Placeholder Photo

Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina

Bắt đầu
7 phút đọc

Thoạt tiên, tôi không mấy mặn mà cho lắm với cuốn tiểu thuyết này vì đọc tên cứ tưởng nhầm là sách lịch sử hay khoa học, vậy nên đành bỏ mặc em nó nằm chơ vơ lạnh lẽo giữa một đống sách Marc Levy (không hiểu tại sao nhà sách lại ra sức lăng xê cho ông này, cứ như là chuẩn bị sẽ có một khu Marc Levy riêng biệt bên cạnh những Văn học Việt Nam, Văn học thế giới, Văn học Trung Quốc sẵn có vậy) mà không thèm nhấc lên xem thử tròn méo ra sao. Thay vào đó, tôi lượn qua những cuốn sách có cái tên ‘kêu’ hơn, thu hút hơn, nói chung là gợi cảm và quyến rũ hơn, như là: Cho em gần anh thêm chút nữa (gần bao nhiêu là đủ hả em?), Anh sẽ lại cưa em nhé! (đã từng cưa ít nhất một lần, cưa lại thường khó khăn hơn!), Nhật ký gái gọi Manhattan (cùng đủ các kiểu nhật ký khác nữa, thể loại nhật ký và ma cà rồng đang lên ngôi!),… Thế là phải tận mấy tháng sau tôi mới cầm cuốn sách này trên tay và cười nắc nẻ khi đọc nó.

Đại khái nội dung câu chuyện kể về một ông kỹ sư già tám mươi tư tuổi tuyên bố rằng mình đã tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời sau khi vợ mất được hai năm. Tình yêu ấy mang hình hài của một ả tóc vàng quyến rũ ba mươi sáu tuổi với bộ ngực khổng lồ, son hồng, váy ngắn, hiện đã ly dị chồng và có một đứa con trai mà theo ả là có bộ óc của thần đồng. Hai cô con gái vốn không thể hòa hợp của ông nhảy dựng lên, vứt sạch những hằn học cá nhân để hợp lực tống cổ bằng được cô ả đào mỏ về nước. Cứ như thế, dưới lời kể của cô con gái thứ hai Nadia, tính cách các nhân vật dần dần hiện ra rõ nét hơn qua các đoạn đối thoại mà chủ yếu là bằng điện thoại (tám qua điện thoại, mách tội nhau, nói xấu, châm chọc,…), theo đó là những ký ức về người mẹ đã mất, về bà ngoại, về lịch sử gia đình, phong tục quê hương và nỗi đau chiến tranh,…

Khi vừa mới đọc xong phần tóm tắt ngay sau sách, tôi cứ mãi tưởng tượng đến cảnh hai cô con gái sẽ dùng mọi thủ đoạn để đấu tranh quyết liệt không cho ả lừa tình bước chân vào làm mẹ nhỏ. Nhưng không, tác giả đã để cho cô ả dọn vào sống chung với ông già rất ư là nhẹ nhàng tình cảm trong vòng một trăm trang đầu, bởi lẽ đuổi ả ra khỏi nhà còn khó gấp trăm lần việc ngăn cho ả bước vào. Sau đó thì bản chất hồ ly mới lộ rõ bằng một loạt đòi hỏi trên trời dưới đất từ cái lò nướng phải là chạy-bằng-ga-và-màu-nâu cho đến xe hơi, một cái nữa, và lại một cái xe khác nữa chỉ để thỏa mãn giấc mơ về một cuộc sống tươi đẹp ở Tây phương.

Người đọc ban đầu có thể sẽ cảm thấy đồng cảm với cô con gái vì có một người ba hâm hâm nghiện táo với niềm say mê máy kéo cùng những hành động mà chỉ có thể diễn tả bằng một câu: không thể chấp nhận được; hay bất bình trước cách mà cô ả tóc vàng đối xử với ông cụ già đáng tuổi cha mình, nhưng đến khi gấp sách lại thì chỉ có thể nở một nụ cười. Các nhân vật của Marina Lewycka đều có lý do chính đáng để cho độc giả thông cảm và không thể ghét được bất kỳ ai.

Trước tiên là ông cụ già “mềm mụp chảy nước quặt qua quẹo lại” hành động vô cùng điên rồ mà cũng hệt trẻ con nhưng lại vô cùng cô đơn ở những năm tháng cuối đời. Tiếp đến là cô ả tóc vàng Valentina nỗ lực hết sức mình để có thể nhập cư vào Anh cốt để con trai mình có một môi trường học tập và sinh sống tốt đẹp hơn. Còn cậu con trai Stanislav đáng thương thì không có được sự quan tâm chăm sóc đàng hoàng của ba mẹ, bị mẹ bắt đi rửa ly cốc trong quán rượu khi chưa đủ tuổi, phải ra hầu tòa thay mẹ trong khi bà ta nằm trong bệnh viện sinh em bé đến nỗi chỉ biết khóc thút thít vì nhớ nhà. Rồi Bà Chị Lớn Vera với tuổi thơ kinh hoàng đầy cay đắng mà chỉ biết dấu trong lòng, để rồi bất đắc dĩ bị bố và em gái coi như một người khô khan độc ác. Ngay cả đám đàn ông xách dép chạy theo đeo đuổi Valentina, đọc cũng thấy tội tội.

Bằng những câu văn đôi khi gọn ghẽ đến mức lạnh lùng, Marina Lewycka đã vẽ ra một bi kịch gia đình hết sức bình thường và có thể xảy ra đối với bất kỳ ai. Đôi khi chúng ta luôn  mơ mộng hão huyền về gia đình hoàn hảo của mình, về một ông bố siêu anh hùng với tình yêu bất diệt dành cho vợ và các con, về một người mẹ nữ anh hùng lãng mạn với trái tim luôn luôn thấu hiểu con cái, về những người anh người chị anh hùng khác nữa, để rồi khi sự thật không được như ta mong đợi lại quay sang tung đòn trả đũa chính ta. Nhưng cuối cùng thì gia đình thì vẫn cứ là gia đình, cho dù có như thế nào đi chăng nữa. Và hãy nhớ lấy lời của Bà Chị Lớn: Quá khứ bẩn thỉu như cống rãnh. Đừng bao giờ chơi đùa ở đó. Để nó yên. Quên nó đi.

Một tác phẩm đầu tay hài hước và sâu sắc.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

7 Comments

  1. Chuyen nay hay.nhung theo mjnh thay thj cach ban ke ve no con hay hon .that day.ma caj truyen anh se cua laj em ban cung co ah?mjnh tjm mua maj ma ko dc.doc co hay ko vay

    • À, cuốn đó em đọc cách đây ba tháng rồi, tại lười đổi cái hình quá. Cuốn sách mỏng mà mất một thời gian kha khá mới hoàn thành.
      Mà em là Sơn Phước 😀

  2. những ghi ghép của em rất nhiều hứng thú. em sẽ là cây viết vô cùng tốt… nhiều ghi chép đọc rất sướng 😉

    em cũng đọc nhiều nhỉ? anh thì lười đọc lắm. sợ sẽ bỏ mất cái thói quen… dù rất lười này mất thôi. lười đọc nên nhiều khi… bí từ.

  3. Cuốn sách này mình đã thấy từ rất lâu, nhưng thậm chí chưa bao giờ cầm nó lên coi nội dung thế nào. Sau khi đọc bài này, mình nghĩ mình đọc thử xem sao.
    Đọc qua một số bài của bạn, mình thấy bạn viết rất hay! Rất có tâm tư, sâu sắc.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Ngàn mặt trời rực rỡ

Tiếp theo

Ghi chép về Cuộc săn cừu hoang

Latest from Uncategorized

Movies of the 2000s

Một người bạn đọc blog biết tôi thích đọc sách và xem phim nên cố tình