/

‘God’s Favorite Customer’ – Đại dương đơn côi của Father John Misty

Bắt đầu
12 phút đọc

God’s Favorite Customer – album phòng thu thứ 4 của Father John Misty – xoay quanh nỗi cô đơn của người đàn ông gặp nhiều vấn đề trong đời.


God’s Favorite Customer là album có dung lượng ngắn nhất và đậm tính cá nhân nhất của Father John Misty. Album khiến người nghe phân vân giữa hai thái cực “yêu” – “ghét”, đồng thời khẽ nhắc: Father John Misty cũng chỉ là một gã đàn ông 37 tuổi. Anh cô đơn, buồn bã, mắc kẹt trong những mối quan hệ vụn vỡ và bắt đầu tự vấn đức tin của mình.

‘God’s Favorite Customer’ –
Đại dương đơn côi của Father John Misty

Khán giả biết gì về Father John Misty? Rằng anh là cựu tay trống của ban nhạc Fleet Foxes? Rằng trước khi nổi tiếng bằng nghệ danh, anh từng phát hành đến 8 album cá nhân với tên thật Josh Tillman? Rằng nếu không bước chân vào con đường âm nhạc, anh từng có ý định muốn trở thành mục sư?

Thế thì God’s Favorite Customer khẽ nhắc ta rằng, Father John Misty cũng chỉ là một gã đàn ông 37 tuổi cô đơn, buồn bã, mắc kẹt trong những mối quan hệ vụn vỡ và bắt đầu tự vấn đức tin của mình.

Joshua Michael Tillman, hay Father John Misty, là một nghệ sĩ đa tài. Anh biết đánh trống, chơi đàn (guitar), sáng tác, sản xuất nhạc, thậm chí còn đóng cả phim. Tất nhiên, người ta biết đến cái tên Father John Misty nhiều nhất với vai trò là một ca sĩ. Chất nhạc folk-rock cộng với giọng hát lãng tử khiến ta liên tưởng đến anh như là một hình ảnh trẻ trung hơn của Leonard Cohen hay Bob Dylan.

Giống như hai bậc tiền bối, các sáng tác của Father John Misty không chỉ gói gọn về tình yêu mà trải dài ở nhiều vấn đề xã hội, bất kể là nền chính trị hỗn mang nước Mỹ (Pure Comedy) hay những vấn nạn của con người hậu hiện đại (True Affection). Nếu không theo đuổi âm nhạc (và loại luôn ý định làm mục sư), hẳn trên thế gian này đã có một nhà thơ hay một tiểu thuyết gia gì đấy tên là Father John Misty.

Lời tự thú của quý ngài Tilman

Trong số 4 album mà Josh Tillman thực hiện với nghệ danh Father John Misty, God’s Favorite Customer là album có dung lượng ngắn nhất (vỏn vẹn chưa tới 40 phút). Đồng thời, đây cũng là album mang đậm tính cá nhân nhất.

Có khá nhiều cách để mô tả về đĩa nhạc này. Mười ca khúc trong album như được trích từ những trang nhật ký về quãng thời gian tăm tối trong cuộc đời huy hoàng của Father John Misty. Một “tai nạn bất ngờ” (“misadventure“) như lời anh chia sẻ. Một trận đại địa chấn nơi con tim, “đau đớn” và “cô lập” vì thất tình, không có bạn bè để tâm sự. Nỗi khủng hoảng của một gã đàn ông sắp sửa tứ tuần hay là lời tự thú đầy thương cảm của quý ngài Tilman đằng sau chiếc mặt nạ John Misty.

Quá trình chuẩn bị cho God’s Favorite Customer cũng khá thú vị. Father John Misty tự nhốt mình trong một khách sạn gần hai tháng (đúng hơn là sáu tuần) để tập trung cho việc sáng tác. Đĩa đơn mở màn mang tên Mr. Tillman mô tả về quá trình đó hết sức giễu nhại. Bài hát vốn có cái tên gốc khá dài – Mr Tillman, Please Exit The Lobby (Mời ngài Tillman rời khỏi hành lang cho) – là lời đối đáp giữa một nhân viên lễ tân cùng vị khách trọ quen thuộc của mình. 

YouTube player

Ca từ đắng chát cho thấy cuộc sống của Father John Misty đang rất “có vấn đề”: anh bỏ quên hộ chiếu trong tủ lạnh (“left your passport in the mini fridge”), anh ngủ ở ban công (“sleep on the balcony”), anh uống rượu một mình (“drink alone”),… đến nỗi một người chẳng hề quen biết như Jason Isbell cũng phải tỏ ra lo lắng cho đồng nghiệp*.

Khiếu hài hước từ lâu đã trở thành một gia vị không thể thiếu trong các sáng tác của Father John Misty. Anh cười khẩy và phủi tay một cách ngạo nghễ ở phần điệp khúc: Không sao đâu, tôi chỉ đang sống trong khu vườn mộng mơ của mình mà thôi! Bản tính khôi hài của quý ngài Tilman tiếp tục được thể hiện trong Date Night khi tuyên bố: “sở thích của tôi là cười trong đêm” (“my hobbies include laughing in the dark”). Bài trước anh vừa tự nhận mình “ngu ngốc” vì níu kéo tình cũ (Just Dumb Enough to Try), thì bài sau anh đã vội vã buông lời tán tỉnh tình mới: “I’ll get you ice cream if you give me your card” (Anh sẽ mua kem cho em nếu em trao anh danh thiếp của em).

Nỗi cô đơn của con số nguyên tố

Tiếc thay, Mr. Tillman hay Date Night chỉ là những khoảnh khắc vui vẻ ngắn ngủi thoáng xuất hiện trong God’s Favorite Customer. Phần còn lại của album, Father John Misty dấn người nghe chìm sâu vào đại dương của nỗi buồn – điều anh đã dự báo ngay từ câu hát đầu tiên: “Sun is rising, black is turning blue” (Mặt trời lên cao, màu đen hóa thành “màu buồn”). Vẫn viết về tình yêu nhưng Father John Misty không ngợi ca niềm hạnh phúc như đã từng với I Love You, Honeybear (2015). Thay vào đó, phần lớn các ca khúc của God’s Favorite Customer tái hiện một mối quan hệ đang dần đến hồi kết. Trong một bài hát có cái tên rất dài, Disappointing Diamonds Are the Rarest of Them All, anh đau đớn thú nhận: “tình yêu này đã vấy bẩn tôi” (“This love’s contaminated me”).

Nếu Lana Del Rey thường được nhắc đến với danh hiệu “sầu nữ” thì Father John Misty đích thị là phiên bản nam hoàn hảo của cô. Ở khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời, anh nhốt mình trong phòng, chôn vùi trong nỗi cô đơn: “Last night I wrote a poem. Man, I must have been in the poem zone” (The Palace). Ngòi bút của Father John Misty sắc lạnh đến độ vừa khiến ta cười đã chợt làm ta đau. Ca từ thâm thúy đến mấy cũng chẳng chôn dấu được trái tim tan vỡ của một gã đàn ông đang thất tình, đến nỗi anh phải thốt lên rằng: “I’m feeling older than my 35 years” (Please Don’t Die).

Tương ứng với ca từ buồn bã, đau đớn là phần âm nhạc chậm rãi, tan nát cõi lòng. Vị cộng sự lâu năm Jonathan Wilson (người thực hiện cả ba album trước của Father John Misty) đã lui về hàng ghế khách mời để nhường chỗ cho Jonathan Rado (một nửa mảnh ghép của nhóm Foxygen) ngồi vào vị trí sản xuất chính. Kết quả, âm nhạc trong God’s Favorite Customer hoàn toàn tối giản: không còn dàn dây (strings) tạo điểm nhấn của I Love You, Honeybear lẫn tiếng kèn (horn) đặc trưng của Pure Comedy. Ngoại trừ hai ca khúc Mr. Tillman hay Date Night có nhịp điệu nhanh, thì những bài “đinh” trong album đều sử dụng piano làm chủ đạo, phối theo phong cách ballad (Just Dumb Enough To Try, The Palace) hoặc rock cổ điển (Hangout At The Gallows).

Rốt cuộc, chúng ta cũng chỉ là con người

Càng về sau, tâm trạng u sầu của chàng ca sĩ xứ “cờ hoa” càng lên đến đỉnh điểm. Trong bài hát chủ đề, God’s Favorite Customer, anh không còn cách nào khác ngoài việc cầu viện đến ân trên, thú nhận trong sự tuyệt vọng: “Tất cả những gì con cần là một người bạn mới”. Đau đớn là vậy, nhưng Father John Misty không hề đóng khung God’s Favorite Customer trong giới hạn của một đĩa nhạc thất tình thông thường. Hay đúng hơn, album không tuân theo một cấu trúc hay chủ đề nhất định như lời anh từng nhận xét. Ngay từ ca khúc đầu tiên, Hangout at the Gallows, anh đã thẳng thừng mô tả một thế giới quá đỗi đen tối: bên trên là bọn khủng bố, bên ngoài Noah đang vẫy gọi, còn bên trong anh đang “chảy máu đến chết” (“bleed to death”).

YouTube player

Bài hát khiến ta sống lại cảm xúc những năm 1971 khi John Lennon viết nên ca khúc bất hủ Imagine, nhưng ở một góc nhìn tiêu cực hơn, như đang tận mắt chứng kiến ngày tận thế. Ngay cả khi đã rúc mình vào thế giới nội tâm cô độc, Father John Misty vẫn chẳng thể “nhắm mắt làm ngơ” trước thực trạng bên ngoài. Phần điệp khúc quấn lấy tâm trí người nghe bằng những câu hỏi không lời đáp: “Quan điểm chính trị của bạn là gì? Tôn giáo của bạn là gì?… Lẽ sống của bạn là gì?”. Xuyên suốt hơn nửa tiếng đồng hồ của album, Father John Misty đã cố tình lảng tránh những câu hỏi ấy, mãi cho đến hồi kết. Tên bài hát cuối cùng khép lại cả album như một tiếng thở dài bất lực về cuộc sống: “Chúng ta chỉ là con người (và ít ai có thể làm gì với việc đó)”.

God’s Favorite Customer là một album khiến người nghe phân vân giữa hai thái cực “yêu” và “ghét”. So với những album trước, nó quá ủy mị, thiếu thống nhất về mặt nội dung và chưa thực sự xuất sắc về mặt âm nhạc. Không khí ảm đạm bao trùm có thể sẽ khiến tâm trạng của người nghe trũng xuống, nhưng ca từ của Father John Misty thì thực sự “mưa dầm thấm lâu” – càng nghe càng hay. Dẫu sao thì đây cũng là album đầu tiên của Father John Misty mang nhiều màu sắc Josh Tillman nhất. Một nỗ lực đáng ghi nhận khi anh thẳng thừng từ chối danh hiệu “hipster favorite” (nghệ sĩ ưa thích của dân hispter) mà mọi người trao tặng để trở thành “God’s favorite” (vị khách ưa thích của Chúa).


Đánh giá: ***1/2 (3,5/5)


Chú thích:
* Sự thật là Jason Isbell đã từng đụng phải Father John Misty trong một khách sạn.

(Bản gốc đăng ngày 15/10/2018 – Cập nhật ngày 27/7/2021)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Disobedience’ – Mối tình đồng tính trong xã hội Do Thái

Tiếp theo

‘Claire’s Camera’ – Ống kính độc đáo của Hong Sang Soo

Latest from Âm nhạc