Vuông Tròn Hoàng Anh album
/

Vuông Tròn: cuộc chơi mới của Hoàng Anh

Bắt đầu
10 phút đọc

Vuông Tròn, album thứ 2 của Hoàng Anh, là một dự án tham vọng của nhạc sĩ Quốc Bảo khi liên tục đưa ra những thử thách mới cho cô học trò.


Vuông tròn của Hoàng Anh, theo dự định ban đầu sẽ là một sản phẩm gồm hai đĩa nhạc với mười ca khúc, được phối theo hai phong cách hoàn toàn trái ngược nhau là electro rock và dàn nhạc thính phòng, một “vuông”, một “tròn”.

Ý tưởng được nối tiếp từ đĩa nhạc đầu tay của cô mà nếu như Nửa gây ấn tượng bằng nỗi chênh vênh, thiếu hụt thì đến Vuông tròn sẽ là sự viên mãn, vẹn toàn. Hai đĩa nhạc được thực hiện cách nhau không bao lâu, thực sự là thách thức lớn đối với một ca sĩ vẫn còn đang chập chững bước những bước đầu tiên như Hoàng Anh.

Dự án tham vọng của Quốc Bảo

Vuông Tròn là một dự án đầy tham vọng của Quốc Bảo mà chỉ vừa nghe thôi, cũng đã ngửi thấy mùi thất bại dễ dàng.

Vị nhạc sĩ có vẻ cũng không quan trọng điều đó, cho rằng đây là một thử thách mà Hoàng Anh cần vượt qua, thành công hay không tự ở bản thân cô. Kết quả vì nhiều lý do mà hai đĩa nhạc đành gộp làm một, phần orchestral (được phối với dàn nhạc thính phòng) chỉ còn lại ba thay vì mười, đặt ở cuối như một món tráng miệng, có thì tốt mà không cũng chẳng sao. Nhưng riêng với những người yêu mến nhạc sĩ Bảo Chấn thì sẽ có một chút tiếc nuối. Vì mười bản phối orchestral vốn được trao cho nhạc sĩ đảm nhận, tuy không chính thức trở lại nhưng xứng đáng để mong chờ.

Nếu vậy phải chăng hai chữ “vuông tròn” đã mất đi ý nghĩa? Không hẳn. Vì thực ra việc làm ngoài dự định này lại chính xác ý đồ muốn hướng đến sự trọn vẹn của tác giả, khi đặt hai nửa “vuông”, “tròn” bên nhau, ghép lại thành một. Câu chuyện của Vuông tròn vì thế không dang dở, mà đầy đủ mở đầu, kết thúc. Hoàng Anh cũng không còn đơn độc trên con đường này, mà đã có người thầy là nhạc sĩ Quang Lý và người bạn Nguyên Hà giúp sức.

Hoàng Anh (giữa) ngày ra mắt Vuông Tròn.
Hoàng Anh (giữa) ngày ra mắt Vuông Tròn.

Giọng Hoàng Anh thì vẫn thế, không mượt mà, kỹ thuật mà cũng chẳng ngọt ngào, êm dịu. Thực ra giọng cô vẫn còn “chói” ngay từ lần nghe đầu tiên, cần có thời gian để “thích nghi” nếu chưa quen. Bù lại thì Tình vui vào đề rất ngọt bằng tiếng viola – âm thanh chưa từng xuất hiện trong Nửa – khiến cho không gian đĩa nhạc không còn bó hẹp trong những u buồn, tăm tối mà nghe cỏ vẻ sáng hơn hẳn. Song, chủ định của bản phối vẫn giữ nguyên sự thô, đục của các nhạc cụ thông thường như trống, guitar, keyboard để làm tôn cái khô, lạnh trong giọng hát chính. Cụ thể, lần lượt ba âm sắc ấy được sử dụng rất linh hoạt, luân phiên thay đổi, ban đầu là guitar giữ nhịp, đến giữa đổi thành keyboard, trong khi trống lại thoắt ẩn thoắt hiện và càng về cuối càng dồn dập, mạnh mẽ.

Nhờ cái hỗn hợp âm thanh liến thoắn ấy mà Hoàng Anh không cần làm màu cho giọng hát của mình. Cô cứ ung dung cất từng lời hát, đơn giản như cuộc tình chớm nở không cần lý do: “Tình yêu tự nhiên thành những điệu hát”. Bài hát bắt đầu một cuộc tình và cũng nuôi lớn một cuộc tình, cũng có hi – nộ – ái – ố như bao cuộc tình khác: “… đừng nhắc nhe em, chuyện cũ cay cay lỗi lầm… và tình trân quý, giữ em lại bên anh… hàn vết thương tâm, bằng vết môi hôn như vết xăm…”. Tình đến càng nhanh thì càng chóng chia xa. Tình ban đầu càng vui thì càng lo sợ tình vỡ về sau. Tình đẹp bao nhiêu thì càng đau bấy nhiêu. Thế nên mới có chuyện bài hát tên là Tình vui nhưng nghe lại chẳng vui chút nào.

Cũng từ mối “tình vui” ấy, Quốc Bảo – người sáng tác toàn bộ các ca khúc trong đĩa nhac – dẫn dắt người nghe qua các cung bật cảm xúc của tình yêu: ngọt ngào với Từ khi (ân cần em nhẹ đan vào với anh); bất lực với Ai (mặc ai đau đau nhói lòng muốn vết đâm); xót xa với Cầm Hơi (không cầm được nỗi đau làm sao giữ lại?); và cuối cùng là hạnh phúc với Tình ca không vần (em ban phát những rạng đông).

Âm nhạc đa dạng và nhiều màu sắc hơn

So với Nửa, âm nhạc trong Vuông tròn đa dạng và nhiều màu sắc hơn. Vẫn là chất alternative rock nhưng không đơn thuần chỉ nâng guitar điện để làm highlight như trước, mà là sự phối hợp hoàn hảo giữa các nhạc cụ, biến hóa theo cấu trúc thay đổi của bài hát. Âm nhạc điện tử cũng được đưa vào đĩa nhạc, nếu như ban đầu chỉ khẽ khàng xuất hiện trong Tình vui thì càng về sau lại càng được tận dụng tối đa, khi len lỏi trong Tập yêu đi nhé khi lại vang lên réo rắt trong Em đi vội. Bên cạnh đó là những bản ballad với keyboard làm chủ đạo như Từ khi, Biệt tăm. Hay Tin lại là chút bossa nova dễ chịu, êm ái.

Nhờ có đất diễn, nên Hoàng Anh cũng có cơ hội thể hiện mình hơn, không ít lần thử sức với những nốt cao khi phải gào thét giữa nỗi đau vô vọng (Ai) lẫn niềm hân hoan vui sướng (Em đi vội). Sự xuất hiện của hai vị khách mời đặc biệt cũng góp phần tô điểm cho đĩa nhạc. Về cơ bản thì Hoàng Anh và Nguyên Hà khá hòa hợp khi song ca. Ngay cả khi một người khô cứng, một người mềm mại, thì chất giọng của Nguyên Hà vẫn làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ giọng hát của Hoàng Anh, khiến cho bài hát không bị nhàm chán. Trong khi đó, Quang Lý chỉ phụ họa bằng một vài câu, theo công thức cũ nhưng hề chưa nhàm chán của những Tình ca (Trần Thu Hà và Trần Hiếu), Tình như trái chín muộn (Mai Khôi và Bảo Chấn) trước đó. Xuất hiện ít nhưng không mờ nhạt, đó mới là điều quan trọng.

Bìa album Vuông Tròn của Hoàng Anh.
Bìa album Vuông Tròn của Hoàng Anh.

Nhưng Hoàng Anh chỉ thực sự “vuông tròn” ở bài hát cuối cùng, Tình ca không vần. Trên cái nền đơn giản chỉ keyboard và trống, giọng Hoàng Anh trở nên sáng và ngọt đến lạ. Cô reo vang bài hoan ca về một niềm hạnh phúc đã chờ đợi từ rất lâu: “Có tình sáng đẹp giữ cho tình dài, bạc đầu sắc tình vẫn chưa phai”. Đi cùng niềm vui là lời hứa về một tình yêu vững chãi: “Anh sẽ chăm cho em những đêm âu lo những mưa mịt mùng / Anh sẽ luôn bên em sẽ mơ cùng một giấc mộng / Vì yêu em anh hân hoan sống, em ban phát những tia rạng đông”

Nếu như Tình vui tưởng vui mà lại buồn thì Tình ca không vần ngược lại, ca từ ngập tràn nỗi hân hoan. Song, đó chỉ là cái niềm vui tự viễn tưởng, tự huyễn hoặc chính mình. Cả bài hát là một giấc mơ tách biệt với thực tại, để cho tâm thức dẫn đường. Điều đó khiến cho người nghe lo sợ, sợ rằng thực tại quá tàn khốc, có khi lại trái ngược hoàn toàn với giấc mơ ấy.

Tình ca không vần cũng khép lại câu chuyện tình yêu Vuông tròn một cách hoàn hảo. Anh không chấm dứt cơn mơ ấy, không đánh thức mình dậy mà cứ thả trôi giữa những mộng mị. Một cái kết lửng. Mặc cho mỗi người tự suy nghĩ, tự tưởng tượng. Với tác giả thì đã có câu trả lời của riêng mình, quyết dành trọn tấm lòng để yêu: “Ôm siết em ghì chặt đến khi ngày tàn đêm tắt”.

*Đọc thêm bài viết về Hoàng Anh ở đây.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Hải Bột của Quái Vật Tí Hon: Không chỉ mơ những đêm hè

Tiếp theo

‘Ride’ của Lana Del Rey: Bản tuyên ngôn buồn bã về tự do

Latest from Âm nhạc