Placeholder Photo

Moon Palace

Bắt đầu
6 phút đọc

Một việc hết sức tình cờ và ngẫu nhiên là vào ngày hôm qua, Cá tháng Tư, khi tôi đang đọc Moon Palace thì cũng vừa đến đoạn ông già Effing quyết định đem tiền của mình đi phân phát cho mọi người, cũng vào một sáng ngày mồng một tháng Tư như thế này. Chỉ có điều nếu như thời tiết ở New York khi ấy được miêu tả là “quang và khô ráo” thì cả ngày hôm qua trời Sài Gòn vô cùng âm u và ảm đảm. Mưa gió bão bùng từ sáng đến tối khiến tôi chỉ còn biết nằm trong phòng đọc sách, bật laptop xem nốt Desperate Housewives, nghe một vài bản nhạc của Bon Iver (để tự huyễn hoặc bản thân rằng mùa đông đang tới), lên mạng một chút, rồi lại trèo lên giường đọc sách. Sự việc cứ lặp đi lặp lại không theo thứ tự nhất định cho đến tám giờ tối thì đột ngột mất điện và tôi hoàn toàn bất lực trước sự chống trả dữ dội của thiên nhiên nên đành phải đi ngủ sớm. Mãi cho đến hôn nay thì cuối cùng tôi cũng đã giải quyết xong tác phẩm khá dài hơi (486 trang) của Paul Auster, một cuốn sách không hề thiếu những sự việc tình cờ và ngẫu nhiên, dẫu đều là do tác giả sắp đặt và toàn bộ nội dung đã được tóm gọn ngay từ trang đầu tiên như thế này:

“… Quãng thời gian ấy tôi còn rất trẻ, nhưng không có chút niềm tin vào tương lai. Tôi muốn sống liều lĩnh, tự đẩy mình đi xa nhất có thể, và thử xem điều gì sẽ xảy ra với mình khi đến đó. Trên thực tế suýt nữa tôi đã không làm được điều này. Tiền của tôi cạn dần; tôi mất căn hộ; tôi bị tống cổ ra đường. Nếu không có cô gái tên là Kitty Wu, hẳn tôi đã chết đói… Tôi tìm được việc làm ở chỗ ông già ngồi xe lăn. Tôi phát hiện bố tôi là ai. Tôi đi qua xa mạc từ Utah đến California…”

Chính vì sự dài hơi đó nên các nhân vật trong cuốn sách đều được xây dựng và phát triển rất tốt, dẫu chỉ là người bạn Zimmer xuất hiện ở mỗi chương đầu nhưng cũng không hề mờ nhạt. Chú thích thêm thì “ông già ngồi xe lăn” chính là ông lão Effing mà tôi nhắc đến ở trên. Còn nhân vật chính là Marco Stanley Fogg, một chàng trai có số phận rất tội nghiệp: không biết cha mình là ai, mẹ mất năm 11 tuổi nên phải sống với ông bác Victor, nhưng chẳng bao lâu sau thì ông bác cũng qua đời, và thế là “quãng thời gian ấy” bắt đầu.

Cũng chính vì sự dài hơi đó nên cuốn sách có đôi chỗ đọc hơi mệt và trượt khỏi giới hạn của sự hấp dẫn. Nguyên chương một rất hay (có thể nói là hay nhất) kể về số phận của Marco. Đến khi anh gặp Effing thì trọng tâm chuyển về phía ông già. Mà cuộc đời Effing thì cũng như cuộc đời của bất kỳ con người bình thường nào, có chỗ cực thú vị nhưng cũng có chỗ vô cùng “boring”. Nhờ thong thả về thời gian nên tôi có thể đọc rất từ tốn, chậm rãi và để ý được đến một số tác phẩm hội họa được nhắc đến trong tác phẩm (vì Effing vốn từng là họa sĩ).

Chẳng hạn, căn phòng nơi mà Marco sống trong nhà của Effing có treo một bức tranh của Thomas Cole trong loạt tranh mang tên The Course of Empire (mà được Cao Việt Dũng dịch là Dòng chảy của đế chế). Không biết là bức nào trong những bức sau:

Bức đầu tiên có tên là The Savage State

01 the savage state thomas cole

Bức thứ hai tên là The Arcadian / Pastoral State

02 the arcadian pastoral state thomas cole

Bức thư ba tên là The Consummation of Empire

03 the consummation of empire thomas cole

Bức thứ tư tên là Destruction

04 destruction thomas cole

Bức thứ năm tên là Desolation

05 desolation thomas cole

Còn đây là Moonlight của Blakelock:

moonlight blakelock

Nhân tiện, bìa bản tiếng Việt do Đỗ Hữu Chí thiết kế trông cũng ổn, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ đặt ngay cái dãy đèn nê ông của quán Moon Palace làm ảnh bìa lẫn tên sách, đặt giữa nền trời đen cho nổi bật, nằm ngang hoặc nếu được thì để xéo xéo một chút cho nó oách, mỗi chữ một màu xanh đỏ tím vàng, thêm effect cho thật sặc sỡ, lòe loẹt vào. Để làm chi vậy? Để cho nó vui tươi một chút. Để người đọc khi gấp sách lại bớt thấy lạc lõng một chút với cái bìa ám đầy màu sắc cô độc như bản in. Mà cuốn sách này thì vốn đã “trăm năm cô đơn” quá rồi.

“Tội nghiệp Sol và tội nghiệp M.S. Mọi người đều tội nghiệp.” – Kitty

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

8 Comments

  1. Đó là bức thứ ba, The Consummation of Empire. Đoạn miêu tả có nói bức tranh “depicted a mythological scene crowded with human figures and a plethora of architectural details”.

    • Ah, bản tiếng Việt dịch là thế này anh: “vẽ một cảnh trong thần thoại với rất nhiều nhân vật phàm tục và vô số chi tiết kiến trúc”.

      Giờ mới để ý, cám ơn anh :X

    • Nếu ai chưa đọc truyện này thì nên tranh thủ tìm đọc vì hầu như tất cả các tác phẩm của Paul Auster đều rất hay và đáng đọc.

  2. Em đọc cuốn này, gấp sách lại chỉ buông một tiếng “đáng đời” cho nhân vật chính. Quả tình em không ưa được những nhân vật kiểu này.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘T mất tích’: tiểu thuyết đáng đọc của nhà văn Thuận

Tiếp theo

‘Little Broken Hearts’: Tự sự nơi con tim tan vỡ

Latest from Văn học