Review phim "The Power of the dog"
//

‘The Power of the Dog’: Cái giá của sự độc đoán

Bắt đầu
17 phút đọc

“The Power of the Dog” của Jane Campion kể lại số phận gã cao bồi luôn đối xử cay nghiệt với mọi người để rồi cô lập bản thân khỏi xã hội.

*Bài review phim The power of the Dog tiết lộ nội dung tác phẩm.


“Có nghĩa gì khi làm một người đàn ông?” – dòng tagline (lời mô tả) của The Power of the Dog cũng là câu hỏi nữ đạo diễn Jane Campion đặt ra suốt phim.

Lấy bối cảnh viễn tây nước Mỹ – bang Montana năm 1925, chuyện phim đơn giản, xoay quanh gia đình nhà Burbank gồm hai anh em. Anh trai Phil (Benedict Cumberbatch) chưa vợ, hàng đêm vẫn ngủ cạnh em trai George (Jesse Plemons) không rời.

Sóng gió ập đến khi George quyết định cưới góa phụ Rose (Kirsten Dunst), dẫn theo Peter (Kodi Smitt-McPhee) – con trai cô – về nhà. Phil xem hai mẹ con Rose là cái gai trong mắt, không ngừng buông lời khinh miệt trong khi George chẳng thể làm gì giúp vợ.

Khoảnh khắc sự độc đoán của Phil Burbank ngày càng lên đến đỉnh điểm, cũng là lúc người xem nhận ra bên trong lớp vỏ nam tính cũng chỉ là một tâm hồn vụn vỡ.

Khi nam tính trở nên độc hại

The Power of the Dog đánh dấu sự trở lại của Jane Campion – nữ đạo diễn New Zealand từng thắng Oscar lẫn Cành Cọ Vàng với The Piano (1993) – sau 12 năm không ngồi ghế đạo diễn ở mảng điện ảnh.

Tác phẩm mở màn bằng giọng (voice-over) Peter nhưng Phil mới là người xuất hiện đầu tiên. Nhân vật lướt qua ống kính bằng hình ảnh cao bồi thứ thiệt: đầu đội mũ vành, sơ mi dài tay đóng thùng, quần da bò, dây nịt thắt chặt ở hông.

"The Power of the Dog" xoay quanh hai anh em sống ở Montana năm 1925.
“The Power of the Dog” xoay quanh hai anh em sống ở Montana năm 1925.

Từ cách đi đứng cho đến cử chỉ, Phil đều toát lên vẻ mạnh mẽ, đàn ông. Anh dẫn đầu đám cao bồi như thủ lĩnh, ưỡn ngực tiến về trước không sợ hãi, cầm dao thiến bê bằng động tác dứt khoát khiến nhiều người phải dè chừng.

Đôi khi, sự nam tính trở nên thái quá. Phil muốn mọi thứ phải đúng ý mình, không thích ai thì lập tức buông lời mỉa mai hoặc quát thẳng vào mặt. Ngay cả với người thân duy nhất như George, anh cũng thẳng thừng nhận xét là “một đứa mập ngố, quá đần nên không học xong đại học”.

Khoảnh khắc Peter xuất hiện phá vỡ mọi định kiến của Phil về phái mạnh. Cậu bé gầy như khúc củi, người không cơ bắp, cư xử nhẹ nhàng chẳng khác con gái.

Phil dành thời gian trên lưng ngựa để lùa gia súc, Peter lại thích ngồi trong phòng một mình, chìm đắm vào không gian riêng. Đam mê của cậu là biến tờ giấy vô hồn thành những bông hoa đa sắc, giống trước kia mẹ Rose từng trồng.

Nhân vật Peter (Kodi Smitt-McPhee) của "The Power of the Dog" thích gấp hoa như con gái.
Nhân vật Peter (Kodi Smitt-McPhee) của “The Power of the Dog” thích gấp hoa như con gái.

Ở cuối phim, đạo diễn tiết lộ Peter còn nghiên cứu Kinh thánh, trong đó có dòng gợi mở về nhan đề phim: “Hãy giải cứu linh hồn tôi khỏi gươm, mạng sống tôi khỏi loài chó” (câu số 20 trong sách Thánh Vịnh 22).

Với Peter, “chó” ở đây không ai khác ngoài Phil. Khi cậu và mẹ được cha dượng George dẫn về, “con chó giữ nhà” bắt đầu sủa lớn hơn vì thấy người lạ.

Sự thật đằng sau lớp vỏ bọc

Trong The Power of the Dog, Phil khinh miệt Peter bao nhiêu thì lại căm ghét Rose bấy nhiêu. Lý do hết sức đơn giản, cô chính là kẻ cướp đi hơi ấm tình thân, khiến anh phải ngủ một mình trong sự lạnh lẽo hàng đêm.

Phil tra tấn Rose bằng mọi cách. Từng ánh mắt, cử chỉ cho đến lời nói đều toát lên sự lạnh nhạt. Ngay cả khi im lặng, anh cũng khiến cô như ngộp thở vì thiếu oxy. Không còn cách nào khác, góa phụ trẻ đành tìm đến rượu để giải vây tâm hồn.

Phil Burbank là hình minh họa hoàn hảo cho thuật ngữ “nam tính độc hại” (toxic masculinity) in trong từ điển Oxford. Song, sự độc hại không chỉ khiến những người xung quanh khốn khổ mà còn giết chết bản thân anh.

Bên ngoài, gã cao bồi có tất cả những gì người khác mơ ước. Là con trưởng trong nhà, chủ của trang trại giàu có, anh gần như chỉ thiếu một cô vợ để cuộc sống trở nên hoàn hảo.

Bên trong, Phil có những bí mật chẳng ai biết. Anh nhìn đôi nam nữ ôm nhau rồi biến mất khỏi bàn tiệc không một dấu vết, lẳng lặng về nhà chìm trong bóng tối của sự cô độc.

Kể từ khi tiếp nhận trang trại, Phil chưa từng tắm trong nhà, cũng chẳng tắm sông cùng các cao bồi. Lúc họ đùa giỡn trong tình trạng không mảnh vải, anh chỉ liếc nhìn rồi khẽ lướt qua như kẻ ngoài cuộc.

Sự cô độc của Phil được Jane Campion lột tả qua nhiều cảnh quay của "The Power of the Dog".
Sự cô độc của Phil được Jane Campion lột tả qua nhiều cảnh quay của “The Power of the Dog”.

Một mình Phil cưỡi ngựa tiến sâu vào rừng để gột rửa cơ thể và đối diện dục vọng. Sau khi dùng khăn lau hết mồ hôi trên người, anh ngả lưng lên cỏ, đôi tay mân mê chiếc khăn rồi từ từ lần xuống hạ bộ. Dưới gốc cây, anh tạo một căn hầm nhỏ, giấu vào đó những cuốn tạp chí đầy hình nam nhân khỏa thân lõa lồ – thứ được xem là cấm kỵ với dân cao bồi thuở ấy.

Lúc này, Phil còn thua cả Peter vì ít ra cậu còn có một căn phòng.

Cái bóng của “chó”

Bằng tuổi Peter, Phil được một người tên Bronco Henry dạy dỗ, chỉ dẫn cách để trở thành cao bồi như hiện tại. Nhân vật không xuất hiện trước ống kính dù chỉ một giây nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến Phil, được anh xem là thần tượng và dành nhiều tình cảm hơn cả cha ruột. Trong mắt Phil, Bronco là thước đo sự nam tính. Đàn ông là phải đi đứng và ăn nói như Bronco, chẳng thể đổi khác.

Đến khi cậu bé nhà Burbank thực sự trở thành đàn ông theo ý nguyện, Bronco đột ngột qua đời để lại trong lòng Phil một hố sâu không gì có thể lấp đầy.

Ký ức về người thầy vẫn ẩn hiện đâu đó ở những ngọn núi phía xa, nơi theo lời ông dạy, là hình bóng của một con chó đang mải miết chạy giữa vùng đất hoang sơ chẳng có điểm dừng.

Xuyên suốt The Power of the Dog, Phil liên tục hướng mắt về núi đồi trùng điệp xứ Montana, không ngừng nhớ Bronco như nhớ người tình. Dù đã mất, ông thường xuyên xuất hiện trong từng lời nói của anh, khi thì ấm áp và trìu mến, khi lại nâng niu, trân trọng.

Nỗi ám ảnh mang tên Bronco theo chân Phil suốt những tháng ngày niên thiếu đến khi trưởng thành và bước sang tuổi trung niên. Đến nỗi, mỗi khi có người nhìn về núi, anh lại gặng hỏi như một phép thử, mong rằng có ai đó nhìn thấy “con chó” đang chạy giống mình.

Trong mắt Phil, những ngọn đồi Montana hiện lên hình ảnh con chó đang chạy.
Trong mắt Phil, những ngọn đồi Montana hiện lên hình ảnh con chó đang chạy.

Trong chuỗi cảm xúc Phil dành cho Bronco, cũng có sự trung thành của loài chó dành cho chủ. Vì quá trung thành và ngu dốt, nó phản bác tất cả những gì trái với điều được dạy. Không giống con người, loài vật bị mù màu nên đôi mắt không thể cảm nhận tất cả màu sắc. Chúng nghĩ rằng những gì nhìn thấy là chính xác, phản ánh đúng sự thật khách quan mà không nhận ra sự ngu muội.

Lòng trung thành biến Phil thành con chó chạy quanh trong nhà. Những ngọn núi nối dài thành hàng rào bao vây trang trại Burbank, ngăn cách anh khỏi thế giới bên ngoài.

Quan điểm lỗi thời của một ý thức hệ

Kịch bản The Power of the Dog được Jane Campion chuyển thể từ cuốn sách nổi tiếng cùng tên của Thomas Savage phát hành năm 1967. Theo đạo diễn, nguyên tác không phải tiểu thuyết hư cấu mà là tác phẩm bán tự truyện.

Sinh thời, Savage là đồng tính nam, dùng trải nghiệm bản thân để viết nên câu chuyện nghiệt ngã về số phận những người sống giữa thập niên 1920. Trong bốn nhân vật, Peter là gần với ông nhất.

Khi gặp Peter lần đầu, Phil không hồ hởi mà lập tức buông lời giễu nhại, đơn giản chỉ vì cậu khác biệt. Anh cư xử tương tự với George vì thấy em trai ngày càng rời xa các quy tắc học được từ Bronco.

Phil lười tắm thì George sạch sẽ đến lạ, hàng ngày ngâm mình trong bồn nước. Phil quát tháo, hành động không cần suy nghĩ còn George kiệm lời, cư xử cẩn trọng. Ngay cả khi nhảy lên lưng ngựa, anh ta cũng phải ăn vận lịch thiệp với áo vest, quần tây.

Trong "The Power of the Dog", George (Jesse Plemons) là hình ảnh trái ngược với anh trai Phil.
Trong “The Power of the Dog”, George (Jesse Plemons) là hình ảnh trái ngược với anh trai Phil.

Thập niên 1960 khi cuốn sách của Savage ra đời cũng là lúc dòng phim “cao bồi mì ống” (Spaghetti Western) trỗi dậy, điển hình có huyền thoại sống Clint Eastwood với loạt tác phẩm để đời gồm: A Fistful of Dollars (1964), For a Few Dollars More (1965) và The Good, the Bad and the Ugly (1966) – bộ ba Dollars.

Sau hơn nửa thế kỷ, lời Bronco dạy Phil không lỗi thời mà vẫn chuẩn xác với những gì xã hội mường tượng về dân cao bồi khi ấy. Hình ảnh Eastwood đội mũ phớt, miệng ngậm xì gà còn khẩu súng vắt bên hông trở thành biểu tượng một thời cho sự nam tính. Trái lại, sự ẻo lả của Peter là thứ bị người đời bỉ bôi, thể hiện qua lời giễu nhại của Phil và những tràng cười cỗ vũ của đám cao bồi. 

Giả sử Jane Campion quay lại quá khứ cũng chưa chắc có thể làm phim vào thời điểm ấy – khi mà nam tính đặt trong khuôn mẫu còn nữ quyền là khái niệm khá xa vời.

Nhãn quan của Jane Campion

Mượn văn hóa cao bồi để khai thác chủ đề nam tính, The Power of the Dog vô tình gợi nhớ tác phẩm neo-western (viễn tây mới) ra mắt hồi tháng 9 năm nay: Cry Macho.

Phim đánh dấu sự trở lại của Clint Eastwood ở tuổi 91, do ông đạo diễn kiêm đóng chính, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên được N. Richard Nash phát hành năm 1975. Trong phim, Eastwood vào vai cao bồi già vượt biên sang Mexico để dẫn một cậu nhóc về Mỹ, từ đó dạy cậu biết thế nào là đàn ông đích thực.

Sau gần ba thập niên không đóng cao bồi kể từ Unforgiven (1992), Eastwood tái xuất với hình ảnh trái ngược thời hoàng kim: gương mặt già cỗi, mái đầu thưa thớt tóc. Ông bước đi chậm rãi, ăn nói từ tốn, thể hiện quan điểm khác hẳn Bronco Henry khi cho rằng đàn ông cũng có quyền khóc, không nhất thiết phải ngồi trên lưng ngựa thì mới là nam tính.

Điều trùng hợp là cả hai bộ phim đều dùng động vật để ẩn dụ cho con người. Trong Cry Macho, Eastwood mượn gà trống nhằm ám chỉ sự mạnh mẽ không tuân theo quy chuẩn bất kỳ, đến con vật nhỏ bé cũng có thể trở thành anh hùng.

Đạo diễn Jane Campion trên phim trường "The Power of the Dog".
Đạo diễn Jane Campion trên phim trường “The Power of the Dog”.

Cùng luận bàn về nam tính, một đạo diễn nữ có góc nhìn và cách thể hiện hoàn toàn khác.

Clint Eastwood muốn dùng lời thoại, Jane Campion lại chuộng hình ảnh. Máy quay của bà luôn lướt theo từng cử động của các nhân vật, dù là nhỏ nhất, từ đó lột trần họ như bóc một quả trứng.

Cách Peter dùng ngón tay bấm lấy chiếc lược vẽ nên nỗi sợ vô hình. Cách Phil lấy khăn quất vào con ngựa cho thấy sự tức giận đang kìm nén bên trong. Đến khi Rose chơi piano trong phòng khách, Phil lặng lẽ chơi bản nhạc tương tự bằng banjo trên lầu, hòng hạ nhục cô em dâu đồng thời khẳng định chủ quyền trong căn nhà.

Màn báo thù nghiệt ngã

Nếu phải dùng một từ để mô tả về Jane Campion, đó hẳn phải là “tinh tế”. Sự tinh tế được thể hiện qua cách bà chia bộ phim thành từng chương nhỏ đến cách dẫn dắt diễn viên trên từng khung hình, giúp các nhân vật hiện lên sống động, ai cũng có nỗi niềm riêng.

Sự dấn thân của dàn diễn viên đã được nhắc đến nhiều lần trong các thông cáo báo chí, bao gồm việc Cumberbatch nhiều ngày không tắm, ngộ độc nicotin vì hút thuốc quá liều hay việc Kirsten Dunst không nói chuyện với bạn diễn nhằm đảm bảo khuôn khổ kỹ thuật diễn phương pháp (method acting).

Đặc biệt, Kodi Smitt-McPhee – từng đóng Slow West (2015) – không hề lép vế khi đứng trước một Benedict Cumberbatch nhiều kinh nghiệm, để lại ấn tượng với vai Peter.

Nhân vật cũng là mắt xích quan trọng trong câu chuyện, không lộ diện ở đầu nhưng lại xuất hiện cuối phim với cú twist (tình tiết bất ngờ) vặn xoáy đến nghẹt thở.

YouTube player
Trailer phim “The Power of the Dog” của Jane Campion.

Giống Phil Burbank ẩn mình trong lớp vỏ nam tính, The Power of the Dog thực chất là phim “noir” (phim đen) đội lốt “western” (viễn tây). Mô-típ hai nhân vật có tính cách trái ngược chỉ là mồi nhử Jane Campion giăng ra để đánh lạc hướng khán giả.

Ở cảnh đầu tiên, Peter tuyên bố: kể từ khi cha mất, việc duy nhất cậu mong mỏi là mẹ được hạnh phúc. Đến lúc phát hiện bí mật của Phil, Peter âm thầm vẽ nên một kế hoạch trong đầu nhằm đạt được mục đích ấy.

Đến cuối cùng, kẻ dành cả cuộc đời gồng mình để trở thành đàn ông như Phil Burbank cũng không thể thoát khỏi bi kịch số phận. Nếu biết trước, hẳn anh cũng sẽ tự hỏi như Jane Campion: làm đàn ông để được gì?

*Bài viết nằm trong chuyên mục Oscar 2022 sẽ tiếp tục được cập nhật.


Đánh giá: ****1/2 (4.5/5)


Thông tin:
  • Bản rút gọn đã đăng tại PhunuOnline.
  • The Power of the Dog giúp Jane Campion thắng giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice 2021.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Trước đó

2021: Nhạc thất tình lên ngôi | PLAYLIST

Tiếp theo

‘The French Dispatch’: Thư tình cho nghề báo

Latest from Điện ảnh