Placeholder Photo

Popura no aki – Mùa thu của cây dương

Bắt đầu
7 phút đọc

Không hiểu sao khi đọc những tác phẩm của các nhà văn nữ Nhật Bản có văn phong nhẹ nhàng kiểu như Banana hay Kazumi, tôi lại liên tưởng đến những bộ phim hoạt hình Nhật Bản. Tất cả mọi thứ, thậm chí ngay cả cảnh hai nhân vật chính hôn nhau chẳng hạn, cũng phải là dễ thương theo một cách nào đó mà chỉ có thể bắt gặp trong các bộ anime. Vì vậy, nếu như đọc văn học phương Tây thì dễ dàng hình dung ra được anh chàng nhân vật chính với đôi mắt sâu màu xanh nước biển hay cô nàng tóc vàng hoe đang dắt chó đi dạo như thế nào thì khi đọc Banana hay Kazumi, các nhân vật trong trí tưởng tượng của tôi đều trở thành những nét vẽ cong cong, tròn tròn. Theo lẽ đó, nếu như các tác phẩm này có được dựng phim thì theo tôi tốt nhất là nên làm thành hoạt hình.

Với Mùa thu của cây Dương thì sẽ như thế này. Cảnh đầu tiên của bộ phim là khi Chiaki đang ngồi trên máy bay trở về khu căn hộ Cây Dương và bắt đầu hồi tưởng về ký ức thời thơ ấu của mình. Từ những tháng ngày mà cuộc sống gắn liền với món cá hồi đóng hộp và tàu điện khi bố cô vừa qua đời, cho đến lúc hai mẹ con tình cờ phát hiện được khu căn hộ Cây Dương và quyết định sống ở đó. Nơi cô gặp được bà cụ chủ nhà có khuôn mặt giống hệt thủy thủ Popeye, khó tính nhưng lại rất tốt bụng, người đã nhận lời gửi thư hộ Chiaki đến bố của cô ở thế giới bên kia. Thế là giống như là một sợi dây liên lạc với bố, cô gửi gắm hết những tâm sự của một cô bé sáu tuổi vào những lá thư, mà không biết hề rằng chính những lá thư đó đã dần dần xóa đi hết những bất ổn trong cô về sự ra đi đột ngột của bố mình từ khi nào.

Một câu chuyện đơn giản và cái cách tác giả kể truyện cũng đơn giản như vậy. Mọi thứ trôi qua chầm rãi như chiếc lá khẽ rơi xuống thềm nhà bởi làn gió thu. Ngay cả khi bí mật được hé lộ hay những tình tiết bất ngờ xuất hiện cũng không hề gây cảm giác quá hồi hộp hay ám ảnh nhưng lại khiến người đọc day dứt mãi.

Cái chết, xuất hiện khá đều đặn trong cuốn sách này. Trước hết là bố Chiaki, đột ngột biến mất một cách nào đó mà theo cô là giống như nhân vật siêu hậu đậu trong truyện tranh sẩy chân rơi xuống lỗ cống còn mở nắp. Nỗi đau mất mát người thân không bùng nổ ra bên ngoài mà âm ỉ như những đợt sóng ngầm, hình thành nên biết bao nỗi sợ hãi trong cô. Là cảm giác lo lắng rằng mình đã để quên một món đồ nào đó ở nhà hay là chưa kịp khóa cửa cẩn thận nên cứ phải liên tục chạy về nhà để kiểm tra đến tận mấy lần trên đường đến trường. Và cả suy nghĩ đáng sợ mỗi khi nhìn về phía lưng mẹ khi đang nấu ăn, rằng một ngày nào đó mẹ cô cũng sẽ rơi xuống cái hố đen ngòm mà bỏ lại cô ở lại. Vì vậy cô tự nhắc mình, dẫu sơ ý một chút thôi cũng không thể được. Đại loại như là, nếu mình không ngoan thì mẹ mình cũng sẽ biến mất như bố. Bởi vì “thế giới này nhan nhản những lỗ cống ở khắp mọi nơi”. Cái ý nghĩ đó quả thật đã ám ảnh cô bé trong suốt một thời gian.

Tiếp đó là len lỏi những dấu hiệu của cái chết. Mẹ của Osamu bị mất em bé. Rồi bà ngoại, đã già lắm rồi nhưng vẫn cố sống đến khi còn đủ tỉnh táo để đưa lại cho con gái ít tiền và chiếc nhẫn cùng lời nhắn nhủ: hãy làm sao để sau này không phải hối hận rằng ‘Ôi, ngày đó mình còn trẻ, vậy mà…’. Cả Chiaki, khi mà đã trưởng thành cũng không thoát khỏi ý nghĩ một ngày nào đó sẽ ra đi theo cách của bố.

Rồi những lúc khi mà trời tối sầm vẫn không thấy bà cụ chủ nhà trở về hay khi bà bị ngã phải nhập viện, thì nỗi sợ mất phải đi người thân yêu lại trở về ám ảnh cô bé. Nhưng cuối cùng thì bà cụ chủ nhà vẫn phải ra đi. Bởi sinh – lão – bệnh – tử, vốn đã là điều không thể nào tránh khỏi. Bà ra đi khi đã thực hiện được lời hứa, “sẽ cố gắng sống đến ngày cháu trưởng thành” và để tiếp tục thực hiện lời hứa của mình – đưa những lá thư của người còn sống cho người đã khuất. Những lá thư như là một nguồn sức mạnh giúp vượt qua nỗi đau, và cũng là một minh chứng rằng, chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất vẫn chính là những người thân yêu nhất của mình.

Kết phim, Chiaki ngồi trên xe đưa tang bà cụ, ngoảnh mặt nhìn về phía bầu trời xanh. Giọng nói bà cụ vẫn văng vẳng bên tai.

“Nhưng trước hết, cháu phải quét lá rụng cho bà đã. Còn phải xin lỗi hàng xóm vì đã để lá rụng nhiều thế này…”

Sách hay, bìa cũng đẹp. Mùa thu thì có lá vàng. Kazumi còn có một cuốn khác là Khu vườn mùa hạ (Natsu no niwa), viết trước và nổi hơn cuốn này, cũng được dựng thành phim. Mùa hè thì có cỏ non xanh rì trông mát rượi. Nói chung là mua một lúc cả hai cuốn không hề phí tiền đâu.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

15 Comments

  1. […] nguồn: blog nsphuoc Like Unlike AKPC_IDS += "9340,";Popularity: unranked [?]Bài viết tương tựỨơc gì mình có một khu vườn của mùa hạKhông bất ngờ mà day dứt mãiMÙA THU CỦA CÂY DƯƠNG – Yumoto KazumiNgài đại sứ và những trang viết “Chuyện đồng thoại Nhật Bản”Tý Quậy đã có tập 7!Chơi thật vui, học thật nhanh với Tom & JerryOPEN THE WINDOW, EYES CLOSED – Nguyễn Ngọc ThuầnThe Chronicles of Narnia: The Voyage of the Dawn Treader (2011)ĐỊNH MỆNH – HidariKHOA HỌC QUẢN TRỊ & QUẢN TRỊ KINH DOANH TẠI NHẬT BẢN – Yoshiaki Takahashi Góc cảm nhận admin […]

  2. Thích Khu Vườn Mùa Hạ hơn, còn Mùa Thu Của Cây Dương, chỉ đọc đến đoạn cuối khi nói về cái chết của ông bố, thấy bất ngờ ghê lắm, và mới hiểu về nhân vật người mẹ…

  3. Mình đang đọc Khu vườn mùa hạ. Chắc phải tìm đọc luôn Mùa thu của cây dương. Cách bạn cảm nhận các nhân vật trong các tiểu thuyết có văn phong nhẹ nhàng của Nhật thật lạ. Làm mình liên tưởng đến 2 nhân vật trong Kitchen của Banana 🙂

  4. Chính vì nó thiếu nhi hơn nên mới thích ^^
    Trẻ hơn á? Trẻ hơn bao nhiêu tuổi, thảo nào cái kiểu viết nghe trẻ trẻ ^^
    Yup, I am living in HCMC, but I prefer call it Sài Gòn… You? Hà Nội?

  5. Mình cũng thích Khu vườn mùa hạ hơn đến nỗi đã mua mấy lần quyển truyện đó rồi, thấy truyện dành cho trẻ em mà có nhiều ý nghĩa quá. Thích nhất câu nói rằng nếu 1 ai đó biết ta vẫn đang dõi theo họ hàng ngày họ sẽ có thể sống tốt hơn khi 3 cậu bé theo dõi ông cụ…
    Đọc truyện Nhật thấy người ta suy nghĩ theo 1 cách thật khác, không phải mọi chuyện đều có màu hồng nhưng thật giản dị mà nhiều ý nghĩa nữa 😡

  6. Em vừa mua “Mùa thu của cây dương”, đọc tuyệt vời quá. Mà bới mãi mấy hiệu sách không có “Khu vườn mùa hạ”. Ai biết mua ở đâu chỉ em với ạ!

  7. Đã từng thích Khu vườn mùa hạ đến mức ăn theo 1 đoạn trong truyện này, và còn khá nhớ một câu về “những chiếc xương trắng” của ông cụ trong truyện. Lần trc đọc là do đi mượn, liệu có nên mua không nhỉ? Muốn mua nhiều truyện quá đi XD

  8. Ừ, tớ cũng đọc Khu vườn mùa hạ. Có cái cảm giác giống của cậu: liên tưởng đến anime với những nét vẽ tròn tròn, cong cong mà dễ thương đến lạ!. Cảm xúc khi đọc là có chút gì đó ghen tị & mơ mộng khá nhiều thứ =D như kiểu 1 chất xúc tác cho việc nhớ ra mình đã từng mơ mộng những điều nhỏ nhặt như thế đây ~~

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Khánh Linh & Nguyên Thảo: hai giọng ca ‘vàng’ của nhạc Việt

Tiếp theo

Về Li ti

Latest from Uncategorized

Movies of the 2000s

Một người bạn đọc blog biết tôi thích đọc sách và xem phim nên cố tình