‘Froot’ – Giai điệu mùa hè của Marina & the Diamonds
‘Froot’ – Giai điệu mùa hè của Marina & the Diamonds
/

‘Froot’ – Giai điệu mùa hè của Marina & the Diamonds

Bắt đầu
7 phút đọc

‘Froot’ của Marina & the Diamonds là một album trẻ trung, sôi động, lựa chọn thích hợp dành để xua tan những mệt mỏi ngày hè.


Có không ít nghệ sĩ indie (độc lập) quyết định chuyển hướng sang mainstream (dòng chính) và ngược lại. Marina & the Diamonds là một trong số những người thuộc nhóm thứ hai.

Album trước đó – Electra Heart (2012) – đạt được thành công lớn cả về thương mại lẫn phê bình, đưa tên tuổi nữ ca sĩ đến từ xứ Wales này vượt ra khỏi lục địa, gây được sự chú ý của thị trường Mỹ. Thế nhưng, trong album tiếp theo mang tên Froot, Marina đã giã từ đội ngũ cộng sự tên tuổi, để tự mình viết và sản xuất tất cả các ca khúc.

Bắt đầu con đường của một nghệ sĩ “độc lập”

Người duy nhất Marina “chọn mặt gửi vàng” cho album thứ ba của mình là David Kosten – một cái tên khá lạ trong làng nhạc, nhưng David cũng chỉ đóng vai trò đồng sản xuất cùng cô. Với quyết định như vậy, Marina được toàn quyền kiểm soát các sáng tác của mình; và quả thật, mười hai ca khúc trong Froot đều được cô thể hiện một cách thoải mái, đầy cảm xúc và rất tự tin.

Ca khúc đầu tiên, Happy, khác hẳn với dự đóan với nhiều người, lại là một bản ballad trầm lắng. Lời hát là tâm sự của nữ ca sĩ khi được là chính mình: “And all the sadness inside me melted away, like I was free.” Bản phối đơn giản, sử dụng piano làm chủ đạo, để Marina có đủ không gian để thể hiện chiều sâu trong giọng hát của mình.

Rất nhanh, Froot – ca khúc tiếp theo cũng là ca khúc chủ đề của album – thay đổi không khí bằng một bản phối rộn ràng, pha trộn giữa bubblegum và synthpop. Thứ âm nhạc electro hoài cổ này cũng chính là phong cách mà Marina and the Diamonds theo đuổi trong hai album trước, nhưng lần này cô có vẻ đang vui đùa với bài hát nhiều hơn.

Âm nhạc của Marina & the Diamonds nhiều màu sắc như hình ảnh mà cô xây dựng trong ‘Froot’.
Âm nhạc của Marina & the Diamonds nhiều màu sắc như hình ảnh mà cô xây dựng trong ‘Froot’.

Từ “froot” được biến tấu từ “fruit” – theo đó, nữ ca sĩ lần lượt so sánh mình với từng loại trái cây mùa hạ, ngọt ngào nhưng sẽ nhanh chóng thối rữa nếu thiếu đi tình yêu. Ca khúc dài hơn năm phút nhưng nhộn nhịp đến từng giây. Cách Marina ngân ở cuối mỗi câu chuyển đoạn, rồi đổi giọng ngay ở phần điệp khúc cho thấy sự kiểm soát bài hát rất tốt.

Froot thực sự là một bản dance dành cho mùa hè, thể hiện tinh thần “sexy & free” mà Marina muốn thể hiện trong album mới.

Ca khúc thứ ba, I’m a Ruin, lại pha trộn cảm xúc của cả hai ca khúc trên. Ca từ là một “lời thú tội trên sàn nhảy” đích thực, Marina tâm sự về chuyện tình đã qua như thể khẩn cầu: “You still mean everything to me, but I want to be free” – câu hát như muốn nói rằng đã đến lúc cô phải bước tiếp, dù vẫn còn yêu.

Phần điệp khúc của bài hết sức đơn giản, chỉ với câu “I’m a ruin, I’m a ruin” xen kẽ phần ngân “ah, oh, yeah” thay lời muốn nói, nhưng vẫn khiến người nghe nhún nhảy theo được. Các ca khúc tiếp theo với những bản phối hết sức tưng bừng, cho thấy một Marina khác hẳn sau đó: “I don’t wanna feel blue anymore” (Blue), “It’s time to forget” (Forget), “Don’t think I want what I used to want.” (Gold)

Khi Marina & the Diamonds chứng tỏ bản lĩnh sáng tác

Nếu như nửa đầu của Froot là những bản pop bắt tai, dễ thành hit; thì nửa sau của album Marina lại chứng tỏ được khả năng sáng tác của mình, bằng cách mở rộng hơn về những chủ đề khác, ngoài tình yêu. Trong Savages, cô hát về một loạt những vấn đề mà nhân loại vẫn chưa giải quyết được: chiến tranh, trộm cắp, giết chóc,… Đáng nói là ca khúc không trở nên quá nghiêm túc, không “đao to búa lớn” mà giai điệu vẫn rất rộn ràng, thậm chí có chút giễu nhại. Hay Can’t Pin Me Down, Marina hát về nữ quyền: “Do you really want me to write a feminist anthem? I’m happy cooking dinner in the kitchen for my husband.

Điều khiến Froot giữ được mạch cảm xúc, đó là việc giọng hát của Marina hầu như không bị chỉnh sửa quá nhiều. Người nghe sẽ không tìm thấy auto-tune hay các hiệu ứng khiến cho chất giọng vốn dày và ấm của cô trở nên méo mó, gây mệt cho người nghe – lỗi mà La Roux mắc phải với Trouble In Paradise. Những ca khúc như Solitaire, Better Than That, Weeds cho thấy giọng hát của Marina cũng có thể biến hóa không kém gì âm nhạc của cô: khi tha thiết, lúc dịu dàng, rồi lại quyến rũ lạ lùng.

Bìa album 'Froot' của Marina & the Diamonds
Bìa album ‘Froot’ của Marina & the Diamonds

Giống như cái cách nó bắt đầu, Froot kết thúc bằng một bản ballad. Immortal có lẽ không cảm xúc bằng Happy, nhưng nó hướng người nghe về tương lai, sau rất nhiều hoài niệm về quá khứ. Marina bộ lộ nỗi sợ hãi của mình về cái chết: “Everybody dies, dies. Chasing after time, time.” Có thể nói, Froot là album chặt chẽ về cấu trúc và nhiều cảm xúc nhất của Marina & the Diamonds, dù là hạnh phúc hay sợ hãi đều có thể chạm đến người nghe.

Tất nhiên, nữ ca sĩ sẽ phải hy sinh rất nhiều khán giả phổ thông đã từng yêu thích album trước; nhưng đó là một sự hy sinh xứng đáng để sáng tạo trong nghệ thuật.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Control’: Khi Milo Greene mất chất

Tiếp theo

‘In Colour’ – Thế giới âm nhạc nhiều màu sắc của Jamie XX

Latest from Âm nhạc