Nghe Norah Jones và nhún nhảy cùng những điệu buồn
Nghe Norah Jones và nhún nhảy cùng những điệu buồn
/

Nghe Norah Jones và nhún nhảy cùng những điệu buồn

Bắt đầu
11 phút đọc

Pick Me Up Off The Floor’ là một bất ngờ dành cho khán giả hâm mộ Norah Jones. Nó là album nhạc jazz mà người nghe có thể nhảy nhót theo được. Một tuyển tập những ca khúc buồn nao lòng, nhưng cũng dễ dàng sưởi ấm con tim cô đơn nhất.


Trước khi những trào lưu hip-hop, R&B, EDM, country hay K-pop lần lượt lên ngôi, thị trường âm nhạc thế giới đã từng một thời chao đảo bởi… jazz.

Năm 2002, Norah Jones phát hành album đầu tay Come Away With Me và lập tức trở thành hiện tượng âm nhạc. Album đạt năm giải Grammy trong một đêm và hàng triệu bản đĩa tẩu tán toàn cầu.

Thành công đó trở thành rào cản lớn đến nỗi cả ba sản phẩm sau – Feels Like Home (2004), Not Too Late (2007), The Fall (2009) – đều không vượt qua được.

Dù nữ ca sĩ luôn nỗ lực bằng cách thử sức với nhiều dòng nhạc khác nhau (country, folk, soft-rock), nhưng dường như cái chất jazz-pop và sự mộc mạc đặc trưng của acoustic trong album đầu tay đã ghi một dấu ấn quá sâu đậm trong lòng công chúng.

Người đưa jazz trở về

Bước sang thập niên 2010, Norah Jones bắt đầu có những bước đi mang tính cá nhân hơn. Cô thể hiện cái tôi nhiều hơn là chiều lòng khán giả.

Jones tái hợp Puss n Boots để ra mắt album đầu tay cho nhóm. Cô cộng tác với Billie Joe Armstrong (Green Day) trong một album hát đôi mang tên Foreverly (2013). Thi thoảng cô góp giọng trong một vài dự án đơn lẻ của đồng nghiệp để… cho vui.

Dấu ấn quan trọng trong khoảng thời gian làm nhạc vì bản thân ấy của Norah Jones chính là Little Broken Hearts (2012) – album phòng thu thứ 5 được thực hiện bởi nhà sản xuất lẫy lừng khi ấy là Danger Mouse. Sau một thập kỷ ca hát, Norah Jones gần như lột xác.

Cô trở nên gai góc trong những bản indie pop, dữ dội khi hát về tình yêu tan vỡ, thậm chí có một chút tàn bạo khi nhắc đến kẻ thứ ba.

Jeff Tweedy là nhà sản xuất cho album Pick Me Up Off The Floor của Norah Jones.
Jeff Tweedy là nhà sản xuất cho album Pick Me Up Off The Floor của Norah Jones.

Cái tên Norah Jones vắng bóng đã lâu, nhưng vị thế của cô không hề thay đổi, nhất là với người yêu jazz.

Đáp trả tình cảm của người hâm mộ, năm 2016 Jones trở lại với Day Breaks. Đây là một album nhạc jazz mẫu mực, tiêu chuẩn, dễ nghe. Cũng chính sự an toàn và thiếu đột phá cũng đưa Jones trở về với định kiến đã đóng đinh từ lâu: một giọng ca nhẹ nhàng, dễ chịu, thích hợp để nghe thư giãn trong một không gian yên tĩnh hoặc những quán cà phê thanh lịch.

Khác những album trước, Pick Me Up Off The Floor là sản phẩm nằm ngoài dự tính của Norah Jones. Sau khi Day Breaks ra đời, cô trở nên chán nản với vòng lặp quen thuộc – phát hành album, chạy show, trả lời phỏng vấn và hàng loạt hoạt động quảng bá sau đó – của một ca sĩ.

Để cân bằng cuộc sống, Jones dành nhiều thời gian trong phòng thu, thực hiện những dự án nhỏ dưới dạng session. Cô tìm cảm hứng bằng cách hợp tác với nhiều nghệ sĩ, kỹ sư âm thanh và nhà sản xuất khác nhau. Kết quả là sau hai năm, Jones có một kho sáng tác mới mà không biết nên dùng làm gì. Một vài bài đã được giới thiệu trong đĩa EP Begin Again (2019). Số còn lại được cô chọn lọc để đưa vào album mới.

Từng bài hát được chọn lọc kỹ càng

Bỏ qua thông tin bên lề ấy, khó thể nhận ra nước đi mang tính ngẫu hứng của Jones. Album có sự thống nhất cao, được biên tập cẩn trọng để không phá vỡ mạch cảm xúc của người nghe.

12 ca khúc được sáng tác ở những thời điểm khác nhau, thu ở những studio khác nhau, nhưng đều có một điểm chung. Chúng không hề dễ chịu hay thư giãn, mà u ám như những cơn mưa chiều phủ đầy mây đen.

Ngay cả một sáng tác cực kỳ hay là Tryin’ to Keep It Together, cũng bị loại khỏi danh sách chính thức, chỉ xuất hiện trong bản độc quyền của Target.

Từ “floor” ở tên album thường được dùng để chỉ những sàn nhảy của các câu lạc bộ về đêm. Song, phần ảnh bìa lại là Norah Jones trong trang phục vũ hội, đang ở tư thế sõng soài trên sàn nhà, chờ ai đó đỡ dậy khỏi cú ngã.

Hai yếu tố đó kết hợp lại như một ẩn dụ chua chát về tinh thần mà nữ ca sĩ muốn thể hiện. Trong ca khúc đầu tiên, How I Weep, cô hát: “Tôi nhảy nhót, ca hát và vui cười. Nhưng tận sâu bên trong tôi đang khóc. Khóc vì một mất mát quá sâu đậm”.

Bìa album Pick Me Up off the Floor là Norah Jones trong trang phục vũ hội, đang ở tư thế sõng soài trên sàn nhà.
Bìa album Pick Me Up off the Floor là Norah Jones trong trang phục vũ hội, đang ở tư thế sõng soài trên sàn nhà.

How I Weep không hề là một ca khúc dễ nghe. Giữa nên piano đặc quánh là phần dàn dây thi thoảng rít lên từng tiếng như than khóc. Jones khiến người nghe cảm thấy lạnh sống lưng khi mô tả nỗi đau chạy dọc cơ thể: nó len lỏi từ làn da, mái tóc, nó rón rén ở cằm, cuộn vào xương tủy, rồi đâm thẳng vào tim. Cô dùng từ “weep” thay cho “cry” để nhấn mạnh nỗi cô đơn hàng đêm. Đến nỗi không còn cách nào, cô đành làm bạn với nó: “Tôi khóc than cho mất mát, và mất mát than khóc cho tôi”.

Khó thể hình dung Norah Jones đã trải qua những mất mát gì, nhưng ta hoàn toàn có thể “chạm” được vào cảm giác đau đớn qua từng lời ca, tiếng hát. Trong Hurts to Be Alone, cô nhảy nhót theo từng phím đàn mà nước mắt không ngừng tuôn rơi. Giai điệu vui vẻ, bắt tai, hoàn toàn trái ngược với phần lời buồn bã. Ca khúc gợi nhớ đến những “con tin tan vỡ trên sàn nhảy” khác của dòng pop như Robyn (Dancing on my own) hay Katy B (Crying For No Reason). Người ta dễ dàng cô đơn ở những nơi đông đúc nhất, và Norah Jones cũng không phải ngoại lệ. Cô cay đắng hát: “Ai cũng là bạn của tôi, cho đến khi tôi rơi vào ngõ cụt”.

Ca khúc tiếp theo, Heartbroken, Day After, là khoảnh khắc khi bữa tiệc tàn. Nữ ca sĩ tỉnh dậy sau khi men rượu đã tan, nhận ra chẳng còn ai bên cạnh: “Trái tim tan nát / Ngày hôm sau / Tâm trí tôi quay cuồng”.

Hướng đi mới trong sáng tác

Nỗi buồn trong Pick Me Up Off The Floor không đơn thuần chỉ là cảm xúc lơ đãng của cô gái đôi mươi “chẳng biết vì sao tôi không đến” (Don’t Know Why), hay những đau đớn về tình yêu như trong trong Little Broken Hearts.

Theo Jones, đó là “những vết nứt trong tim mà cả xi măng cũng chẳng thể lấp đầy” (To Live). Ở tận cùng của cô đơn, nữ ca sĩ tuyệt vọng đến thảng thốt: “cuộc sống mà chúng ta biết… đã kết thúc rồi” (This Life).

Tự nhận mình không giỏi diễn giải ngôn từ, các sáng tác của Jones gói ghém cảm xúc nhiều hơn là câu chuyện. Một số ca khúc ngắn gọn như những bài haiku được phổ nhạc (This Life, Hurt To Be Alone). Ngòi bút của Jones cũng mở rộng hơn. Cô liên tục đề cập đến nhiều chủ đề như tình bạn, tình người, chính trị và nữ quyền.

This Life, To Live I’m Alive đặt cạnh nhau như một trilogy (bộ tam) viết tặng cuộc đời. Cô hát về những cô gái “bị nghiền nát bởi suy nghĩ về đêm của đàn ông” (I’m Alive). Cô tuyên bố điều duy nhất theo đuổi là được “sống trong khoảnh khắc này” (To Live).

YouTube player
MV ca khúc Hurt to Be Alone trích trong album Pick Me Up off the Floor của Norah Jones.

Âm nhạc của Norah Jones luôn là ly cocktail hoàn hảo giữa pop và jazz. Trong Say No More, cô đưa người nghe chìm vào không gian của những quán bar đêm. Tiếng kèn saxophone đục ngầu quyện vào tiếng piano không ngừng nghỉ. Hay Flame Twin xứng đáng là ca khúc tiêu biểu cho sự đột phá trong âm nhạc của Norah Jones. Tiếng piano ngập ngừng, giọng hát thì thào như đang bước vào một trò chơi cút bắt ma mãnh.

Điểm trừ của album là cấu trúc vẫn đi theo một lối mòn quen thuộc. Những bài buồn được đặt lên đầu, dành nửa sau cho những bài tươi sáng hơn. Cấu trúc này không mới, thậm chí đã từng được sử dụng trong Little Broken Hearts. Jones không dồn người nghe vào góc tối cô đơn, mà đâu đó vẫn le lói chút hy vọng. Ca khúc cuối cùng, Heaven Above, vẫn là một bài buồn nhưng ấm áp. Nữ ca sĩ quay trở lại với những ký ức của ngày cũ. Tình còn nồng, trái tim còn yêu và mọi thứ được đặt đúng chỗ. Cô khẽ mỉm cười và tự nhận thấy mình không quá cô đơn.

Dù không hoàn hảo, khó thể đòi hỏi hơn ở một hợp tuyển như Pick Me Up Off The Floor. Nó cho thấy một cá tính nghệ sĩ sẵn sàng từ bỏ danh vọng để hát những điều mình thích. Đó cũng là một trong những lý do khiến cái tên Norah Jones luôn xứng đáng để được mong chờ.


Đánh giá: ***1/2 (3.5/5)


Thông tin:
  • Album Pick Me Up off the Floor của Norah Jones đạt 83/100 điểm trên Metacritic.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Magdalene’: Xúc cảm tình yêu trái cấm

Tiếp theo

‘Dương quang phổ chiếu’ – sự đè nén dưới ánh Mặt Trời

Latest from Âm nhạc