Review album Ngày Ấy Và Sau Này của Cá Hồi Hoang
/

‘Ngày ấy và sau này’ – tiếng nói của thế hệ mắc kẹt

Bắt đầu
13 phút đọc

Ngày Ấy Và Sau Này, album phòng thu thứ 5 của Cá Hồi Hoang, có âm nhạc gần gũi, dễ nghe hơn. 10 ca khúc là đại diện cho tiếng nói của những thế hệ mắc kẹt.

“Có lúc thấy ta phi thường / Và giờ chỉ muốn tồn tại…”
Thể loại: Alternative Rock

Đôi lúc, điều trăn trở nhất khi đứng trước ngã ba đường không phải việc nên rẽ trái hay phải. Mà đó là tâm trạng mệt mỏi và bất lực, quay về không được, bước tiếp cũng không xong.

Trong đời người có không ít những “ngã ba đường” như vậy: lạc lối ở tuổi 20, chênh vênh ở tuổi 30, khủng hoảng ở tuổi 40.

Cảm giác mắc kẹt giữa những giai đoạn bế tắc trong cuộc sống được Cá Hồi Hoang mô tả một cách trọn vẹn trong Ngày Ấy Và Sau Này – album phòng thu thứ 5 của nhóm, phát hành tháng 5/2021.

Có thể nói đây là album gần gũi và trưởng thành nhất của Cá Hồi Hoang tính đến thời điểm hiện tại.

Hồi kết cho câu chuyện của Bin và Lola

Kể từ album phòng thu thứ ba Gấp (2016), âm nhạc của Cá Hồi Hoang bắt đầu lan tỏa rộng hơn đến công chúng yêu nhạc.

MV (video ca nhạc) của ca khúc Tầng Thượng 102 đạt được gần 10 triệu lượt xem trên mạng xã hội Youtube, trở thành ca khúc nổi tiếng nhất của nhóm. Mỗi lần album phát hành đều nhanh chóng hết hàng. Các tour diễn chật kín khán giả với lượng người mua vé lên đến con số hàng nghìn.

Nhận thức được điều đó, Cá Hồi Hoang càng đầu tư bài bản hơn cho mỗi sản phẩm, dù là album hay MV cũng đều có concept (ý tưởng, chủ đề nghệ thuật) cụ thể.

Điển hình là Hiệu Ứng Trốn Chạy (2019) với 15 ca khúc được sắp xếp để trở thành một câu chuyện có chương hồi rõ ràng. Các thành viên của nhóm cũng cố gắng để tạo ra một âm thanh riêng biệt, mang màu sắc Cá Hồi Hoang không trộn lẫn với bất kỳ một nhóm alternative nào khác.

Hình ảnh ba thành viên trong Ngày Ấy Và Sau Này (Nguồn: Website Cá Hồi Hoang)
Hình ảnh ba thành viên trong Ngày Ấy Và Sau Này (Nguồn: Website Cá Hồi Hoang)

Nối tiếp hai album trước, Ngày Ấy Và Sau Này như một cái kết đẹp cho trilogy (bộ ba) về tuổi trẻ của Cá Hồi Hoang.

Nếu phải dùng một từ để mô tả về album, hẳn đó phải là “gần gũi”. Âm nhạc được tạo ra không nhằm mục đích đột phá, trái lại thân thuộc và có màu sắc tương đồng với những dự án trước. Thậm chí, album có phần trầm buồn, sâu lắng hơn.

Dung lượng cũng ngắn hơn (39 phút 2 giây) với 10 ca khúc do Thành Luke (Nguyễn Viết Thành) sáng tác và thể hiện. Nội dung theo tác giả vẫn xoay quanh câu chuyện của Bin và Lola, nhưng các nhân vật giả tưởng không được gọi tên.

Điều đó khiến cho âm nhạc của Cá Hồi Hoang dễ cảm hơn. Album như được viết tặng những ai đã và đang nếm trải mùi vị lạc lõng giữa dòng đời vô định.

Ngày ấy ùa về trong ký ức

Phòng Trống mở màn album bằng một ký ức của ngày xưa, khi đứa trẻ chỉ mới lên năm hoàn toàn vô lo vô nghĩ. Cậu say mê đá bóng đến mức quên mất hai đầu gối đang chảy máu vì chấn thương.

Piano nhẹ nhàng làm nền, guitar tăng dần âm lượng, bass đột ngột chen vào. “Ta sinh ra đã bao năm?”, Thành Luke đặt câu hỏi mà không có lời đáp.

Phần điệp khúc nhanh chóng cuốn người nghe vào dòng chảy của thời gian. Những chuyến đi kéo cậu trôi xa khỏi vòng tay của gia đình. Đam mê ngày bé trở thành một điều xa xỉ. “Niềm vui thay phiên nỗi lo”.

Ở đoạn hai, thoáng chốc đứa trẻ năm nào giờ đã hai lăm. Chàng trai trở về nhà và bàng hoàng nhận ra mọi vật đều đã đổi khác. Bạn bè không còn ở lại, những đứa nhóc hàng xóm đều đã vào cấp ba.

Một mình trong căn phòng trống, anh bật khóc khi nhớ lại hình ảnh đứa bé năm nào, cứ ngồi ôm khư khư quả bóng mà chẳng hề biết cảm giác đớn đau.

YouTube player
MV “Phòng trống” trích từ album Ngày ấy và sau này của Cá Hồi Hoang.

Tương tự, ca khúc chủ đề Ngày Ấy Và Sau Này nhắc lại kỷ niệm tình yêu đẹp đẽ. Đó là khi “em” còn trẻ, mỗi lần đến lại hôn anh nồng nhiệt như lần đầu tiên.

Guitar ngập ngừng ở đầu, đến điệp khúc lại trồi lên như một làn sóng, xóa tan ký ức, cuốn trôi khát khao, hoài bão.

Nụ cười biến mất. Chiếc hôn không còn vị ngọt. Cuộc sống tan đi theo những dòng thông tin lặp lại trên tờ báo.

“Rồi một sáng không tin được rằng em đã già / Giấc mơ không còn gì mới”, Thành Luke cất lời trong nỗi thất vọng đến chán chường.

Tiếng nói của “thế hệ mắc kẹt”

Nếu Hiệu Ứng Trốn Chạy tái hiện mong muốn thoát ly, thì Ngày Ấy Và Sau Này là cảm giác bế tắc.

Từng lời hát đại diện cho tiếng nói của “thế hệ mắc kẹt” (generation stuck). Millennials được nhìn lại bầu trời hồi ức, Gen Z thấy mình mờ ảo trong bức màn tương lai.

Xuyên suốt album, Thành Luke lột cả sự lạc lõng của những nhân vật trong tiểu thuyết Haruki Murakami. Ca từ như được anh đúc kết từ những trải nghiệm đắng chát trong cuộc đời.

Một Màu lột tả nỗi cô đơn đến tận cùng. Thế giới ngập chìm trong một màu u tối, loài người chỉ là những “đám đông nhân tạo”.  

Người hát trở thành chú cá bơi vòng quanh trong bể nước chật chội. Anh phân vân không biết nên “hóa tan ở trong biển người”, hay là tiếp tục làm theo bản năng, mặc kệ thói đời.

10 ca khúc trong Ngày Ấy Và Sau Này là tiếng nói của thế hệ mắc kẹt (Nguồn: Website Cá Hồi Hoang).
10 ca khúc trong Ngày Ấy Và Sau Này là tiếng nói của thế hệ mắc kẹt (Nguồn: Website Cá Hồi Hoang).

Nỗi thất vọng về con người được Thành Luke tô đậm trong Cứ Để Ngày Mai. Những người hôm trước còn cười nói vui vẻ với mình, hôm sau “mãi không gặp lại”. Hai thái cực vui – buồn đảo qua đảo lại như vòng xoay chong chóng. “Lắm lúc cũng khôn như vậy / Mà ngờ đâu đã bị hại”.

Giả tiếp nối cảm giác cô độc giữa bốn bức tường. Lời tâm sự mãi không nhận được hồi đáp, niềm tin mất đi tạo thành những vách ngăn vô hình. “Em sẽ quên / Quá khứ cho ta mua thêm một bài học mới”, Thành hát như đang tự dạy mình.

Ở giai đoạn tăm tối nhất của cuộc đời, nam ca sĩ không hề giấu giếm những cảm xúc tiêu cực. “Sống bao nhiêu lâu?”, người hát tự hỏi rồi vùi mình vào trong men cay của chất cồn (Cứ Để Ngày Mai).

Anh muốn “quên đi cuộc sống trước đêm”, “muốn mai trở thành hơi nước” (Giả), muốn “bốc hơi trở thành mây trời” (Một Màu).

Nỗi trăn trở về sau này

Ở nửa sau của Ngày Ấy Và Sau Này, âm nhạc bắt đầu “tĩnh” lại. Lần Thứ Hai là ca khúc duy nhất sử dụng dàn dây, cũng là bài buồn nhất.

Bỏ đi guitar và keyboard, Thành Luke hát giữa nền nhạc tăm tối. Anh bắt đầu ngập ngừng như đứng trước người yêu mà không dám nói lời chia tay. Ca từ bộc lộ nỗi luyến tiếc cho những điều còn dang dở. “Điều không ai muốn biết trước / Mình còn lại bao tháng năm”, người hát tiếp tục trăn trở.

Bỏ qua chuỗi cảm xúc buồn bã, Ngày Ấy Và Sau Này vẫn có những khoảnh khắc hân hoan, tích cực.

Cuộc Đời Còn Bao Nhiêu Điều Mình Sẽ Mãi Chưa Làm như lời động viên, an ủi. Thành Luke đồng cảm và liên tục khích lệ tinh thần người nghe. Anh vỗ về: “Chỉ cần em kể anh nghe đừng yên lặng quá”. Một Câu là giải pháp mà Cá Hồi Hoang đưa ra để khắc phục cơn trầm cảm. “Khóc thật lâu / Nói Một Câu / Em không nói thì cũng sẽ đau”, Thành khuyên nhủ.

Bìa album Ngày Ấy Và Sau Này của Cá Hồi Hoang (Nguồn: Website Cá Hồi Hoang).
Bìa album Ngày Ấy Và Sau Này của Cá Hồi Hoang (Nguồn: Website Cá Hồi Hoang).

Ngày Ấy Và Sau Này không có những khoảnh khắc bám vào tâm trí người nghe ngay lập tức, như vòng hòa thanh guitar mở đầu Inside Mr. Bin, hay đoạn solo dữ dội ở nửa sau Cô Ấy. Đổi lại, Minh (lead guitar) tìm cách nương theo người hát để hòa thành một tổng thể thống nhất.

Lời ca của Thành Luke thì luôn sâu sắc và xúc cảm.

Cạo bỏ bộ râu, giọng Thành cũng trẻ hóa so với thời Tầng Thượng 102. Có khi anh tung tẩy như một đứa trẻ (Một Câu), có khi trầm mặc đến buồn bã (Lần Thứ Hai). Phần lớn Thành không hát, anh kéo người nghe vào bàn nhậu rồi rủ rỉ tâm sự như thể rút ruột rút gan.

Khi album kết thúc, nơi góc tối của “phòng trống” đã có chút “ánh sáng”. Chờ (Điều Tốt Nhất) là cái kết khó thể đẹp hơn. Trước thế tiến thoái lưỡng nan, Thành Luke cho rằng “điều khó nhất là chờ đợi trong bóng đêm”. Thay vì day dứt với những điều đã qua, mơ hồ với những thứ chưa xảy đến, thôi thì “chờ em ơi sẽ qua thôi”.

Với 5 album phòng thu, 5 tour diễn và 1 EP (đĩa mở rộng), Cá Hồi Hoang hiện là nhóm nhạc tiên phong trong làn sóng indie Việt thập niên 2010. Suốt 8 năm hoạt động, những chú “cá hồi” đã và đang bơi không hề mỏi mệt để khẳng định vị trí ấy.

Một cách vô tình, Ngày Ấy Và Sau Này phát hành đúng vào thời điểm Việt Nam đang rơi vào tâm điểm của đại dịch Covid-19. Lúc này, có thể một ai đó cũng đang mắc kẹt trong “căn phòng” cô độc của tâm hồn, chờ đợi sự cứu rỗi.

Ngày Ấy Và Sau Này và âm nhạc của Cá Hồi Hoang sẽ là thứ “ánh sáng” đẹp đẽ dẫn lối bạn bước ra khỏi nỗi u sầu.

Bản quyền thuộc về WowWeekend.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Âm nhạc chữa lành của Mademoiselle

Tiếp theo

Nhạc Việt Catalogue 2004: Đỗ Bảo bắn ‘Cánh Cung’ đầu tiên

Latest from Âm nhạc