Placeholder Photo
/

‘Enemy’ – Kẻ thù trong mỗi chúng ta

Bắt đầu
9 phút đọc

‘Enemy’ – Kẻ thù trong mỗi chúng ta

Thành phố Toronto nằm uể oải trong lớp sương mù dày đặc, được phủ một màu vàng nâu tanh lạnh buồn bã, khiến ta khó thể nhận biết chính xác đang là ban mai hay đã vào xế chiều. Giữa lòng thành phố là một con nhện khổng lồ với những cái chân dài thượt, cao gấp rưỡi các toà nhà chọc trời xung quanh, cơ thể trôi bồng bềnh như đang tìm kiếm con mồi. Loài nhện liên tục được Denis Villeneuve sử dụng trong Enemy, như một ẩn dụ kỳ lạ về dục vọng loài người, là mắt xích quan trọng không thể thiếu, gắn kết tất cả sự kiện xảy ra trong bộ phim.

Bắt đầu bằng khung cảnh u ám đến rợn người của Toronto, Enemy xoay chuyển từ những hình ảnh bình thường đến lạ thường. Trong xe ô tô, một người đàn ông đang nghe lại tin nhắn điện thoại, phản chiếu qua tấm gương chiếu hậu là khuôn mặt đờ đẫn, vô hồn. Cảnh quay tiếp theo cố định vào người phụ nữ đang ngồi một mình trên giường như thể chờ đợi ai đó. Cơ thể nàng trần trụi để lộ bụng bầu đã lớn, ánh mắt nàng từ từ xoay chuyển hướng về phía ống kính. Màn hình đột ngột tắt ngóm, câu đề từ bất chợt hiện lên: “Chaos is order yet undeciphered” – lời trích dẫn từ cuốn tiểu thuyết The Double của José Saramago phát hành năm 2002.

Tiếp tục, ta gặp lại người đàn ông ban nãy, tay đang mân mê một chiếc chìa khoá, khẽ bước đi giữa một hàng lang nhuộm đầy ánh đèn vàng. Màu vàng cũng là tông màu chủ đạo mà Denis Villeneuve lựa chọn cho bộ phim của mình. Sắc màu đại diện cho nỗi ham muốn, lòng đố kỵ và cả sự phản bội, ám lên từng thước phim tạo cảm giác vừa bí ẩn vừa đáng sợ. Thay vì hâm nóng, Denis giảm nhiệt độ màu ở mức từ vừa phải đến nhạt hẳn, pha với xám và xanh, rồi lại tăng tương phản ở những cảnh tối, thể hiện tâm trạng rối loạn của nhân vật chính. Gã dùng chìa khoá, mở cửa bước vào một căn phòng đang lặng đi vì tiếng rên rỉ của phụ nữ.

Trong phòng đậm đặc không khí Eyes Wide Shut của Stanley Kubrick, nhưng ánh mắt bọn đàn ông lại đều “mở to”. Tất cả tập trung theo dõi một người phụ nữ đang nằm trần trụi giữa phòng, với những động tác kích thích dục vọng loài người. Cảnh quay kết thúc bằng một con nhện, từ từ bò ra khỏi chiếc đĩa bạc. Cần chú ý: nếu như con nhện đem lại khoái cảm cho những gã đàn ông thì người đàn bà lại dùng gót giày để tiêu diệt nó. “Quyền điều khiển. Tất cả đều phụ thuộc vào quyền điều khiển”, lời thoại tiếp theo của Adam đột ngột phá vỡ bầu không khí ngột ngạt trước đó và toàn bộ phần còn lại của Enemy bám sát vào câu nói này. Ai mới thực sự là người nắm quyền điều khiển trong bộ phim?

Dựa trên nội dung của The Double, kịch bản Enemy kể về Adam (Jake Gyllenhaal), một giáo viên lịch sử điển trai nhưng có cuộc sống hết sức buồn tẻ. Mỗi sáng, anh đón tàu điện đến trường, rao giảng về “quyền điều khiển”, hết giờ làm lại trở về ngồi một mình trong căn hộ. Sau đó, bạn gái anh sẽ ghé thăm. Họ hôn nhau, ăn tối rồi làm tình. Xong việc thì nàng bỏ về. Tất cả cứ lặp đi lặp lại cho đến một ngày Adam được đồng nghiệp giới thiệu về một bộ phim mang tên Where there’s a will there’s way. Và mọi thứ bắt đầu thay đổi.

Càng đi vào tìm hiểu, Adam phát hiện trong phim có một người giống hệt mình như hai giọt nước, từ giọng nói phát ra cho đến vết sẹo nằm ở trước ngực. Gã tên là Anthony, một nam diễn viên hạng ba chuyên đóng vai phụ trong các bộ phim hài. “Có lẽ chúng ta là anh em”, giả thiết của Anthony hẳn sẽ trùng với suy đoán của nhiều người. Song, mẹ của Adam khẳng định rằng không thể nào xảy ra chuyện đó trên đời. Sự việc chưa được làm sáng tỏ thì bỗng trở nên phức tạp hơn khi Anthony quyết định nắm “quyền điều khiển” cuộc sống buồn tẻ của Adam, mặc kệ việc mình đã có vợ và sắp sửa làm cha.

Hình ảnh con nhện ẩn hiện trong suốt bộ phim chính là chìa khoá để giải quyết những khúc mắc đặt ra đối với người xem. Ở đầu phim, Adam lặng lẽ ngằm nhìn con nhện một cách vừa căng thẳng vừa mệt mỏi. Nhưng khi người vũ nữ nhấc gót giày lên định giết nó, anh lại hết sức bình thản và có phần nhẹ nhõm. Loài nhện tượng trưng cho trí tưởng tượng lẫn dục vọng của Adam. Nó khiến anh vui sướng và thích thú, nhưng đồng thời cũng muốn chấm dứt và thoát khỏi nó. Cảnh chiếc ô tô đi lạc tay lái rồi lộn nhào trên đường hầm thể hiện sự đấu tranh dữ dội trong tâm trí Adam. Góc máy chao đảo, sau đó phóng vào khung cửa xe, đến khi chỉ còn những vết rạn nứt trên ô kính, hiện rõ một tấm lưới nhện đã bị đập nát.

Kịch bản phim vốn đã kiệm lời thoại, Denis Villeneuve lại chủ động cài cắm rất nhiều chi tiết vừa đánh bẫy lại vừa mách nước cho người xem. Những sợi dây diện giăng chằng chịt giữa bầu trời Toronto như một tấm mạng nhện phủ kín trên đầu Adam, vây bủa anh hàng ngày. Đến khi con nhện quay trở lại trong trạng thái khổng lồ, cũng là lúc tâm trí anh không thể nào kiểm soát được nó nữa. Song, Adam chưa hề tỏ ra sợ hãi với nó. Ở cuối phim, anh nhìn con nhện bằng một ánh mắt bất ngờ nhưng ở tư thế sẵn sàng đón nhận, sau đó thở dài như thể đang phải đối mặt với một “kẻ địch” cũ ở trước mặt.

Enemy là bộ phim đầu tiên Jake Gyllenhaal làm việc cùng đạo diễn Denis Villeneuve. Có thể nói anh đã hoàn thành xuất sắc cả hai vai diễn song song với hai tính cách rõ rệt khác nhau. Một Anthony tự tin đến kiêu ngạo và một Adam rụt rè, trầm tính. Thành công này đã dẫn đến lần cộng tác tiếp theo của cả hai trong Prisoners, dù Prisoners được công chiếu trước và nhiều người biết đến hơn. Nếu so sánh, thì Prisoners hướng đến khán giả đại chúng với dàn diễn viên ngôi sao, nội dung và chủ đề khá rõ ràng. Trong khi đó, Enemy lại là một tác phẩm độc lập kinh phí thấp, được chiếu giới hạn, hơi khó hiểu và không thích hợp cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, cũng như loài nhện ám ảnh Adam trong phim, Enemy chắc chắn sẽ bám vào tâm trí người xem trong suốt một thời gian dài.

* Tất nhiên, con nhện còn có thể biểu tượng cho một ý nghĩa khác. Nhưng ở đây, tôi đang cố gắng hạn chế tiết lộ “cú xoáy” kịch bản trong phim để không làm ảnh hưởng đến cảm giác của những người chưa xem phim.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

  1. Hay lắm!! Cám ơn bạn về những cảm nhận sâu sắc đến bộ film. Ko có những lời giả thích này có lẽ mình sẽ mãi ko hiểu đc nội dung thật sự về nó. Mình thật sự rất muốn biết hết về nội dung mà chắc còn nhiều điều bạn chưa nói ra hết, đặc biệt là ý nghĩa của con nhện. Sẽ thật tuyệt nếu bạn viết một bài phân tích từng chi tiết của bộ film hấp dẫn này.:) mình rất vui lòng đc đón chờ, cám ơn về bài viết.thân ái.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Ultraviolence’: Thế giới tàn bạo của Lana Del Rey

Tiếp theo

‘Under the Skin’ – Trải nghiệm kiếp người

Latest from Điện ảnh