Nhạc Việt Catalogue 2004: những album đáng chú ý
/

Nhạc Việt Catalogue 2004: Đỗ Bảo bắn ‘Cánh Cung’ đầu tiên

Bắt đầu
27 phút đọc

Nhạc Việt 2004: Bài viết nằm trong chuyên mục “Nhạc Việt Catalogue” được lập ra với mục đích tổng hợp lại một số album nhạc Việt đáng chú ý qua mỗi năm.

Bài và mục sẽ được cập nhật nếu cần thiết (tác giả ghi nhận mọi ý kiến đóng góp).


Quay lại năm 2004 cũng là lúc khán giả được trở về nguyên sơ với tiếng hát thô ráp của Hồ Ngọc Hà, sự trần trụi từ bản năng của Tùng Dương.

Thanh Lam đột phá với không gian âm nhạc hoành tráng trong Nắng Lên, Hồng Nhung tĩnh tại với Khu Vườn Yên Tĩnh.

Hai tác giả Quốc BảoĐỗ Bảo cũng gây ấn tượng với những album xuất sắc. Những Chuyện Kể thuật lại những đớn đau của một người vừa bước qua giông bão, Cánh Cung viết nên những câu chuyện tình yêu mơ màng, đẹp đẽ.

Giữa những album nhạc pop gây được tiếng vang, Jazzy Dạ Lam tặng cho người nghe Trăng Và Em – một album nhạc jazz dịu dàng đến khó quên.

Dưới đây là danh sách các album đáng chú ý của làng nhạc Việt trong năm 2004.


Khu Vườn Yên Tĩnh – Hồng Nhung

“Em không thể nói những gì đã từng có…”
Thể loại: Pop, Chill-out
Khu Vườn Yên Tĩnh đậm chất thiền của Hồng Nhung
Khu Vườn Yên Tĩnh đậm chất thiền của Hồng Nhung

Cơn mưa đi qua, để lại tiếng nước róc rách trong khu vườn. Tình yêu đi qua, để lại nỗi trống vắng trong tâm hồn.

Hồng Nhung lấp đầy khoảng trống ấy bằng world music và thiền.

Khu Vườn Yên Tĩnh được nhào nặn bởi đội ngũ sản xuất “vàng” khi ấy gồm ba nhạc sĩ Dương Thụ, Quốc Trung và Huy Tuấn. Đây là hình mẫu hoàn hảo của một album có concept (ý tưởng, chủ đề âm nhạc). Các ca khúc được sắp xếp theo cấu trúc thống nhất từ âm nhạc, ca từ cho đến cách hát.

Âm nhạc được phối theo thể loại chill-out. Các nhạc cụ dân tộc (đàn bầu, sáo) được kết hợp một cách khéo léo với nhạc điện tử, tạo cảm giác bồng bềnh, dễ chịu.

Nếu Ngày Không Mưa đong đầy nỗi day dứt, trăn trở về tình yêu, thì Khu Vườn Yên Tĩnh chính là triết lý sống của Hồng Nhung.

Trong khu vườn tĩnh tại, Hồng Nhung quên đi những huyên náo bên ngoài để mặc cho suy nghĩ xuôi theo dòng chảy của thiên nhiên. Cô khẽ soi mình vào những tiểu tiết như con chim sâu, hòn đá trong vườn, tiếng nước róc rách,…

Nỗi buồn vẫn xuất hiện, nhưng không còn là những cơn đau day dứt.

Giọng hát của Hồng Nhung trong album vì thế cũng nhẹ tênh như làn gió thoảng, mát lành. Cô cứ để cho những cảm xúc trôi qua một cách nhẹ nhàng, thư thái.  

Nên nghe thử: Tiếng Mưa Để Lại (Dương Thụ), Nắng Sớm (Huy Tuấn), Hòn Đá Trong Vườn Tôi (Quốc Trung, Dương Thụ).


24 Giờ 7 Ngày – Hồ Ngọc Hà

“Con đường em đi vàng lá rơi, mải mê chân bước…”
Thể loại: Pop
Hồ Ngọc Hà mở đường trào lưu chân dài đi hát với 24 giờ 7 ngày.
Hồ Ngọc Hà mở đường trào lưu chân dài đi hát với 24 giờ 7 ngày.

Album đầu tay cũng là album hay nhất trong sự nghiệp ca hát của Hồ Ngọc Hà. Đó là điều mà có lẽ chính nữ ca sĩ cũng không thể ngờ.

24 Giờ 7 Ngày ra đời, biến Hồ Ngọc Hà trở thành người tiên phong trong trào lưu chân dài làm ca sĩ. Cô cũng là người duy nhất còn tồn tại và thành công đến hiện tại.

Giọng hát của Hồ Ngọc Hà lúc này như một viên ngọc thô chưa được mài dũa, không điêu luyện về kỹ thuật, nhưng tràn đầy xúc cảm. Qua tiếng hát của cô, những bản tình ca đều mang hơi thở của thời đại mới, ngọt nhưng không sến, buồn nhưng không bi lụy.

Album cũng chứng tỏ vai trò quan trọng của nhà sản xuất, hoàn toàn che lấp khiếm khuyết trong giọng hát của ca sĩ.

Âm nhạc phần lớn sử dụng piano làm chủ đạo nhằm tôn giọng hát (Ước Một Ngày, Tiếng Dương Cầm). Có bài được phối rất mộc với guitar (Hát Thầm), có bài lại phá cách với R&B rộn ràng (24 giờ 7 ngày).

Phần hòa âm phối khí rất hiện đại đóng mác Anh Quân, Huy Tuấn, luôn tìm cách tạo màu sắc để bổ trợ cho cách hát còn một màu.

Sau nhiều năm, thính giả vẫn sẽ tìm ra những chi tiết thú vị khi nghe lại 24 Giờ 7 Ngày. Từ đoạn cuối của Hát Thầm (Huy Tuấn – Dương Thụ) được vặn nhỏ âm lượng để nhảy sang nhạc điện tử ở Âm Thanh Cuộc Sống (Hồng Kiên), cho đến phần giọng bè mở đầu Ngã Rẽ Trái Tim (Huy Tuấn).   

Nên nghe thử: Ước một ngày (Nguyễn Xinh Xô), Ngã Rẽ Trái Tim (Huy Tuấn), 24 Giờ 7 Ngày (Huy Tuấn).


Những Chuyện Kể – Quốc Bảo

“Là biết lòng tôi cháy như đóm tàn giấc mơ khép màn…”
Thể loại: Pop
Quốc Bảo trở lại Nhạc Việt 2004 với album Những Chuyện Kể.
Quốc Bảo trở lại Nhạc Việt 2004 với album Những Chuyện Kể.

Bình Yên (2003) khép lại khoảng trời hoàng hôn với những tia nắng an lành, Những Chuyện Kể mở ra bóng tối của màn đêm u uất.

11 ca khúc được Quốc Bảo sáng tác sau khi đi qua những gập ghềnh của đường đời. Tình ca anh viết vì thế cũng mang một màu sắc mới, đâu đó ẩn sau vị ngọt của ca từ là dư vị đắng chát. Âm nhạc mang màu sắc rock với guitar điện và keyboard.

Album được chia thành ba phần ứng với ba giọng hát chính. Mỗi bài hát ghép lại thành một “chuyện kể”, nhưng giống như lời tự vấn của chính tác giả.

Lần đầu tiên nhạc Quốc Bảo không có những ngôi sao như Thanh Lam, Hà Trần, Hồng Nhung,… Ngoài Lê Hiếu quen thuộc thì Mai Khôi và Thủy Tiên là hai gương mặt mới toanh.

Bước vào thế giới của Quốc Bảo, Mai Khôi lập tức tỏa sáng khi. Giọng hát của cô có phần điệu đà, nhưng luôn tỉnh táo khi xử lý các ca khúc.

Thủy Tiên hát theo bản năng, không dấu nổi sự non dại. Song, đó cũng là điểm khiến cho Ta Đã Yêu Trong Mùa Gió trở thành cái kết đầy ám ảnh.

Đứng bên cạnh hai giọng nữ, Lê Hiếu vẫn công tử quá, đôi khi hời hợt đến đáng trách!

Nên nghe thử: Mùa Quả Đắng, Về, Ta Đã Yêu Trong Mùa Gió (Quốc Bảo)


Thanh Lam – Hà Trần

“Xin đừng xa em. Thiếu anh em buồn, buồn biết mấy…”
Thể loại: Pop
Không chỉ ghi dấu Nhạc Việt 2004, Thanh Lam - Hà Trần còn là album song ca xuất sắc của thập kỷ.
Không chỉ ghi dấu Nhạc Việt 2004, Thanh Lam – Hà Trần còn là album song ca xuất sắc của thập kỷ.

Đúng như tên gọi, Thanh Lam – Hà Trần là cú bắt tay dịu dàng giữa hai giọng ca nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ.

Album gồm 11 ca khúc, mở màn bằng Ngẫu Nhiên (Trịnh Công Sơn) như giải thích cho sự hợp tác rất đỗi “ngẫu hứng”. Trong đó, Thanh Lam có tham gia sáng tác và thể hiện một bài cùng Niels Lan Doky (Anh Có Nghe Em Hát).

Giọng hát nồng nàn, từng trải của Thanh Lam không hề lệch tông khi đứng cạnh một Hà Trần trẻ trung, sôi nổi.

Trong Anh Có Nghe Em Hát, Thanh Lam đậm chất tự sự, kể lại câu chuyện của người đàn bà vừa mất đi tình yêu. Hà Trần cũng không kém cạnh đàn chị. Cô gây dấu ấn trong Trái Tim Lang Thang bởi cách xử lý giản dị, chân thành, kỹ thuật mà không vơi xúc cảm.

Thanh Lam “xé nát trái tim” để hát. Hà Trần rạo rực với nhịp đập khát khao. Khi hát chung, hai giọng ca nương vào nhau để cùng thăng hoa. Giấc Mơ (Quốc Bảo)là một khoảnh khắc “đẹp đau thương” khó quên ở cuối album.

Phần phối khí do Trí Minh (10/11) và Thanh Phương (2/11) đảm nhận gắn kết hai giọng ca một cách mượt mà. Guitar mộc mạc xen lẫn keyboard hiện đại, kết hợp cùng những âm thanh điện tử khiến các bản tình ca mang hơi thở mới.

Những yếu tố trên giúp cho Thanh Lam – Hà Trần trở thành một trong những album song ca hay nhất của nhạc Việt thập niên 2000.

Nên nghe thử: Anh Có Nghe Em Hát (Thanh Lam &Niels Lan Doky), Sao Đổi Ngôi (Kim Ngọc), Hát Cùng Em (Niels Lan Doky, Thuận Yến)


Họa Mi Hót Trong Mưa – Khánh Linh

“Từ nay giữa chốn phồn hòa xa rời cánh diều mơ ước hôm nào …”
Thể loại: Pop
Họa Mi Hót Trong Mưa cũng là một album đầu tay đáng chú ý của Nhạc Việt 2004.
Họa Mi Hót Trong Mưa cũng là một album đầu tay đáng chú ý của Nhạc Việt 2004.

So với hai người bạn cùng thời Tùng Dương và Ngọc Khuê, Khánh Linh không có sân khấu Sao Mai Điểm Hẹn để trưng trổ tài năng và tiệm cận khán giả. Cái mác “em gái Ngọc Châu” vừa là bàn đạp, vừa là rào cản buộc cô phải tìm cách vượt qua.

Album đầu tay của Khánh Linh, Họa Mi Hót Trong Mưa, gồm 10 ca khúc. Trong đó có một nửa của Ngọc Châu, một nửa của Dương Thụ (trừ Hơi Thở Mùa Xuân viết chung với Nguyễn Cường).

Mỗi ca khúc đều được khoác lên mình một bản phối khác nhau, tạo thành một album nhạc pop đa dạng sắc màu. Điều Không Thể Mất mang âm hưởng thính phòng, Để Tôi Lắng Nghe phối acoustic, Quà Tặng Trái Tim pha điện tử…

Giọng hát của Khánh Linh trở thành sợi chỉ kết nối các bài hát. Cô khéo léo dẫn dụ người nghe đi qua từng câu chuyện bằng chất giọng treo vắt như sương mai.

Đầu album, cô rưng rưng khi hát về mẹ (Điều Không Thể Mất). Cuối album, cô nức nở khi phải rời xa bạn bè và mái trường (Tạm Biệt).

Dưới góc độ một album đầu tay, Họa Mi Hót Trong Mưa vượt hơn cả mong đợi. Album có nhiều bài trở thành hit như Cô Tấm Ngày Nay, Tạm Biệt (Ngọc Châu) hay là bài hát chủ đề của nhạc sĩ Dương Thụ.

Có điều, kỹ thuật thu thanh khi đó phần nào giảm đi độ mộc trong giọng hát Khánh Linh (hơi dư độ vang).

Nên nghe thử: Cô Tấm Ngày Nay, Tạm Biệt (Ngọc Châu), Họa Mi Hót Trong Mưa (Dương Thụ).


Chạy Trốn – Tùng Dương

“Lòng không đành về với anh tìm lại, ánh trăng khờ dại…”
Thể loại: Jazz Pop
Chạy Trốn của Tùng Dương là một trong những album jazz xuất sắc của Nhạc Việt 2004.
Chạy Trốn của Tùng Dương là một trong những album jazz xuất sắc của Nhạc Việt 2004.

Sau khi giành chiến thắng trong Sao Mai điểm hẹn 2004, Tùng Dương bước khỏi cuộc thi và phát hành album đầu tay Chạy Trốn.

Album gồm 7 ca khúc đều là những sáng tác của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Âm nhạc phối theo jazz, ca từ mang hơi hướng dân gian đương đại.

Thuở đó, nam ca sĩ sinh năm 1983 chỉ vừa bước qua tuổi 20, nhưng đã sớm chứng tỏ được phong cách lẫn tư duy âm nhạc riêng biệt. Tùng Dương không cần gồng mình để chạy theo bất kỳ một concept nào, vẫn dư sức lôi cuốn khán giả.

Sự thô ráp, nguyên bản trong giọng hát của Tùng Dương đong đầy cảm xúc qua từng nốt nhạc. Anh kéo dài nỗi đau trong Yêu. Anh đẩy sự tha thiết đến tận cùng trong Trăng Khuyết.

Thi thoảng, Tùng Dương “chơi đùa” cùng âm nhạc của Lê Minh Sơn. Anh trở nên ma quái trong Chạy Trốn, rồi lại tung tẩy trong Lửa Mắt Em.

Bước vào không gian của Chạy trốn là bước vào nỗi ám ảnh của tình đầu. Tiếng saxophone ám ảnh trong Chạy Trốn, tiếng đàn bầu nặng nề đến u uất trong Trăng Khuyết. Tình yêu mong manh như bóng hình mờ nhạt của hành tinh xa lạ. Ôi Quê Tôi khép lại “cứa” vào tâm hồn người nghe một vết thương lòng.

Tất cả làm nên Chạy Trốn – một trong những album jazz xuất sắc của năm.

Nên nghe thử: Chạy Trốn, Trăng Khát, Ôi Quê Tôi (Lê Minh Sơn)


Bên Bờ Anh Nhà Mình – Ngọc Khuê

“Soi gương em đeo cặp ba lá đi trên đê, cười xinh quá…”
Thể loại: Pop, Folk
Ngọc Khuê ra mắt Nhạc Việt 2004 bằng album đầu tay khó quên.
Ngọc Khuê ra mắt Nhạc Việt 2004 bằng album đầu tay khó quên.

Có thể xem Bên Bờ Ao Nhà Mình là một trong những album dân gian đương đại kinh điển của Việt Nam.

Album gồm 6/8 sáng tác của Lê Minh Sơn và 2 bài của Nguyễn Cường, Nguyễn Văn Tý. Ca từ góp nhặt những hình ảnh quen thuộc của vùng thôn quê. Âm nhạc kéo theo những ký ức tuổi thơ.

Các ca khúc như Cặp Ba Lá, Chuồn Chuồn Ớt, Bà Tôi đều trở thành những bản hit một thời qua giọng hát đặc trưng của Ngọc Khuê, khi ấy chỉ mới 20 tuổi.

Nữ ca sĩ vào vai Thị Mầu để lột tả sự lẳng lơ bằng một chất giọng trong trẻo, trẻ trung nhưng không kém phần điêu luyện. Cô khéo léo dẫn dụ đi qua bài hát chủ đề dài đến 8 phút, đẩy kịch tính trong Gió Mùa Về, lúng liếng trong Cặp Ba Lá, thử thách với quan họ Bắc Ninh trong Ngồi Tựa Mạn Thuyền (Nguyễn Văn Tý).

Cuối album, cô đột nhiên lãng mạn trong Để Em Mơ (Nguyễn Cường), rũ bỏ vai diễn Thị Mầu để bước lên phố ngắm “mưa phùn bay bay Hồ Tây”.

Song, ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh Ngọc Khuê mặc áo yếm hát những ca khúc của Lê Minh Sơn. Thực chất, bản thân các sáng tác của Lê Minh Sơn vốn đã lẳng lơ. Ngọc Khuê chỉ nâng cái sự “lẳng lơ” ấy thêm một bậc nữa.

Điều đó giúp Bên Bờ Anh Nhà Mình trở thành một dấu ấn khó quên đối với làng nhạc Việt 2004.

Nên nghe thử: Gió Mùa Về, Cặp Ba Lá, Chuồn Chuồn Ớt (Lê Minh Sơn)


Ngày Dịu Dàng – Hồ Quỳnh Hương

“Em sẽ yêu anh yêu mãi thôi / Mơ đến anh như đêm nhớ ngày…”
Thể loại: Pop, Neo-Soul
Đến nay, nhiều bài trong Ngày Dịu Dàng của Hồ Quỳnh Hương vẫn không hề lỗi thời.
Đến nay, nhiều bài trong Ngày Dịu Dàng của Hồ Quỳnh Hương vẫn không hề lỗi thời.

Sau khi “Vào đời” với nhạc Hà Dũng, Hồ Quỳnh Hương lập tức biến hóa trong album phòng thu thứ hai.

Ngày Dịu Dàng là tuyển tập gồm 12 ca khúc của nhiều nhạc sĩ như Quốc Bảo, Đức Trí, Lê Quang, Võ Thiện Thanh,… Tất cả tạo nên một Hồ Quỳnh Hương đa dạng, nhiều màu sắc.

Âm nhạc mang màu sắc neo-soul/jazz, khá mới mẻ và cấp tiến ở thời điểm đó. Ngày Hôm Qua (Võ Thiện Thanh) mở đầu với tiếng kèn tiếng kèn saxophone đục ngầu. Tôi Tìm Thấy Tôi (Đức Trí) mang nhiều âm hưởng của phim nhạc kịch Chicago (2002). Tình Yêu lại sử dụng hip-hop.

Ngày Dịu Dàng dung hòa tốt hai yếu tố giải trí và nghệ thuật. Đến thời điểm hiện tại khi nghe lại, một số bài trong album không hề lỗi thời mà vẫn tươi mới.

Một số bài ở cuối lại trung thành với cách phối hơi cũ kỹ (Muốn Yêu Anh, Tình Yêu Không Quay Về) làm giảm chất lượng tổng thể.

Có ca khúc không được chú ý ngay, sau này lại trở thành hit của giới trẻ (Tình Yêu). Có ca khúc ghi dấu Hồ Quỳnh Hương như một trong những ca sĩ hát pop ballad hay nhất (Có Nhau Trọn Đời).

Đây thực sự là đột phá trong sự nghiệp Hồ Quỳnh Hương. Các album sau này của cô thiên về chiều chuộng khán giả nên mất đi “ma thuật” của album thứ hai.

Nên nghe thử: Có Nhau Trọn Đời, Tôi Tìm Thấy Tôi (Đức Trí), Tình Yêu (Hà Dũng).


Trăng Và Em – Jazzy Dạ Lam

“Đêm trong vắt và đôi mắt em trong vắt…”
Thể loại: Jazz, Soul
Jazzy Dạ Lam dịu dàng bước vào Nhạc Việt 2004 bằng album Trăng Và Em.
Jazzy Dạ Lam dịu dàng bước vào Nhạc Việt 2004 bằng album Trăng Và Em.

Jazzy Dạ Lam (tên thật Nguyễn Thảo Hương) được biết đến như là một trong những người đầu tiên đi theo hình mẫu singer-songwriter (ca sĩ kiêm nhạc sĩ) tại Việt Nam.

10 bài hát trong Trăng Và Em đều do cô viết nhạc và thể hiện, trong đó có 4 bài phổ thơ và một số bài sáng tác từ rất lâu, như bài chủ đề viết năm 1999.

Đúng như nghệ danh, âm nhạc của Jazzy Dạ Lam trong Trăng Và Em kết hợp giữa sự êm ái, dịu dàng của jazz và không gian yên tĩnh đến cô độc của màn đêm thanh vắng.

Âm nhạc trong album không hề cố định, mà liên tục xoay chuyển như ánh trăng khi tỏ khi mờ. Lời hát sử dụng hình ảnh ánh trăng để gói ghém cảm xúc của người phụ nữ khi yêu. Giọng hát của Jazzy thì dịu dàng.

Có lúc Jazzy khiến ta đung đưa với những giai điệu R&B (Hãy Về Đây), có lúc lại thẳng thừng dìm ta vào hố sâu u tối của neo-soul (Trăng Và Em). Đến Võng Đêm, nữ ca sĩ khẽ ru người nghe vào giấc ngủ êm đềm.

Cuối album, có 3/10 ca khúc được viết lời tiếng Anh, nhưng không hề tạo cảm giác lạc lõng. Trái lại, Jazzy chấm phá một chút màu sắc tình yêu diệu kỳ để album không chìm trong một màu đen buồn bã.

“Đời là một món quà”(Life Is), “Khi bên anh / em như cầu vồng sau cơn bão” (When I am with you), cô hát.

Nên nghe thử: Trăng Và Em, Vạt Trăng, Hãy Về Đây (Jazzy Dạ Lam).


Nắng Lên – Thanh Lam

“Em tôi bé nhỏ, mà sao không ôm em được như đất trời…”
Thể loại: Pop
Nắng Lên của Thanh Lam như một cơn địa chấn đối với Nhạc Việt 2004.
Nắng Lên của Thanh Lam như một cơn địa chấn đối với Nhạc Việt 2004.

Album đánh dấu lần hợp tác (chính thức) đầu tiên giữa bộ đôi Thanh Lam – Lê Minh Sơn, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp của nữ ca sĩ.

Nắng Lên ngắn gọn, với 8 ca khúc nhưng không một màu. Mỗi bài hát đều được biến hóa qua cách hát trải nghiệm, giàu năng lượng của Thanh Lam.

Không còn dịu dàng, êm đềm như thời Mây Trắng Bay Về hợp tác với Quốc Trung, Thanh Lam trở nên xù xì, gai góc trong thế giới âm nhạc của Lê Minh Sơn.

Nữ ca sĩ mở đầu đầy da diết với Người Ở Người Về, rồi lại đung đưa với jazz trong Tìm Anh Bằng Nụ Cười. Đến Có Đôi, cô hát như thể đang đi hành quân đánh trận, sau đó đột ngột “lên đồng” trong Đá Trông Chồng.

Thanh Lam như cá gặp nước, được tự do vẫy vùng theo ý thích. Cô liên tục gằn giọng để thỏa mãn cái tôi, hạ giọng ở những nốt trầm rồi bất ngờ “đánh úp”, lấn át cảm xúc người nghe bằng những nốt cao.

Âm nhạc kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và thính phòng, tạo nên một không gian rực rỡ, huy hoàng, mãnh liệt và căng tràn sức sống. Có lúc, album cũng nặng trĩu suy tư (Ôi quê tôi), để cuối cùng hoàn toàn bùng nổ với Nắng Lên, Đá Trông Chồng.

Nắng Lên là lời thổn thức của một trái tim khao khát yêu đương, điều mà khó ai thể hiện nổi trội hơn Thanh Lam – “người đàn bà hát”.

Nên nghe thử: Tìm anh bằng nụ cười, Đá trông chồng, Nắng Lên (Lê Minh Sơn)


Cánh Cung – Đỗ Bảo

“Nếu ngày ấy vào một phút giây khác, có chắc mình trông thấy nhau?”
Thể loại: Pop
Đỗ Bảo ghi dấu ấn Nhạc Việt 2004 với album đầu tay Cánh Cung.
Đỗ Bảo ghi dấu ấn Nhạc Việt 2004 với album đầu tay Cánh Cung.

Từng biết đến với vai trò sản xuất của Nhật thực (2002), nhưng Đỗ Bảo chỉ thực sự nổi tiếng khi phát hành album đầu tay, góp nhặt toàn bộ những ca khúc do anh sáng tác.

Cánh Cung quyến rũ người nghe bằng ca từ đẹp, giai điệu mềm mại. Mỗi ca khúc như được “đo ni đóng giày” cho từng ca sĩ. Hồ Quỳnh Hương chẳng thể lột tả được sự dại khờ, ngốc nghếch của thiếu nữ mới biết yêu như Khánh Linh. Lê Hiếu khó có được điềm đạm, từng trải của Tấn Minh.

Nào ai có thể vượt qua được nỗi ám ảnh đến ma mị của Trần Thu Hà trong Cầu Vồng Đêm Mưa?

11 ca khúc trong Cánh Cung đưa người nghe đi qua những cung bậc cảm xúc yêu đương mà bất kỳ ai cũng có thể đồng cảm. Có sự rộn ràng của trái tim đang rung rinh vì tình (Ngày Cuối Tuần Rực Rỡ). Có nỗi đắng chát khi nhận ra người mình yêu không còn như trước (Anh Đã Khác Xưa). Xen lẫn hoang mang trong vô vọng là nỗi nhớ nhung đến khắc khoải.

Hai ca khúc nổi tiếng nhất: Bức Thư Tình Đầu Tiên là lời người đàn ông viết cho nàng thơ của cuộc đời. Bức Thư Tình Thứ Hai là lời cô gái khẳng định sẽ luôn vững bước trên con đường đã chọn, dù có quay ngược thời gian.

Tình yêu qua lăng kính của Đỗ Bảo là điều hoang đường nhất, nhưng cũng là điều tuyệt vời nhất trên cõi đời.

Nên nghe thử: Nghe hết.


Một số album khác đáng chú ý của Nhạc Việt 2004:
  • Cung Tiến Art Songs – Camille Huyền & Walther Giger
  • Dzoan Minh – Hát Khúc Đêm Tàn
  • Bức Tường – Vol 3: Magnets – Nam Châm (2004)
  • Đình Bảo – Hoa Cỏ May
  • Lê Hiếu – Vol 2
  • Thanh Lam – Ru Mãi Ngàn Năm

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Ngày ấy và sau này’ – tiếng nói của thế hệ mắc kẹt

Tiếp theo

‘The Woman Who Ran’: Chuyện phụ nữ của Hong Sang Soo

Latest from Âm nhạc