Bai review album Born to die cua Lana Del Rey sau 10 nam.
/

Giải mã ‘Born to Die’

Ngày 27/1/2022 đánh dấu 10 năm album "Born to die" của Lana Del Rey xuất hiện.

Bắt đầu
26 phút đọc

10 năm sau khi “Born to Die” ra đời, Lana Del Rey là nữ nghệ sĩ duy nhất có album đầu tay trụ hơn 400 tuần trên bảng xếp hạng Billboard 200.

*Bài viết kỷ niệm 10 năm phát hành album Born to die của Lana Del Rey.


Thời điểm Born to Die phát hành, Lana Del Rey vừa tròn 26 tuổi.

Bằng tuổi cô, Rihanna đang ở đỉnh cao sự nghiệp với bảy album. Taylor Swift sẵn sàng rũ bỏ hình tượng “công chúa nhạc đồng quê” để chinh phục pop trong 1989 (2014). Adele rục rịch trở lại với album phòng thu thứ ba 25 (2015) trong khi Lady Gaga quyết tâm vượt qua thành tích bản thân với Artpop (2013).

Song, không ai trong những cái tên nói trên sở hữu album đầu tay ghi dấu ấn mạnh mẽ như cách Lana Del Rey tạo ra Born to die. Sau một thập niên, nó vẫn nằm chễm chệ trên bảng xếp hạng Billboard 200, chưa hề có dấu hiệu thoái vị.

Những cuộc tình không lối thoát

Khi Born to die bắt đầu bằng ca khúc chủ đề, Lana Del Rey thấy đôi chân mỏi mệt.

Cô lê từng bước theo tiếng con tim tan vỡ, hy vọng chút ánh sáng phía cuối đường hầm. Đó là tối thứ sáu nhưng người hát chưa bao giờ cô đơn đến thế. Cô nhìn đèn đường mà tưởng là ảo ảnh, giật mình nhận ra bản thân lạc lối giữa phố thị đông người.

“Đôi khi tình yêu không đủ và đường bỗng chông gai, tôi chẳng hiểu vì sao”, ca sĩ hát.

YouTube player
MV ca khúc chủ đề trích từ album Born to Die của Lana Del Rey.

Trong ca khúc thứ hai – Off to the Races – Lana Del Rey nhớ lại quá khứ, thuở còn trẻ dại và trót đem lòng yêu một người đàn ông lớn tuổi. Cô kể rằng: anh ta là người xấu nhưng tôi chẳng thể từ chối cách anh nắm lấy tay tôi, cách anh kéo lấy tôi và sở hữu tôi bằng cả con tim.

Bất chấp mọi đớn đau, tình yêu cuốn đi như cơn lốc còn cô lao vào như Bonnie chạy theo Clyde ngay lần đầu gặp mặt – cả hai sau đó đều thành những tên tội phạm khét tiếng nước Mỹ, được đạo diễn Arthur Penn tái hiện trong cuốn phim Bonnie and Clyde (1967).

Đến Blue Jeans, Lana Del Rey hát về một chàng trai khác khiến tim cô gục ngã. Ngôi sao ví anh như James Dean, vận quần jeans xanh cùng áo thun trắng, bước vào phòng và làm đôi mắt ca sĩ bùng cháy.

YouTube player
MV ca khúc Blue Jeans trích từ album Born to Die của Lana Del Rey.

Nhưng đó là cuộc tình sớm nở tối tàn bởi hai người là những mảng màu trái ngược: anh thuộc kiểu punk rock còn cô lớn lên bằng hip hop.

Kịch tính bắt đầu ở đoạn hai khi anh nói phải đi thật xa để nuôi dưỡng ước mơ, xây đắp cuộc đời. Ca sĩ van nài nhưng người yêu vẫn mặc kệ, dứt áo lên đường để cô hàng ngày chờ đợi, ngóng trông và hy vọng.

Sự trỗi dậy của một nghệ sĩ indie

Lana Del Rey xuất phát muộn hơn các đồng nghiệp Rihanna, Adele, Lady Gaga lẫn Taylor Swift – những tên tuổi nóng nhất làng nhạc nửa đầu thập niên 2010. Vì vậy, cô cũng yêu nhiều hơn tất cả khi bọn họ mới vào nghề.

Giống huyền thoại Aretha Franklin, ngôi sao sinh năm 1984 có cơ hội rèn giọng từ bé vì được hát trong nhà thờ. Nhưng mãi đến năm 17 tuổi, cô mới quyết định theo đuổi đam mê âm nhạc tại quê hương New York. Hàng đêm, Lana Del Rey cất giọng ở những câu lạc bộ nhỏ lẻ khắp Brooklyn với những nghệ danh khác nhau, khi dùng tên thật, khi là May Jailer. Cũng có lúc cô để khán giả gọi mình bằng những danh xưng rất dài, như Sparkle Jump Rope Queen (Nữ hoàng đu dây lấp lánh) hay Lizzy Grant and the Phenomena (Lizzy Grant và Hiện tượng).

Lana Del Rey mất nhiều năm xác định danh tính và xây dựng phong cách âm nhạc riêng. Nghệ danh cuối cùng được ghép từ tên diễn viên Lana Turner và thương hiệu xe Ford Del Rey, như lời ca sĩ tự mô tả bản thân: một người chuộng lối sống gấp gáp (live fast, die young) và huy hoàng chẳng kém ngôi sao Hollywood.

Album Born to Die của Lana Del Rey cho thấy nữ ca sĩ đã trải qua rất nhiều cuộc tình trong đời.
Album Born to Die của Lana Del Rey cho thấy nữ ca sĩ đã trải qua rất nhiều cuộc tình trong đời.

Nhưng nói Born to Die là album đầu tiên của Elizabeth Grant – tên thật Lana Del Rey – thì không chính xác. Trước đó, cô từng phát hành album acoustic Siren và một EP (đĩa mở rộng) theo con đường nghệ sĩ độc lập, tức không cần hãng đĩa trợ giúp.

Năm 2010, cô còn dùng nghệ danh Lana Del Ray để giới thiệu album phòng thu cùng tên nhưng không gây được tiếng vang. Album chỉ được xuất hiện trên nền tảng trực tuyến trong thời gian ngắn rồi bị gỡ bỏ nhanh chóng. Một vài đĩa vật lý được bán trực tiếp, rải rác trong các buổi biểu diễn sau đó cũng tuyệt bản.

Chỉ đến khi Video Games ra đời vào tháng 10/2011, thế giới mới biết đến Lana Del Rey như một nghệ sĩ thực thụ.

Giai điệu của nỗi buồn và ký ức

Xét về mặt hình ảnh, Video Games là MV đơn giản do một đạo diễn không chuyên – Lana Del Rey tự làm – kể lại câu chuyện không đầu không đuôi bằng cách sắp xếp những cảnh quay một cách ngẫu nhiên.

Ma thuật của ca khúc nằm ở phần giai điệu và cách Lana Del Rey buông từng nốt nhạc như đang nhả khói thuốc. Lối hát từ tốn lập tức trở thành thỏi nam châm hút hồn, buộc người nghe phải nán lại để lắng nghe câu chuyện.

Trong bài, ca sĩ tiếp tục đặt ca từ dưới góc nhìn của cô bé mới lớn, yêu đơn phương một người dù biết anh ta chỉ thích “gái hư”. Từng dòng chữ vẽ nên khung trời mơ mộng: anh đứng bên xe hơi, nhún nhảy sau vườn, khui một chai bia và gọi cô lại.

“Cùng chơi video game”, người hát ngân nga.

YouTube player
MV ca khúc Video Games trích từ album Born to Die của Lana Del Rey.

Bất luận đúng sai, nhân vật tìm mọi cách để gây ấn tượng với người tình. Cô mặc bộ váy anh thích, dùng thứ nước hoa anh yêu, kết luận rằng đời chỉ đáng sống khi được như thế, bên anh trái đất bỗng hóa địa đàng.

Nhưng phủ vây lời hát là nỗi buồn kéo dài như vô tận. Phần điệp khúc đan xen giữa vị ngọt khi yêu và cảm giác sợ hãi, lo lắng một ngày người tình sẽ bỏ đi mất. “Có thật không?”, cô hỏi như thể biết trước lời đáp mà bất lực chẳng làm được gì.

Bắt đầu bằng tiếng chuông nhà thờ reo vang, bản phối nối tiếp với tiếng đàn hạc rải từng đợt xen lẫn dàn dây kéo dài, phủ lên ca khúc lớp màu cũ kỹ của mảng ký ức đã qua. Sau đó piano chầm chậm làm nền cho giọng hát, đưa người nghe bước vào một miền ký ức xa xăm trong quá khứ ngay cả khi họ chưa từng sống ở thời điểm đó.

Bằng ca từ và loạt MV trong Born to Die, Lana Del Rey tự định hình mốc thời gian là thập niên 1950, 1960 – thời điểm James Dean vụt sáng với East of Eden (1955) còn Marilyn Monroe rơi vào tin đồn tình ái với tổng thống Mỹ John F. Kennedy.

Thế nên, âm nhạc Lana Del Rey được truyền thông tung hô là sadcore của Hollywood (Hollywood sadcore), như một cách phân biệt với “nữ hoàng sadcore” Cat Power.

Trộn trip hop với nhạc cụ cổ điển

Trước khi Lana Del Rey xuất hiện, nhiều người vẫn không biết sadcore là gì.

Bởi lẽ, đầu thập niên 2010 là thời điểm dòng nhạc EDM thống trị các bảng xếp hạng với loạt ca khúc làm rung chuyển sàn nhảy, nổi bật như We Found Love (Rihanna), Titanium (Sia), Super Bass (Nicki Minaj),…

Nói như tác giả Omar N. Goulding của trang Culturizando thì album ra đời đúng vào thời điểm “khi mọi người cảm thấy mệt mỏi với âm nhạc vui vẻ và muốn nghe một thứ gì đó khác biệt”.

Giữa bối cảnh đó, Lana Del Rey cất giọng và tự tạo cho mình vùng đất riêng bất khả xâm phạm. Cô cùng những giai điệu sadcore – nhánh nhỏ thuộc dòng alternative rock – gần như không có đối thủ trên mọi mặt trận. Đó là thứ âm nhạc buồn đến tận xương tủy như tên gọi.

Album Born to Die của Lana Del Rey biến nỗi buồn trở thành giai điệu ám ảnh.

Nhưng từ “sadcore” chỉ nói lên cảm giác chứ chưa thể lột tả hết cái đặc sắc trong âm nhạc của Born to Die. Phần sản xuất album luôn sử dụng bộ nhạc cụ cổ điển như dàn dây, piano và trống – loạt âm thanh xuất hiện thường xuyên trong những cuốn phim đen trắng làm nên tên tuổi Kinh đô điện ảnh.

Chẳng vì thế mà các đạo diễn thường ưu ái gọi tên Lana Del Rey về làm nhạc phim cho mình. Từ The Great Gatsby (2013) của Baz Luhrmann cho đến gần đây nhất là series Euphoria, danh sách nhạc phim cô hát có thể biên tập thành vài album khác nhau.

Song, điều khiến Born to Die trở nên riêng biệt là bản phối đậm đặc trip hop – dòng nhạc có tiết tấu chậm rãi, là ly cocktail hòa quyện giữa hip hop và electronica.

Tiếng trống đập chan chát trong Born to Die, nhịp điệu dồn dập của National Anthem, giọng nói hoang hoải vang lên ở đầu Blue Jeans. Tất cả hòa vào dàn nhạc giao hưởng, tái tạo không khí mơ hồ, hư ảo của những giấc mơ.

Sự đa dạng trong thể loại khiến âm nhạc Lana Del Rey khó thể được xếp vào một dòng bất kỳ. Giới phê bình dùng rất nhiều mỹ từ – như “ma mị”, “u uất” – để mô tả về cô. Cũng có người ưu ái cho rằng cô tạo ảnh hưởng lớn đến dòng alternative, là nguồn cảm hứng cho các đàn em như Lorde, Billie Eilish, Melanie Martinez… lẫn những người xuất hiện trước cô như Miley Cyrus hay Taylor Swift.

Biểu tượng Mỹ

Suốt thời điểm quảng bá Born to Die, Lana Del Rey thường xuất hiện với lá cờ Mỹ quấn quanh cơ thể. Hình ảnh quốc kỳ cũng được ca sĩ dùng làm minh họa trong các tour diễn trong nước và quốc tế. Biểu tượng tự do gần như là giấc mơ, là mục tiêu của cô gái ràng buộc vào tình yêu như tù nhân đang bị giam giữ.

Nước Mỹ phảng phất xuyên suốt các ca khúc trong Born to Die, từ chai nước ngọt không đường Mountain Dew đến những con phố ở Los Angeles. Không những thế, Lana Del Rey còn trích dẫn nhiều tác phẩm nổi tiếng trong văn học lẫn âm nhạc quê hương, tạo nên dấu ấn độc đáo trong phong cách sáng tác sau này.

Cô lấy câu nổi tiếng trong tiểu thuyết Lolita của nhà văn Vladimir Nabokov – “ánh sáng đời tôi, lửa dục lòng tôi” – đưa vào ca khúc Off to the Races không trật một nốt nhạc.

Ca sĩ tiếp tục vay mượn lời thoại từ vở kịch A Streetcar Named Desire của Tennessee Williams làm lời hát cho Carmen. Cô kể về nhân vật cùng tên, 17 tuổi, “sống dựa vào sự tử tế của những kẻ xa lạ” nhưng bước đi trên đường không sợ hãi.

YouTube player
MV ca khúc Carmen trích từ album Born to Die của Lana Del Rey.

Born to Die là album đầu tay, Lana Del Rey thể hiện ngòi bút sáng tác khiến nhiều người phải kiêng nể. Cô liên tục dùng ẩn dụ, chơi chữ, lồng ghép hàng loạt tuyên ngôn vào lời hát.

Trong Diet Mountain Dew, ca sĩ ví người yêu như thức uống công nghiệp, gây hại cho sức khỏe nhưng ngọt ngào đến khó cưỡng. Đến National Anthem, cô tự nhận mình là “nữ hoàng Đảo Coney”, “nữ hoàng Saigon”, sau đó nối dài ca khúc bằng những tuyên bố sặc mùi tư bản chủ nghĩa: “Tiền là thánh ca của thành công… Tiền là lý do ta tồn tại”.

Trước khi muốn làm ca sĩ, Lana Del Rey từng ôm mộng làm nhà thơ nên không hề khó hiểu khi ca từ cô viết luôn đậm chất văn học. Từng câu chữ là sự kết hợp giữa tinh thần hoang dại của Lou Reed và sự ngây thơ của Lolita, vẽ nên bức chân dung con người Mỹ với lối sống Mỹ không lẫn vào đâu.

Màn trình diễn tại SNL
và búa rìu truyền thông

Trong lịch sử, hiếm có đĩa nhạc nào gây tranh cãi như Born to Die. Album gặp không ít tai tiếng từ khi chưa ra đời đến tận sau khi bán chạy toàn cầu.

Ngày 15/1/2012, trước thời điểm phát hành không lâu, Lana Del Rey đứng trên sân khấu Saturday Night Live (SNL) trình diễn hai ca khúc trong album như một cách để quảng bá. Sau khi được Daniel Radcliffe giới thiệu, ca sĩ xuất hiện trong bộ đầm trắng, mái tóc suôn dài buông xõa hai vai. Cô cầm mic, hát Video Games nhưng giọng ca không bắt được nhịp nhạc.

YouTube player
Màn trình diễn ca khúc Video Games của Lana Del Rey trên sân khấu Saturday Night Live vào tháng 01/2012.

Đến Blue Jeans, Lana Del Rey trở thành một bà già hết hơi. Cô mở màn bằng giọng hát thều thào, liên tục dùng giọng giả thanh về cuối, mặc cho các nhạc công tìm cách nương tựa ca sĩ như những đứa trẻ đang mò đường trong đêm.

Màn trình diễn tất nhiên không được đón nhận vào thời điểm đó. Khán giả có thể liên tưởng đến lần Britney Spears tái xuất với Gimme More trên sân khấu VMA 2007 hay lần Miley Cyrus quậy banh nóc cùng Robin Thicke tại lễ trao giải MTV 2003. Song, khi hát tại SNL Lana Del Rey chưa phải là một tên tuổi lớn, nên cách dư luận và truyền thông vùi dập cô cũng tàn bạo hơn.

Trong tám đĩa đơn trích từ Born to Die, Lana Del Rey chỉ phát hành năm MV chính thức. Sản phẩm cuối cùng – National Anthem – cũng là dự án gây chú ý nhất khi cô mời ASAP Rocky, một rapper da màu, hóa thân John F. Kennedy vốn là dân da trắng.

Để mô tả cuộc tình tay ba của cố tổng thống Mỹ, Lana Del Rey tự biến mình thành nhân vật mang dáng dấp quý phái của Jackie lẫn vẻ quyến rũ của cô đào Marilyn Monroe.

YouTube player
MV ca khúc National Anthem trích từ album Born to Die của Lana Del Rey.

Chính vì dựa dẫm nhiều vào nhân vật, giới phê bình chỉ trích Lana Del Rey chỉ là kẻ giả mạo khi Born to Die ra mắt. Thậm chí, cây viết Foster Kamer của tờ Observer còn dửng dưng gọi cô là “ca sĩ bơm môi”, “người hát pop thất bại”.

Đến Dark Paradise, Lana Del Rey nhớ về người tình đã qua đời và ước mình được chết cùng anh.

Sau một thời gian dài, câu hát vẫn trở thành miếng bánh để cánh nhà báo khai thác. Tháng 6/2014, phóng viên tờ The Guardian biến lời ca trở thành câu trích dẫn gây hấn trong một bài phỏng vấn: “Tôi ước mình đã chết rồi” (“I wish I were dead already”).

Tư tưởng đó khiến Lana Del Rey hứng chịu búa rìu truyền thông lẫn khán giả suốt một thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng sự ủy mị trong ca từ và âm nhạc của cô có thể mang lại ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Tai tiếng vận vào ca sĩ và album như định mệnh. Nhưng có lẽ, chính định mệnh đó giúp Born to Die đi vào lịch sử. Album càng gây ồn ào lại càng được chú ý, thành công hơn và bán chạy như tôm tươi.

Phiên bản Paradise
của album Born to Die

Tháng 11/2012, Lana Del Rey tái phát hành album dưới hình thức mới với tên gọi Born to Die: The Paradise Edition. Phiên bản mở rộng gồm bốn bài tặng kèm bản đặc biệt và tám bài chính thức, nâng tổng ca khúc lên con số 24, đưa người nghe tiến thẳng đến thế giới “thiên đường”.

Ở đó, người hát tự nhận mình là “thiên thần sống giữa vườn ác quỷ” (Gods & Monsters), có cha là Elvis Presley còn mẹ là Marilyn Monroe (Body Electric).

Âm nhạc và ca từ đúng nghĩa “mở rộng”, nhấn mạnh những tư tưởng sắp sẵn trong Born to Die. Ca sĩ tiếp tục hóa thân cô gái si cuồng vì tình yêu (Ride), dành trọn trái tim cho nước Mỹ (American), đam mê phù phiếm xa hoa (Bel Air).

Ngòi bút sáng tác của Lana Del Rey có phần mạnh bạo hơn với những câu chữ khiến người nghe sửng sốt, chẳng hạn như “âm hộ tôi có vị Pepsi” (Cola).

Đặc biệt, Yayo là sáng tác từng được cô phát hành năm 2008, trong EP Kill Kill với nghệ danh Lizzy Grant. Ca sĩ chỉnh lại lời, tái thu âm và sản xuất để bài như khoác lớp áo mới.

Xét về tổng thể, các ca khúc mới trong Paradise kém hấp dẫn hơn Born to Die. Album vẫn có điểm sáng như ca khúc mở màn Ride hay bản cover Blue Velvet – ca khúc phát hành năm 1951 của Tony Bennett. Tuy nhiên, phần còn lại Lana Del Rey thiên về chiều chuộng người hâm mộ (fan service) và hát điều mình thích.

YouTube player
MV ca khúc Blue Velvet trích từ album Born to Die phiên bản Paradise.

Ở khía cạnh tích cực, việc Paradise xuất hiện cũng ít nhiều giúp Born to Die nóng trở lại. Một thời gian sau, Summertime Sadness từ ca khúc ít được chú ý bỗng trở thành sleeper hit (bài hit ngủ quên), phần nào giúp củng cố vị thế album.

Ngoài 24 ca khúc chính thức có mặt trong Born to Die: The Paradise Edition, Lana Del Rey còn loại bỏ hàng loạt sáng tác trong suốt quá trình thu âm. Theo The Guardian, có gần 19 bài không lọt vào danh sách chính thức. Điều đó phần nào chứng minh khả năng sáng tác kỳ tài của ngôi sao Video Games.

Tháng 12/2021, tờ Variety vinh danh Lana Del Rey là Nghệ sĩ của thập kỷ, như một cách tri ân những gì cô đóng góp cho nền âm nhạc đương đại.

Bản tuyên ngôn dành cho phái nữ

Phần lớn ca khúc trong Born to Die, Lana Del Rey đều hóa thân thành cô bé tuổi teen với lối sống tự do, bất cần, hoặc chạy theo người đàn ông lớn tuổi hoặc chìm vào sự quyến rũ của ma men.

Mà thực ra cô không hề hóa thân. Năm 15 tuổi, ngôi sao từng bị cha mẹ đưa vào trường nội trú vì nghiện rượu nặng. Quá khứ đeo bám cô như bóng ma dai dẳng ngay cả khi từ bỏ chất cồn. Theo lời ca sĩ, 12 ca khúc trong Born to Die là kết quả từ chuỗi ngày sống vô tư của tuổi trẻ “hoang dại”.

Các ca khúc trong album Born to Die của Lana Del Rey là kết quả của một thời tuổi trẻ hoang dại.
Các ca khúc trong album Born to Die của Lana Del Rey là kết quả của một thời tuổi trẻ hoang dại.

Ở hồi kết, Lana Del Rey khép lại album bằng tuyên ngôn dành cho phái nữ: This is what makes us girl.

Cô nhớ về tuổi 16 ngọt ngào, những buổi tối trốn nhà đi chơi và tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Cô nhớ người bạn thân mới quen: tay cầm giày cao gót đung đưa trong gió, nước mắt lăn dài làm nhòe vệt mascara, đau đớn vì thất tình. 

“Đây là điều làm nên chúng ta, hỡi những cô gái!”, ca sĩ hát.

Đi ngược những thông điệp phổ biến về nữ quyền đương thời, Lana cho rằng phái đẹp được phép yếu đuối. Theo cô, phụ nữ sẵn sàng hy sinh tất cả cho tình yêu, sống trọn vẹn từng phút giây nhưng không nên rớt nước mắt vì đàn ông.

Khi Born to Die ra đời, nhiều nhà phê bình từng vùi dập Lana Del Rey không thương tiếc. Họ cho rằng nghệ danh ca sĩ chỉ là sản phẩm giả tạo, âm nhạc gom nhặt nhiều yếu tố để khơi gợi những giá trị cũ. Mười năm sau, tầm ảnh hưởng của album và bản lĩnh nghệ sĩ trong cô đã được khẳng định theo thời gian.

Tạp chí Billboard nhận xét bài chủ đề “thay đổi hoàn toàn bối cảnh nhạc pop”. Các trang NME, The Independent đồng loạt xếp Born to Die vào danh sách album xuất sắc thập niên 2010. Tờ The Guardian còn mạnh dạn đánh giá đây là một trong 100 album hay nhất thế kỷ 21.

Born to Die không chỉ giới thiệu công chúng một nghệ sĩ quan trọng mà còn biến Lana Del Rey thành thương hiệu của nỗi buồn. Suốt một thời gian, hình tượng sầu nữ (sad girl) trở thành trào lưu trong văn hóa đại chúng. Điều bất ngờ là sức sống của albumvẫn bền bỉ sau nhiều năm, bất chấp việc người thực hiện dự báo, mọi thứ trên đời sinh ra chỉ để chết đi.

*Đọc thêm về Lana Del Rey.


Thông tin
  • Bài viết độc quyền cho Ngoi Sao
  • Album Born to Die của Lana Del Rey chưa nhận được bất kỳ đề cử Grammy nào.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Dawn FM’: The Weeknd hát gì khi tận thế?

Tiếp theo

Bom tấn ‘The Batman’ có thực sự xuất sắc?

Latest from Âm nhạc