‘Norman Fucking Rockwell!’ – album phòng thu thứ 6 của Lana Del Rey – cho thấy một hình ảnh mạnh mẽ, không phụ thuộc đàn ông.
Với Norman Fucking Rockwell!, Lana Del Rey đã rũ bỏ tất cả những hình tượng trước đó để trở về bản nguyên của chính mình: một Lana Del Rey bất cần, không ràng buộc, mạnh mẽ với những tuyên ngôn đậm chất nữ quyền, vụn vỡ khi hát về quá khứ, nhưng cũng trần đầy hy vọng khi nhìn về thực tại đau buồn.
Album trần trụi nhất của nàng Elizabeth Grant
Nếu phải tổng kết nền âm nhạc Anh-Mỹ trong suốt thập niên 2010s, Lana Del Rey chắc chắn sẽ là cái tên không thể thiếu trong bất kỳ một bài viết nào. Sự nghiệp trải dài một thập kỷ với sáu album cá nhân định hình nên phong cách hoài cổ tách biệt khỏi những trào lưu thịnh hành và một cá tính âm nhạc không trộn lẫn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Born to die (2013) – cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của nữ ca sĩ, vẫn trụ vững trên bảng xếp hạng Billboard Hot 200 và chưa hề có dấu hiệu bị soán ngôi. Những album sau đó tuy không thành công bằng về mặt thương mại nhưng đều cho thấy một tinh thần nghệ sĩ luôn không ngừng đổi mới.
Cứ mỗi album cô lại mạnh dạn cộng tác với những nhà sản xuất khác nhau, thử nghiệm những dòng nhạc khác nhau: từ hip-hop (Born To Die, 2012), rock (Ultraviolence, 2014), cho đến jazz (Honeymoon, 2015), hay thậm chí chĩa thẳng ngòi bút về phía chính trị (Lust For Life, 2017).
Thế nhưng, không phải nước cờ nào của Lana Del Rey cũng thực sự thành công. Nếu Honeymoon gần đạt đến độ hoàn hảo, Lust For Life lại là một bước thụt lùi, ngay cả khi nó là album dài hơi nhất (16 ca khúc), nhiều ca sĩ khách mời nhất, hay hiện thực chủ nghĩa nhất từ trước đến nay của cô. Sự thiếu thống nhất về mặt nội dung khiến cho Lust For Life trông như một tuyển tập dành tặng khán giả hâm mộ nhiều hơn là một album mang tính đột phá. Cú bắt tay với ngôi sao R&B của giới trẻ The Weeknd không mang lại hiệu ứng mạnh như lẽ ra phải có. Đôi lúc Lana Del Rey khiến ta tự vấn, phải chăng cô vẫn tạm hài lòng với phạm vi khán giả trung thành của mình, hay đang ấp ủ tham vọng muốn tấn công dòng chính một lần nữa?
Norman Fucking Rockwell! ra đời như để khắc phục những lỗi lầm mà Lust For Life mắc phải. Sau một loạt những hình tượng sầu nữ thất tình, “gái hư” vùi mình vào những bữa tiệc đêm, nàng Lolita đắm chìm trong vòng tay của những người đàn ông đứng tuổi, Norman Fucking Rockwell! đưa Lana Del Rey trở lại với những gì căn bản nhất: là chính mình.
Mười bốn ca khúc – phần lớn là ballad, phối khí đơn giản, không hợp thời; bài dài nhất có thời lượng gần mười phút (Venice Bitch), bài ngắn nhất lại là bản cover một sáng tác từ tận năm 1997 (Doin’ Time) – lột tả một hình ảnh hết sức trần trụi của nàng Elizabeth Grant (tên thật của nữ ca sĩ). Thay vì phục vụ khán giả hay chiều lòng giới phê bình, có không ít khoảnh khắc Lana Del Rey như đang độc thoại với bản thân. Cô lặng lẽ hát về quá khứ nghiện rượu, cảm giác về cái chết, hành trình đặt chân đến xứ California đầy nắng gió, và tất nhiên, cả những mối tình chẳng thể nào quên.
Tinh thần bất cần của từ F
“U ám”, “ủy mị”, hay “sến sẩm” là những lời nhận xét thường gặp về âm nhạc của Lana Del Rey. Đôi lúc đúng, đôi lúc không. Giai điệu hoài cổ và ca từ buồn bã khiến cho các ca khúc của cô thường bị chỉ trích rằng quá yếu đuối. Thậm chí nữ ca sĩ Lorde từng gây tranh cãi khi thẳng thừng dùng từ “không lành mạnh” để đánh giá về đồng nghiệp.
Thực tế, Lana Del Rey – người vẫn luôn được nhắc đến như một biểu tượng mới của giấc mơ Mỹ – đã có rất nhiều sáng tác mang đậm tính tuyên ngôn về sự tự do. Những This is what makes us girl, Ride, Swan song, High by the beach hay Get Free đều thể hiện tinh thần bất cần, vô lo, không ràng buộc, mặc kệ đời. Chẳng vì thế mà cô từng tuyên bố: khi thế giới tranh chiến, chúng ta cứ việc nhảy nhót.
Sự phóng khoáng ấy tiếp tục được phác họa rõ nét hơn trong Norman Fucking Rockwell! Để tạo nhan đề cho album mới, Lana Del Rey cố tình đặt chữ “fucking” vào giữa tên của danh họa nổi tiếng nước Mỹ như một lời giễu nhại! Ban đầu cô định gọi nó là Bird World – một cái tên rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu hơn về mặt ngữ nghĩa, nhưng không tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như lựa chọn cuối cùng. Để giải thích cho sự thay đổi ở phút chót này, nữ ca sĩ chia sẻ: “Với tôi, nó tràn đầy hy vọng, để nhìn mọi thứ vui vẻ hơn một chút.” Vì lẽ đó, Lana Del Rey không hề có ý định đả kích chính trị một cách trực diện như Lust For Life. Trái lại, Norman Fucking Rockwell! vẽ nên một hình ảnh tươi sáng, đẹp đẽ hơn hẳn so với một nước Mỹ đen tối, đang đứng bên bờ vực thẳm trong album trước đó.
Vì là phương án B nên các sáng tác trong Norman Fucking Rockwell! không hoàn toàn đi đúng với khung ý tưởng này. Nhà sản xuất chủ đạo của album là Jack Antonoff – cái tên đang được lòng giới phê bình sau thành công vang dội của 1989 (Taylor Swift) và Melodrama (Lorde). Hành trình nhào nặn album ngót nghét gần hai năm kể từ sau khi Lust For Life ra đời và có không ít sự thay đổi trong suốt quá trình thực hiện. Nếu nghe qua một lượt thì vẫn thấy rằng Lana Del Rey dành gần hết thời lượng của album để hát về tình yêu tan vỡ. Hai sáng tác thể hiện rõ nhất chủ đề mà tên gọi album hướng đến là Fuck it I love you và The Greatest. Thế nên không hề khó hiểu khi Lana Del Rey quyết định làm một video ca nhạc chung dành cho cả hai, càng không hề khó hiểu khi Fuck it I love you là ca khúc cuối cùng được đưa vào album, như một cách để “chữa cháy”.
Đáng mừng đây lại là hai ca khúc xuất sắc trong album và Jack Antonoff vẫn có cách để khiến chúng trở nên nổi bật. Fuck it I love you với cấu trúc khá phức tạp, chia làm ba phần với sắc thái khác nhau, được phối theo phong cách lo-fi kết hợp với một chút psychedelic rock – có thể hình dung như là một phiên bản dung dị hơn của Ultraviolence. Bài hát bắt đầu nhẹ nhàng bằng lời tự thú của một người đang mắc kẹt giữa vòng lặp của cuộc đời: hàng đêm làm bạn với cồn cho đến sáng, lối sống buông thả khiến cô như đang chết mòn.
Nhịp điệu bắt đầu tăng dần và nữ ca sĩ chuyển sang đọc rap: cô dọn đến Cali nhưng dường như mọi thứ chẳng hề thay đổi. “Chỉ là tâm trạng nhất thời mà thôi!”, cô hát. Khéo léo sử dụng tên bài hát nổi tiếng của Doris Day làm phần điệp khúc – Dream a little dream of me, Lana thực sự đã biến sáng tác của mình thành “một điều gì đó ngọt ngào”, để rồi đột ngột kết thúc tất cả giấc mơ ấy bằng một câu hát bỏ mặc tất cả: “Fuck it I love you!”
Đến The Greatest, Lana Del Rey mượn những xúc cảm cá nhân để đề cập đến một vấn đề phổ quát hơn: cô so sánh cuộc tình đã xa với nước Mỹ một thời quá vãng – với cô tất cả đều là những “mất mát lớn”. Bài hát nối dài bằng một chuỗi hoài nhớ: cô nhớ Long Beach và nhóm The Beach Boys, nhớ New York và những giai điệu rock and roll xưa cũ. Những hồi ức đẹp đẽ hoàn toàn trái ngược với thực tại: L.A. chìm trong biển lửa còn tóc của Kanye West thì cũng đã nhuộm vàng!
Trên tất cả, cô nhớ người yêu và nguyện cầu cho anh ở lại với mình. “Nhưng nào có ai cảnh báo trước khi ta gục ngã”, nữ ca sĩ thú nhận trong muộn màng. Đáng ngạc nhiên là ca khúc viết về sự đỗ vỡ nhưng chẳng hề đau thương. Jack Antonoff chủ động dùng guitar và trống theo đúng phong cách classic-rock để đẩy bài hát lên cao trào, còn Lana Del Rey thì hồ hởi rút ra giải pháp cho bản thân: “Nếu thực sự là vậy, thì tôi cứ việc tận hưởng thôi!”
Ngòi bút nữ quyền của nàng thơ
xứ California
Sinh ra và lớn lên ở New York, nhưng sự nghiệp của Lana Del Rey chỉ thực sự lên như diều gặp gió kể từ khi chuyển đến Los Angeles vào năm 2012. Thế nên, Norman Fucking Rockwell! như một lời tri ân đặc biệt mà nữ ca sĩ dành tặng cho vùng biển Tây Mỹ nơi cô đang sinh sống. Các sáng tác trong album tiếp tục chứng minh Lana Del Rey là một trong những nữ nhạc sĩ xuất sắc nhất của thế hệ. Tự nhận mình là “Venice Bitch”, cô khẽ đưa người nghe dạo quanh một vòng xứ Cali bằng âm nhạc, từ Long Beach cho đến Mabilu, từ Laurel Canyon cho đến Santa Ana. Cứ thế, nước Mỹ tuy không xuất hiện trực tiếp nhưng liên tục ẩn hiện trong từng câu chữ do cô viết. Những đại lộ trải dài ở Holywood, bãi biển ngập tràn nắng vàng, những bữa tiệc thâu đêm suốt sáng, mùa hạ, hương quế – vốn là chuỗi hình ảnh quen thuộc được Lana Del Rey sử dụng lặp đi lặp lại từ trước đến nay, tạo nên một không gian âm nhạc đậm đặc tính điện ảnh và đôi chút liên kết về mặt nội dung.
Lana Del Rey vẫn duy trì “trò chơi tham chiếu” ưa thích của mình khi liên tục trích dẫn hàng loạt biểu tượng văn hóa nổi tiếng của thập niên cũ: âm nhạc của Crosby, Stills và Nash, nhóm The Eagles hay Joni Mitchell lần lượt được nhắc đến dù là trực tiếp hay gián tiếp. “Thỉnh thoảng, các cô nàng chỉ muốn vui vẻ thôi mà!” – lời cô viết trong Bartender cũng là tên một bài hát của Cyndi Lauper (Girls Just Want to Have Fun). Và quả thực, những khoảnh khắc hay nhất trong Norman Fucking Rockwell! là khi cô vui đùa với âm nhạc. Phần lời của album khai thác một hình ảnh hoàn toàn khác so với những định kiến trước đó về Lana Del Rey: mạnh mẽ hơn, chủ động hơn, quyết đoán hơn. Trong ca khúc chủ đề mở màn, cô thẳng thừng chỉ trích người yêu: cao hơn mét tám nhưng cư xử chẳng khác gì một đứa trẻ! Đến Mariners Apartment Complex, cô sẵn sàng trở thành người đàn ông trong cuộc tình: “Khi anh lạc lối, chỉ cần nắm lấy tay em. Nếu anh mất tích giữa biển khơi, em sẽ lệnh cho tàu anh trở về bên mình”.
Cũng có lúc Jack Antonoff như muốn “vui đùa” cùng với Lana Del Rey. Anh trải dài Venice Bitch trong thời lượng gần mười phút như thể thách thức bất kỳ người nghe nào. Bài hát mở đầu biếng lười như một ngày hè mệt nhoài với folk, sau đó dần chuyển hóa thành một vòng lặp không lối thoát với psychedelic, đưa nữ ca sĩ trở về đúng với địa hạt của mình: dream pop. Bản cover Doin’ Time cũng là một điểm sáng của Norman Fucking Rockwell!, dù phần nhạc upbeat hoàn toàn lạc lõng giữa một loạt ca khúc ballad chậm rãi còn lại trong album. Nếu không nhắc đến chủ sở hữu là nhóm Sublime, hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một sáng tác của Lana Del Rey, vì nó chứa đựng đầy đủ những đặc trưng về phong cách của cô: từ phần nhạc trip-hop cho đến phần lời hoài cổ, gợi nhớ về một thời quá khứ khi mà “cuộc sống còn dễ dàng”.
Một kiệt tác còn dang dở
Xét về mặt âm nhạc, Norman Fucking Rockwell! dung dị hơn hẳn những album trước đó của Lana Del Rey – thường bị phê bình về việc sản xuất quá tay (Born To Die, Ultraviolence). Phần lớn các ca khúc đều được phối theo phong cách folk và classic rock thập niên 70, đơn giản chỉ sử dụng guitar hoặc piano làm chủ đạo, gợi nhớ đến những sáng tác của Elton John hay John Lennon. Nhà sản xuất đã cố tình dành rất nhiều khoảng trống để chất giọng của nữ ca sĩ trở thành điểm nhấn chính cho cả album.
Ở những phút xuất sắc nhất, bộ đôi Jack Antonoff và Lana Del Rey dễ dàng tạo ra những bản instant classic – ngay khi ra đời lập tức đã thành kinh điển (Mariners Apartment Complex, Happiness Is A Butterfly). Nhưng khi mà Lana Del Rey bắt đầu chiêu đãi người nghe bằng những ca khúc thuần ballad vốn là “đặc sản” của mình (Love Song, Cinnamon Girl, California), cũng là lúc công thức sản xuất của Jack Antonoff bắt đầu mất dần hiệu quả và trở nên nhàm chán.
Suýt chút nữa thì Norman Fucking Rockwell! đã đạt được tham vọng trở thành “bản thu âm tiếp theo hay nhất nước Mỹ”, nếu bỏ qua được những “điểm rơi” không đáng có. Với thời lượng hơn một tiếng đồng hồ, để nghe hết một lượt nửa cuối của album là trải nghiệm không hề dễ dàng. Album sẽ hoàn hảo nếu nhà sản xuất mạnh dạn cắt giảm một vài ca khúc, hoặc chọn một cách xử lý gai góc hơn thay vì để nữ ca sĩ vùng vẫy trong vùng an toàn của mình. Có lẽ đây cũng là một quyết định mang tính bất chấp của Lana Del Rey. Ngay cả ở những khoảnh khắc cuối cùng, cô vẫn tiếp tục dùng một ca khúc đậm chất tự sự để khép lại cả album. Bài hát có tên gốc là Sylvia Plath, nhưng cô bất chấp đổi thành một cái tên rất dài Hope is a dangerous thing for a woman like me to have – but i have it. Đó cũng là giây phút hiếm hoi mà Lana Del Rey tự nhận mình là đàn bà. Và may mắn thay, lần này cô không hề khóc!
Đánh giá: ***1/2 (3.5/5)
* Đọc thêm các bài viết về Lana Del Rey tại đây.