Album Honey của Robyn là tuyển tập những ca khúc electro-pop buồn bã trên nên nhạc sôi động, đánh dấu sự trở lại của ca sĩ sau 10 năm vắng bóng.
Robyn đã thất tình, hẳn rồi, chuyện ai cũng biết gần chục năm trước. Rất lâu sau album xuất sắc để đời Body Talk, Robyn trở lại và vẫn chưa nguôi ngoai cơn thất tình.
Nhưng với album Honey, cô đã thực sự chứng minh được một điều: ngay cả khi đau khổ nhất, con người ta vẫn có thể tạo ra những điều tuyệt diệu.
Sự trở lại của một nữ hoàng
Bạn không thể nào biết rõ về electropop nếu chưa từng nghe nhạc của Robyn – ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, biểu tượng pop của Thụy Điển.
Nữ hoàng của những bản synth-pop thất tình cay đắng mà người nghe có thể nhảy theo được, chủ nhân của hàng loạt bài hit mở đầu cho kỷ nguyên âm nhạc 2010s (Dancing On My Own, Hang With Me, Call Your Girl Friend), hình mẫu tiêu chuẩn định hình phong cách cho các tên tuổi đàn em như La Roux, Katy B, Little Boots, Tove Lo…
Nguồn cảm hứng bất tận của những album “mang âm hưởng Robyn”, từ True Romance (2013) của Charli XCX cho đến Take Me When You Go (2014) của Betty Who, từ Emotion (2015) của Carly Rae Jepsen cho đến Melodrama (2017) của Lorde.
Trên tất cả, cô chính là Robyn – một “cult classic” của âm nhạc, cá tính độc đáo không thể trộn lẫn và là “liều thuốc trợ tim” mà bạn có thể tìm tới mỗi lần bị bồ đá, hoặc ngược lại.
Khoảng cách từ album gần nhất của Robyn – Body Talk (2010) – đến nay ngót nghét cũng đã được tám năm. Không quá dài, chỉ vừa bằng quãng thời gian mà khán giả phim Game Of Thrones chờ đợi qua từng mùa, đến khi Mẹ Rồng Daenerys chính thức giành lại được Ngôi Báu Sắt để có thể thở phào nhẹ nhõm: cuối cùng “mùa đông” cũng tới.
Nói thế để thấy rằng vẫn còn đó một lượng khán giả trung thành hàng năm mỏi mòn chờ đợi Robyn ra album mới, dù suốt thời gian qua cô vẫn hoạt động không ngừng nghỉ: phát hành một đĩa EP cùng bộ đôi Royksopp (Do It Again, 2014), thành lập một nhóm nhạc với cái tên rất kêu Robyn & La Bagatelle Magique (Love Is Free, 2015).
Thỉnh thoảng, cô song ca cùng Neneh Cherry (Out of the Black, 2014), bắt tay cộng tác Mr. Tophat (Trust Me, 2016) hay góp giọng với Todd Rundgren (That Could Have Been Me, 2017),… Ngay cả nam nghệ sĩ Perfume Genius cũng không kìm được lòng đành phải nhào vô twitter mà gào lên rằng: “we need Robyn” (chúng tôi cần Robyn).
Hình bóng hai người đàn ông
Đáp trả cho những tình cảm đó, Robyn đặt tên đĩa đơn đầu tiên trong album Honey là Missing U, như muốn nói rằng cô nhớ khán giả nhiều không kém Mẹ Rồng Daenerys nhớ mấy “đứa con”.
Bài hát góp nhặt tất cả những yếu tố kinh điển làm nên thương hiệu Robyn: trống thình thịch tạo “nhịp đập”, synthesizer chạy xuyên suốt làm mạch máu, giọng ca trong vắt như pha lê cất lên nỗi lòng của một con tim tan vỡ.
Lời hát ngập tràn dư vị kết thúc – những kế hoạch dang dở, bức hình không còn vẹn toàn, mùi hương dần phai nhạt trên gối – cho thấy sau gần một thập kỷ, nữ ca sĩ sinh năm 1979 vẫn chỉ “đang nhảy một mình” (Dancing On My Own).
Ẩn sau từng lời ca tiếng hát có bóng hình của hai người đàn ông, cả hai đều không còn bên cạnh Robyn trong đường đời, dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng. Sự ra đi đột ngột của người cộng sự lâu năm (nhà sản xuất âm nhạc Christian Falk) cùng cuộc chia tay không mấy êm đẹp với bạn trai (nhiếp ảnh gia Max Vitali) trở thành nguồn cảm hứng để cô bắt tay vào thực hiện album này.
Đặc biệt, Christian Falk tuy không phải người yêu nhưng lại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp của Robyn. Anh dìu dắt cô từ những ngày đầu chập chững vào nghề (sản xuất hai album đầu tiên), cô góp giọng trong bản hit để đời của anh (Dream On, 2008), cả hai cùng trở thành những mảnh ghép không thể thiếu của bộ ba Robyn & La Bagatelle Magique.
Có một vài xáo động nho nhỏ sau đó: Max quay lại với Robyn nhưng Christian thì không. Năm 2015, căn bệnh ung thư vĩnh viễn cướp anh khỏi cõi đời, như cú sốc lớn với nữ ca sĩ, tạo thành những “khoảng trống” cô không thể lấp đầy.
Điều này khiến Missing U mang nhiều ý nghĩa hơn một ca khúc thất tình thông thường. Để cô đọng tất cả những cảm xúc dồn nén vào một bài dài chưa đầy 5 phút là điều không dễ. Chỉ riêng phần lời của bài hát đã ngốn đi mất hai năm trời của Robyn, kể từ khi cô thực hiện bản demo đầu tiên trên laptop vào mùa hè năm 2014.
Sau đó, hai nhà sản xuất Joseph Mount (nhóm Metronomy) và Klas Åhlund đã cố gắng tiết chế tối đa phần âm nhạc, làm mềm mại tất cả các nhạc cụ điện tử, tạo nên một bài hát chân thành và đầy tiếc nuối, không quá cao trào nhưng vẫn đủ cuốn hút.
Cảm tác nhạc vũ trường thập niên cũ
Missing U quen thuộc và mang tính chiều khán giả, thì Human Being thực sự là một bước chuyển mình bất ngờ. Ca khúc bắt đầu bằng âm thanh như tiếng còi hú của ga xe lửa, báo hiệu giờ khởi hành đã đến.
Lấy cảm hứng từ cuốn Sapiens: Lược sử loài người (Yuval Noah Harari), Robyn tạo ra một phiên bản một buồn bã hơn của ca khúc Fembots. Cô tiếp tục đưa người nghe bước vào một thế giới giả tưởng ở thì tương lai, nơi những cỗ máy với trí tuệ nhân tạo lất át con người (ngay cả giọng hát của Zhala cũng bị biến thành rô bốt), nơi “tất cả xúc cảm đều đã lỗi thời” (all these emotions are out of date).
“Không có gì tồn tại mãi mãi”, cô tiếp lời bằng Because It’s In The Music – một bản disco pha trộn hoàn hảo giữa chút teen-pop và phần keyboard mang hơi hướm Á Đông. Chỉ có âm nhạc là bất biến với thời gian, ngay cả một đĩa hát cũ cũng có thể khiến cô mắt ướt lệ nhòa.
Bám theo ý tưởng đó, xuyên suốt chuyến hành trình mang tên Honey, Robyn liên tục sử dụng những thanh âm của thời đại cũ, tạo cảm giác retro (hoài cổ): disco của thập niên 70 (Because It’s In The Music), synth-pop của thập niên 80 (Ever Again), trance, deep house của thập niên 90 (Send To Robin Immediately, Between the Lines) – những ca khúc mà Kate Bush sẽ làm cô nếu ra album trong thời điểm này.
Một khoảnh khắc đáng nhớ trong Honey là khi album đi được một nửa chặng đường, Robyn liên tục lặp lại một câu hát – “Baby forgive me” – rồi đột ngột biến mất, nhường chỗ cho âm nhạc trình diễn: bass mềm lại, keyboard nổi lên, thiết lập một không gian u tối hoài cổ của những sàn nhảy nửa đêm ở thập niên trước.
Cảm giác như nữ ca sĩ đã tạm lui vào một góc khuất nào đấy, lắng nghe thứ âm thanh đẹp đẽ, buồn bã mà mình vừa tạo ra – hệt như khi cô lặng lẽ đứng nhìn người yêu hôn một cô gái khác trong Dancing On My Own. Hai ca khúc Baby Forget Me và Send To Robin Immediately nối với nhau ngọt lịm, xê dịch mềm mại từ disco sang ambient rồi hoán chuyển về electro-pop. “Nếu bạn đang yêu ai đó, nói ngay đi”, người hát khẩn cầu.
Ở album trước, Robyn mượn ngôn ngữ cơ thể để bộc lộ cảm xúc (“body talk) thì trong album lần này, có không ít lần cô dùng âm nhạc để nói thay lời (“music talk”).
Sau cơn mưa, trời lại sáng
Cảm giác hối hận và nỗi cô đơn dâng trào, nhưng Honey lại không phải là một album thất tình. Đúng hơn, nó được sinh ra để chữa lành vết thương nhiều hơn là “lời thú tội trên sàn nhảy”, hệt như cách Björk tạo nên Vulnicura (2015).
Giữa hai album này cũng có nhiều điểm tương đồng: đều là sản phẩm hậu thất tình, góp nhặt những “cảm xúc phức tạp” (abstract complex feelings) khó thể mô tả bằng lời, được sáng tạo bởi hai tên tuổi lẫy lừng, những “huyền thoại âm nhạc” của vùng Scandinavia – Björk ở tuổi 49 và Robyn ở tuổi 39. Ngay cả cấu trúc của cả hai cũng có điểm tương đồng. Chín ca khúc được tách ra thành hai nửa riêng biệt: đau đớn và chữa lành.
Dấu gạch nối giữa hai thái cực cảm xúc hoàn toàn trái ngược ấy chính là Honey – ca khúc chủ đề kéo người nghe từ không gian tăm tối của câu lạc bộ đêm đến miền đồng thảo ngập tràn ánh sáng, rực rỡ sắc màu, nơi ong bướm tìm hoa hút mật.
Robyn tiếp tục khai thác một chủ đề cô từng tiếp cận trong video ca nhạc của Indestructible lẫn ca khúc Do It Again hợp tác cùng bộ đôi Röyksopp: tình dục.
Cay đắng được thay bằng ngọt bùi, hối tiếc xóa nhòa bởi hạnh phúc, gợi cảm chứ không gợi dục. “Như vỉa hè lát đầy ngọc lục bảo” (It’s like emeralds on the pavement), cô hát.
Gống như Björk, Robyn dồn những ca khúc khó nuốt hơn vào phần sau của album, cho thấy một hình ảnh bất cần, mặc kệ mọi thứ. Beach2k20 – bài hát dài nhất và mang tính thử nghiệm nhất album, phá vỡ cấu trúc của một bản pop thông thường: không hook bắt tai, không điệp khúc dễ nhớ. Bài hát có thời lượng hơn 5 phút nhưng chỉ là những lời nói thì thào, mô tả quá trình cô “gọi điện cho người thân”, kêu gọi tiệc tùng.
Giữa thời đại mà đàn ông lên án chính trị, đàn bà đòi hỏi nữ quyền, dân da màu phản đối phân biệt chủng tộc còn dân đồng tính đấu tranh vì bình đẳng giới, Robyn chỉ muốn ra biển tắm cái cho mát. Bởi vì “chị thích thế đấy”, cô tuyên bố trong Between The Lines, nhắc ta nhớ rằng chớ dại mà bảo Robyn phải làm gì (Don’t Fucking Tell Me What to Do).
Khuyết điểm lớn nhất của Honey, chính là số lượng ca khúc quá ít (ít nhất trong các album mà Robyn từng thực hiện). So với thời Body Talk – gồm 15 ca khúc tổng hợp những gì tinh túy nhất từ một trilogy cùng tên thực hiện trước đó, Robyn tỏ ra kiệm lời hơn, nồng nàn và đằm thắm hơn.
Album không chỉ kín đáo bộc lộ những dịu dàng của một người đàn bà sắp sửa bước sang ngưỡng 40, mà còn đập tan những định kiến bấy lâu nay về nhạc sàn, chứng tỏ rằng dance-pop vẫn có thể ngọt ngào, quyến rũ và gợi cảm như thường.
Khi album kết thúc, Robyn “thề là sẽ không bao giờ đau khổ nữa” (Ever Again). Chẳng biết lời cô hát là thật hay đùa. Nhưng nếu đúng vậy, hẳn nhiều người sẽ phải khóc thầm.
Đánh giá: **** (4/5)
Thông tin:
- Album Honey của Robyn phát hành ngày 26/10/2018.
Thanks for leading me to this music. It’s addicted magically