Sóng Hấp Dẫn chính là nỗ lực đưa mình đến gần khán giả của Hoàng Quyên khi cùng lúc cộng tác với Võ Thiện Thanh và Đỗ Bảo – hai nhà tạo hit hàng đầu của thập niên 2000.
“Đừng nói lời yêu em hôm nay…”, Hoàng Quyên lặp đi lặp lại câu hát ấy giữa một không gian đặc quánh jazz.
Ca khúc, bắt đầu bằng saxophone và nối dài bằng piano, khiến ta không khỏi liên tưởng đến âm nhạc của Stacey Kent hay Diana Krall. Điều đặc biệt là cách đây đúng 10 năm, tác giả của ca khúc ấy – Đỗ Bảo – đã từng thiết lập một không gian tương tự trong album thứ hai của mình.
Thời Gian Để Yêu (2008) ra đời với những Chìm Trong Muôn Thuở (Nguyễn Ngọc Anh), Kỷ Niệm (Huy Phạm), Ngược Sáng (Tùng Dương)… sử dụng jazz làm màu sắc chủ đạo, tính đến nay vẫn là album xuất sắc và hoàn chỉnh nhất của vị nhạc sĩ chuyên viết những bức thư tình.
Thiệt thòi hơn so với Đỗ Bảo một chút, Võ Thiện Thanh dù được biết đến như một nhạc sĩ lẫn nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu nhưng lại chưa từng sở hữu một album tác giả nào cho riêng mình. Tuy nhiên, cũng trong năm 2008 anh đã kịp cho ra mắt Listen or walk? – một album nhạc điện tử theo phong cách world music và lounge được tạo ra với mục đích dành tặng sàn catwalk.
Sự kết hợp đặc biệt giữa Đỗ Bảo và Võ Thiện Thanh
Bản đồ âm nhạc Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi trong quãng thời gian 10 năm kể từ 2008 cho đến nay. Các chương trình thực tế tạo ra hàng loạt ca sĩ nhưng lại hiếm có giọng ca thực lực. Âm nhạc trực tuyến dần thay thế phương thức nghe nhạc truyền thống. Cả ca sĩ lẫn nhà sản xuất âm nhạc đều không đủ kiên nhẫn để phát hành album vật lý như trước.
Thay vào đó là những sáng tác đơn lẻ được tô điểm bởi những video ca nhạc đẹp đẽ về hình thức. Ngay cả Võ Thiện Thanh hay là Đỗ Bảo, tuy đều có những vị trí nhất định trên tấm bản đồ ấy, nhưng lại không thể tiếp tục tạo ra được những tiếng vang lớn như họ đã từng. Năm 2016, Võ Thiện Thanh tái hợp với Hà Anh Tuấn trong Streets Rhythm nhưng thực chất vẫn chỉ là Cà Phê Sáng 2 dù mang tính thử nghiệm nhiều hơn. Xa hơn một chút, kể từ lần cuối cùng khản giá được nghe nhạc Đỗ Bảo trong Cánh Cung 3 (2013) thì cũng đã là một nửa thập kỷ trôi qua.
Dù ở thời điểm nào, cũng khó có thể hình dung Võ Thiện Thanh và Đỗ Bảo sẽ cùng kết hợp với nhau trong một album, nhất là khi người thể hiện các ca khúc lại là một gương mặt khá trẻ như Hoàng Quyên. Không thể nói rằng vì âm nhạc của hai người không có điểm chung. Trước khi ghi dấu với nhạc điện tử hay R&B thì Võ Thiện Thanh đã có rất nhiều ca khúc thuần chất pop như Xích Lô, Ước Gì (Mỹ Tâm), Những Khi Ta Buồn, Hãy Tin Ở Tim Mình (Đoan Trang),… trong khi Đỗ Bảo từ trước đến nay vẫn nổi trội nhất ở mảng pop. Sự kết hợp “không chính thức” giữa hai nhạc sĩ, một ngoài Bắc và một trong Nam, phần nào gợi nhớ đến những lần bắt tay giữa Dương Thụ và Bảo Chấn trong Nghe Mưa từ thập niên 90, và những lần hội ngộ như vậy quả thực là xưa nay hiếm!
Nói thế để thấy được việc Hoàng Quyên đặt tên album của mình là Sóng Hấp Dẫn có phần nào đó hợp lý (mặc dù nhan đề này vốn không thực sự “hấp dẫn” cho lắm). Ra mắt lần đầu tiên trong Một Khúc Sông Hồng (2010) – một album tuyển tập của Lê Minh Sơn, tính đến nay Hoàng Quyên đã xuất hiện trong nhiều chương trình và có trong tay nhiều album, nhưng giọng ca của cô vẫn chưa thực sự “kết nối” được với khán giả đại chúng. Tạm bỏ qua vấn đề phong cách – vốn quá non nớt với người nghe lớn tuổi và quá già dặn với những tai nghe trẻ – thì điều mà Hoàng Quyên thiếu chính là những ca khúc cho riêng mình. Trong album đầu tay, Cửa thơm mùi nắng (2014), 3/4 những gì cô hát là sáng tác quen thuộc của Lê Minh Sơn. Đến album thứ hai, Về (2015), lại tiếp tục là những tình khúc bất hủ của Ngô Thụy Miên hay Vũ Thành An. Những sáng tác của Trần Viết Tân, Đặng Hữu Phúc vô hình chung lại tạo ra một hình ảnh Hoàng Quyên già trước tuổi. Vì vậy, mặt khác Sóng Hấp Dẫn cũng chính là nỗ lực đưa mình đến gần khán giả của Hoàng Quyên khi cùng lúc cộng tác với hai nhà tạo hit hàng đầu của thập niên 2000.
Jazz chủ đạo, nhưng không duy nhất
Jazz là dòng nhạc chủ đạo nhưng không phải là màu sắc duy nhất trong Sóng Hấp Dẫn, đây có lẽ là một điều đáng tiếc hơn là đáng vui. Album gồm 9 ca khúc với 5 sáng tác của Đỗ Bảo và 4 của Võ Thiện Thanh, phần hòa âm phối khí cũng do cả hai tự đảm nhiệm. Cách sắp xếp bài hát không theo kiểu chia đôi mỗi người một nửa, mà trộn đều vào nhau.
Trong đó, có hai ca khúc được hoán đổi vị trí hòa âm, đó là Bên Kia Ngọn Đồi (Võ Thiện Thanh sáng tác, Đỗ Bảo hòa âm) và Nghịch Lý (Đỗ Bảo sáng tác, Võ Thiện Thanh hòa âm). Nếu nghe lần đầu và bỏ qua những thông tin tác giả, thì khó có thể phân biệt được đâu là sáng tác của Đỗ Bảo, đâu là của Võ Thiện Thanh. Nhưng nếu nghe kỹ, vẫn nhận ra được những điểm khác biệt trong phong cách của hai nhạc sĩ.
Âm nhạc của Đỗ Bảo vẫn thế, có một chút trúc trắc về mặt ca từ lẫn giai điệu, không phải những ca khúc nghe một lần là nhớ hoặc có thể hát theo được ngay. Tương tự như trong Cánh cung 3, nam nhạc sĩ tiếp tục sử dụng những hình ảnh rất đời thường khi viết về tình yêu. Anh so sánh những cô gái như là những nàng mèo xinh (Nói Yêu Em Hôm Nay), hay người đàn ông là anh thợ ảnh suốt ngày bắt vợ mình cười để quên đi nỗi buồn (Anh Thợ Ảnh). Những sáng tác mới của Đỗ Bảo dành cho Hoàng Quyên khá đa dạng về màu sắc, có ca khúc rất trăn trở, nặng trĩu tâm sự (Khi sương vừa tan), hoặc cũng có nỗi buồn từng trải nhưng chỉ thoáng qua (Anh Thợ Ảnh) và cũng có ca khúc rất trẻ trung, vừa vặn với chính Hoàng Quyên (Nghịch Lý, Nói Yêu Em Hôm Nay).
Trong khi đó, các sáng tác của Võ Thiện Thanh có phần bay bổng và mềm mại hơn. Vẫn có nỗi buồn nhưng nỗi buồn trong âm nhạc của anh cũng không quá day dứt như Đỗ Bảo. Đôi khi đến rồi đi như cơn mưa vội tắt (Như Là Cơn Mưa Tới), hoặc chỉ là “nỗi nhớ dịu dàng” khi nghĩ về người yêu (Bên Kia Ngọn Đồi). Bốn ca khúc của Võ Thiện Thanh sử dụng nhiều hình ảnh thống nhất lặp đi lặp lại, chẳng hạn như “cơn mưa”, “giấc mơ”, “sóng biển”, “trời xanh”, “mây trắng”,… nếu xếp chung với nhau có thể tạo thành một câu chuyện ngắn về tình yêu. Nếu như Đỗ Bảo viết về tâm sự của người đàn bà từng trải, hay là cô gái trẻ đang yêu, thì Võ Thiện Thanh lại viết về niềm mong ước mơ hồ của một người muốn níu giữ được tình yêu, nhưng tương lai không có gì là chắc chắn. Hạnh phúc chỉ như một cơn mơ.
Phong cách hòa âm phối khí của hai nhạc sĩ cũng hoàn toàn khác nhau. Đỗ Bảo chuộng jazz thuần túy và trung thành với các nhạc cụ đặc trưng như piano, kèn saxophone hay trumpet. Có một khoảnh khắc anh muốn thách thức khán giả ở cuối album bằng Bùa Yêu – một ca khúc mang âm hưởng dân gian tương tự như Tình Yêu Màu Nắng (Phạm Thanh Hà). Tuy nhiên, phần nhạc điện tử ở đầu khiến ca khúc nghe như một bản remix lỗi thời và hoàn toàn lệch tông khỏi toàn bộ album (có lẽ anh đã dự đoán trước được điều đó nên cố tình đặt ở cuối). Nửa sau bài hát đi theo phong cách free jazz phóng túng rất hay nhưng phần điện tử rõ ràng không hợp.
Ngược lại, dù vẫn theo dòng jazz nhưng Võ Thiện Thanh cố gắng pop hóa các ca khúc với nhiều nhạc cụ điện tử như guitar hay synth (Mơ Sóng). Anh đặc biệt chú ý đến các tiểu tiết để tạo điểm nhấn cho ca khúc của mình, chẳng hạn như việc dùng tiếng giọt nước để bắt đầu Như Là Cơn Mưa Tới, rồi sau đó thay mưa bằng tiếng trống bập bùng, dàn dây tiếp nối ở điệp khúc để tạo cao trào và cuối cùng kết thúc bài hát bằng đúng tiếng kèn saxo của jazz.
Nghịch lý là ca khúc thú vị nhất album
Ca khúc thú vị nhất album, thuộc về Nghịch Lý, vốn là một sản phẩm kết hợp giữa hai nhạc sĩ, cũng là ca khúc cho thấy rõ nhất phong cách sáng tác của Đỗ Bảo lẫn lối hòa âm của Võ Thiện Thanh. Không khó để thấy rằng phần hòa âm của Võ Thiện Thanh đã thêm rất nhiều gia vị vào sáng tác, vốn cũng rất thú vị, của Đỗ Bảo. Anh liên tục thay đổi nhạc cụ hòa âm theo từng phân đoạn của bài hát: có một chút swing, một chút guitar điện, khi Hoàng Quyên vừa dứt lời, tiếng kèn saxo lập tức bật lên thiết lập một không khí jazz đặc trưng, sau đó lại tiếp tục hoán chuyển theo hướng free jazz. Phần lời bài hát là một hình ảnh rất quen thuộc mà chắc là hiếm thấy trong các bài hát: đi cắt tóc để quên đi chuyện buồn tình yêu.
Thế nhưng, nhân vật chính của Sóng Hấp Dẫn không phải là Đỗ Bảo hay Võ Thiện Thanh. Giọng hát của Hoàng Quyên thực sự là một điểm cộng cho album. Rõ ràng việc hát nhạc Võ Thiện Thanh hay Đỗ Bảo là không hề dễ dàng. Sẽ có ít nhiều hình ảnh của Nguyên Thảo khi nhắc đến Võ Thiện Thanh, tương tự là những Nguyễn Ngọc Anh, Trần Thu Hà khi nhắc đến Đỗ Bảo. Chính bản thân của Hoàng Quyên cũng chưa vượt qua được cái bóng của nhiều người khi hát nhạc của Lê Minh Sơn. Song, lần này thì cô hoàn toàn đủ tự tin để có thể dẹp bỏ đi định kiến đó. Giọng hát dày và ấm của Hoàng Quyên khi kết hợp với jazz tạo nên một không khí “smoky” hết sức đặc biệt, nhất là trong những sáng tác của Đỗ Bảo.
Nói cho nhiều, vậy cuối cùng Sóng Hấp Dẫn có thực sự hấp dẫn hay không? Điều đó còn tùy vào việc bạn có thích jazz hay không. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng chê nhạc jazz buồn ngủ nhưng khó để chê jazz lỗi thời. Chỉ riêng hai cái tên Võ Thiện Thanh và Đỗ Bảo cùng xuất hiện trong một sản phẩm, sau một khoảng thời gian vắng bóng rất lâu, cũng đã tạo nên một sự hấp dẫn đặc biệt dành cho album này. Với những khán giả chưa từng nghe Hoàng Quyên, họ đã có thể nói lời yêu cô hôm nay được rồi.
Đọc thêm:
– Hoàng Quyên – Cửa Thơm Mùi Nắng (2014)
– Hoàng Quyên – Về (2015)
Ảnh: Fanpage Hoàng Quyên
Ad ơi, ad có thể review về Tâm 9 của Mỹ Tâm không ạ?
Btw, cảm ơn ad về bài review Hoàng Quyên nhé, vô cùng thú vị và bổ ích, dạo này em cũng kah1 hứng thú với chị này, mà ko nhiều người nói về chị này cho lắm
Hiện tại mình đang có một số kế hoạch khác nên chắc là không viết được về album đó.
Cám ơn bạn!
Anh Sơn hồi trước có là editor của Vietnam’s Next Top Bitches đúng không ạ? Sao anh không tiếp tục cộng tác mà lại tách riêng vậy ạ? 🙂
Chào bạn, mình vẫn sẽ hỗ trợ nếu bên đó cần sự giúp đỡ.