“Song For Our Daughter” – album phòng thu thứ bảy của Laura Marling – mượn cớ viết tặng cô con gái tưởng tượng, để tự nhắn nhủ bản thân.
Song For Our Daughter là món quà Laura Marling dành để kỷ niệm tuổi 30, một cú vẫy tay chào tạm biệt tuổi trẻ, một tấm gương tự soi rọi bản thân, căn phòng nhỏ nơi cô trút bỏ mọi tâm sự về cuộc tình buồn, cuốn nhật ký cô để lại cho đứa con gái chưa bao giờ hoài thai…
Sáng tác như một triết gia
Sinh thời, George Gurdjieff (1877- 1949) được biết đến như là một huyền nhân (mystic), triết gia, thầy tâm linh, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga ở đầu thế kỷ 20. Trước khi qua đời, ông có để lại cho cô con gái Duskha tài sản thừa kế là một bản danh sách gồm 83 lời dạy ngắn gọn về cuộc sống.
Câu chuyện ấy đã tạo cảm hứng cho Laura Marling viết nên ca khúc Gurdjieff’s Daughter, như một lời tự nhắc nhở dành cho bản thân để vượt qua những nỗi buồn chán. Cô trân trọng đặt nó ở vị trí thứ tám trong album phòng thu thứ năm mang tên Short Movie.
Ra đời năm 2015, Short Movie là một album quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc – có thể gọi là lừng lẫy – của Marling.
Nó được thai nghén đúng vào quãng thời gian cô quyết định trút bỏ hết mọi danh vọng ở xứ sở sương mù để bắt đầu cuộc sống mới tại vùng đất Los Angeles nơi xa xôi Mỹ quốc. Nó đưa cô trở lại với phòng thu sau một quãng thời gian từ bỏ ca hát để trở thành… giáo viên dạy yoga.
Rồi cô cắt phăng cả mái tóc dài quen thuộc để ít nhất một lần trong đời được trải nghiệm cảm giác “phi giới tính”. Dưới hình ảnh của một nàng tomboy, Laura Marling viết nên Semper Femina (2017), bằng góc nhìn của một người đàn ông dành cho phụ nữ. Chẳng hề bất ngờ, đó lại là album nữ tính nhất của cô.
Từ đó đến nay, Laura Marling chưa hề từ bỏ âm nhạc: năm 2018 cô hợp tác với Mike Lindsay của nhóm Tunng để tạo thành một bộ đôi mang tên LUMP. Song, Laura cũng không nguôi ý nghĩ muốn thoát khỏi nó: năm 2020 cô học xong bằng Thạc sỹ ngành Phân tâm học.
Khán giả hâm mộ có thể phần nào cảm thông cho chuỗi trạng thái đầy mâu thuẫn đó khi nghe Laura Marling thú nhận mình là một “cô nàng kỳ lạ” trong ca khúc cùng tên (Strange Girl): “Lấy hết đĩa nhạc của mày ra và vứt chúng đi, có còn ai nghe nữa đâu”. Điều thực sự kỳ lạ là sáng tác mang đậm tính tự trào đó lại là bài hát vui vẻ duy nhất trong một album ươm đầy những nỗi buồn như Song For Our Daughter.
Một break-up album trá hình
Thực chất, ý tưởng thực hiện Song For Our Daughter không mới, chỉ là một sự phát triển rõ ràng và cá nhân hóa hơn từ Gurdjieff’s Daughter. Có thể trên hành trình khai phá thế giới tâm lý học và những tư tưởng triết học, Laura Marling đã thấy mình đến gần hơn với những ý niệm của George Gurdjieff. Một trong những học thuyết nổi tiếng của ông, đó là để đạt tới ý chí thực thì trước hết con người phải buông xuôi mọi ý chí giả của mình.
Mô tả về album mới, Laura Marling cho biết về cơ bản nó là một phần của con người cô, “đã lột bỏ tất cả những gì ảnh hưởng bởi tính hiện đại và quyền sở hữu…”. Mười ca khúc được cô viết tặng cho đứa con gái chỉ có trong trí tưởng tượng, như một cách để giãi bày những tâm tư, tình cảm mà cô thấy mình khó có thể tự trần.
Trong tất thảy 83 lời khuyên mà George Gurdjieff dành cho con gái, lạ kỳ thay chỉ có mỗi một dòng là viết về tình yêu: “Đừng bao giờ khoe khoang về chuyện tình của mình!” Hẳn là vì thế nên Laura Marling đã đặt nhan đề Song For Our Daughter như một cách che đậy kín đáo những xúc cảm thật sự, khi phần lớn nội dung trong của album là viết về cuộc tình tan vỡ mà theo cô: “Tình yêu là căn bệnh chữa lành bởi thời gian” (Only The Strong).
Toàn bộ sáng tác mới đều được thu âm tại studio ở quê nhà, phụ trách phần sản xuất là cộng sự lâu năm Ethan Johns – người từng nhào nặn nên bộ ba album đầu của Laura Marling thời còn ở Anh (A Creature I Don’t Know, I Speak Because I Can, Once I Was an Eagle) – nên không hề khó hiểu khi các ca khúc trong album khiến ta liên tưởng nhiều đến một Laura Marling thuở mới vào nghề.
Điểm khác biệt duy nhất đó là nay nữ ca sĩ nay đã tròn ba mươi, với nhiều thay đổi về nhãn quan khiến cho phong cách sáng tác lẫn giọng hát có ít nhiều dấu vết của thời gian: trưởng thành, đàn bà hơn chứ không còn ngây thơ như cái thời mười tám vẫn “tin vào tình yêu vĩnh cửu” (Ghosts).
Phần âm nhạc giản dị hơn hẳn so với chất rock (Short Movie) hay điện tử (LUMP) mà cô khai phá gần đây, thi thoảng gợi nhớ đến Crosby, Stills & Nash với những tiếng riff của guitar vang vọng nhẹ nhàng ở phía xa, đôi lúc mềm mại như một khúc hát ru con với piano, rồi lại mộc mạc chỉ với guitar. Lời bài hát vẫn đậm chất thơ, nhưng cũng đơn giản hơn, thiên về mô tả cảm giác nhiều hơn là kể lại một câu chuyện thuần túy, nên đôi lúc có vẻ mơ hồ nếu chỉ nghe độc lập từng bài.
Chẳng hạn như Held Down – một các khúc nổi bật ở nửa đầu album – mang chút âm hưởng rock của Short Movie nhưng nhẹ nhàng, mềm mại hơn. Bài hát bắt đầu ở khoảng không gian cô độc lúc bốn giờ sáng, khi cô đột nhiên tỉnh giấc sau một đêm hangover say khướt – những lời hát bè liên tục chồng lên nhau phần nào cho thấy điều đó.
Giữa khoảnh khắc nửa tỉnh nửa mơ ấy, điều duy nhất mà cô có thể chắc chắn đó là người yêu đã bỏ đi rồi. Đây không phải là lần đầu tiên họ rời bỏ nhau, nhưng có lẽ là lần cuối cùng: “Đã bao lần anh nhìn thấy em trốn chạy? Rồi thật tàn nhẫn làm sao khi anh bỏ đi thế như này?”
Lột trần bản ngã yếu đuối
Ý định chạy trốn ấy tiếp tục thoáng ẩn hiện trong các ca khúc còn lại của album. Ở bài hát đầu tiên, Alexandra, Laura Marling đưa ta về với câu chuyện về người phụ nữ cùng tên mà Leonard Cohen từng nhắc đến trong sáng tác Alexandra Leaving.
Nhạc phẩm của Cohen[1] viết về những mất mát mà người đàn ông phải đối mặt vào một đêm khi người tình bỏ đi. Laura Marling lại có một quyết định táo bạo hơn khi đứng ra bảo vệ Alexandra: “Nàng sẽ nói anh biết anh làm sai điều gì, nếu như nàng nghĩ mình sẽ được thấu hiểu”.
Tương tự, Only The Strong với phần điệp khúc gợi nhớ đến ca khúc của Jerry Butler trình bày năm 1968, lời hát vốn được viết dựa trên lời khuyên mà người mẹ dành cho chàng trai trẻ lần đầu thất tình: khi người yêu bỏ ta đi, chỉ có kẻ nào mạnh mẽ là sống sót.
Một ca khúc khác, Fortune, lại được Laura Marling sáng tác dựa trên câu chuyện có thật của chính mẹ cô – người hàng ngày dành dụm từng đồng penni để cho vào ống tiết kiệm mà bà gọi là “quỹ trốn chạy”. Sự thật là suốt cả cuộc đời người mẹ chưa bao giờ dành đủ tiền cho kế hoạch ấy, cũng không buồn bã bằng sự thật là cô gái đã từ bỏ mọi hy vọng được gặp lại tình cũ.
Có không ít lần trong Song For Our Daughter, Laura Marling chẳng ngần ngại bộc lộ bản ngã yếu đuối của mình. Sự vụn vỡ và cảm giác tuyệt vọng mà cô thể hiện trong album lần này hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh trước.
Còn nhớ trong Once I Was An Eagle (2013), nữ ca sĩ tự nhận mình luôn là kẻ săn mồi, là người chủ động cầm dây cương trong tình yêu. Ấy vậy mà nay, cánh chim đại bàng vùng vẫy một thời cũng đã mỏi mệt vì kiệt sức. Cô lạc lối, đánh mất đức tin, rũ rượi vì thất tình để rồi đắm chìm trong nỗi cô đơn, đến mức có lúc phải thốt lên rằng: “Tôi chẳng biết nói gì nữa, tôi nghĩ mình đã gắng hết sức rồi” (Blow By Blow).
Khúc hát cho anh, cho em và cho con
Mặc dù lấy cớ là viết nhạc cho con gái, nhưng mỗi ca khúc trong album hoàn toàn có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau: khi thì cô viết cho chính mình, khi thì cô viết cho người tình.
Ca khúc chủ đề, Song For Our Daughter – sáng tác cùng bạn trai George Jephson, là lời Laura Marling tâm sự với người yêu về nguyện ước của mình: “Gần đây em cứ nghĩ mãi về việc con gái chúng ta trưởng thành, về mọi điều nhảm nhí mà con có thể được nghe”.
Hay Strange Girl cũng có thể được xem như là bài ca dành tặng riêng cho phụ nữ, cho bất kỳ ai đã từng “gục ngã trước những kẻ ái kỷ” luôn tự nhận mình là “đàn ông”. Bởi phụ nữ ai mà chẳng có lúc “kỳ lạ”, “cô đơn”, “giận giữ” – như những gì cô viết.
Ở nửa sau của album, nỗi buồn và sự trần trụi càng hiển hiện rõ hơn khi Laura Marling từ bỏ tất cả để trở về với cây guitar thân thuộc. Đúng như tên gọi, The End Of The Affair thuật lại hồi kết của một cuộc tình: chàng gục đầu vào tay, nói rằng việc này là quá sức, ngay cả với một người đàn ông; nàng gục đầu vào ngực chàng, nghĩ rằng họ đã làm tất thảy mọi thứ có thể rồi.
Một cuộc chia tay hoàn toàn chìm trong im lặng, không hề có một tiếng cãi hay trách móc, nhưng đủ sức nặng để khiến người nghe phải thổn thức. Họ bắt tay thay cho lời chào tạm biệt, chúc nhau ngủ ngon lần cuối cùng trong cuộc đời, “để rồi đường ai nấy đi nhà ai nấy về”.
Ca khúc kế tiếp, Hope We Meet Again, là khi Laura Marling trở về nơi gọi là nhà nhưng nay đã “không còn là nhà nữa” vì thiếu vắng tình yêu. Chỉ khi về với nỗi cô đơn, cô mới có cơ hội thành thật với chính mình. Cô thầm trách anh – “lưỡi acid, răng rắn” – nhưng tận trong thâm tâm vẫn mong một lần được gặp lại, với hy vọng rằng anh sẽ mãi chẳng đổi thay.
Giữa tận cùng của nỗi cô đơn, cảm giác muốn trốn chạy lại ập về trong tâm trí cô như một cơn bão lớn: “lang thang là quyền của tôi… tôi sẽ tìm thấy Chúa ở nơi kỳ lạ nhất trên cõi đời này”.
Để không đi lạc khỏi chủ đề, Laura Marling kết thúc album bằng một khúc hát ru con đúng nghĩa. Trong For You – sáng tác được cho là lấy cảm hứng từ Paul McCartney, cô hát mộc trên nền guitar do chính bạn trai đệm cho. Giai điệu êm ái nhưng lời hát lại quá đỗi chua chát: “Mẹ tạ ơn Chúa vì chưa từng gặp, chưa từng yêu, chưa từng muốn có con”.
Hẳn là vì thế giới thực tại quá đỗi tàn nhẫn, nên cô quyết định sẽ giữ người con gái ấy sống mãi trong trí tưởng tượng của mình, như một cách để bảo vệ con, thoát khỏi những cay đắng cuộc đời.
*Đọc thêm về Laura Marling ở đây.
Đánh giá: **** (4/5)
Chú thích:
[1] Trích từ album Ten New Songs (2001), vốn được phóng tác dựa theo bài thơ The God Abandons Antony (1911) của Constantine P. Cavafy, viết về cái đêm mà Marcus Antonius – người tình của Cleopatra – để mất thành Alexandria vào tay của Octavius. Cohen đã chuyển Alexandria thành Alexandra để viết về nỗi mất mát tình yêu.