'Thiên thần sa ngã' - Chưa đủ liều lượng để trở thành doping
'Thiên thần sa ngã' - Chưa đủ liều lượng để trở thành doping
/

‘Thiên thần sa ngã’ – Chưa đủ liều lượng để trở thành doping

Bắt đầu
12 phút đọc

Chọn dòng nhạc dream pop để theo đuổi trong album đầu tay, nhưng phần sản xuất chưa “mạnh tay” và cách xử lý bài hát còn thiếu biến hóa khiến cho “Thiên thần sa ngã” của Bùi Lan Hương chưa thực sự tạo được ấn tượng mạnh cho người nghe, dù nhiều ca khúc có khả năng trở thành hit trong tương lai.


Có thể chia những đối tượng tham gia các chương trình thực tế về âm nhạc thành hai nhóm. Một bên là những tay ngang – những người chưa từng qua đào tạo bài bản về học thuật nhưng mong muốn được trải nghiệm bản thân ở lĩnh vực ca hát (Đức Phúc, Yasuy).

Bên kia thì ngược hại, họ đã sẵn có một chút “tài sản” trong tay: kinh nghiệm từ những cuộc thi khác, một chút hào quang từ mạng internet, một vài bản hit nhưng chưa đủ mạnh để làm bệ phóng,… (Uyên Linh, Hoàng Quyên).

Bước ra từ một cuộc thi âm nhạc

Phần lớn thí sinh thuộc nhóm đầu thường rất hồn nhiên, trong khi nhóm thứ hai lại luôn có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi thi, nhất là khi số lượng các cuộc thi âm nhạc càng nở rộ, tỷ lệ chiến thắng ngày càng thấp và khả năng nổi tiếng càng khó khăn.

Nếu xét về mức độ những “tài sản” nói trên thì Bùi Lan Hương khá giàu có. Trước khi bước chân vào cuộc thi Bài hát hay nhất (Sing My Song 2018), cô từng được đào tạo ở Nhạc viện, đã định hình được phong cách mà mình sẽ theo đuổi (dream pop, jazz), sẵn có sẵn trong tay một vài sáng tác để thể hiện cá tính.

Bùi Lan Hương là người ra album nhanh nhất sau khi bước ra từ một cuộc thi âm nhạc.
Bùi Lan Hương là người ra album nhanh nhất sau khi bước ra từ một cuộc thi âm nhạc.

Nên dù không đạt được thứ hạng cao nhất trong cuộc thi, Bùi Lan Hương vẫn có đủ hành trang để tự tin để bước tiếp con đường âm nhạc bằng cách nhanh chóng phát hành album đầu tay.

Nếu có một thống kê về kỷ lục, Bùi Lan Hương chắc chắn sẽ thuộc nhóm đầu trong danh sách những thí sinh phát hành album nhanh nhất kể từ khi bước chân ra khỏi một cuộc thi âm nhạc (khoảng 4 tháng).

Tiêu chí của cuộc thi phần nào đã cho thấy khả năng của các thi sinh: không chỉ biết sáng tác mà còn phải hát tốt ca khúc mình viết, theo đúng hình mẫu của một ca-nhạc sĩ (singer-songwriter). Mười ca khúc trong Thiên Thần Sa Ngã (nếu không tính hai track remix để ở cuối album) đều do Bùi Lan Hương tự sáng tác. Xét ở khía cạnh pop, thì tất cả các ca khúc đều có cấu trúc rất chắc chắn, những đoạn điệp khúc (hook) bắt tai, dễ đi vào lòng người. Một số bài hát dễ có khả năng sẽ trở thành bài hit (ca khúc ăn khách) trong tương lai, chẳng hạn như: Sa Ngã, Bùa Mê, Mâu Thuẫn.

Có ảnh hưởng từ Lana Del Rey, nhưng không quá nhiều

Chủ động dấn thân vào dream pop, hình ảnh mà Bùi Lan Hương xây dựng trong album đầu tay có một chút gợi nhớ đến Lana Del Rey của Honeymoon (vẻ đẹp mong manh yếu đuối) và một chút Lykke Li từ I Never Learn (choàng khăn lên đầu như một nữ tu).

Chính Bùi Lan Hương cũng đã thừa nhận rằng Lana Del Rey là một trong hai người có ảnh hưởng nhiều nhất đến phong cách của mình (người kia là Anita O’Day). Điểm giống nhau lớn nhất giữa hai người chính là chủ đề sáng tác và cách xử lý ca khúc. Cả hai đều đặt mình trở thành những nhân vật tôn thờ tình yêu một cách đầy bất lực và ngang trái – những “fallen angels” (thiên thần sa ngã), đúng như tên gọi của album.

Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu nói rằng Bùi Lan Hương bắt chước hoặc cố gắng trở thành một bản sao của Lana Del Rey. Ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, nữ ca sĩ Born To Die chọn cho mình hình ảnh Lolita lụy tình trước những người đàn ông lớn tuổi. Trong khi đó, Bùi Lan Hương lại khai thác góc nhìn của một người đang đứng giữa ngã ba đường.

 Bìa album đầu tay "Thiên thần sa ngã" của Bùi Lan Hương.
Bìa album đầu tay “Thiên thần sa ngã” của Bùi Lan Hương.

Ca khúc Cố Chấp thể hiện tâm trạng giằng xé của một cô gái phân vân trước tình yêu mà hai người đàn ông dành cho mình (“Ra sao khi anh không cho em đến với anh ta?”). Đến Sa Ngã, cô trở thành người phụ nữ phản bội nhân tình để đến bên cạnh một người đàn ông khác. Lời hát mô tả những cuộc đuổi bắt luẩn quẩn trong tâm trí, sự giày vò nội tâm xen lẫn dư vị ngọt bùi của tình yêu trái cấm (“Em nghĩ về anh trong mê man sai trái, nên em cứ chìm sâu trong vòng tay anh ấy”).

Bùi Lan Hương cũng không giới hạn mình trong mỗi khuôn khổ nói trên mà mở rộng sáng tác của mình ra nhiều chủ đề khác nhau. Ở Vĩnh Hằng, cô trở thành người chủ động dứt áo ra đi khi bị người yêu phụ bạc, ruồng bỏ (“Em đốt những lá thư…, em muốn anh mãi đớn đau…”). Cấm Đoán viết về sự đau đớn trong tình yêu của những người thuộc giới tính thứ ba (cộng đồng LGBT) (“Nhưng đôi ta sinh ra không thể thuộc về nhau”).

Ngược lại, hai ca khúc Bùa Mê Muội là niềm hạnh phúc của tình yêu đích thực. Một vài khoảnh khắc album đã thành công khi xóa nhòa ranh giới giữa “so real” (thật) và “surreal” (không thật), thực sự đưa người nghe bước vào không gian đầy ảo vọng của dream pop.

Kỹ thuật sáng tác tốt nhưng phần sản xuất chưa đủ mạnh

Một điểm đặc biệt trong những sáng tác của Bùi Lan Hương là cô sử dụng rất nhiều từ tiếng Anh, có thể là đầu bài (“cold blood”), cuối bài (“I’m home, he said”), hoặc ở phần điệp khúc (“I’m chasing chasing chasing you, he’s running running running to me”).

thien than sa nga bui lan huong son phuoc review 02
“Thiên thần sa ngã” là đĩa nhạc chủ đề (concept album) mang phong cách dream pop.

Phần điệp khúc bằng tiếng Anh lại chính là điểm nhấn không thể thiếu trong các bài hát như Bùa MêSa Ngã. Giả sử nếu Bùi Lan Hương sử dụng tiếng Việt thay vì tiếng Anh, có lẽ sức hút của các ca khúc sẽ giảm đi một nửa. Chính vì điều đó nên âm nhạc của Bùi Lan Hương mang đến cảm giác hiện đại, thay vì hoài cổ vốn là điểm đặc trưng của Lana Del Rey.

Nếu như Bùi Lan Hương có kỹ thuật sáng tác tốt thì cách hát của cô lại chưa thực sự biến hóa, cộng thêm phần sản xuất của âm nhạc vẫn còn đơn điệu, khiến cho cả album không tránh khỏi cảm giác bị một màu. Trong nhiều bài hát, Bùi Lan Hương trung thành với cách hát uể oải, ũ rũ, kéo dài từng nốt, nhả chữ chậm rãi. Cũng gợi nhớ đến Lana Del Rey, nhưng cách xử lý bài hát của Bùi Lan Hương thiếu sự quyết liệt, dứt khoát. Điều này xuất phát từ việc các sáng tác của cô chưa hề tạo được một thông điệp nào về nữ quyền như Lana Del Rey mà chỉ tập trung vào tình yêu bi lụy.

Về phần sản xuất, có thể nhận thấy một chút âm hưởng của Honeymoon (Lana Del Rey, 2015) ở phần đàn dây (string) được dùng rải rác trong Mâu thuẫn, Bùa Mê, phần beat bập bùng của Bùa Mê lại gợi nhớ đến Born To Die (Lana Del Rey, 2012). Những album đạt thành công về thương mại nói trên của Lana Del Rey đều có sự tham gia của đội ngũ sản xuất rất “khủng”, thậm chí cô cũng tham gia vào quá trình sản xuất các ca khúc sao cho vừa ý mình. Xét về điểm này thì Bùi Lan Hương tạm thời phải ngả mũ chịu thua và chịu thiệt thòi.

 Hình ảnh mà Bùi Lan Hương xây dựng gợi nhớ đến album I Never Learn của Lykke Li.
Hình ảnh mà Bùi Lan Hương xây dựng trong “Thiên thần sa ngã” gợi nhớ Lykke Li.

Những tên tuổi sản xuất đứng sau Thiên Thần Sa Ngã khá lạ lẫm: Jeff Hue (05/10 ca khúc), Nguyễn Duy Anh (04/10 ca khúc) và Namie Rasman (01 ca khúc). Họ chưa thành công trong việc khai thác cái mới của dòng nhạc dream pop.

Cách dùng synthesizer ở đầu bài Cấm Đoán khá cũ. Một nửa bài đầu của Vi Vu chỉ là pop đơn thuần, trong phần hòa âm ở nửa sau nghe khá nhức đầu. Một số chỗ sử dụng auto-tune chưa hợp lý, thậm chí có phần lạm dụng, khi cần sự ngọt ngào, mềm mại để tạo sự mơ màng thì lại không có (Vi Vu).

Cuối cùng, vẫn phải kết lại bằng một câu nói khá cũ: những ai làm được album trong thời điểm này là quý lắm rồi!

Dream pop đã có một chỗ đứng nhất định trên thế giới nhưng vẫn còn rất non trẻ ở thị trường trong nước, số lượng ca khúc đi theo dòng nhạc này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bùi Lan Hương không phải là người đầu tiên khai phá dream pop ở Việt Nam, nhưng cô là người đầu tiên phát hành một album dream pop đúng chuẩn, có chủ đề rõ ràng và đầu tư trong âm nhạc.

Sự ra đời của Thiên Thần Sa Ngã có thể xem là một tín hiệu đáng mừng cho những ai yêu thích dòng nhạc này, cũng như khiến cho thị trường âm nhạc Việt Nam càng thêm phong phú và sôi động.

YouTube player
Hai ca khúc Bùa MêMê Muội đưa người nghe bước vào không gian đầy ảo vọng của dòng nhạc dream pop.

Đáng nghe: Sa Ngã, Bùa Mê, Mâu Thuẫn.
Hình ảnh: Facebook Bùi Lan Hương.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘So Sad So Sexy’ – Cú lội ngược về dòng chính của Lykke Li

Tiếp theo

‘Sharp Objects’ – Những vết cắt nội tâm

Latest from Âm nhạc