'Magdalene' của FKA Twigs - Xúc cảm từ tình yêu trái cấm
'Magdalene' của FKA Twigs - Xúc cảm từ tình yêu trái cấm
/

‘Magdalene’: Xúc cảm tình yêu trái cấm

Bắt đầu
15 phút đọc

‘Magdalene’ của FKA Twigs rùng rợn, đáng sợ, cay đắng, buồn bã và đau đớn – như những gì cô trải nghiệm trong quá trình thực hiện album.



Album Magdalene của FKA Twigs chứa đựng tất cả những gì làm nên thương hiệu ca sĩ: giọng hát giả thanh biến hóa, cá tính khác biệt có chút kỳ dị, âm nhạc thể nghiệm pha trộn nhiều thể loại.Nhưng Magdalene cũng rùng rợn, đáng sợ, cay đắng, buồn bã và đầy đau đớn – như chính những gì mà FKA Twigs từng trải nghiệm trong suốt quá trình ‘thai nghén’ đứa con tinh thần của mình.

Mary Magdalene, hay “Mary của thành Magdala”, là nữ nhân được nhắc đến nhiều nhất trong các cuốn sách Phúc Âm, nhưng không hề có một thân phận rõ ràng.

Trải qua nhiều thời đại lịch sử, hình ảnh của Magdalene thường được thêu dệt, thay đổi và kể lại ở nhiều góc nhìn khác nhau. Bà được biết đến như là một tín đồ trung thành của Chúa, người đã đi theo tháp tùng Jesus cũng là nhân chứng sống cho việc ngài bị đóng đinh trên thập giá.

Hình tượng Magdalene
và âm hưởng tôn giáo

Có lúc người ta nhắc đến bà trân trọng như là một vị thánh, là người vợ ân cần của Chúa Jesus; có khi lại mô tả không hơn gì một ả gái điếm, một kẻ tội đồ lăng loàn.

Chính vì vậy mà Magdalane được mệnh danh là “người phụ nữ huyền bí nhất trong Kinh Thánh”, và câu chuyện về bà cho đến nay vẫn là một ẩn số hấp dẫn đối với văn hóa đại chúng, từ điện ảnh cho đến văn học.

Mượn Mary Magdalene làm biểu tượng cho album của mình, FKA Twigs không hề có ý định giải thích nguồn cội của nhân vật kinh điển. Trái lại, cô tập trung khai thác khía cạnh xúc cảm đằng sau mối quan hệ giữa Chúa Jesus và Magdalene – người mà theo lời của Twigs là “sẽ không bao giờ làm kẻ cô yêu phải thất vọng” (Home with you).

FKA Twigs mất nhiều năm để thai nghén Magdalene.
FKA Twigs mất nhiều năm để thai nghén Magdalene.

FKA Twigs mất hai năm để hoàn thiện album đầu tay (với cái tên khá đơn giản LP1), nhưng mất gấp đôi thời gian để thực hiện Magdalene. Trong khoảng thời gian này, khán giả dần trở nên quen với hình ảnh cô tay trong tay cùng nam tài tử Robert Pattinson. Họ hẹn hò, đính hôn, rồi lại đường ai nấy đi. Cái kết không có hậu của chuyện tình hao tốn nhiều giấy mực ấy đã trở thành (một trong những) chủ đề chính của Magdalane.

Ngay từ ca khúc đầu tiên, FKA Twigs nhanh chóng khơi gợi về một mối quan hệ đã đến hồi kết thúc: “Nếu em bước ra khỏi cửa, đó sẽ là lần cuối ta từ biệt” (Thousand Eyes).

Chưa kịp xoa dịu nỗi đau về tinh thần sau khi đặt dấu chấm hết cho cuộc tình buồn, FKA Twigs lại tiếp tục hứng chịu nỗi đau về thể xác khi phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật, cùng lúc loại bỏ sáu khối u xơ tử cung ra khỏi cơ thể.

Không khó để người nghe cảm nhận được nỗi mất mát ấy trong từng ca khúc của Magdalene. Phần nửa thời lượng của album, FKA Twigs đóng vai một tín đồ bước chân vào thánh đường để xưng tội với Chúa. Nửa còn lại, cô trở thành người phụ nữ hiến dâng cả con tim cho tình yêu dù không nhận được bất cứ điều gì.

Ở những khoảnh khắc tột cùng của cảm xúc, cô chuyển sang đọc rap một cách đầy giận dữ như đang lên đồng (Fallen Alien). Có lúc cô lại khiến người nghe chết lặng khi hát về tình yêu tan vỡ (Cellophane).

Âm nhạc thể nghiệm,
kén người nghe

Ảnh bìa của Magdalene, được thiết kế bởi Matthew Stone, đã phần nào gợi mở về ý tưởng FKA Twigs muốn gửi gắm: chân dung một người phụ nữ trần trụi với gương mặt bị biến dạng, sâu trong đôi mắt là thủy tinh thể đục ngầu như bị mù, mái tóc xoăn tít tạo thành một con rắn đang nhe răng nanh chờ chực tấn công con mồi.

Ảnh bìa là những gì mà người đời mường tượng về Mary Magdalene.
Ảnh bìa là những gì mà người đời mường tượng về Mary Magdalene.

Hình ảnh này như là kết quả của tất cả những gì mà người đời mường tượng về Mary Magdalene: kỳ dị, méo mó, thậm chí có phần đáng sợ. Cảm giác đó cũng phần nào mô tả về phong cách âm nhạc của FKA Twigs trong album lần này.

Trong thời lượng chưa đầy 40 phút, FKA Twigs cùng các cộng sự của mình đã tạo nên một album ngắn gọn nhưng phức tạp, cả về mặt âm nhạc lẫn ca từ. Cô đã mạnh dạn loại bỏ những thanh âm alternative R&B sở trưởng, những giai điệu bắt tai của LP1, để tạo ra những ca khúc đa thể loại (multi-genre), đậm chất thử nghiệm, thậm chí là khó nghe.

Thousand Eyes – phát súng mở màn như một lời cảnh tỉnh về sự “không dễ nghe” của Magdalene. Phần lời của bài hát nếu ghi ra giấy chỉ vỏn vẹn vài dòng, nhưng đây lại là bài dài thứ nhì trong album (xếp sau ca khúc chủ đề). Để lấp đầy khoảng trống trong 5 phút, nhà sản xuất Nicolás Jaar đã sử dụng một phần nhạc nền tối giản, với âm lượng tăng dần theo thời gian.

Ca khúc bắt đầu bằng tiếng trống đánh lên từng đợt như dẫn lối người hát đến với một thế giới khác. FKA Twigs lặp đi lặp lại lời hát như một câu thần chú, gợi nhớ đến phong cách a cappella thường thấy trong giáo đường nhưng u ám hơn.

Đoạn cuối bài hát là một tổ hợp những âm thanh hỗn độn: tiếng nước chảy róc rách, tiếng synth bóp méo, nữ ca sĩ thé lên từng hồi như loài chim cất lên tiếng hót cuối cùng trước khi được tái sinh.

YouTube player

Ca khúc thứ hai do chính FKA Twigs tự sản xuất, Home With You, cũng dữ dội không kém. Cô khẽ khàng thốt ra từng lời như đang đối thoại với Chúa. Cô liên lục nhắc về nỗi đau, nỗi cô đơn và cảm giác tội lỗi.

Khi album đi được nửa đoạn đường, cũng là lúc FKA Twigs và Mary Magdalene hòa lại làm một. “Collide” (va chạm), đúng như cách cô dùng từ này.

Trong Fallen Alien, cô gào thét như bị quỷ nhập. Tự nhận mình là một “kẻ ngoài hành tinh sa ngã”, cô hát: “Ở thời đại Satan, tôi tìm kiếm một ánh sáng dẫn lối về nhà và đưa tôi thoát ra”. Sử dụng những âm thanh cơ khí để đẩy bài hát cao trào, tạo nên không khí lạnh lẽo, bức bách, hỗn loạn.

Ẩn dụ về tình yêu trái cấm

Xuất thân là một vũ công, FKA Twigs luồn lái cảm xúc của album cũng uyển chuyển như cách cô điều khiển bước nhảy của mình. Twigs giằng xé, cuồng nộ, điên dại khi hát về nỗi đau bao nhiêu, thì lại dịu dàng bấy nhiêu khi hát về tình yêu.

Ở ca khúc thứ ba, Sad Day, ta sững sờ khi nghe nữ ca sĩ lột tả tâm trạng rũ rượi của một người vừa mất đi người tình: “Thành phố rít lên tiếng reo hò dụ dỗ rồi bắt lấy anh”. Bản ballad – có sự nhúng tay Skrillex – được khoác lên một chiếc áo khác lạ bằng phần nhạc điện tử phối theo phong cách trip-hop, lồng ghép những chi tiết rất nhỏ đắt giá.

Ẩn sau từng tiếng synth rít lên nặng nề, là một cảm giác hối hận xen lẫn nuối tiếc. Giọng hát của Twigs khi rõ ràng khi vang vọng nhưng lúc nào cũng trống trải, đượm buồn.

Lời các ca khúc trong Magdalene đều viết về một cuộc tình tan vỡ.
Lời các ca khúc trong Magdalene đều viết về một cuộc tình tan vỡ.

Phần lời của Magdalene luôn đậm tính ẩn dụ. Xuyên suốt album, FKA Twigs thường xuyên gợi mở về một mối tình bị ngăn cản – hình ảnh “fruit” trong Sad Day Holy Terrain gợi nhớ đến câu chuyện Adam và Eva lén ăn trái cấm của Chúa.

Cái tên Robert Pattinson dù chưa một lần xuất hiện trong album, nhưng người nghe hoàn toàn có thể cảm nhận được bóng dáng của người đàn ông ấy phảng phất trong từng câu hát.

Quay trở lại thời điểm khi cặp đôi vẫn còn bên nhau, FKA Twigs nhận được khá nhiều lời bình luận ác ý, những ý kiến phản đối gay gắt từ phía khán giả hâm mộ nam diễn viên. Người ta thậm chí còn miệt thị về màu da và thêu dệt những tin đồn vô căn cứ về cô.

Soi chiếu tình yêu của mình với Magdalene và Chúa Jesus, FKA Twigs như muốn giải bày về câu chuyện của chính mình với người nghe.

Cô sử dụng những danh xưng khác nhau – “ngàn con mắt” (Thousands Eyes), “người ta” (Home With You), “thành phố” (Sad Day), hay “họ” (Cellophane) – để ám chỉ những kẻ ngoài cuộc, hệt như cách Mary Magdalene được người đời nhắc đến với nhiều tên gọi, nhân dạng khác nhau.

Đó cũng như một cách đáp trả dành cho những ánh mắt soi mói, những lời ra tiếng vào phần nào đã đẩy cuộc tình của cô đi vào ngõ cụt.

Trái tim bọc trong ‘giấy bóng kính’

Ba ca khúc cuối cùng của album lại là những bài buồn nhất. FKA Twigs tiếp nỗi chuỗi cảm xúc nhớ nhung bất tận của mình bằng Mirrored Heart – bài hát dành tặng “những đôi nhân tình đang tìm cách xua tan nỗi đau”. Các nhà sản xuất đã thay những âm thanh ồn ào, chát chúa trước đó bằng một phần nhạc nền chậm rãi, nhường không gian cho giọng ca Twigs giãy bày cảm xúc.

Cô liên tục đặt ra những câu hỏi rồi tự trả lời đầy cay đắng: “Anh có muốn em không? – Không, không phải cả cuộc đời”. Đến Daybed, Twigs thỏ thẻ từng lời như đang đọc thánh kinh của riêng mình: “im lặng là nhịp đập tôi, băng giá là thân nhiệt tôi”. Cô cuộn tròn người nghe trong nỗi cô đơn heo quạnh, rồi kết thúc hơn nửa tiếng đau thương, cuồng nộ, tội lỗi và nuối tiếc của Magdalene bằng Cellophane – một ca khúc thuần ballad với piano làm chủ đạo.

YouTube player

Như một tín đồ sau khi nếm trải mọi khổ ải trần gian sẽ được trở về bên Chúa, Cellophane là món quà đặc biệt mà FKA Twigs dành tặng những ai đã kiên trì lắng nghe album đến giây phút cuối cùng. Đây cũng là ca khúc xúc động nhất khi FKA Twigs lột trần vỏ bọc Mary Magdalene để trở về với bản ngã của chính mình: một kẻ phàm trần cũng biết đau đớn vì tình yêu.

Thật khó để không thổn thức mỗi khi Twigs chạm đến những nốt cao nhất của bài hát. Cô hát như rút gan rút ruột, như đang tự moi trái tim vụn vỡ của mình, đem gói lại bằng tấm giấy bóng kính rồi trao tặng cho người nghe. Không hề có một lời oán giận, hờn trách khi nhắc đến tình cũ, FKA Twigs chỉ bày tỏ sự bất lực trước những đổ vỡ: “em đã cố gắng, nhưng rồi chỉ thấy vô vọng”.

Sau màn chào sân ấn tượng từ LP1, FKA Twigs vẫn giữ nguyên cá tính âm nhạc của mình sau nhiều năm vắng bóng. Magdalene là một break-up album dồn nén nhiều tâm sự, dù nghe hết nó không phải là một trải nghiệm dễ dàng (phần nhiều gợi nhớ đến Vulnicura của Björk).

Thôi hát về tình dục để kể về tình yêu, FKA Twigs đã khéo léo lồng ghép yếu tố tốn giáo, sử dụng một câu chuyện phổ cập để lột tả những cung bậc cảm xúc riêng tư của bản thân.

Đó là điều không phải ai cũng có thể làm được.


Đánh giá: **** (4/5)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Song For Our Daughter’: Tạm biệt thơ ngây

Tiếp theo

Nghe Norah Jones và nhún nhảy cùng những điệu buồn

Latest from Âm nhạc