Placeholder Photo

Giá đâu đó có người đợi tôi

Bắt đầu
8 phút đọc

Giá đâu đó có người đợi tôi của Anna Gavalda là một trong những cuốn sách hiếm hoi có khả năng chạm đến trái tim độc giả ngay lần đầu tiên khi vừa mới lướt qua nhan đề. Độc giả dù chưa hề biết nội dung bên trong cuốn sách nói gì thì vẫn phải ồ lên một tiếng thán phục tác giả làm sao lại có thể nghĩ ra được một cái tên gợi cảm đến thế, quyến rũ đến thế, cứ như là tự nó tỏa ra một mùi hương khiến người đọc phải mê mẩn, kéo anh ta lại gần, buộc anh dù đang đứng tần ngần giữa một đống sách khoa học, sách dạy làm giàu, sách học làm người,… cũng phải chạy qua bên giá sách ngoại văn, đến nỗi mà chẳng thèm liếc nhìn lão Marc Levy lấy một cái, bỏ mặc anh Guillaume Musso ở đằng sau dõi theo chảy cả dãi, khiến cho chị Amélie Nothomb đứng gần đó cũng phải sững sờ, rồi nhẹ nhàng nâng cuốn sách mỏng ngót nghét gần ba trăm trang lên, vuốt ve gáy sách, ngắm nghía bìa trước rồi khẽ khàng lật ra phía sau và phát hiện ra rằng trước và sau cũng chẳng khác biệt gì mấy.

Một điểm cộng cho tên sách. Cái nhan đề sến rệt dễ gây thiện cảm ngay từ đầu hoặc là ghét luôn không thèm đụng đến. Buồn thay, tôi thuộc tuýp người thích sến. Thực ra thì phải cám ơn người dịch. Mà không, bởi bản thân tiếng Việt chúng ta vốn đã quyến rũ và gợi cảm rồi. Chứ tên tiếng Anh thì vừa dài dòng vừa thô kệch: I Wish Someone Were Waiting for Me Somewhere. Còn tiếng Pháp thì là Je voudrais que quelqu’un m’attende quelque part. Tôi không biết tiếng Pháp nhưng mà cũng chẳng thấy cảm tình cho lắm.

Cái tên sách khơi gợi sự tò mò. Người ta cứ thắc mắc tại sao tác giả lại mong mỏi rằng ở đâu đó trên cái cõi đời ô trọc này có một người nào đó chẳng hay biết tên tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo,… đang chờ đợi mình. Rồi thì giả sử nếu có một ai đó thật, thì chờ đợi để làm gì. Đòi nợ? Không. Đi xem phim? Cũng không. Hay là đánh ghen? Chắc không nốt. Cái đó phải hỏi tác giả vì tôi cũng chả biết cô ấy chờ đợi ai và tại sao lại muốn người ta chờ đợi mình. Nhưng mà bây giờ chờ đợi đang là mốt. Chờ đợi là hạnh phúc mà, đúng không nè?

Rốt cục thì nội dung cuốn sách này nói về điều gì? Tất cả còn tùy thuộc vào bạn mong đợi gì ở cuốn sách này.

Lần đầu tiên tôi nâng cuốn sách này lên vì cái bìa lừa tình và cái tên quyến rũ, sau đó lẳng lặng đặt xuống vì hai chữ “truyện ngắn”. Có một thời gian tôi tẩy chay truyện ngắn cũng như có một thời gian tôi nghỉ chơi với tiểu thuyết. Nhưng tính tôi vốn dễ dãi nên dù hôm trước có đánh nhau chảy máu đầu mà hôm sau mời tôi đi ăn kem thì tôi vẫn sẵn lòng.

Lần thứ hai tôi tình cờ gặp nàng trong khi đi tìm chuyện tình (bởi tôi vốn là chàng trai mê đọc chuyện tình) nhưng rồi lại nghĩ rằng một cô gái với dáng vóc mảnh khảnh thế này thì làm người mẫu hợp hơn là diễn viên điện ảnh, cái nghề chuyên đi cướp nước mắt của người khác.

Lần thứ ba tôi nhấc nàng lên cùng một vài người anh em khác cùng mẹ Anna với ánh mắt trách móc, liệu rằng nàng có lừa ta như bọn họ từng làm không? Nhưng thôi, trái tim mong manh dễ vỡ này chắc là không chịu thêm nổi một cú sốc nào khác nữa.

Lần thứ tư, tôi thở dài và tự hỏi tại sao đến giờ mình vẫn chưa mua cuốn này nhỉ, rồi đặt xuống, thiếu gì cuốn thú vị đang chờ đợi được đọc.

Lần thứ n, tôi quyết định kẹp nàng vào giữa hai cuốn sách khác rồi đường hoàng rước về nhà. Đơn giản chỉ vì nàng là tập truyện ngắn của Anna Gavalda. Điều mà lẽ ra tôi nên làm ngay từ đầu nhưng vì nàng muốn có ai đó đợi mình nên tôi cũng sẵn sàng cho nàng đợi dài cổ.

Mười hai câu chuyện trong cuốn sách rất ngắn, có cái vỏn vẹn chỉ hai ba trang. Cứ thử lấy ba trăm chia cho mười hai là sẽ biết được trung bình mỗi truyện dài bao nhiêu. Chính xác là 276 trang chưa kể bìa. Đúng như lời Anna Gavalda tâm sự, cuốn sách là tập hợp những gì cô “viết thử” về những con người xung quanh mà cô có dịp gặp gỡ, quan sát. Cho nên dù thấy rõ trong mười hai truyện ngắn cô vận dụng khá nhiều tiểu xảo thì cảm giác khi đọc vẫn gần gũi, giống như đang ngồi café hàn huyên với một cô bạn lâu năm thân thiết. Cũng như mọi khi, cô kể cho bạn nghe một vài câu chuyện về những người mà cô biết. Có thể là người mẹ trẻ, là chàng binh nhì thô kệch, là cô gái, là người đàn ông và người đàn bà. Mỗi người một số phận.

Chia tay cô nàng, bạn về nhà. Tắm rửa, ăn cơm, rồi leo lên giường ngủ. Nhưng những câu chuyện của cô bạn thân vẫn cứ luẩn quẩn trong đầu. Bạn nghĩ về họ, những con người mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp trên một đại lộ nào đó ở trung tâm Paris hoặc cũng có thể là một con phố bất kỳ trên thế giới này. Bạn thắc mắc không biết điều gì sẽ xảy ra với họ, câu chuyện của họ sẽ tiếp diễn thế nào. Rồi bạn lại nghĩ về mình. Nghĩ tới đây bỗng bạn thấy chạnh lòng. Một nỗi buồn chợt dâng lên trong lòng bạn, nhấn chìm cả cơn buồn ngủ.

Cuối cùng, như đã nói ở trên, ai thích thì khen tới tấp còn đã ghét thì chê tới bến. Nhưng cho những ai đã từng lỡ thất vọng với Bố đã từng yêu, Anna Gavalda viết truyện ngắn khá hơn nhiều. Ít nhất là trong cuốn này.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

18 Comments

  1. Bài điểm sách rất hay^^. Chị cũng thừa nhận tựa đề được dịch nghe hay và ngắn gọn hơn tiếng Anh. Tuy nhiên theo chị có lẽ tên tiếng Anh dài dòng như vậy còn tùy vào phong cách và “ý đồ” của tác giả. Nó giống như là lời tâm sự: “Em ước rằng vẫn có ai đó đợi em ở một nơi nào đó”. Tên tựa đề mà dài dòng như vậy cũng lạ lùng và gây ấn tượng đúng ko em?

  2. “(…) nhưng vì nàng muốn có ai đó đợi mình nên tôi cũng sẵn sàng cho nàng đợi dài cổ” <<< thích câu này cực nha. 😀

    Cuốn này được em gái mình mua từ lâu rồi, mà vì mình cũng nghĩ nàng Anna đang mong mỏi ai đó nên tha hồ cho đợi tiếp thôi. Hehe. :)) Đùa chứ, mình chưa đọc cuốn này nhưng cũng thích tựa tiếng Việt, nghe đỡ thô hơn tựa tiếng Anh, mà lại trìu mến hơn rất là nhiều. 😉

  3. Yên cũng thik cái tựa tiếng Việt hơn tiếng Pháp. Nhưng là vầy, cái tựa được trích ra từ trong một truyện ngắn mà anh chàng Mark trong lúc lững thững đi từ sân gare về nhà đã tự lẩm nhẩm như thế. Cho nên đọc xong tiểu thuyết (bằng tiếng Pháp) thì tự nhiên thik cái titre bằng tiếng Pháp, như một lời thì thầm vậy.

  4. Anh đọc cuốn này được hai lần, lần nào cũng tạo cho mình một cảm giác dễ chịu và thật sự không rõ vì sao :D. Mà đúng là Anna Gavalda chỉ thích hợp với truyện ngắn, đọc cuốn 35 kí lô hy vọng của cổ cũng rất hay và dễ thương 😀

  5. Mình mua cuốn sách ngay lần đầu tiên nó mới xuất bản. Đơn giản chỉ là muốn thay đổi khẩu vị với những mẩu truyện ngắn nhẹ nhàng. Và Anna ko hề làm mình thất vọng. Ngay từ truyện ngắn đầu tiên đã làm mình bật cười và thật sự tò mò muốn biết diễn tiếp theo. Mình ko đọc theo thứ tự mà lựa chọn tùy hứng và tự lúc nào đã đọc hết cả 12 câu truyện.
    Mình chưa từng đọc lại, nhưng đọc bài viết của bạn, mình lại cảm thấy hứng thú và đã lục lọi lại cuốn truyện mỏng đó từ nơi đáy tủ sách. Có thể mình sẽ lại có một trải nghiệm mới khi coi lại nó 😉

  6. [Không hiểu sao nhưng] mình không hề thích cuốn này, thậm chí không hề muốn bàn về nó.
    Tuy nhiên sẽ cố gắng đọc lại sau bài review của bạn 😉

  7. Những lúc buồn rầu hay lơ là cuộc đời này, em hay lôi cuốn này ra đọc. Em thích nhất là truyện Trong nhiều năm liền. Em đọc nó cũng rất nhiều lần. Mà lần nào cũng y chang cảm giác ấy. Như đang ngắm mưa rơi ngày còn bé ngoài cửa sổ vậy…
    Một điều em thích nữa là có thể mang nó đi đâu cũng đc. Chứ dù em yêu Haruki Murakami nhất thì mang một cuốn tiểu thuyết đi đâu đó ngồi đọc cũng ko phải thứ em muốn. Bởi đọc tiểu thuyết thì em muốn đọc một mạch thôi, cần nhiều sự tập trung, mà đã là Haruki thì khó dứt ra đc lắm. Thêm nữa thì em ko tập trung tốt nên đọc truyện ngắn là lựa chọn nhẹ nhàng dễ chịu hơn.
    Em chỉ mới search đc trang blog này của anh thôi. Nhưng rất vui vì có thể chia sẻ tình yêu đọc sách với một người nào đó. Chứ xung quanh em, ngay cả người yêu em nữa, chẳng ai hứng thú với sách truyện cả.

  8. Mình là đứa hay mua sách vì bìa và tựa, và cuốn này được rinh về nhà đơn giản là do hội đủ hai yếu tố đó (nghe ra có vẻ khá nông cạn haha). Mình thích nội dung của những câu chuyện, cách đặt vấn đề và dẫn dắt, cách viết thông minh, hóm hỉnh, có phần tinh ranh 🙂 Tuy nhiên tựa sách được dịch hay là thế nhưng vào bên trong người dịch lại không giữ được sự mượt mà đó nên câu văn nhiều chỗ gập ghềnh, khúc khuỷu và thậm chí đôi khi ngữ nghĩa tối đến mức soi đèn pin cũng còn vấp váp luôn. Đó là điểm trừ lớn nhất, còn lại thì đây vẫn là cuốn sách mà mình khá thích.

  9. Em xin phép mượn bài review này để share lên fan page của cửa hàng sách của em được ko anh Sơn Phước ?
    Em sẽ trích dẫn rõ tác giả và share link của bài viết này trên page.
    Cảm ơn anh.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘A single man’ – Cô đơn trong thế giới khác biệt

Tiếp theo

Quick reviews từ Goodreads

Latest from Uncategorized

Movies of the 2000s

Một người bạn đọc blog biết tôi thích đọc sách và xem phim nên cố tình