/

‘Lust For Life’ – Lana Del Rey và những ảo vọng cuộc đời

Bắt đầu
18 phút đọc

Lust For Life’ không chỉ là một bước ngoặt lớn đối với Lana Del Rey, mà nó còn là một cuộc cách mạng.


Âm nhạc của Lana Del Rey rất dễ đưa người nghe đến với những cảm xúc tiêu cực. Tạm bỏ qua nhạc điệu trầm uất, không khí u sầu lẫn cách hát uể oải, thì phần lời do cô viết thường hướng đến sự tuyệt vọng, thậm chí là cái chết.

Ngay từ đĩa đầu tay mang tên Born To Die (2012), nữ ca sĩ đã tuyên bố: “Chúng ta sinh ra để chết.” Chủ đề đó tiếp tục được khai thác ít nhiều trong các đĩa nhạc tiếp theo, kể cả đĩa gần đây nhất là Honeymoon (2015): “Tôi không còn nhiều lẽ sống nữa, kể từ khi tôi nổi tiếng” (God knows I tried). Lối sống theo phong cách Jim Morrison của Lana Del Rey hẳn sẽ không chiều được lòng nhiều đối tượng, nhưng cũng đã tạo nên một hình mẫu tách biệt hoàn toàn so với những ngôi sao nhạc pop vốn thiên về tính giải trí như hiện nay.

Cuộc cách mạng trong âm nhạc của Lana Del Rey

Ba album đầu tiên của Lana Del Rey được nhào nặn từ những chất liệu hoàn toàn khác nhau – Born To Die chọn hip-hop, Ultraviolence lựa rock và Honeymoon là jazz – nhưng đều xây dựng hình ảnh của cô như là một “sầu nữ” (Sad Girl): một nữ ca sĩ chuyên hát dòng nhạc hoài cổ buồn bã về tình yêu. Dần dà, điều đó trở thành một định kiến (giống như việc ca sĩ hip-hop chỉ có thể đọc rap chứ không biết hát những thể loại khác). Vì vậy, sự ra đời của Lust For Life không chỉ là một bước ngoặt lớn đối với Lana Del Rey, mà nó còn là một cuộc cách mạng. Cô mất gần hai năm để chuẩn bị cho album mới, từ lúc lên ý tưởng cho đến khi sản phẩm chính thức được ra mắt. Trước khi công đoạn master hoàn thành chỉ một ngày, Lana đột ngột gọi điện cho nhà sản xuất Rick Nowels và thổ lộ rằng mình vẫn còn một điều nữa muốn gửi gắm trong đĩa nhạc mới. Họ làm việc liên tục từ 8 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau chỉ để thu âm một ca khúc, đến nỗi mà Rick chỉ có thể kịp phối với piano vì thời gian quá gấp rút. Lana đặt tên bài hát là Change (Thay đổi) và trong đó cô hát rằng: “Thay đổi là một điều mạnh mẽ, tôi cảm thấy nó đang đến với mình.”

'Lust For Life' là một bước ngoặt trong sự nghiệp của Lana Del Rey.
‘Lust For Life’ là một bước ngoặt trong sự nghiệp của Lana Del Rey.

Mảnh ghép cuối cùng hóa ra lại là mảnh ghép hoàn hảo nhất để diễn tả về Lust For Life: đĩa nhạc đánh dấu nhiều sự thay đổi nhất của Lana Del Rey. Chỉ xét riêng hai ca khúc đầu tiên (cũng là hai đĩa đơn mở màn) đã cho thấy sự mạnh dạn của cô trong việc phá vỡ giới hạn của bản thân. Với phần nhạc nền chậm rãi và tối giản, Love giữ nguyên không khí hoài cổ mà người nghe mong đợi ở Lana Del Rey. Điều ngạc nhiên là, thay vì đem lại cảm giác tăm tối hay ngột ngạt tương tự những ca khúc “khởi động” trước đó (Born To Die, Cruel World, Honeymoon), bài hát lại mềm mại và dịu dàng như một lời ru. Không còn những tuyên ngôn kiểu “live fast, die young” (sống vội, chết trẻ), Lana Del Rey kêu gọi khán giả của mình hãy tận hưởng tình yêu và tuổi trẻ bằng những ca từ đầy dẫn dụ: “bạn chính là tương lai”, “thế giới là của bạn”, “bạn có thể thấy buồn nhưng đâu có nghĩa là bạn nên lạm dụng nó”… Sau tất cả, cô kết thúc bài hát bằng một lời động viên vốn là tên một ca khúc của The Beach Boys: “Don’t worry, baby!”

Một tuyển tập dành cho khán giả hâm mộ

Love ngọt ngào như chính tên gọi của nó. Bài hát mang đến cho người nghe niềm tin, hy vọng và cả một chút bình yên – điều gần như chưa từng xuất hiện cùng lúc trong một ca khúc của Lana Del Rey. Chia sẻ về điều này, cô cho biết: “Tôi thực hiện 4 album đầu cho chính mình, nhưng album này sẽ dành cho khán giả hâm mộ của tôi và về nơi mà tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta đều hướng đến.” Nếu Honeymoon là album mang đậm tính cá nhân nhất của Lana Del Rey khi liên tục viết về những trắc trở trong tình yêu, thì Lust For Life đã mở rộng “thế giới tàn bạo” của cô đến với những chủ đề mới, mang tính cộng đồng hơn. Có nhiều thay đổi trong album mới lần này, nhưng có hai điểm đáng chú ý nhất: đó là tinh thần của các ca khúc đã đi theo chiều hướng tích cực hơn, và Lana Del Rey đã chịu khó cộng tác với rất nhiều khách mời thuộc các dòng nhạc khác nhau.

YouTube player

Ca khúc chủ đề Lust For Life là một bất ngờ thú vị trong sự nghiệp của Lana Del Rey khi lần đầu tiên cô song ca với một giọng nam trong album của mình. Đây là lần thứ tư Lana kết hợp với The Weeknd sau ba lần góp giọng trong hai album cá nhân của anh. Song, sự kết hợp này là cần thiết chứ không phải giao đãi kiểu có qua có lại. Đây cũng là ca khúc đầu tiên mà Lana Del Rey viết cho dự án mới và cô đã trải qua rất nhiều công đoạn để hoàn thành nó. Sau khi bay sang Thụy Điển để trực tiếp cộng tác với Max Martin và trở về làm việc với nhà sản xuất lâu năm của mình là Rick Nowels, Lana vẫn cảm thấy bài hát đang thiếu một điều gì đó nên đã mời The Weeknd góp giọng. Đoạn đầu tiên anh hát trong bài là: “Họ nói rằng chỉ những người tốt thì mới chết trẻ, điều đó chẳng hề đúng đâu.”

Câu hát và sự xuất hiện của The Weeknd giống như một lời thức tỉnh dành cho Lana Del Rey và những tuyên bố về cái chết mà cô từng có trước đó. Không còn gò bó trong khuôn khổ những điều chán chường buồn bã của tình yêu đôi lứa, Lust For Life mạnh dạn đề cập đến tình dục. Ca khúc vẽ nên khung cảnh màn đêm vắng lặng, đôi tình nhân dắt tay nhau trèo lên chữ cái đầu tiên của biểu tượng Hollywood. Ở đó, Lana Del Rey và The Weeknd luân phiên nhau hát phần tiền điệp khúc: “cởi hết, cởi hết quần áo ra đi.” Sức nóng chỉ dừng lại ở đó, nhưng với nhịp điệu dồn dập, bản phối ngập tràn synth và phần lời được đánh tan ra theo kiểu dreampop, thì ca khúc lại hết sức gợi mở.

YouTube player

Rõ ràng là Lust For Life đã phần nào xóa đi cảm giác yên bình trước đó của Love. Kể từ đây cấu trúc của album có phần trúc trắc và không còn tuần theo một chủ đề thống nhất. 13 Beaches, Cherry White Mustang đưa người nghe trở về với nỗi tuyệt vọng quen thuộc trong tình yêu của Lana Del Rey. Trước khi bắt đầu 13 Beaches, cô còn trích dẫn một đoạn lời thoại của Candace Hilligoss trong bộ phim đen trắng Carnival of Souls (1962): “Tôi không thuộc về thế giới này… điều gì đó tách biệt tôi với những người khác…” Với mong muốn làm ra một đĩa nhạc đúng nghĩa dành cho fan, Lana Del Rey phải chấp nhận “đánh loãng” các bài hát của mình ra. Cherry với phần production nặng về trống, nghe như một ca khúc suýt nữa thì đã có mặt trong Ultraviolence, trong khi với sự giúp sức của hai rapper là A$AP Rocky và Playboi Carti, thì Summer Bummer hay Groupie Love lại mang đậm âm hưởng hip-hop của Born To Die.

Đặt ngòi bút ra khỏi ranh giới của tình yêu

Sự thú vị chỉ thực sự trở lại khi Lana Del Rey kết thúc nửa đầu album bằng một bản uptempo mang tên In My Feelings. Đó là khoảnh khắc hiếm hoi mà Lana vứt bỏ hoàn toàn hình ảnh nàng Lolita bi lụy vì tình, để trở nên mạnh mẽ hơn, dữ dội hơn và quyết đoán hơn. Toàn bộ bài hát “sôi” lên bởi tiếng synth như thể dọn đường cho bản ngã thực sự của nữ ca sĩ trỗi dậy. Cô thẳng thắng gọi đối phương là “loser” (thằng tồi) và dồn tất cả sự giận dữ vào từng lời hát: “vứt điếu thuốc đó ra khỏi mặt anh đi, anh đang lãng phí thời gian của tôi đấy!” Nhận ra được điều đó, Lana Del Rey đã quyết định sẽ không lãng phí thời gian của người nghe thêm một chút nào nữa. Ở nửa sau của Lust For Life, cô không còn đề cập đến những vấn đề cá nhân mà đã chuyển ngòi bút của mình sang những vấn đề lớn hơn: về chính trị, chiến tranh, những xung đột với Bắc Triều Tiên và sự tồn vong của nước Mỹ.

“Đây có phải là cái kết của nước Mỹ?”, Lana Del Rey đã đặt câu hỏi như thế trong When The World At War We Kept Dancing. Cách đó vài phút, ta có thể nghe thấy tiếng súng vang vẳng đâu đó trong đoạn điệp khúc của God Bless America – And All The Beautiful Women In It. Cả hai bài hát đều có những cái tên rất dài, tiết tấu chậm rãi, bản phối bắt đầu đơn giản với guitar, trống làm nền, sau đó dần trở nên hỗn loạn. Đây không phải là lần đầu tiên Lana Del Rey đề cập đến chính trị. Khi đĩa Born To Die ra mắt, cô đã từng được xem như là một trong những tiếng nói đại diện cho nữ quyền ở Mỹ. Hình ảnh lá cờ Mỹ xuất hiện trong video ca nhạc của bài hát cùng tên là một biểu tượng gắn liền với nữ ca sĩ trong một thời gian dài. Thậm chí, cô còn hóa thân thành Marilyn Monroe như là một nhân tình của tổng thống John F. Kennedy và mô tả lại cái chết của ông trong video ca nhạc National Anthem.

Trong 'Lust For Life', Lana Del Rey không chỉ hát về tình yêu mà còn về chính trị.
Trong ‘Lust For Life’, Lana Del Rey không chỉ hát về tình yêu mà còn về chính trị.

Những bài phỏng vấn gần đây và các sáng tác đề cập đến chính trị một cách trực diện (chứ không phải về mặt hình ảnh) trong Lust For Life cho thấy góc nhìn của Lana Del Rey về đất nước của mình đã hoàn toàn thay đổi. Trả lời tạp chí Pitchfork, cô cho biết: “Tôi sẽ không phất cờ Mỹ khi hát Born To Die nữa.” Một ca khúc khác, Coachella – Woodstock in My Mind, thể hiện rõ hơn những trăn trở của nữ ca sĩ. Sau khi tham dự liên hoan âm nhạc Coachella, cô nhớ về thời huy hoàng của Woodstock những ngày năm 1969 – nơi âm nhạc, tình yêu và hòa bình hòa làm một. Hình ảnh đó hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra trong thực tại, khi Bắc Triều Tiên vừa mới gửi lời đe dọa về hạt nhân tới nước Mỹ. Trên nền nhạc trap dồn dập, Lana liên tục đặt ra những câu hỏi về thế hệ của mình và sau đó nữa: “Những đứa trẻ kia thì sao? Bố mẹ chúng thì sao? Con cái chúng thì sao?… Tôi có hàng triệu thứ muốn được nói ra…”

Cái kết mở cho niềm tin và hy vọng

Trái ngược với những ca khúc đầy tuyệt vọng về tình yêu, Lana Del Rey luôn tìm cách đưa ánh sáng của hy vọng vào trong những sáng tác mới của mình. Cô khẽ lắc đầu: “Không, đây chỉ mới là sự khởi đầu mà thôi!” (When The World At War…). Những ca từ của cô không còn hướng nội mà mang tính kêu gọi và cổ động nhiều hơn. Cách phối mộc mạc của Rick Nowels và cái không khí hoài cổ buồn bã không thể nào thay thế được trong âm nhạc Lana Del Rey lại khiến người nghe liên tưởng đến những bài hát của John Lennon, Bob Dylan hay là Leonard Cohen. Cảm giác ấy càng tăng lên khi giọng hát của Stevie Nicks vang lên trong Beautiful People Beautiful Problems, một bản song ca được phối theo phong cách cổ điển với piano. Kế đó, Lana tiếp tục góp giọng cùng Sean Ono Lennon trong Tomorrow Never Came, như một hình ảnh gợi nhớ đến cặp đôi John Legend và Yoko Ono. Thổ lộ về ca khúc, Lana cho biết, đây là một trong số ít những ca khúc mà cô cảm giác rằng mình viết cho ai đó khác, chứ không phải cho chính mình.

Bìa album 'Lust For Life' của Lana Del Rey.
Bìa album ‘Lust For Life’ của Lana Del Rey.

Với dung lượng 16 ca khúc trải dài hơn 70 phút, không khó để thấy được những tham vọng mà Lana Del Rey muốn gửi gắm trong Lust For Life (đây cũng là đĩa có thời lượng dài nhất trong sự nghiệp của cô). Có đôi chỗ, sự tham vọng ấy lại trở thành tham lam. Việc pha trộn nhiều thể loại (trap, hip-hop, rock,…) lẫn chủ đề khiến cho đĩa nhạc bị lạc tông ở một số đoạn. Sau rất nhiều bài hát chậm rãi, Lust For Life kết thúc bằng một bản uptempo mang âm hưởng của Radiohead. Đúng như tên gọi, Get Free thể hiện mong muốn của Lana Del Rey muốn thoát khỏi nỗi buồn của mình, để tìm đến những điều tươi sáng. Bài hát là cái kết khó thể hoàn hảo hơn dành cho cả album, khi khép lại tất cả những nhãn quan mà Lana vừa thể hiện, nhưng đồng thời cũng mở ra một trang mới cho chính cô (“Out of the black, into the blue”).

Nhìn chung, Lust For Life thiếu một chút gãy gọn để trở nên thực sự xuất sắc. Song, giữa một năm mà nhạc pop có vẻ đang chững lại, thì nó lại tỏa sáng như một viên ngọc quý. Không dễ để tìm được một đĩa nhạc có sự góp mặt cùng lúc của một rapper như A$AP Rocky và một giọng ca đầy tính biểu tượng như Stevie Nicks. Album này cũng nhắc ta nhớ rằng Lana Del Rey luôn là một singer-songwriter tài năng, đặc biệt đã có nhiều hướng đi mới trong việc sáng tác. Cô có thể sở hữu một tâm hồn yếu đuối, một giọng ca mỏng manh nhưng ngòi bút thì lại vô cùng cứng cáp và sắc bén. Những vấn đề chính trị trong đĩa được nhắc đến một cách nhẹ nhàng, không căng thẳng, có tác dụng sưởi ấm trái tim người nghe thay vì kích động. Dù yêu hoặc ghét, thì Lana Del Rey vẫn là một cá tính âm nhạc không thể trộn lẫn hoặc thay thế được, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.


Đọc thêm các bài viết về Lana Del Rey tại đây.

YouTube player

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

4 Comments

  1. Born to die la trip hop chứ phải không bạn Phước.

    Mình thích love ghê ah. Bài hát là lần đầu tiến lana lùi lại để nhìn nhận thế giới xung quanh với những đưa trẻ. Nhân vật trung tâm ko còn là bản thân cô với những ám ảnh về tình yêu, cái chết, danh vọng,…

    • Chào bạn,

      Tất nhiên, một album của nghệ sĩ nước ngoài thường kết hợp nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, không riêng gì Lana Del Rey. Nhưng ở đây, mình đang muốn nói đến điểm đặc trưng nhất của album. Chẳng hạn như nói Ultraviolence chỉ có rock không cũng chưa đúng.

      Nhưng khi nhắc đến Honeymoon, mình nghĩ nó khác những đĩa còn lại của Lana Del Rey bởi chất jazz. Điều đó thể hiện qua phần lớn các bài hát là ballad, cũng như trong cách sử dụng giọng (vocal) của cô ấy.

      Chính Lana cũng đã trả lời phỏng vấn rằng bài cô thích nhất trong album là “Terrence Loves You”. Vì sao? Vì nó “jazzy”.

      Chúc bạn vui.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Melodrama’ – Khi Lorde trở lại sau cơn bão lòng

Tiếp theo

‘Semper Femina’ – Chân dung phụ nữ của Laura Marling

Latest from Âm nhạc