'Roma', hay là Mexico một thời quá vãng
'Roma', hay là Mexico một thời quá vãng
/

‘Roma’, hay là Mexico một thời quá vãng

Bắt đầu
30 phút đọc

Bộ phim ‘Roma’ của Alfonso Cuarón được xây dựng từ những ký ức tuổi ấu thơ, đồng thời vẽ nên một đất nước Mexico nhiều biến động của quá khứ.

*Bài viết ít nhiều tiết lộ trước nội dung của bộ phim. Cân nhắc trước khi đọc.


Từ những hồi ức rất riêng tư về thời thơ ấu, Alfonso Cuarón đã mạnh dạn nói lên những vấn đề còn “to lớn hơn cả cuộc đời.” Roma là một tác phẩm điện ảnh hoàn mỹ cả về nội dung lẫn hình thức, và không gì hơn để nhận xét ngoài hai chữ: tuyệt tác!

Kịch bản tối giản nhưng đa nghĩa

Roma, nếu được viết ngược lại sẽ thành “amor”, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là “love”, chuyển về tiếng Việt nghĩa là “yêu thương”.

Roma, còn là tên một quận nổi tiếng của thủ phủ Mexico, nơi lưu trữ hàng loạt những chấn thương từ lịch sử, cũng là mảnh đất chứa đựng những ký ức tuổi thơ của đạo diễn lừng danh nước Mễ Alfonso Cuarón.

Roma, được Cuarón lấy làm nhan đề cho tác phẩm mới nhất của mình – bộ phim nói tiếng Mexico đầu tiên đánh dấu sự trở lại quê hương của đạo diễn sau gần hai thập kỷ tung hoành ở kinh đô điện ảnh Hollywood, cũng là bộ phim mang dấu ấn cá nhân nhất từ trước đến nay của ông.

Roma là tác phẩm mang nhiều dấu ấn cá nhân nhất của Alfonso Cuarón
Roma là tác phẩm mang nhiều dấu ấn cá nhân nhất của Alfonso Cuarón

Roma, đúng như cái cách chơi chữ ngay từ tên gọi, là sự kết hợp hài hòa của phần kịch bản cực kỳ tiết chế về mặt nội dung: tuân thủ tiêu chí “ít là nhiều” (less is more) một cách tuyệt đối, lẫn phần hình ảnh vô cùng phức hợp về mặt chi tiết: cầu kỳ bày biện mang nặng tính sắp đặt nhưng vẫn đảm bảo sự tự nhiên; thoạt nghe tưởng chừng tương phản như hai mảng màu đen trắng của bộ phim, nhưng kết quả lại hòa quyện một cách quyến rũ và đầy mê đắm.

Ý tưởng để Alfonso Cuarón khởi sự thực hiện Roma của có nét tương đồng với cách mà Anthony Chen từng tạo nên Ilo Ilo (2013) – bộ phim Singapore từng gây tiếng vang lớn khi thắng giải Caméra d’Or tại LHP Cannes năm 2013. Ilo Ilo lấy bối cảnh Singapore năm 1997 khi đất nước này đang điêu đứng vì rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng, trong khi câu chuyện của Roma lại diễn ra sớm hơn vào những năm đầu thập niên 1970 ở Mexico (1970-1971).

Đáng chú ý, cả hai bộ phim đều dựa trên những mảng ký ức rất riêng tư của đạo diễn về tuổi thơ gắn liền với một người hầu gái. Cleo, nhân vật chính của Roma, được Cuarón xây dựng dựa trên một người phụ nữ có thật tên là Libo Rodríguez, vốn là cô hầu gái của gia đình ông, người mà ông thân thương đề tặng ở cuối phim.

Sóng, nếu Anthony Chen tập trung khai thác triệt để mối quan hệ giữa cô hầu – cậu chủ để tạo mạch cảm xúc, thì Alfonso Cuarón tỏ ra tham vọng (lẫn cao tay) hơn khi đề cập đến nhiều vấn đề mang tính nhân bản (nên nhớ, ông đặt tên phim là Roma thay vì Cleo): ông tạo dựng những rào chắn tách biệt về giai cấp, lột tả những ảnh hưởng chính trị dẫn đến sự xô xệch trong nhận thức của một thế hệ trẻ, tái hiện một xã hội thiếu vắng hình bóng đàn ông khiến cho những người phụ nữ không còn cách nào khác phải tự đứng dậy để mà quyết định thời vận cuộc đời.

Những rào chắn tách biệt về giai cấp 

Roma bắt đầu bằng cảnh Cleo (Yalitza Aparicio) đang làm công việc hàng ngày của mình: xả nước chùi hành lang vốn là chỗ đậu xe hơi của ông bà chủ. Ống kính máy quay sau đó theo chân cô hầu gái thu dọn quần áo để đem đi giặt, sắp xếp lại chăn gối cho ngăn nắp, đồng thời lướt qua để người xem thấy được một cái nhìn toàn cảnh về gia đình mà cô đang phục vụ.

Bên trong là thiết kế nội thất gần như hoàn hảo với đầy rẫy bàn ghế, tranh ảnh, đèn đóm; từng cuốn sách bìa cứng xếp ngăn nắp trong những chiếc tủ gắn kính bóng loáng, những tấm hình gia đình đặt ngay ngắn trên kệ gỗ tạo sự ấm áp, ít đồ chơi trẻ con nằm lăn lóc dưới sàn nhà cạnh ghế sô pha ở tầng trên.

Bên ngoài là hàng loạt những chiếc xe hơi đậu khẽ khàng dưới bóng mát những tán cây hai bên đường, trong một con phố vắng vẻ, yên tĩnh, sạch sẽ đến mức kinh ngạc nhưng cũng dễ hiểu vì có một cô hầu nhà bên đang mải mê quét rác.

Roma đặt bối cảnh chính trong căn nhà của Sofia và Antonio nơi Cleo làm thuê.
Roma đặt bối cảnh chính trong căn nhà của Sofia và Antonio nơi Cleo làm thuê.

Đó là ngôi nhà trong mơ của hai vợ chồng Sofia (Marina de Tavira) và Antonio (Fernando Grediaga). Mức lương dư giả từ nghề bác sĩ của anh chồng đủ sức để cho cô vợ ở nhà làm nội trợ và nuôi dạy bốn đứa con (ba trai một gái, đứa bé nhất không dưới sáu tuổi còn đứa lớn nhất chưa quá mười hai) cùng bà mẹ vợ lớn tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Tất cả mọi thành viên trong gia đình Sofia đều chỉ có tên mà không có họ, bởi gia đình này gần như là tiêu biểu cho bất kỳ gia đình trung lưu nào ở Mexico thời kỳ ấy: ai cũng có đủ khả năng để tậu ít nhất một chiếc ô tô và nuôi ít nhất là một cô đầy tớ ở trong nhà (chưa kể con chó).

Ngoài Cleo, nhà Sofia còn có một cô hầu khác nữa tên là Adela (Nancy García). Hàng ngày, hai cô thay ông bà chủ làm những việc lặt vặt ở nhà. So với Adela, Cleo gần gũi với những đứa trẻ hơn – cô đón chúng đi học về, ru chúng vào giấc ngủ mỗi tối, dỗ dành khi thức dậy mỗi sáng, chăm chút đến tận từng bữa ăn – nhưng điều đó cũng chẳng giúp cô thoát khỏi thân phận nô bộc của mình.

Bằng chứng là Cleo vẫn bị Sofia mắng xối xả vì chưa kịp dọn phân chó ngoài hiên vào buổi sáng, hay bị bà chủ tìm cách đuổi khéo khi đang say sưa xem tivi với bọn trẻ trong nhà vào buổi tối. Khi thời khắc năm mới đến, gia đình bà chủ vui vẻ nô đùa, chuyện trò cùng bạn bè và người thân trong căn phòng sang trọng với sàn nhà lót gỗ, ấm cúng với lò sưởi bập bùng, rực rỡ với ánh đèn lấp lánh của cây thông Giáng sinh và đủ thử quà. Còn Cleo thì lặng lẽ chui xuống tầng hầm để về với đúng vị trí của mình trong xã hội, nơi những người làm thuê ở mướn như cô tụ tập để nhảy nhót, thưởng thức món rượu rẻ tiền. Những thân phận con người mong manh như cái cốc nước vừa khẽ rơi xuống đã vỡ tan tành.

Cả Cleo lẫn Adela đều bị Alfonso Cuarón tước bỏ hoàn toàn lai lịch. Không ai biết cha mẹ các cô là ai. Không ai biết các cô đến từ đâu, ngoại trừ manh mối là một vùng quê nghèo đâu đó ở Mexico. Đúng hơn, chẳng có ai thèm quan tâm đến những điều đó.

Ban ngày, hai cô giúp việc phải ăn ở sau bếp tách biệt với gia đình bà chủ cho đúng thân đúng phận. Ban đêm, hai cô tắt đèn thổi nến lặng lẽ tập thể dục để không bị bà chủ la rầy vì lãng phí điện.

Cleo được xây dựng dựa trên một người phụ nữ có thật tên là Libo Rodríguez, vốn là cô hầu gái của gia đình ông.
Cleo được xây dựng dựa trên một người phụ nữ có thật tên là Libo Rodríguez, vốn là cô hầu gái của gia đình ông.

Bốn bức tường của ngôi nhà Sofia chẳng khác gì một cái nhà tù thu nhỏ dành cho những người như Cleo và Adela, mà cai ngục có khi lại chính là con chó ngu dốt. Trong cái lồng lớn ấy, Cleo và Adela lại còn bị nhốt trong những cái lồng nhỏ: cả hai chỉ có thể thoải mái chuyện trò trong căn bếp vắng bóng bà chủ, hoặc khi tắt đèn rúc mình vào căn phòng bé xíu vốn là nơi ủi đồ và xếp quần áo.

Một xã hội mang nặng chế độ mẫu hệ

Những tưởng gia đình Sofia là một hình mẫu đạt đến tiệm cận của sự hoàn hảo thì không, luôn có một mảnh ghép bị khuyết trong bức chân dung đại gia đình: người bố xuất hiện chưa đến một phần mười thời lượng trong phim và gần như hoàn toàn vắng mặt trong nhà.

Mỉa mai thay, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, hình ảnh người đàn ông vốn vẫn được xem là trụ cột gia đình lại được tái hiện một cách hết sức mờ nhạt.

Ấn tượng duy nhất còn đọng lại trong trí nhớ của những đứa trẻ trước sự trở về của người cha sau những chuyến công tác dài hạn ở phương xa đơn giản chỉ là sự hào nhoáng đến từ chiếc xế hộp của ông – một chiếc Ford Galaxie động cơ V8 thuộc hàng sang trọng bậc nhất được bày bán trong những thập niên 60, 70.

Trái ngược với sự điềm tĩnh của Antonio khi tìm cách đỗ xe vào bãi một cách chuẩn xác, là cái vẻ vội vàng, hấp tấp của ông khi rời bỏ gia đình vào một buổi sớm mai, với lý do quen thuộc là một cuộc hội thảo dành cho công việc nhưng không khó để nhận ra đó chỉ là một lời nói dối đầu môi.

Những người đàn ông ở ngoài xã hội cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Đại diện tiêu biểu chính là Fermín (Jorge Antonio Guerrero), người mà Cleo đem lòng thương mến và sẵn sàng trao thân. Đáng tiếc, ẩn sâu bên trong thân hình vạm vỡ và gương mặt trải đời của Fermín lại là tâm hồn mong manh, dễ bị lôi kéo của một cậu bé chưa muốn trưởng thành.

Nếu Antonio biến mất trong sự hờ hững của người xem thì mỗi lần Fermín xuất hiện lại là một sự giận dữ dâng trào.

Sau một quãng đường dài lặn lội đi tìm người yêu, đáp lại những gì Cleo nhận được chỉ là những lời mắng rủa, thậm chí còn bị Fermín cầm gậy xua đuổi như một thứ tà ma ngăn cản bước đường chính trị của mình. Cảnh quay đạt đến đỉnh điểm của sự phẫn nộ là khi Cleo bất lực nhìn người cô yêu chĩa súng vào bụng mình, nơi cô đang mang nặng cốt nhục của chính hắn.

Hình ảnh người cha Antonio vốn vẫn được xem là trụ cột gia đình được tái hiện một cách hết sức mờ nhạt trong phim.
Hình ảnh người cha Antonio vốn vẫn được xem là trụ cột gia đình được tái hiện một cách hết sức mờ nhạt trong phim.

Có thể xem những người đàn ông trong Roma là những bức tranh minh họa xấu xí dành cho chủ nghĩa phủ nhận: trước những bộn bề của cuộc sống, họ sẵn sàng khước từ những yếu tố cốt lõi của một gia đình, bất kể chỉ mới là mầm mống hay đã ra cây kết quả.

Giữa tình thế lưỡng nan đó, những người phụ nữ trong phim không còn cách nào khác phải học cách để chấp nhận số phận. “Phụ nữ chúng ta bao giờ cũng chỉ một mình” (We women are always alone). Đó là bài học mà bà chủ Sofia nhắn nhủ với cô giúp việc Cleo ngay sau khi trở về nhà trong tình trạng say khướt, phần nào đoán biết rằng đời mình sắp sửa rẽ sang một trang mới. Đó cũng là lý do tại sao trên bàn ăn của nhà Sofia chỉ có bà ngoại chứ không có ông ngoại.

Thực tế, cuộc sống của Sofia vốn dĩ không có quá nhiều đổi thay dù có hay không có chồng ở bên cạnh. Cái tát mà Sofia dành cho đứa con trai một mặt cho thấy sự bất lực, mặt khác chứng tỏ rằng bà luôn là người duy nhất phải đứng ra quán xuyến tất cả mọi việc trong gia đình. Kể cả Cleo cũng vậy. Có hay không có đàn ông, cô vẫn phải lầm lũi vác cái bụng đầu đến bệnh viện để đẻ.

Song, Sofia trải đời hơn Cleo, nên thay vì khóc lóc ủ rũ, bà khẽ nhún vai cười khẩy, lấy tiền của chồng đi sắm xe mới và dẫn các con đi tắm biển để xả stress. Số phận của những người phụ nữ trong phim giống hệt như một cảnh quay khi Sofia cố gắng chen vào giữa hai chiếc xe tải để chở Cleo đi bệnh viện: khi mà những người đàn ông xung quanh không làm gì cả, họ buộc phải tự tìm cách lách mình để tiến về phía trước.

Những thương chấn lịch sử
còn tồn đọng

Alfonso Cuarón nhẹ nhàng đẩy đưa những chuỗi kỷ niệm ngọt ngào xen lẫn bùi ngùi về Cleo cuốn theo dòng chảy lịch sử biến động của đất nước Mexico. Ở lớp lang thứ ba này, sẽ rất khó cho khán giả ngoại quốc đánh giá một cách đúng đắn nếu chỉ nhìn nhận về bộ phim bằng nhãn quan của một người ngoài cuộc.

Với xuất phát điểm là một bộ phim gia đình thuần túy, từ nửa sau Cuarón bắt đầu chuyển hướng máy quay ra khỏi phạm vi ngôi nhà của Sofia để người xem được chứng kiến thế giới bên ngoài đầy rẫy những xung đột.

Trên đường, những chiếc loa phát thanh đang cất vang khẩu hiệu của Luis Echeverría – vị tổng thống thứ 50 của Mexico (nhiệm kỳ 1970-1976), vốn vẫn là một nhân chứng sống của lịch sử cho đến tận ngày hôm nay – kêu gọi mọi người đoàn kết thống nhất.

Trên tường, người ta treo đầy biểu ngữ của Carlos Hank González – một chính trị gia tai tiếng từng là Thống đốc của thủ phủ Mexico, người đã thành lập một nhóm chính trị “cai trị” người Mễ trong suốt một thời gian dài mà thậm chí vị cựu tổng thống gần đây nhất Enrique Peña Nieto (nhiệm kỳ 2012-2018) cũng là một thành viên.

roma 4

Một sự kiện có thật và cũng là tiêu điểm cho mọi cao trào trong Roma chính là vụ thảm sát Corpus Christi xảy ra vào ngày 10/06/1971 – một cuộc chiến tàn bạo giữa chính quyền cảnh sát và sinh viên biểu tình, kết quả khiến cho gần 120 người thiệt mạng.

Song, Corpus Christi không phải là nỗi đau duy nhất của người dân Mexico. Trước đó, một cuộc thảm sát tương tự đã diễn ra ở quảng trường Tlatelolco vào ngày 02/10/1968, đúng mười ngày trước khi diễn ra Thế vận hội mùa hè 1968, ngay trong nhiệm kỳ của tổng thống Gustavo Díaz Ordaz (1964-1970).

Chính cái cách mà  Echeverría xử lý cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến những hệ lụy không đáng có sau đó: ông ta tìm cách đổ lỗi cho người tiền nhiệm Ordaz đồng thời lấp liếm vai trò của chính phủ trong cả hai sự kiện. Đến tận những năm 2005-2006, cựu tổng thống Luis Echeverría vẫn còn bị truy cứu về những tội danh liên quan đến hai vụ thảm sát năm 1968 và 1971.

Đúng như lời tự nhận xét của Alfonso Cuarón: “Bộ phim này là một cái nhìn về quá khứ từ những góc nhìn, những lăng kính của hiện tại, từ những hiểu biết của tôi ngày hôm nay.”

Đất nước Mexico dưới sự lãnh đạo của cả một đế chế từ Ordaz, Echeverría, cho đến tận ngày nay là Nieto đã trở thành một trong những nước bê bối về tham nhũng, đối mặt với hàng loạt những vấn đề khó khăn như sự bất bình đẳng trong thu nhập, nghèo đói và tình trạng bạo lực, buôn bán ma túy tại nhiều nơi.

Trước những diễn biến tiêu cực đó, lý do khiến cho Roma trở nên đau buồn không phải chỉ vì nó gợi lại một hồi ức xưa cũ đã qua – như cách mà đội ngũ quảng bá phim luồn lái, hay rất nhiều bài đánh giá phim bị nhầm lẫn; mà nó cho người xem thấy rằng sau gần năm thập kỷ, đất nước Mexico gần như chẳng hề thay đổi, thậm chí còn ngày càng tồi tệ hơn.

Tính đến tháng 07/2018, đã có hơn 130 chính trị gia ở Mexico bị sát hại ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống – con số lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử tranh cử của đất nước này.

Tân tổng thống của Mexico, Andrés Manuel López Obrador (thường được nhắc đến với biệt danh AMLO), gần như là một tia hy vọng mới dành cho người Mễ.

Roma lột tả một thời quá khứ đau thương của đất nước Mexico.
Roma lột tả một thời quá khứ đau thương của đất nước Mexico.

Ông là vị tổng thống cánh tả đầu tiên trong vòng bảy thập kỷ trở lại đây, vừa nhậm chức vào cuối tháng 12 năm ngoái đã lập tức tuyên bố sẽ quyết tâm dẹp bỏ vấn nạn tham nhũng, tạo nên “Cuộc chuyển mình lần thứ tư” (The Fourth Transformation), sau ba lần trước đó lần lượt là: Sự kiện giành độc lập từ Tây Ban Nha những năm 1810-1821, Cuộc nội chiến những năm 1857-1860, và Cuộc cách mạng những năm 1910-1917.

Song, Roma không phải là một bộ phim phản chính trị, lại càng không phải là phim phản Echeverría. Xuyên suốt thời lượng 135 phút của bộ phim Alfonso Cuarón không hề đưa ra một minh chứng cụ thể nào cho thấy tội ác của cựu tổng thống. Trái lại, cái kết mang tính biểu tượng của bộ phim có thể hiểu như một góc nhìn đầy tích cực mà Cuarón dành cho đất nước – một hình ảnh chan chứa niềm tin và hy vọng dành cho vị tân tổng thống, trước thềm Mexico sắp sửa bước sang một thiên niên kỷ mới trong lịch sử.

Kỹ thuật kể chuyện bậc thầy

Trong một bộ phim có nhiều biến động, điều duy nhất không bất ngờ của Roma lại chính là sức hấp dẫn về mặt thị giác đã trở thành yếu tố cốt lõi làm nên tên tuổi của Alfonso Cuarón. Nói không ngoa, đây chính xác là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp làm phim trải dài ba thập kỷ của vị đạo diễn sinh năm 1961 này.

Câu chuyện về tuổi thơ gắn liền với Libo – được xem như là người mẹ thứ hai của đạo diễn – đã thôi thúc Cuarón thực hiện cuốn phim mang dáng dấp tự truyện cuộc đời cách đây tận hơn mười năm, nhưng ông chỉ thực sự quyết liệt với dự án trong vòng ba năm trở lại đây.

Táo bạo hơn, Cuarón còn chủ động tự mình đảm nhận tất cả các khâu quan trọng khác, từ phần kịch bản, biên tập, sản xuất cho đến cả quay phim. Một tác phẩm đúng nghĩa để đời.

Công đoạn tuyển chọn diễn viên khá tốn kém về mặt thời gian. Để chọn mặt gửi vàng cho vai diễn Cleo, nam đạo diễn đã phải lùng sục trong hơn hàng ngàn người phụ nữ ở khắp mọi miền quê mới có thể tìm thấy Yalitza Aparicio, vốn là một giáo viên chưa từng có kinh nghiệm diễn xuất.

Alfonso Cuarón phải lùng sục trong hàng ngàn người phụ nữ khắp mọi miền quê mới tìm ra nữ chính Yalitza Aparicio.
Alfonso Cuarón phải lùng sục trong hàng ngàn người phụ nữ khắp mọi miền quê mới tìm ra nữ chính Yalitza Aparicio.

Cách thức Cuarón xử lý trang giấy trắng mang tên Aparicio cũng khá mạo hiểm. Các diễn viên không hề biết trước diễn biến câu chuyện để tập duyệt, mà mỗi ngày đạo diễn sẽ đưa một phần nhỏ kịch bản để bắt đầu quay – gợi nhớ với cách thức làm phim nổi tiếng của Hong Sang-soo.

Bù lại, Cuarón cắt tỉa triệt để phần lời thoại của diễn viên để tận dụng tối đa ngôn ngữ hình ảnh của bản thân. Lựa chọn này hóa ra lại phù hợp với hình tượng một Cleo cam chịu, gần như ít bộc lộc cảm xúc bản thân mà chỉ lặng lẽ ngắm nhìn đời trôi như chiếc máy bay ở trên đầu.

Tương phản với phần kịch bản kiệm lời thoại – chắc chỉ độ trên dưới mười trang – là phần hình ảnh giàu chi tiết, thậm chí quá nhiều chi tiết đến mức khán giả khó thể tiếp nhận đầy đủ nếu chỉ thông qua một lần xem phim duy nhất.

Song, không thể chối cãi những ấn tượng mạnh mẽ về phần nhìn với hàng loạt khung hình đẹp đến nao lòng với từng chuyển động hết sức mượt mà, uyển chuyến, bất chấp việc đạo diễn chỉ sử dụng hai tông màu đen trắng cơ bản. Phong cách đặc trưng của Alfonso Cuarón còn gắn liền với những cú máy dài chỉ quay một lần duy nhất (long take).

Bạn hãy thử vào google để tìm kiếm những cú máy dài xuất sắc nhất trong điện ảnh, nếu kết quả bạn có được không liệt kê Children Of Men (với cảnh chiến trường bạo liệt) hay Gravity (với 13 phút mở màn đắt giá), thì ngay lập tức hãy xóa bỏ trang web ấy khỏi trí nhớ.

Những hình ảnh mang tính
biểu tượng

Tương tự, có rất nhiều cảnh quay đáng nhớ trong Roma, nhưng cảnh quay đáng nhớ nhất vẫn là một cú máy dài, bối cảnh là một bãi biển đầy nắng và gió.

Đó là khoảnh khắc duy nhất trong phim Cleo thực sự hành động, sau nhiều lần đứng lặng người chịu đựng những gồng gánh xã hội đè nặng trên vai. Không có bà chủ bên cạnh, cô tự biến mình thành một nữ anh hùng, sẵn sàng lao về phía những con sóng dữ để kéo bọn trẻ – vốn không phải do cô sinh ra nhưng chẳng khác nào ruột thịt – trở về bờ một cách an toàn.

Đó cũng là khoảnh khắc duy nhất Cleo thực sự bật khóc, sau rất nhiều giọt nước mắt chảy ngược vào lòng mà không được tái hiện trên màn ảnh. Bởi nữ anh hùng ấy dù dũng cảm đến mấy, cũng chẳng thể nào cứu vớt đứa con tội nghiệp mà mình đã cưu mang suốt chín tháng mười ngày.

Rất nhanh sau đó, tất cả bọn họ – không hề phân biệt tuổi tác, địa vị, chủng tộc hay màu da – đồng loạt ôm chầm lấy nhau tạo thành một thể thống nhất.

“Chúng ta là một gia đình”, tất nhiên đạo diễn đã không sử dụng câu thoại ấy, nhưng trước mắt người xem không gì xúc động hơn là một gia đình gồm có sáu thành viên. Thậm chí hoàn toàn có thể thay bằng câu: “Chúng ta đều là con người.”

Roma gây ấn tượng bởi phần phần hình ảnh giàu chi tiết, thậm chí quá nhiều chi tiết đến mức khán giả khó thể tiếp nhận đầy đủ nếu chỉ thông qua một lần xem phim duy nhất.
Roma gây ấn tượng bởi phần phần hình ảnh giàu chi tiết, thậm chí quá nhiều chi tiết đến mức khán giả khó thể tiếp nhận đầy đủ nếu chỉ thông qua một lần xem phim duy nhất.

Một hình ảnh khác liên tục xuất hiện ở đầu, giữa và cuối phim, đó là chiếc máy bay lặng lẽ trôi trên bầu trời yên ả của Mexico – một ẩn dụ vừa đa nghĩa lại vừa rất riêng tư.

Có thể xem chiếc máy bay như một hình ảnh thanh bình, một chuyến tàu chuyên chở những ước mơ của Cleo muốn thoát khỏi thế giới trần tục lắm bi ai.

Song, với riêng Alfonso Cuarón, ông lại có một cách lý giải hoàn toàn khác. Đó là ước mơ của một cậu bé mười tuổi muốn sau này lớn lên sẽ trở thành phi công, nhưng số phận cuộc đời lại đẩy đưa cậu trở thành một đạo diễn lừng danh.

Nào có ai đoán biết trước được số phận của mình, bởi cuộc đời vốn dĩ “là một chuyến phiêu lưu” – đúng như lời Sofia hồ hởi nói với các con. Và với công chúng một điệu điện ảnh, Roma chắc chắn sẽ là một chuyến phiêu lưu tuyệt vời, day dứt, khó quên.


Đánh giá: ****1/2 (4.5/5)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Buster Scruggs’: một viễn Tây rất khác của anh em nhà Coen

Tiếp theo

‘Norman Fucking Rockwell!’ – nữ quyền của Lana Del Rey

Latest from Điện ảnh