũng có ý đúng. Bởi lẽ phải nghĩ theo chiều ngược lại. Nghĩa là chúng ta đang sống ở một thế giới mà “người ngoài hành tinh” và con người có hình dạng hoàn toàn giống nhau, không thể phân biệt được. Nhân vật của Scarlett Johansson bước đi chuệnh choạng giữa đường, nhưng dường như chính cô ta cũng hoang mang không biết được những người xung quanh mình ai là người, ai là đồng loại của mình. Ngay cả bà lão đứng ở cửa sổ, chắc gì bà ta đã là người? Nếu suy nghĩ tường tận thì đây mới là điểm đáng sợ.

          Đến lúc này thì đoạn mở đầu của bộ phim mới bắt đầu có ý nghĩa. Cốt lõi của bộ phim này là đạo diễn muốn người xem nhìn nhận mọi sự kiện diễn ra dưới con mắt của một “người ngoài hành tinh”. Một mặt, anh muốn ta thông cảm với nhân vật. Mặt khác, anh khiến ta hoang mang, sợ hãi đối với ngay chính thế giới mà chúng ta đang sống, chứ không phải sợ “quái vật ngoài hành tinh”.

          Đây là suy nghĩ của tôi, hy vọng nó sẽ phần nào giải đáp được khúc mắc của bạn. Tiếc là tôi không có nhiều hứng thú để tìm hiểu sâu về bộ phim này. Với tôi thì nó giống như là một trải nghiệm điện ảnh hơn là một câu chuyện hay.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Enemy’ – Kẻ thù trong mỗi chúng ta

Tiếp theo

‘The Grand Budapest Hotel’ – Thế giới sinh động của Wes Anderson

Latest from Điện ảnh