“Chẳng Có Tình Ca” là một dự án hoàn toàn bất ngờ do nhạc sĩ Quốc Bảo sáng tác sản xuất với một giọng ca mới toanh là Danh Việt.
Bao lâu rồi mới có một giọng nam hát nhạc Quốc Bảo mà mạnh dạn ra hẳn một album? Tám năm, nếu tính từ Yêu trong ánh sáng (2006) của Đức Tuấn – một album nhạc pop vừa vặn với những gì Tuấn có khi đó, và đặc biệt, một vài bài đã trở thành hit.
Trước và sau cột mốc ấy, cũng có một số giọng nam hát nhạc Quốc Bảo được công chúng yêu thích. Là Bằng Kiều, Quang Dũng thời Còn ta với nồng nàn (1999 – 2001), là Lê Hiếu thời Tim anh trôi về em, Như nằm mê mà thôi (2003-2006), rải rác sau đó thì có Hòa T. Trần thời My Guitar My Friends (2008), hay Tùng Dương, Viết Thanh thời Q+B (2009). Đó là chưa kể rất nhiều gương mặt khác, như Trọng Bắc, Lương Viết Quang, Hồ Trung Dũng,… đã từng thử sức với tình khúc Quốc Bảo nhưng ít được nhắc đến hơn.
Hành trình của Chẳng Có Tình Ca
Như một lẽ thường tình, nhạc Quốc Bảo từ lâu đã gắn liền với các giọng nữ. Dẫu rất nhiều trong số đó được viết với giọng trần thuật là nam, nhưng nữ hát vẫn hay như thường, thậm chí dễ cảm hơn. Kể từ thập niên 2010, đóng đinh với nhạc Quốc Bảo là hai gương mặt nữ hoàn toàn mới: một Hoàng Anh thô-lạnh của Nửa (2011), Vuông Tròn (2012) và một Nguyên Hà mềm-ngọt của Địa Đàng (2012), Địa Đàng 2 (2014). Cũng trong khoảng thời gian này, Quốc Bảo đã không còn co hẹp trong khuôn khổ một nhạc sĩ sáng tác thông thường nữa, mà hướng mình vào với một vị trí khó khăn hơn: một nhà sản xuất âm nhạc – đúng nghĩa là bao gồm rất nhiều công đoạn, từ viết nhạc, soạn lời, hòa âm, phối khí,… cho đến chỉ đạo việc thu âm, hướng dẫn ca sĩ thể hiện, chơi nhạc cụ,… (một số ca sĩ nếu đủ khả năng cũng có thể tự sản xuất nhạc cho chính mình).
Nói thế, không có nghĩa là trước đó Quốc Bảo chưa từng sản xuất âm nhạc, nhưng phải đến Hoàng Anh, Nguyên Hà – những nhân tố mới và lạ với thị trường – thì vị trí đó mới thực sự đậm nét. Trái lại, ta đã tìm ra được hai lý do để chờ đợi Chẳng có tình ca của Danh Việt – gương mặt thứ ba làm việc cùng nhà sản xuất Quốc Bảo, cũng là nam ca sĩ hiếm hoi làm hẳn một đĩa nhạc Quốc Bảo. Nhưng Danh Việt là ai? Không có nhiều thông tin về chàng trai này, ngoại trừ việc sinh năm 1991, ở Hà Nội. Một ẩn số hệt như Hoàng Anh khi mới xuất hiện. Như vậy, thì ta nên nghe Chẳng có tình ca, với tâm trạng của một người xem phim mà không xem trước quảng cáo, đọc sách mà không biết trước tóm tắt, cũng như người khách lữ hành, bước chân lên ga tàu mà không biết rõ đích điểm.
Bảy ca khúc mới đều do Quốc Bảo sáng tác, được xếp theo một cấu trúc nhất định – độc thoại, đối thoại, rồi lại độc thoại – nhưng nghe thì không hề liền mạch mà gập ghềnh, trúc trắc. Đan giữa niềm vui là nỗi buồn, giữa cô đơn là bình an, giữa đắng chát là vô tâm. Cũng như vậy, giữa sáu bài đơn có một bài đôi, âm nhạc không mới nhưng biến chuyển liên tục, khi réo rắt lúc trầm buồn. Chỉ có giọng hát chính của nam ca sĩ là giữ nguyên một sắc thái từ đầu đến cuối: lãnh đạm, hờ hững, lạnh nhạt, bất cần. Trái với cách hát, bản chất giọng của Danh Việt lại ấm áp, không phải kiểu nam tính của một người đàn ông trưởng thành, mà vẫn còn đó độ non của một chàng thanh niên mới vào đời. Điều ngạc nhiên là Quốc Bảo lại “sắm” cho giọng ca ấy những chiếc áo quá khổ. Các ca khúc trong đĩa mang nhiều tự sự, nặng về trải nghiệm, vẫn có tình yêu nhưng không màu hồng, là chia phôi thay vì hạnh phúc, nên dẫn đến nhan đề: Chẳng có tình ca.
Những bản nhạc tình không “tình”
Ở ca khúc đầu tiên, Danh Việt hát: “Tiếng tăm như một giấc phù vân, thoắt đã tan…” Ca khúc được đặt với tên gọi khó thể thẳng thắng hơn: Tro tàn của tiếng tăm, phối đơn giản với violin mở đầu – guitar kết thúc – piano làm nền, dồn trống vào giữa để đẩy mạnh điệp khúc. Khi đó, nam ca sĩ trở thành một người đã trải qua nhiều thăng trầm trên đường đời – hình ảnh hoàn toàn trái ngược với độ tuổi hiện tại của chính mình. Anh đứng nép mình trong bóng tối của nỗi cô đơn, nhìn lại về phía đỉnh cao danh vọng, nơi mà “tiếng tăm” giờ đây chỉ như ngọn lửa, mới vừa bùng cháy đã chợt chợp tắt. Tâm trạng hòai cổ được tiếp nối bằng Mộng kê vàng – cơn mơ về miền dĩ vãng chất chứa nhiều nỗi đau: “có chia ly để ta tiếc nhau, có vơi ly để tim khô máu.” Bản phối còn tối giản hơn cả bài trước với guitar chủ đạo, violin kéo từng tiếng chậm chạp như nhịp đập con tim, có thêm giọng nữ bè làm tăng cảm giác mơ hồ. Để rồi sau rất nhiều điều “có”, là sự thật quá bẽ bàng khi vừa tỉnh giấc mộng: “chỉ còn thấy cô đơn mà thôi.”
Ca khúc thứ ba mang tên An “bẻ gãy” chuỗi cô đơn ấy với một bản phối vui. Cách hát của Danh Việt vẫn nhẩn nha, từ tốn nhưng đã thoải mái hơn trước. Đôi chỗ còn vụng và vấp nhưng vẫn được cho qua, đúng kiểu “ignorance is bliss” (không biết là hạnh phúc). Không gian sau đó lắng đọng với Đối thoại nửa đêm (song ca), rồi một lần nữa bị “bẻ gãy” bằng Em mở ra tình mới (bản phối vui), cuối cùng trở lại với cô đơn bằng hai bài độc thoại nhiều tự sự ở cuối. Cách sắp xếp này sẽ khiến tâm trạng của người nghe bị hụt hẫng, không liền mạch mà lên xuống thất thường như điện tâm đồ. Ở điểm rơi thấp nhất của dòng chạy có sự xuất hiện của một giọng ca nữ. Cuộc “đối thoại” giữa Dạ Ngân với Danh Việt là màn đối đáp đã rõ kết cục ngay từ đầu. Một người xem quá khứ như gáo nước lạnh tạt đi là hết, một người vẫn chưa dứt được cơn đau tình ái nhức nhối từng ngày. Giọng Dạ Ngân sắc – mà phải hát tình cảm, giọng Danh Việt ấm – mà phải hát vô tâm. Tâm trạng khác nhau, nhìn bầu trời cũng khác nhau, kẻ buồn người vui, bảo quên nhưng chắc gì đã quên được.
Càng đi về sau, độ khó của bài hát càng lớn, độ lạnh của giọng hát càng tăng. Ở Vô tâm, Danh Việt ngồi một mình trong phòng ngắm hoa, đốt đèn nghe thơ. Từ cảnh vật cho đến lòng người đều nhuốm một sắc màu lạnh lẽo, thiếu sức sống. Nếu như Nửa khép lại nỗi đau bằng niềm tin và hy vọng, Vuông Tròn kết thúc với sự trở lại của nhân tình – một giấc mơ yêu, Địa Đàng không hề thiếu những phút giây hạnh phúc, thi đến Chẳng có tình ca, người nghe chỉ thấy một màu tăm tối. Đỉnh điểm của sự cô đơn nội tâm là ở bài cuối cùng, B’s Blues, cũng là bài dài nhất. Danh Việt xử lý bài hát bằng một giọng điệu thờ ơ hơn hẳn các bài trước. Thay vì hòa mình vào bản phối, đôi lúc ta thấy anh hoàn toàn lạc lõng giữa những giai điệu, với một thái độ bất cần. Năm phút rưỡi của B’s Blues là khoảng thời gian khó vượt qua nhất trong đĩa. Bởi nó tập hợp đủ vị của nỗi đau: mặn đắng, chua chát, buồn bã, lạnh lẽo, thậm chí vô vị.
Chẳng có tình ca của Danh Việt, chắc chắn sẽ rơi vào trường hợp tương tự Nửa, hay Vuông Tròn của Hoàng Anh: kén người nghe. Danh Việt hay Hoàng Anh, cũng đi ngược với nhiều ca sĩ trên thị trường hiện tại: họ không tìm khán giả, mà buộc khán giả phải tìm họ. Những album như vậy thì không dễ chiếm được cảm tình ngay từ lần nghe đầu tiên, nhưng một khi đã thử nới lòng, thì khó dứt ra được.
(Bản gốc ngày 17/11/2014 – Cập nhật ngày 29/7/2021)
Lâu lắm rồi mới có một album nhạc Việt mà mình nghe từ đầu tới cuối, không tua, không next.
Danh Việt có chất giọng tự sự rất lạc đơn, bất cần, lãng đãng. Và, nhạc Quốc Bảo vẫn thật vừa ý mình quá.