Placeholder Photo
/

‘Girl who got away’ – Dido trở lại với nhạc điện tử

Bắt đầu
7 phút đọc

‘Girl who got away’ – Dido trở lại với nhạc điện tử

Nếu để ý, bạn sẽ thấy mỗi bài hát đầu tiên trong các đĩa nhạc của Dido đều ẩn chứa một tuyên ngôn về tình yêu. Khi thì dữ dội và mãnh liệt: Em sẽ chẳng đi đâu nữa, sẽ chẳng ngủ nữa, sẽ chẳng thở nữa, cho đến khi anh nằm kề bên em (Here with me – No angel). Khi buông xuôi nhưng vẫn dứt khoát: Em sẽ chìm cùng chuyến tàu này, và sẽ không giơ tay đầu hàng đâu. Em đã yêu và sẽ mãi như vậy (White flag – Life for rent). Và cũng hết sức chân thành khi thổ lộ: Nếu không tin tưởng vào tình yêu, sẽ chẳng còn gì tốt đẹp. Nếu không tin tưởng vào tình yêu, sẽ chẳng còn gì tồn tại (Don’t believe in love – Safe trip home).

Sau năm năm, Dido trở lại với một tuyên ngôn mới, tuy đơn giản nhưng nhiều hàm nghĩa: Chẳng có tình yêu nào thiếu tự do. Và không thể tự do nếu thiếu đi tình yêu. Có thể nói, No freedom vẫn giữ nguyên những gì đã làm nên dấu ấn Dido, từ sự đơn giản trong giai điệu lẫn cấu trúc bài hát, đến cách hát nhẹ tênh như thể chẳng còn gì vướng bận, bản phối mộc với guitar và trống, giọng hát thì vẫn trong sáng nhưng không dấu nổi những muộn phiền. Trong âm nhạc của Dido, nỗi buồn lẩn trốn sau từng câu hát, ngay cả khi tưởng chừng như hạnh phúc nhất: Lặng lẽ em đứng đây, trước mặt là cả thế giới, khẽ nắm lấy tay anh, và nhìn về phía anh đang nhìn.

girl who got away sonphuoc review 01

Sử dụng No freedom làm phát súng mở màn là một sự lựa chọn có phần an toàn, bởi điểm khác biệt mà Dido hứa hẹn trong Girl who got away là phần âm nhạc điện tử. Nên nhớ, với Dido thì nhạc điện tử không phải là một điều gì đó quá xa lạ, vì trước đó cô đã từng góp giọng không ít lần trong các ca khúc của Faithless – nhóm nhạc điện tử nổi tiếng của anh trai cô Rollo Amstrong. Thế nhưng, khi Dido tuyên bố sẽ theo đuổi con đường điện tử trong album mới thì ta vẫn có nhiều lý do để hoài nghi và mong đợi. Nhất là đã mười năm trôi qua nếu như không tính Safe Trip Home, đĩa nhạc mang tính kỷ niệm nhiều hơn là thử nghiệm, và thiên thần nước Anh giờ đây đã là “gái một con” với bé trai hơn một tuổi rưỡi.

Ca khúc chủ đề Girl who got away có lẽ là câu trả lời xác đáng cho những nghi hoặc của chúng ta. Nó là những gì tương phản hoàn toàn so với No freedom trước đó. Giai điệu bài hát vui tươi, phần nhạc điện tử nhẹ nhàng dễ chịu xóa tan hết những nét u buồn thường thấy, và phần lời như được viết bởi một cô gái mới biết yêu. Tuy nhiên, ca khúc vẫn chỉ là một lời chào nhẹ nhàng đưa ta bước vào không gian thật sự của đĩa nhạc, về với chủ đề quen thuộc của Dido: viết về những tình yêu không trọn. Có điều, thay vì khiến người nghe sầu não như thường lệ, thì những Blackbird, End of night, Go dreaming được viết ra như để ăn mừng việc ta vừa chia tay với bạn trai.

girl who got away sonphuoc album

Càng về sau phần điện tử càng được khai phá triệt để hơn, thậm chí có lúc ta không còn nhìn thấy hình ảnh Dido trước đây, mà thay vào đấy là một bài hát nào đấy mà người ta vẫn mở trong quán bar. Love to blame là một ví dụ khi cô nhường cả một khoảng cho âm nhạc lên tiếng. Phần lời cũng khá thú vị khi lôi cả Helen của thành Troy vào còn giọng hát của Dido thì biến hóa hoàn toàn.

Bên cạnh sự vui tươi mới mẻ đó, Dido vẫn cho ta những bài hát đầy sức nặng với điện tử, và mỗi bài hát là một sắc màu riêng. Cô trở lại làm người kể chuyện bằng giọng hát trong Happy new year, bi kịch ở chỗ lời bài hát không hề hạnh phúc như nhan đề. Loveless hearts lại không êm ả như phần mở đầu, mà có gì đó nhức nhối trong từng lời hát, nhất là mỗi khi lặp đi lặp lại câu hỏi điệp khúc. Day before we went to war lại là chút hoài niệm về quá khứ, Dido hát như thể sắp ngừng thở khi nghĩ về những ngày đã qua.

Ca khúc xuất sắc nhất đĩa nhạc thuộc về Let us move on, kể về một tình yêu đang đứng ngay trước vực thẳm, không biết nên dừng lại hay là bước tiếp. Trong khi đó, cô gái phải đóng vai mạnh mẽ để đứng ra quyết định thay chàng trai: Chúng ta hãy tiếp tục, vì chuyện này cũng ngắn, và cũng sẽ qua thôi mà. Phần âm nhạc đầy ám ảnh với tiếng keyboard mở đầu và kết thúc. Giọng Dido tha thiết như thể đối phương đã có một quyết định khác. Và đặc biệt, lúc Kendrick Lamar cất tiếng, thì kịch tính của bài hát lại càng tăng lên, dữ dội hơn. Điều tiếc nuối là khi ca khúc chấm dứt, ta vẫn không biết điều gì sẽ xảy đến.

Đáng tiếc, theo thống kê của trang last.fm thì trong tuần qua No freedom đang là ca khúc được nghe nhiều nhất, và ngược lại là Let us move on. Có vẻ như khán giả của Dido đa phần là người hoài cổ.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

5 Comments

  1. Cuối cùng cũng kím được một bài cảm nhận về cái CD này ^^.
    Theo mình thì track thú vị nhất và sắc sảo nhất lại là track cực kì nhỏ nhặt Happy New Year, còn phần điện tử thì bạn Greg Kurstin vẫn cứ một bệnh là phối âm bị ‘non’ chưa đủ chín, không sáo mòn như vài em trong Top 40 nhưng cái sáng tạo lại đuối liên tục, nhưng ít ra là ảnh không mix nhạc rối tung lên như Stronger của bạn Kelly Clarkson :v
    Túm lại theo mình thì CD này gặp phải tình trạng tương tự như Girl on Fire của Alicia Keys, một nghệ sĩ nghiêm túc, hiểu rõ mình đang làm gì, và tìm mọi cách tránh lặp lại chính mình, nhưng càng tránh thì lại càng lặp.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Cánh Diều Lạc Phố – Nguyễn Đình Thanh Tâm (2013)

Tiếp theo

Trăng lưỡi liềm – Thanh Lam & Trọng Tấn

Latest from Âm nhạc