Ước sao ta chưa gặp nhau của Uyên Linh và Dũng Đà lạt là một album giàu cảm xúc, gợi nhớ đến hình ảnh Lê Uyên Phương của ngày xưa.
Khán thính giả yêu thích và theo dõi Uyên Linh dễ thấy rằng cô đang tiến những bước rất chậm trên con đường sự nghiệp của mình. Thậm chí có cảm giác, sau bốn năm Uyên Linh vẫn đang dậm chân tại chỗ. Đỉnh cao của Linh vẫn là ngôi vị quán quân tại cuộc thi Vietnam Idol, nơi cô liên tục thể hiện nhiều dòng nhạc khác nhau, chiếm được tình cảm của số đông khán giả. Đĩa đầu tay Giấc mơ tôi (2012) – hợp tác với Quốc Trung – chưa làm thỏa mãn cơn khát mà mọi người dành cho “thần tượng” của mình khi đó. Vì vậy, những ai mong đợi Uyên Linh sẽ thực sự bức phá trong lần trở lại này, hẳn sẽ phải ít nhiều thất vọng.
Uyên Linh & Dũng Dalat – một
Lê Uyên Phương mới?
Đĩa nhạc thứ hai của Uyên Linh mang một nhan đề rất ngang trái: Ước sao ta chưa gặp nhau, gồm bảy bài hát viết về tình yêu, tất cả đều do nhạc sĩ Dũng Dalat sáng tác. Trước đó, Dũng Dalat được biết đến như một tay guitar trứ danh, còn Uyên Linh nổi tiếng nhờ cuộc thi Vietnam Idol. Bây giờ, cả hai đứng cạnh nhau đơn giản là một đôi nhân tình, trong cuộc sống lẫn trong âm nhạc, như cặp đôi ca-nhạc sĩ Lê Uyên và Phương của những thập niên trước. Sở dĩ đĩa nhạc có tên gọi ngang trái như vậy, là vì cả bảy ca khúc đều được viết khi cuộc tình đã cắt nửa: “Ta rơi vào trong nỗi đau đời nhau…”, “mất nhau khi vừa gặp nhau…”, “vui buồn dấu sau tiếng cười, như mây nào trôi cuối trời, để tiếng yêu lạc giữa đời…” Một cuộc tình, mà đắng cay đến vậy, thì thà như chưa từng gặp nhau trên đường đời.
Toàn bộ tinh thần của Ước sao ta chưa gặp nhau được gói gọn trong ca khúc chủ đề, cũng là bài hát mở màn. Uyên Linh hát mộc trên nền guitar của Dũng Dalat. Giọng ca của nàng nhưng lời ca thì là của chàng (xưng “tôi”, gọi “em”). Bài hát được chia làm hai, ứng với hai giai đoạn đối lập của cuộc tình: bắt đầu (“Tình đến như tôi còn mơ, dấu yêu ngỡ từ bao giờ”) và kết thúc (“Mà em vội đi, tình tôi còn đây. U mê, lạc lối, mong manh”). Bản phối vì thế cũng luân phiên thay đổi, thi thoảng đưa vĩ cầm vào để nhấn mạnh nỗi đau. Cả cách viết lẫn cách hát đều hòa vào nhau một cách đơn giản, không tô vẽ – hệt như câu: “ngỡ ta bước ra từ nhau”. Thế mà lời hát cuối cùng lại phá tan tất cả, đặt dấu chấm hết cho một cuộc tình.
Ca khúc thứ hai, Ước muốn phai tàn, thậm chí còn đơn giản hơn ca khúc trước, cả về nhịp điệu lẫn ca từ. Câu chữ như được lấy ra từ một trang nhật ký mà Dũng Dalat viết cho chính mình. Anh thật thà thú nhận, bản thân vốn là một người đàn ông rụt rè, nhút nhát, lại có phần phân vân trước tình yêu: muốn nói “yêu” nhưng lại nói “ghét”. Cũng vì tính cách ấy, nên đến phút cuối vẫn giữ mãi tiếng yêu trong lòng, rồi tìm về với nỗi cô đơn của riêng mình. Chắc là Uyên Linh cũng cảm nhận được điều đó, nên giọng cô có chút run rẩy và rưng rưng. Đôi chỗ cô không hát, mà như đang trút ra từng hơi thở. Cả bài hát dài hơn bốn phút nhưng cô chỉ lên cao và chấn mạnh vào một chữ “chết” ở cuối – cũng là khi ước muốn thực sự phai tàn.
Cảm xúc đến tự sự mộc mạc
Sự đơn giản và mộc mạc vẫn tiếp tục được dàn trải trong phần còn lại của đĩa nhạc. Ngày mưa được phối acoustic trên nền guitar chậm rãi, kéo người nghe về với miền dĩ vãng xa xôi của cuộc tình, có niềm vui lẫn nỗi buồn, “quen nhau” rồi lại “xa nhau”. Như cánh hoa đêm thì lại réo rắt, nảy theo từng nhịp 4/4. Uyên Linh hát mềm mại, uyển chuyển, nhưng vẫn ẩn chứa nỗi buồn, như hình ảnh giọt nước mắt “gấp” vào thuyền giấy, thả trôi giữa dòng đời. Trái lại, Trông tình được biến tấu funky nghe nặng nề so với tổng thể đĩa nhạc. Cách hát của Uyên Linh chưa thực sự thoải mái, còn tiếng guitar của Dũng Dalat gần như bị chìm giữa bản phối. Đây cũng là ca khúc duy nhất được viết với ngôi trần thuật là nữ (xưng “tôi”, gọi “anh”). Bài này nếu để vào phần bonus (tặng kèm) thì sẽ phù hợp hơn.
Hai ca khúc còn lại kết thúc đĩa nhạc bằng một chút an lành, vì thế nghe cũng dễ chịu hơn phần đầu. Tình lại đến như vừa bắt đầu là ca khúc được phối nhiều màu sắc nhất đĩa, pha trộn dàn dây và điện tử trên nền piano giữ nhịp. Bài hát khép lại nỗi đau bằng hình ảnh “nắng lên màu”* – sau cơn giông bão là bầu trời mênh mông, thoáng đãng (đoạn điệp khúc ở phần sau nghe vang vọng hơn phần đầu). Ca khúc cuối cùng, Nơi cuối chân trời, bắt đầu bằng điệp từ “ru em”, gợi nhớ đến những khúc ru của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tiếng guitar nhẹ nhàng – thong thả, lời ca dịu dàng – êm ái, nhưng vẫn là viết về một cuộc tình không trọn.
Nhìn chung, Ước sao ta chưa gặp nhau là một đĩa nhạc rất riêng tư của cả ca sĩ Uyên Linh lẫn nhạc sĩ Dũng Dalat. Ngoài tài đánh đàn, Dũng Dalat chứng tỏ mình còn có khả năng viết ra những bản tình ca giàu cảm xúc. May mắn của anh là đã có Linh, một người kể chuyện nâng niu và chăm chút. Về phần Uyên Linh, cô đã từ bỏ hết mọi danh hiệu – Uyên Linh Idol, Uyên Linh diva – mà mọi người trao tặng cho mình, để trở về đơn giản chỉ là Uyên Linh – nàng thơ của Dũng Dalat. Một quyết định tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể làm được.
*Cũng có thể là “nắng lên, mau dậy thôi”. Vì đĩa không in lời nhạc kèm theo nên tôi chỉ có thể nghe bằng phán đoán của mình.
Tình cờ em lạc vào đĩa nhạc này, nổi da ga khi nghe các ca khúc. Và cũng tìm cờ em lạc vào bài review rất hay của anh, cho em xin phép reblog về blog của em anh nhé!
Tự nhiên bạn ạ.