/

Gặp Tôi Mùa Rất Đông – Nguyễn Đình Thanh Tâm (2014)

7 phút đọc

Tuy tuổi đời lẫn tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng Nguyễn Đình Thanh Tâm đã có những bước tiến đáng nể trong sự nghiệp ca hát. Một năm sau khi giành được giải nhất tại cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn 2012, anh phát hành Cánh diều lạc phố – đĩa nhạc đầu tay ít nhiều đã khẳng định được phong cách, cá tính lẫn bản lĩnh của mình: tự tin làm mới các ca khúc đóng đinh với tên tuổi đàn chị; biến hóa giọng hát qua đủ thể loại từ jazz pop đến dân gian đương đại. Đĩa nhạc thứ hai, Gặp tôi mùa rất đông, lại là một màu sắc hoàn toàn khác khi khai thác âm nhạc điện tử, chủ yếu theo dòng EDM (electronic dance music – nhạc dance điện tử).

Cả tám ca khúc được lựa chọn trong đĩa nhạc đều là những sáng tác hay, có ý nghĩa. Đặc biệt, ca khúc chủ đề Gặp tôi mùa rất đông được tác giả Mew Amazing viết theo phong cách tối giản (minimalism), tiết chế câu chữ mà chú trọng vào hình ảnh, thơ mộng (“đàn bướm đang chờ mùa yêu mới”) và rất đắt (“hình tròn xoay”). Bản phối biến bài hát trở thành một cơn sóng bập bềnh, mở đầu với piano êm dịu, chuyển đoạn bằng trống chắc chắn, nhưng đến điệp khúc mới thực sự bùng nổ bởi hàng loạt âm thanh dubstep được bung ra, cuộn trào dữ dội.

Nói là “cơn sóng”, bởi kết cấu bài hát chưa dừng lại ở đó, mà còn “dâng lên, hạ xuống” đến hai lần nữa. Lúc này, phần đọc rap bằng tiếng Anh của MLEE không chỉ có tác dụng tiếp thêm sức lực cho “cơn sóng” ấy – đẩy nó dâng cao hơn, mà còn thể hiện một ý nghĩa khác song song với ý nghĩa nội tại. Thử “lắng nghe” đúng theo những gì MLEE yêu cầu, ta thấy một sự khẳng định cá tính rất mạnh mẽ: “tôi  không quan tâm lời người khác nói”, “tôi là chính tôi”, “đừng bảo tôi phải làm gì” (tạm dịch).

Như vậy, có thể thấy rằng Gặp tôi mùa rất đông là một tác phẩm mang hai nghĩa sóng đôi. Một mặt bộc lộ dòng cảm xúc của người viết, khi đứng trước những bộn bề, tấp nập nơi phố thị đông đúc người qua lại. Mặt khác lại là lời tuyên bố chắc nịch của người hát, rằng tôi là Nguyễn Đình Thanh Tâm và đừng so sánh tôi với bất kỳ ai khác!

Nguyên phần còn lại của đĩa nhạc là cơ hội để nam ca sĩ chứng tỏ điều đó. Ở đây, ta không còn thấy bóng dáng của Tùng Dương hay Trần Thu Hà – những người đã có ảnh hưởng rất lớn đến phong cách của Nguyễn Đình Thanh Tâm. Trái lại, Thu Minh cần chú ý vì đã có thêm một đối thủ mới trong lĩnh vực dance-pop vốn là sở trường của mình (Nghe ta hồi sinh, Liêu Trai, Tín Hiệu).

Một điều đáng chú ý, Gặp tôi mùa rất đông có kết cấu đóng – mở rõ ràng với hai bản Intro mào đầu Outro kết thúc. Song, hành trình của các bài hát lại được sắp xếp theo một chiều ngược lại, đi từ “ngoài” vào “trong”. Càng về sau, Nguyễn Đình Thanh Tâm càng hướng người nghe vào bản ngã của chính mình. Nếu như Gặp tôi mùa rất đông đồng cảm với những số phận trôi dạt (“Xung quanh, những người lang thang khắp thế gian…”) thì Chạy mưa lại là lời độc thoại nội tâm, “khóc” cho chính bản thân (“Tôi đang biến mình thành một thằng ngốc lang thang trên đường”).

Không những thế, phần âm nhạc cũng đi từ “ngoại” vào “nội”. Bản Intro ở đầu là một mash-up (thể loại nhạc hỗn hợp) giữa tám ca khúc, ngập tràn âm thanh điện tử dồn dập thay cho giới thiệu. Trong khi đó, bản phối Gặp tôi mùa rất đông của Trần Đức Minh ở cuối chủ động đem đàn tranh Việt Nam vào với không gian điện tử quốc tế. Giọng hát Nguyễn Đình Thanh Tâm lúc này thì thào như vừa trở về từ cõi khác. Đáng tiếc, đến đoạn điệp khúc lại lặp lại công thức ở trên khi muốn đưa bài hát lên cao trào với một chút rock. Nếu như Trần Đức Minh thử dìm bài hát xuống như ban đầu, tiết chế nhạc cụ hơn và dành kịch tính vào phút cuối cùng thì có lẽ hiệu quả sẽ được nâng cao.

Đặc biệt, Lang Thang (Nguyễn Lê Tâm) là một điểm nhấn trong đĩa nhạc, được phối theo phong cách chillout nhẹ nhàng, thư giãn. Cách xử lý của Nguyễn Đình Thanh Tâm cũng không quá màu mè mà mềm mại và bay bổng cùng lời hát rất phiêu du. Trái lại, Bóng tối (Đoàn Minh Vũ) quay về với phần dubstep như muốn “nuốt chửng” người hát, dìm người nghe vào với “bóng tối” nhưng chưa được hiệu quả, mà nghe có phần ồn ào và nhức đầu. Điều đó cho thấy chất giọng của Nguyễn Đình Thanh Tâm vẫn hợp với các ca khúc điện tử có chiều sâu, dành đất để người hát thể hiện cảm xúc, hơn là thể loại nhạc dance vốn dễ nghe và dễ lỗi thời.

Tuy nhiên, được thực hiện bởi những tên tuổi còn khá mới lạ trên làng nhạc Việt Nam (Đỗ Hiếu, Đoàn Minh Vũ, Mew Amazing…), Gặp tôi mùa rất đông cho ta thấy nỗ lực muốn khẳng định bản thân của Nguyễn Đình Thanh Tâm cũng như hướng mình đến số đông khán giả trẻ. Dù chất nhạc điện tử trong đĩa vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng từ dòng K-pop của Hàn Quốc, đôi chỗ còn quá lạm dụng dubstep và auto-tune, nhưng dẫu sao thì đây cũng là một sản phẩm “trẻ” xứng đáng nhận được một lời khen ngợi.

Nên nghe thử: Gặp tôi mùa rất đông, Lang Thang, Tín Hiệu.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

3 Comments

  1. Mình cũng đã nghe đĩa của bạn Tâm này. Không phải gu nhạc của mình, nhưng mình đánh giá cao bởi ý thức tự lập của Tâm, bởi cách gây dựng ê-kip, quyết liệt thể nghiệm. Album này quả là có nhiều chỗ hơi cầu kỳ quá mức cần thiết, và nhiều khi cũng thấy Tâm vẫn có hạn chế về vocal. Nhưng nói thật, so với hàng loạt các bạn mới nổi kiểu Văn Mai Hương, Uyên Linh… thì mình thấy Tâm là người có bản lĩnh nhất. Và hướng đi của Tâm đã rõ tính chất indie, bắt đầu với 1 ekip mới, với những bài hát mới, một cố gắng mới về thẩm mỹ âm nhạc. May là cái nền nhạc nhẽo ồn ào và thiếu tự lập này còn đôi ba nhân tố như thế.

    Cái chính là mình nghe Thanh Tâm, mình thấy đó là người có đời sống nội tâm. Ca sĩ VN mình giờ nhiều người hát có thể giọng rất hay nhưng đời sống nội tâm nhạt nhẽo, không biết tưởng tượng nên hát cái quên luôn. Mấy thí sinh Idol hay The Voice năm nay là điển hình.

  2. ừ thì đánh giá là có cố gắng trong việc xác định hướng đi của mình …nhưng không phải bạn cố gắng trở thành một cái gì đó thì bạn được như thế….ngày xưa ở Sao Mai Điểm Hẹn, đằng sau Thanh Tâm có được sự hẫu thuẫn rất nhiều của một ekip (nói hơi quá nhưng là 1 số người bạn )rất đàng hoàng góp ý cho Thanh tâm về mặt concept, hình ảnh và hơn hết là tinh thần, một phần những bài hát của Thanh Tâm ở SMDH lần đó được chú ý cũng là do vậy, nếu một mình đứng lên và xây dựng một cách độc lập thì mình đã đánh giá cao rồi. Thà bạn bắt đầu ở một cái gì đúng ở bản chất mình hơn, rồi từ từ phát triển còn hơn chạy theo một cái gì đó mà không phải của mình ( rõ ràng ở album này )và sự thử nghiệm là đáng khen ngợi nhưng mù quáng ( cứng đầu )với nó như là ekip hiện giờ của bạn ấy đang làm thì cũng chả liên quan gì đến mình cả=)), đó chỉ là ý kiến riêng

    Rõ ràng là hồi SMDH nhìn ban ấy ko gượng ép như bây giờ…ý kiến cá nhân thôi:)

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Cửa Thơm Mùi Nắng’: Hoàng Quyên chưa thoát được cái bóng của Thanh Lam

Tiếp theo

‘Her’ – Mối tình ảo trong xã hội tương lai

Latest from Âm nhạc