Placeholder Photo
/

Trăng lưỡi liềm – Thanh Lam & Trọng Tấn

Bắt đầu
9 phút đọc

Một bài viết vào khoảng ngày này tháng ba năm ngoái, nay đăng lên tặng hai người bạn tôi vừa gặp hôm nay. Không sửa chữa gì.

Trăng lưỡi liềm là ca khúc cuối cùng khép lại đĩa song ca giữa Thanh Lam và Trọng Tấn, do Lê Minh Sơn biên tập. Cũng như đa số các đĩa song ca khác, nó không thống nhất về đề tài, dù sáu trong tám ca khúc đã được đặt hàng Lê Minh Sơn viết riêng cho cả hai. Và cũng như những sản phẩm âm nhạc khác mà Lê Minh Sơn cộng tác với Thanh Lam, nó không đạt đến mức xuất sắc để có thể ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Tuy vẫn chưa hoàn hảo, nhưng Thanh Lam – Trọng Tấn là một đĩa nhạc đáng nghe, và mỗi lần nghe lại cho ta những cảm xúc khác nhau. Tôi nhớ mình đã suýt trào ra nước mắt khi lần đầu tiên được nghe Hát cho con ngày mưa – một ca khúc cực kỳ xúc động mà chắc chắn sẽ đưa không ít người trở về với tuổi thơ, với làng quê, với thuở còn được nằm trong vòng tay mẹ, lắng nghe lời ru của mẹ.

Nếu như bài đầu tiên là nỗi nhớ về mẹ, thì bài cuối cùng lại là kỷ niệm về người con gái, về một mối tình đã xa. Thanh Lam đã từng song ca với rất nhiều nam ca sĩ (Lê Hiếu, Quang Hà, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng,…) nhưng sự kết hợp với Trọng Tấn có lẽ là “xưa nay hiếm”. Sở trường và cũng là điều khiến chị mất đi số đông khán giả là bởi cách hát quá “bạo liệt”, dường như trong chị không bao giờ thiếu lửa. Trong khi Trọng Tấn cũng chẳng phải tay vừa khi sở hữu một giọng hát đầy mạnh mẽ. Một người chuyên trị dân ca và nhạc cách mạng, còn một người là diva hàng đầu của làng nhạc nhẹ. Những tưởng cả hai sẽ cùng nhau tàn phá bài hát bằng cách riêng của mỗi người (chẳng hạn như khi Lam song ca với Tùng Dương), thì không. Hai giọng ca, hai cá tính tưởng chừng khó có thể kết hợp lại có thể hòa quyện vào nhau nồng nàn tình cảm, mà vẫn đầy nỗi day dứt trăn trở của một đôi lứa không thể đến được bên nhau.

Thanh Lam Trong Tan 1

Các sáng tác của Lê Minh Sơn thường ít hành động mà chủ yếu tập trung vào hình ảnh. Đa phần là không gian thôn quê với những cánh cò, những buồng chuối, những hàng cau… hết sức quen thuộc, giản dị mà chân thật. Trăng lưỡi liềm thì không như vậy, mà chỉ bắt gặp “sương giăng” cùng “những ngôi sao kia đang lấp lánh tạo nên một màn “đêm huyền ảo”, “đêm diệu kỳ”. Ta không biết được nhân vật đang ở đâu, nơi chốn nào cụ thể. Cũng không thấy tác giả sử dụng thêm bất kỳ chất liệu dân ca gì cả. Chính vì sự tiết kiệm về chi tiết, khiến cho bài hát trở nên gần gũi hơn còn người nghe thì mặc sức tưởng tượng. Đây có thể là một con đường làng đất đỏ, cũng có thể là một con phố nào đấy chốn thị thành. Dù là đường đất hay bê tông, thì cái quan trọng nhất, đặc biệt nhất vẫn là ánh trăng lưỡi liềm – tiêu đề và cũng là hình ảnh chính của bài hát.

Ánh trăng vốn là một hình ảnh quen thuộc trong các sáng tác nghệ thuật, từ cổ chí kim. Chẳng nói gì xa xôi, ngôn tình tiểu thuyết thì có Ánh trăng không hiểu lòng tôi của Tân Di Ổ. Nhạc thị trường thì nổi lên với Vầng trăng cô đơn của Ngọc Sơn. Nhưng dù là cũ hay mới, ánh trăng luôn là nơi người ta đặt niềm tin, có khi trò chuyện như một người bạn (từ thời Lý Bạch vốn đã uống rượu ngắm trăng làm thơ). Ở đây, ánh trăng lưỡi liềm vừa là nơi trút bầu tâm sự, vừa là người chứng giám cho mối tình son trẻ, cho “chiếc hôn đầu run run”. Ngay chính bản thân trăng lưỡi liềm đã là một sự không tròn đầy, thiếu hụt một nửa. Tác giả sử dụng hình ảnh trăng lưỡi liềm như một cách ẩn dụ cho tình yêu không vẹn toàn, lại đặt trong một khung cảnh hết sức hoang vắng, không gì ngoài bầu trời đêm với trăng và sao, càng khiến cho nỗi cô đơn lên đến tột cùng.

Thanh Lam Trong Tan 2

Trọng Tấn trong vai người đàn ông nửa mê nửa tỉnh, một mình lang thang tìm lại những mảnh ký ức xưa. Theo sau dàn đàn dây cùng tiếng guitar nhè nhẹ gợi nên cảm giác lãng đãng, anh mở bài bằng giọng hát cao và rộng quen thuộc của một quý ông hát opera. Trái lại, không “đàn áp” đàn em như thường lệ, Thanh Lam lại trở thành cô gái khép nép, rụt rè bên cạnh người yêu với giọng hát trong trẻo, nhẹ nhàng. Nếu tinh ý, có thể nhận ra lời bài hát vốn vẫn được viết cho giọng nam, sau đó đổi ngôi nhân xưng trở thành bản song ca. Nội dung tuy không đổi, nhưng ý nghĩa thì có khác. Bài hát không còn là lời độc thoại của mỗi “mình tôi”, mà đã có “em”. Nhưng đắng cay ở chỗ, “em” không thực sự “hiện ra”, mà cũng chỉ là một mảng ký ức chợt vụt lên trong tâm trí.

Chỉ khi “em” xuất hiện, thì nỗi cô đơn mới chuyển hóa thành nỗi đau. Lời hát khiến ta tê tái vì sự tương phản giữa hiện tại chỉ “mình tôi” và quá khứ là những ký ức tươi đẹp mà thời gian không thể nào xóa nhòa. Trong đó, chắc chắn không thể không kể đến hình ảnh hết sức tinh tế ở cuối bài hát: “hai đứa, cỏ cây như nín thở”. Đó cũng là nét đẹp trong ca từ của Lê Minh Sơn: “đầy nhục cảm”, như một lần anh tâm sự. Nhưng quá khứ càng đẹp thì hiện tại càng vô vọng. Sự tương phản càng lớn, nỗi đau càng đầy tràn, càng day dứt. Để rồi cuối cùng, bài hát kết thúc bằng thực tại đầy chua xót ban đầu:

Sương giăng giăng giăng giăng trên phố vắng, mình tôi.
Những ngôi sao kia đang lấp lánh, mình tôi.

Thanh Lam Trong Tan 3

Tương tự về chủ đề, với ca từ và giai điệu gần gũi hơn nhưng Mùa Cũ của Mỹ Linh trong đĩa acoustic Một ngày đã chưa thể khiến bài hát đạt đến độ rung động cần phải có. Lý do của Mỹ Linh thì có thể tạm đổ cho việc luyến láy quá nhiều. Còn lý do của Trăng lưỡi liềm bắt nguồn từ sự đơn giản, đơn giản từ cách chắt lọc từng câu chữ trong sáng tác của Lê Minh Sơn cho đến sự tiết chế vừa đủ của hai giọng ca đều thuộc hàng “khủng bố”. Và đặc biệt, bài hát lại càng trở nên đơn giản, gần gũi hơn dưới bàn tay hòa âm hết sức classic của Trần Mạnh Hùng khi quyết định không dùng một nhạc cụ dân tộc nào xuyên suốt từ đầu đến cuối bài hát. Trong khi nếu dành thời gian nghe hết cả đĩa nhạc thì ta còn bắt gặp cả những sáo, bầu, đàn nhị,… vốn rất được bộ đôi Thanh Lam – Lê Minh Sơn ưa chuộng.

Và chỉ cần đơn giản như thế, Thanh Lam – Trọng Tấn làm tôi muốn bật khóc đến tận hai lần.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Girl who got away’ – Dido trở lại với nhạc điện tử

Tiếp theo

Tâm – Mỹ Tâm (2013)

Latest from Âm nhạc