Ảnh đại diện bài review album Chỉ có thể là anh của Trang.
/

‘Chỉ có thể là anh’: Khi Trang vượt qua nỗi đau để yêu dịu dàng

Bắt đầu
18 phút đọc

Trong album phòng thu thứ hai – “Chỉ có thể là anh” – Trang gom nhặt những rung cảm của người đàn bà khi yêu để sáng tác. Âm nhạc của cô vẫn dịu dàng và nữ tính, nhưng không còn cảm giác bi lụy mà chỉ toát ra những năng lượng tích cực, hạnh phúc.


Trang đã lớn, không còn là cô gái thức đến bốn năm giờ sáng vì thất tình, trái tim đã thôi thổn thức vì nỗi cô đơn, đôi mi chẳng hề nhạt nhòa nước mắt vì nhớ người yêu cũ. Đổi lại trong Chỉ có thể là anh, người nghe có thể cảm nhận từng khoảnh khắc ca sĩ rung rinh vì hạnh phúc khi tìm thấy tình yêu mới.

Đó là một cuộc tình đơn giản nhưng an yên, lặng lẽ và bình dị như những con phố ẩn mình giữa màn đêm, không cần ánh đèn để tỏa sáng. Nó cũng giống hệt phong cách âm nhạc của Trang và cách cô lao động miệt mài, từng bước tiến gần trái tim của người hâm mộ.

Chương mới sau cuộc tình buồn

Ba năm trước, Trang phát hành album đầu tay Tỉnh giấc khi ông trời đang ngủ (2019) khi vừa bước qua tuổi 24. Lúc đó, cô – tên thật Ngô Minh Trang – đã là một cái tên khá nổi trong cộng đồng nhạc indie (độc lập), có nhiều sáng tác được yêu thích trên mạng, đồng thời bắt tay với một số ca sĩ nổi tiếng như Uyên Linh, Min, Tiên Tiên. 

Sinh năm 1995, Trang vốn là một trong những nghệ sĩ indie được các bạn trẻ yêu thích.
Sinh năm 1995, Trang vốn là một trong những nghệ sĩ indie được các bạn trẻ yêu thích.

Album như một lời khẳng định của nữ singer-songwriter (ca sĩ kiêm nhạc sĩ) sinh năm 1995. Cô không chỉ hát mà còn tự sáng tác và sản xuất các ca khúc theo định hướng concept album (album chủ đề), kể lại những cảm xúc đau đớn, buồn bã của một cô gái vừa trải qua một cuộc tình tan vỡ. Trang cố tình chọn mốc thời gian khi trời chưa kịp sáng để tạo thành điểm đặc biệt, tách rời sản phẩm với những album thất tình khác.

Chỉ có thể là anh, có thể được xem là phần hậu truyện (sequel) của album tiền nhiệm. 11 sáng tác dài gần 40 phút, nối tiếp câu chuyện khi Trang dần rũ bỏ bóng tối của quá khứ để bước vào không gian hạnh phúc của tình yêu mới.

Album mở màn bằng Đừng để em một mình – bản intro dài hơn một phút, được phối theo phong cách acoustic chỉ với guitar. Ca từ như lời tự nhận xét của nữ ca sĩ về bản thân: phức tạp và khó đoán đến nỗi chính cô “cũng chẳng thể nào hiểu thấu”.

Thế nhưng, tận sâu bên trong người hát vẫn luôn là một trái tim khao khát yêu đương. Thi thoảng cô thường lang thang khắp phố phường, hy vọng tìm được người giống mình. Hàng đêm, cô mong cho giấc mơ về tình yêu không ngừng lại. Người đó không cần phải cố gắng thấu hiểu phức cảm của người phụ nữ bên trong cô, nhưng có một điều kiện đặt ra. “Đừng để em một mình”, cô nhấn mạnh.

Ca khúc thứ hai – Và xem như chúng ta chẳng còn – là lời sau rốt Trang dành cho tình cũ. Bài hát sở hữu tất cả đặc điểm làm nên thương hiệu “Nhạc của Trang”. Lời hát đơn giản nhưng sâu sắc, âm nhạc nhẹ nhàng và êm dịu, cách người hát buông từng nốt nhạc thì như đang tâm tình, thủ thỉ.

YouTube player
MV ca khúc Và xem như chúng ta chỉ còn trích từ album Chỉ có thể là anh của Trang.

Trang không kể chuyện theo lối thông thường mà luôn gom nhặt chi tiết, hình ảnh để tạo thành một bức tranh lớn. Từ “căn phòng trống”, “ánh nắng mai” đến “những đôi bàn tay còn siết lại” cho thấy sự tinh tế trong ngòi bút sáng tác. Ca từ dồn nén cảm giác bất lực khi người hát không thể làm gì để thay đổi cái kết của chuyện tình. Hai người từng yêu nhau sâu đậm, giờ đối diện lạnh nhạt chẳng khác kẻ xa lạ, đến mức những chú chim đang hót líu lo cũng phải im bặt và khép mình.

Sau tất cả những cảm xúc tiêu cực, Trang vẫn gieo vào ca khúc chút ánh sáng. Điều cuối cùng cô dành cho người kia vẫn là sự tử tế, là niềm hy vọng cả hai sẽ vững bước trên đường đời, “nhìn về phía sau bằng trái tim ấm nồng”.

Sự pha trộn giữa neo-soul và jazz-pop

Đến ca khúc tiếp theo, Một người nhẹ nhàng hơn, Tiên Tiên góp giọng để thay đổi không khí nhưng chỉ với vai trò phụ họa, không có ý định làm lu mờ đồng nghiệp. Thậm chí, so với những ca khúc đôi từng hợp tác trước đó, giọng Tiên Tiên ít đất diễn và có phần lép vế hơn hẳn.

YouTube player
MV ca khúc Một người nhẹ nhàng hơn trích từ album Chỉ có thể là anh của Trang.

Bài hát là lời Trang tuyên bố đã sẵn sàng gạt quá khứ để viết tiếp chương mới của cuộc đời. “Đã mất một thời gian khá lâu để quên anh”, cô bất ngờ thốt lên ngay từ câu đầu tiên, khẳng định rằng vượt qua nỗi đau thất tình là điều không dễ dàng. “Người ta vẫn nói / Nếu còn luyến lưu điều gì / Là do mình còn ngu si”, cô hát.

Nhưng người ta cũng nói thời gian là liều thuốc chữa lành hiệu quả nhất. Nó khiến mọi thứ thay đổi nhưng theo hướng tích cực hơn. Người hát tự thấy mình trở nên thông minh hơn, xinh đẹp và vui vẻ hơn. Cô cũng bắt đầu rút ra được bài học cho bản thân, dành tình yêu cho “một người nhẹ nhàng hơn”, “tuyệt vời hơn”.

Với tiếng guitar dàn trải, bài hát thiết lập âm hưởng neo-soul đậm đặc, gợi nhớ các ca khúc của Lianne La Havas hay Emily King. Sau đó, piano được chèn vào nhẹ nhàng như nhan đề. Guitar ngập ngừng, đổi tiết tấu sang hơi hướm funk để nối dài bản phối.

Điều kỳ quặc là ngay khi ca khúc chủ đề – Chỉ có thể là anh vang lên, Trang lại nhớ về tình cũ, về những ngày xưa cũ của một thời quá khứ đã qua. Điều đó cho thấy sự phức tạp mà cô rào đón ngay từ đầu album là hoàn toàn có lý do.

Lúc này, ca sĩ chợt chạnh lòng, nuối tiếc vì đã không mạnh dạn quyết định khi yêu, để rồi thời gian trôi xa chỉ còn lại những vương vấn. Cô ước rằng mình đã có thể tự tin nói những “câu thầm thì” trong trái tim, thậm chí tự tin “ôm anh” và “hôn anh” khi biết trước chẳng còn gì để mất.

Dù ca từ thấm đẫm nỗi buồn nhưng không hề nặng nề hay bi lụy. Trái lại, bài hát được chủ ý phối theo phong cách jazz-pop với dàn dây rải rác và tiếng saxophone đặc trưng làm điểm nhấn. Tất cả tạo nên cảm giác lãng đãng, xen lẫn mơ màng.

Jazz-pop và neo-soul cũng là hai màu sắc chủ đạo của album. Các nhạc cụ được kết hợp khéo léo để tạo nên không gian ấm áp, gần gũi và thân mật, trái ngược hoàn toàn cảm giác lạnh lẽo và cô đơn của album trước.

Tiếng saxophone đầy hoài niệm tiếp tục kéo dài, dẫn dụ người nghe bước vào bài tiếp theo: Chạy trốn với nhau. Nhưng rất nhanh sau đó, trống và guitar chen vào để “đổi gió” thành bossa nova.

YouTube player
MV ca khúc Chạy trốn với nhau trích từ album Chỉ có thể là anh của Trang.

Lời hát đậm mùi chủ nghĩa thoát ly (escapism) khi Trang liên tục mời gọi người yêu cùng mình rời bỏ thành phố để đến một thế giới hoàn toàn khác, “nơi có bao điều mà ta muốn”.

Đó là Đà Lạt nổi tiếng với những đồi thông reo, rừng núi bạt ngàn và buổi sáng chìm trong màn sương. Đó cũng là nơi mà biết bao đôi tình nhân từng đặt chân đến. Họ kéo nhau qua đường, vội vàng trao chiếc hôn giữa làn mưa nhè nhẹ, khẽ bước đi trên từng con dốc và lắng nghe những điệu nhạc du dương vang vọng từ đâu đó.

Khoảnh khắc Trang tìm thấy tình yêu

Kể từ Chạy trốn với nhau, phần còn lại của album đơn thuần là tình ca, viết để tôn vinh niềm hạnh phúc khi yêu và được yêu.

Trong Ngã tư không đèn, ca sĩ kể lại những buổi hẹn hò lúc bốn giờ chiều kéo dài đến tận chín giờ tối. Giống Nếu anh cần tôi – ca khúc mở màn Tỉnh giấc khi ông trời đang ngủ, Trang vẫn là cô gái chẳng ngại băng qua đường phố để đến bên người thương. Có điều, giờ đây cô không còn vội vàng, lo sợ tình yêu vụt mất vì luôn có nửa kia đợi sẵn. Giữa dòng người đông đúc, họ ngồi cạnh nhau bên góc quán quen, lặng ngắm hoàng hôn vụt tắt và tận hưởng niềm hạnh phúc, không vướng bận sự đời.

Em rất muốn được ngủ cạnh anh, như tên gọi, là khao khát giản đơn của người phụ nữ sau khi trải qua nhiều nỗi đau, giờ chỉ muốn nằm bên cạnh người thương mỗi tối, không cần bất kỳ ngôn từ mà vẫn có thể thấu hiểu lẫn nhau như tri kỷ.

Chuỗi bài hát tiếp theo nối dài những kỷ niệm Trang có được bên người mới. Chưa được yêu như thế lột tả ước muốn thời gian ngừng lại, muốn kéo dài từng phút từng giây để có thể tận hưởng tình yêu nhiều hơn. Lý do đơn giản chỉ “vì em đã lâu, chưa được yêu như thế, chưa được mong đến thế…”.

Đến Nếu biết trước ngày mai, Trang nhẹ nhàng quay sang hỏi người yêu: “ta sẽ làm gì khi chẳng còn có đôi”? Sau đó, ca sĩ nhanh chóng gạt bỏ dòng suy nghĩ vẩn vơ để quyết định tận hưởng thực tại.

Bước sang tuổi 27, nhãn quan của Trang về tình yêu và cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với thời ba năm trước
Bước sang tuổi 27, nhãn quan của Trang về tình yêu và cuộc sống trong album Chỉ có thể là anh đã có nhiều thay đổi so với thời ba năm trước

Hỏi vậy, nhưng bản thân cô, sau những lần mất mát và đau đớn đến điên dại, đã có lời đáp cho riêng mình: “Khi chẳng có đôi thì em vẫn luôn tươi cười”. “Cứ yêu đời” và “cứ yêu người” là bài học Trang rút ra và chọn làm kim chỉ nam cuộc đời.

Mỗi khúc ca là bức thư tình cô viết tặng người thương. Từng ký ức nối dài thành cuốn phim quay chậm. Ca từ và âm nhạc vì vậy cũng đơn giản và gần gũi hơn, thiên về cảm xúc nhiều hơn. Các bài đều dùng guitar và piano chủ đạo đúng theo phong cách quen thuộc của Trang từ trước đến nay, không đặt nặng những bản phối cầu kỳ.

Qua các sáng tác, giọng ca gốc Hà Nội cũng khéo léo “khoe” tình mới: anh là người luôn đến sớm hơn cô trong mỗi lần hẹn (Ngã tư không đèn), luôn “muốn là người dưng giữa rừng núi bạt ngàn” (Chạy trốn với nhau), người không sợ điều gì vì đã quen với nỗi đơn côi (Nếu biết trước ngày mai).

Bước sang tuổi 27, nhãn quan của Trang về tình yêu và cuộc sống đã có nhiều thay đổi so với thời ba năm trước. Ngòi bút của cô không còn chứa đựng cảm xúc tiêu cực, đổi lại là sự tự chủ (rủ người yêu đến Đà Lạt lúc hai giờ sáng), thái độ lạc quan và tinh thần hướng về tương lai tốt đẹp (“vẫn luôn tươi cười mặc cho tháng năm tơi bời”).

Nỗi buồn, nếu có cũng chỉ là những khoảnh khắc thoáng chốc, khẽ vụt qua trong giây lát. Ở ca khúc áp chót, Em sẽ không để anh phải cô đơn, Trang bỗng trở nên mạnh mẽ, trở thành “người cầm cương” trong cuộc tình. Cô không phụ thuộc ai mà hứa rằng “sẽ không để anh phải cô đơn”, “sẽ không để anh phải vòng quanh / tìm kiếm thêm trong đời / một lý do cho ta được tồn tại”.

YouTube player
MV ca khúc Em sẽ không để anh phải cô đơn trích từ album Chỉ có thể là anh của Trang.

Đáng tiếc, giống Tỉnh giấc khi ông trời chưa ngủ, nửa sau của Chỉ có thể là anh chưa thực sự hấp dẫn để thuyết phục người nghe. Sự đơn giản trong cách sáng tác và phối khí khiến các ca khúc dần mất đi sức hút so với những bài đầu.

Sau cùng, Trang khép lại album bằng Đàn bà như một bonus track (bài tặng kèm). Ca khúc được phối theo phong cách pop rock với tiếng trống dồn dập và nhịp điệu nhanh, gọn hơn. Bài hát là một khoảnh khắc thú vị, cho thấy những góc cạnh mới mẻ trong âm nhạc của Trang, nhưng cũng vì thế mà cũng tách biệt hoàn toàn khỏi album.

* Bài review album Chỉ có thể là anh của Trang viết độc quyền cho L’Officiel Vietnam.


Thông tin về album Chỉ có thể là anh:
  • Các bài hát trong album Chỉ có thể là anh do Trang sáng tác trong nhiều năm trời. “Album có 11 bài hát – hầu hết đều là những bài hát Trang viết từ năm 2020, có những bài Trang chọn từ năm 2017 và có cả bài hát viết vào năm 2022. Trang chọn lọc để phù hợp với chủ đề album lần này.” – theo như cô chia sẻ L’Officiel Vietnam.
  • Album Chỉ có thể là anh của Trang được phát hành ngày 18/6/2022.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Giải mã Olivia Rodrigo và cơn sốt ‘Drivers License’

Tiếp theo

The Weeknd – vượt qua tăm tối trở thành ngôi sao

Latest from Âm nhạc