Ride của Lana Del Rey review
Ride của Lana Del Rey review
/

‘Ride’ của Lana Del Rey: Bản tuyên ngôn buồn bã về tự do

Bắt đầu
18 phút đọc

Ride của Lana Del Rey là một sáng tác buồn bã về sự tự do.


Lana Del Rey sinh năm 1986 tại thành phố New York, là con gái của triệu phú tên miền Rob Grant. Vốn được thừa hưởng máu kinh doanh từ người cha, cô luôn sử dụng hình ảnh như một công cụ đắc lực để quảng bá âm nhạc của mình. Điển hình là Video games được cô quay bằng webcam máy tính, cắt ghép cùng những hình ảnh khác nhau mang màu sắc cũ kỹ của thập niên trước, lồng vào một bản nhạc buồn da diết gợi về những giai điệu xưa. Khi vừa ra mắt, Video games lập tức trở thành món ăn lạ giữa bàn tiệc âm nhạc ngập tràn màu sắc điện tử lúc bấy giờ.

Đôi môi căng mọng, cất lên những bản tình ca đầy hoài niệm, Lana Del Rey nhanh chóng trở thành một hiện tượng, là đề tài được bàn tán nhiều nhất trong năm. Nắm bắt được tâm lý đó, cô liên tục phát hành các đĩa đơn khác rút ra từ đĩa nhạc Born To Die với chung một công thức: hướng đến sự cũ kỹ, hoài cổ. Tính đến nay, riêng Born to die đã có 8 đĩa đơn và bài nào cũng được đầu tư quay video, dù thành công hay không thì Lana Del Rey cũng đã tạo nên được một thương hiệu của riêng mình.

Sáng tác Ride của Lana Del Rey nằm trong album mới nhất Paradie.
Sáng tác Ride của Lana Del Rey nằm trong album mới nhất Paradie.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Lana Del Rey dành hẳn cho Ride một video ca nhạc dài tận mười phút. Bởi đây là đĩa đơn đầu tiên mở đường cho Paradise – sản phẩm đánh dấu sự trở lại của nữ ca sĩ sau thành công vang dội từ đĩa đầu tay trước đó. Không vội vã thay đổi phong cách như các ca sĩ thị trường khác, Lana Del Rey nắm rõ điểm mạnh của mình và cố gắng phát huy một cách tối đa. Tác phẩm được nữ ca sĩ viết cùng với Justin Parker, người đã tạo ra những Video Games, Born To Die, National Anthem góp phần mang lại tên tuổi cho cô. Nội dung của Ride nói về nỗi cô đơn trong tình yêu nhưng lại là tình yêu với người đàn ông lớn tuổi, đầy tuyệt vọng.

Tiếp tục khai thác hình ảnh Lolita

Bài hát mở đầu bằng tiếng gió thổi rì rào, nhẹ đến mức nếu không để ý sẽ tưởng rằng ba giây đầu tiên là một sự lãng phí. Sau đó Lana Del Rey xuất hiện với một khúc ngâm dài như thể ngập ngừng chưa biết bắt đầu câu chuyện ra sao. Những phím keyboard khẽ buông cùng dàn dây du dương đưa đẩy, bài hát nhẹ nhàng đưa ta vào không gian màn đêm vắng lặng. Nữ ca sĩ từ tốn hát về chuyện tình của mình như một lời thú tội. Không bóng bẩy đưa đẩy mà thẳng thắn trực diện, cô gọi người yêu “daddy”, nghĩa đen là bố.

Nếu ở Born to die Lana Del Rey chỉ mượn hình ảnh Lolita để xây dựng phong cách, thì đến Paradise cô đã thực sự là một Lolita. Nữ ca sĩ liên tục dùng “daddy” như một tên gọi thân thương dành cho người yêu, thay vì chỉ ám chỉ trước đó như “my old man” (Off to the races), “million dollar man”. Nhưng có đến tận hai người mà Lana thân thương gọi là “daddy”. Một là người tình và người kia là bố. Cách gọi này dễ khiến nhiều người nhầm lẫn, nhưng thực ra hình ảnh của bố vốn xuất hiện trong âm nhạc của cô từ lâu.

Trong nhạc phẩm Radio, cô dùng lời kể của bố về những “con đường dát vàng” nơi phố thị Newyork để viết về giấc mơ Mỹ đầy ảo tưởng của mình. Cụ thể hơn trong đĩa Paradise, cô liên tục nhắc về bố như một sự tri ân, cho thấy rằng ông cũng là một người ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách của cô. Với nhạc phẩm Cola, cô thú nhận rằng đã cầm cố hết lòng trung thành dành cho bố, vì người đã dạy cô tất cả những gì ông biết. Tương tự, trong đoạn lời thứ hai của Ride, Lana hát về bố một cách đầy tự hào: “chết khi trẻ và chơi hết sức, đó là cách bố tôi biến đời mình thành nghệ thuật”.

Câu hát khiến ta tự hỏi phải chăng cô thực sự đang nói về bố mình? Bởi ông hiện tại vẫn đang sống rất mạnh khỏe mà không hề “chết trẻ”. Đào sâu một chút thì ở bài Body Electric, Lana Del Rey có tuyên bố thế này: “Elvis là bố tôi, Marilyn là mẹ, còn Jesus là bạn thân nhất của tôi”. Nhưng ông hoàng nhạc rock vốn ra đi ở lứa tuổi không còn trẻ trung là bao (42 tuổi). Nếu thực sự chết trẻ, phải kể đến Jim Morrison (27 tuổi), người được Lana nhắc đến trong bài Gods and monsters. Cuối cùng thì ai mới thực sự là người bố chết trẻ, chỉ có người viết bài hát mới biết rõ. Chính những úp mở ẩn dụ một lần nữa tạo nên vẻ hấp dẫn riêng biệt của Lana Del Rey.

ride cua lana del rey review 2

Song, không thể phủ nhận rằng Lana Del Rey thương yêu bố mình đến mức tôn thờ. Nếu ông không phải là một người vĩ đại trong mắt cô thì khó lòng nào mà tình cảm cô dành cho những “gã trai già” (old man) lại dào dạt đến như vậy. Phần lời thứ nhất của Ride ngập tràn sự khuất phục trước người đàn ông lớn tuổi. Trong đó, Lana Del Rey hóa thân thành cô gái yếu đuối, cất lên từng lời thống thiết như thể đang quỳ lạy van xin. Cô liên tục nhấn mạnh câu hát “anh có thể ở bên em trọn thời gian” để người tình biết rằng, trong cuộc chơi này mình đã hoàn toàn thất bại.

Lời hát chứa chan hy vọng

Đó cũng là điểm đặt biệt trong các sáng tác của Lana Del Rey khi viết ra những lời nói viễn vông nhưng chan chứa hy vọng, dẫu đã biết trước kết cục không tốt đẹp ở phía trước. Nổi tiếng nhất là nhạc phẩm Video games với câu hỏi đậm tính tu từ: “Em nghe rằng anh thích gái hư, có thật không, chàng ơi?”. Hay trong Without you là: “Xin chào, xin chào, anh có nghe em hát không?”. Tất cả đều là những câu hỏi đã có lời đáp, nhưng một khi lòng không đủ niềm tin thì miệng cứ buột tuôn ra.

Đến Ride thì Lana Del Rey không hỏi nữa, cô khẳng định. Trọn tấm thân này xin dành cho “daddy”, cho người tình. Nhưng lời khẳng định ấy vốn không có cơ sở, lại càng khiến người nghe hoang mang khi cô không biết rõ về người tình của mình, không biết người ấy “trắng trẻo” hay “vàng vọt” (ám chỉ làn da người tình), “nóng nảy” hay “lạnh nhạt” (ám chỉ tính khí). Tất cả tạo nên sự đối nghịch trong cách viết. Cô đặt nghi vấn khi đã biết kết quả, và khẳng định khi không rõ câu trả lời.

Điều đó cũng cho thấy rằng con người này đã cô đơn đến tột cùng. Khi tâm trí rối loạn thì chẳng còn nghĩ được gì khác ngoài chút hơi ấm tình yêu, dù bất kể là từ người đàn ông nào. Trên con đường rộng mở cô muốn tìm một bến đỗ để dừng chân, nhưng buồn thay chỉ có ánh đèn nơi chiếc xe dẫn lối. Đến khi tuyệt vọng nhất thì cô chỉ còn biết van xin, nài nỉ: “đừng rời xa em lúc này, đừng nói lời tạm biệt, đừng quay mặt đi, để em lại giữa chốn này”.

ride cua lana del rey review 3

Đỉnh điểm của bài hát tập trung vào phần điệp khúc, khi cô trở về với nỗi cô đơn của chính mình. Tiếng chim vang lên giữa bầu trời mùa hạ cũng chính là tiếng gọi nơi con tim, dập tắt những ý nghĩ viển vông, đưa cô về với thực tại: “Em chỉ một mình giữa màn đêm”. Người thiếu nữ bỗng thấy mình trờ thành chú chim lạc đàn khi không được bên cạnh người thương. Vấn đề là người thương từ đầu đến giờ chỉ có trong trí tưởng tượng của chính cô.

Tiếng gió nhẹ báo hiệu bi kịch lúc ban đầu giờ đây đã phá tan màn đêm yên tĩnh. Khoảng khắc đó cũng là lúc cô đối diện với những sợ hãi mà bấy lâu nay vẫn trốn chạy. Một đối nghịch khác lại được sử dụng, giữa sự vắng lặng đến cô độc ở không gian bên ngoài, và trận chiến hỗn loạn ở bên trong tâm trí. Đến lúc này thì cũng chẳng còn gì để kìm hãm, mọi thanh âm cứ thế bung hết ra.

Bắt đầu từ đoạn điệp khúc sau phần lời hai thì phần dàn dây trở nên réo rắt, trống đập thình thịch, keyboard văng vẳng như gọi hồn. Tất cả dồn lại thành một khối đẩy cao trào của bài hát lên cao hơn một bậc. Trận chiến lúc này có lẽ đã tràn cả ra ngoài, khiến cô đành phải thét lên, không gào rú mà nhẹ nhàng như thể thoát ra từ chính tâm hồn: “Em mệt vì cảm thấy mình như điên dại. Em mệt vì cứ chạy mãi đến khi mắt thấy những vì sao. Em ngước lên bầu trời để lắng nghe chính con tim mình. Em đã cố gắng quá nhiều, em chỉ lái xe chạy mãi thôi”.

Tự nhận là đam mê hiphop, nhưng bản thân Lana Del Rey lại toát lên tố chất của một rocker. Sự nổi loạn của cô tập trung ở phần ca từ, khi ẩn ý nhiều lớp nghĩa, khi lại thẳng tuột như thể bỡn cợt: “Âm đạo em mang hương vị nước pepsi” (Cola). Đặc biệt ca từ của cô sử dụng rất nhiều hình ảnh, không ít góp nhặt từ văn chương như: “ánh trăng tàn” (“pale moon light”), “nụ hôn nồng” (“kiss me hard”), hoặc lặp đi lặp lại như “mùa hạ” – “thiên đường” – “daddy”.

Nữ ca sĩ, vốn cũng rất thích thể loại phim câm trắng đen, sử dụng điện ảnh như một công cụ để tái hiện âm nhạc của mình thành những khuôn hình cụ thể. Video ca nhạc Ride dài mười phút là cơ hội để cô tung tẩy cùng âm nhạc lẫn điện ảnh. Chỉ riêng ca khúc đã xứng đáng là một trong những bản ballads hay nhất của thập kỷ này, nhưng cộng thêm video ca nhạc thì không khó khăn để người ta gọi nó là kiệt tác (masterpiece). Có thể nói Ride là bức tranh hoàn hảo về phong cách Lana Del Rey hiện tại: một nàng Lolita say đắm trong ái tình với những người đàn ông lớn tuổi, một cô gái Mỹ yêu nước cuồng nhiệt với lá cờ phấp phới trên vai, một nữ ca sĩ say mê vẻ đẹp cổ điển và quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Một nét chấm phá trong âm nhạc

Năm 2013 đánh dấu sự trở lại của Lady Gaga với tuyên bố ồn ào về pop culture (văn hóa đại chúng) trong ARTPOP, thì trước đó Lana Del Rey đã nhanh hơn một bậc với Ride. Dường như cô muốn đem tất cả những gì thuộc về văn hóa Mỹ vào video của mình, từ lá quốc kỳ, cho đến chiếc mũ của thổ dân da đỏ, đều trở thành những vật trang sức đầy duyên dáng của riêng cô. Những chiếc xe lăn bánh gợi nhớ đến tiểu thuyết On the road của Jack Kerouac. Còn không khí hoài cổ gợi đến một Hollywood của những ngày xưa.

Với một trái tim nồng ấm tình cảm và cái đầu đủ thông minh, Lana Del Rey sử dụng đĩa Paradise theo đúng nghĩa của từ EP (viết tắt của Extended play, nghĩa là đĩa mở rộng). Tám ca khúc trong đĩa nhạc có mới có cũ, nhưng đều có dụng ý nhấn mạnh, phát triển phong cách mà cô đã cố công xây dựng, thay vì vội vã khoác lên mình chiếc áo mới. Bên cạnh đó, cô đem nước cờ của dân kinh doanh vào âm nhạc, sử dụng hình ảnh để quảng bá cho thương hiệu, bí quyết mà trước đó đàn chị Madonna đã sử dụng rất thành công.

Nhưng không thể phủ nhận nét hấp dẫn riêng biệt của ca khúc Ride. Dẫu video music có thể hiện được nỗi cô đơn, lạc lõng nhưng phần nhiều vẫn theo lối diễn kịch. Thêm nữa, quá nhiều hiệu ứng màu sắc khiến cho cảm giác của bài hát nghe khác hẳn với khi không có hình ảnh, vốn chìm trong một màn đêm tăm tối. Nhất là khi đặt Ride vào một tổng thể chung các bài hát và phong cách của Lana Del Rey, thì tác phẩm không chỉ mang lời ngợi khen người cha, mà còn có chút thầm chê trách.

ride cua lana del rey review 4

Theo đó, nữ ca sĩ vốn sinh ra ở New York nhưng phải chuyển về vùng quê sinh sống từ khi còn rất bé. Thành phố này đối với cô là một mơ ước, một khao khát mong mỏi được khám phá. Mãi đến năm 18 tuổi cô mới được trở về nơi này để cất lên tiếng hát từ cõi lòng. Sự thiếu thốn tình cảm của người cha khiến cô lẳng lặng tìm đến những người đàn ông lớn tuổi, ít nhất là trong âm nhạc. New York nói riêng hay nước Mỹ nói chung trở thành giấc mơ thời con gái. Cô thấy mình nằm ngủ trên lá quốc kỳ (Cola), hát về thứ nước ngọt của pepsi như thể người tình (Diet Mountain Dew).

Ride cũng không ngần ngại nhắc đến vấn đề của Lana Del Rey với chất cồn vào năm cô 14. Giờ đây người con gái ấy đã có thể tự do hát những điều mình thích (hình ảnh Lana đu dây giữa không trung), về nước Mỹ, về người tình lớn tuổi của mình. Nhưng tự do chưa hẳn đã đem lại bình yên trong tâm hồn. Trận hỗn chiến trong tâm trí vẫn cứ diễn ra. Không còn cách nào khác, cô đành phóng xe chạy thật nhanh trên con đường rộng mở (“open road” có nghĩa là con đường không hồi kết), chạy mãi chạy mãi như con chim lạc đàn sải cánh bay giữa bầu trời bao la, không biết đi đâu về đâu.


Đọc thêm:
– Review “Lust For Life” – Lana Del Rey
– Review “Honeymoon” – Lana Del Rey
– Review “Ultraviolence” – Lana Del Rey
– Lana Del Rey – Nàng Lolita mê muội vì tình.
– Bài viết về Blue Velvet

YouTube player

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

  1. 1 bài viết hay, với mình thì ride là ca khúc hay nhất trong album mới này, chật giọng trầm mở đầu bài hát là khoảnh khắc hay nhất. Có thể nhạc của cô cũ kỹ thật, những ca khúc sến rện thật, và cô cũng lắm chiều trò thật, nhưng cái cách cô kịch hóa bản thân mình như 1 Lolita hư đốn, mặc đồ trắng đoan trang và rên rĩ về tình yêu, thật sự là 1 đỉnh điểm ( về sự kệch cỡm) tuyệt vời. Cô kề thừa Madonna trong việc đưa thương mại, nghệ thuật, thời trang vào âm nhạc. Nếu Madonna đi theo hướng nổi loạn, phá cách, về việc nữ nằm trên nam trong chuyện giường chiếu, thì ở Lana, cô lại như 1 cô bé hư hỏng lệ thuộc, bị lụy, tôn thờ và phục tùng đàn ông, lại vừa là 1 phụ nữ truyền thống, hoài cổ, ta thấy sự mâu thuận, giằng xé nội tậm trong từng ca khúc của cô.

    Tất nhiên, phải nhắc đến chất giọng của lana Del Rey, có thể cô live không rất tệ nhưng rõ ràng thì cô là 1 chật giọng quá đẹp, quá hay.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Trước đó

Vuông Tròn: cuộc chơi mới của Hoàng Anh

Tiếp theo

‘The Bling Ring’: Băng cướp tuổi teen

Latest from Âm nhạc