Review album Portrait của Uyên Linh
/

‘Portrait’ của Uyên Linh – Chân dung một cô gái thất tình

Bắt đầu
8 phút đọc

‘Portrait’ (Chân dung) – album thứ ba của Uyên Linh – là tuyển tập những ca khúc buồn bã về tình yêu tan vỡ. Đây là album hay nhất trong sự nghiệp ca hát của cô.


“Tan vỡ”, “tan nát”, “vụn vỡ” là những từ ta gặp không ít lần trong Portrait, album phòng thu thứ 3 của Uyên Linh, cũng là những từ mô tả chính xác nhất về đĩa nhạc này.

Một đĩa nhạc thất tình đúng nghĩa

Chín bài hát tưởng chừng không có nhiều liên quan – từ những sáng tác đã được giới thiệu rất lâu nhưng chưa thu âm (Có Đôi Khi, Khoảng Trống) cho đến rất mới (Biết Đâu, Trái Tim Mông Lung), được viết bởi những cái tên từ quen thuộc, dày dặn kinh nghiệm (Việt Anh, Giáng Son) cho đến rất trẻ, cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề (Linh Lan, Trang) – được chủ ý sắp đặt lại gần nhau thành một tuyển tập viết về sự tan vỡ, trong tình yêu.

Một đĩa nhạc thất tình (break-up album) đúng nghĩa, ngay cả khi nhan đề, dù vô tình hay cố ý, lại hoàn toàn không hề nhắc đến nội dung này.

chan dung portrait uyen linh review son phuoc 2

Sự khéo léo trong khâu biên tập còn thể hiện ở việc đặt Trái tim mông lung (André Ngô, Phạm Toàn Thắng) ở vị trí trung tâm, để rồi chia đĩa nhạc thành hai nửa với nội dung hoàn toàn khác nhau. Bức chân dung ở nửa đầu album là một cô gái thất tình nhưng không tuyệt vọng hay bi lụy. Ở thời kỳ hậu chia tay, cô vẫn giữ được niềm tin về tình yêu và hạnh phúc, hướng về tương lai thay vì chôn mình trong quá khứ (Mơ hoa hồng).

Thậm chí, cô gái ấy cũng cực kỳ đanh thép, quyết liệt trong tình yêu, mạnh mẽ chứ không hề yếu đuối, “sẵn sàng ném tình cảm qua ô cửa” (Đại lộ tan vỡ). Song, khi con tim bắt đầu mông lung, không thể nào tiếp tục tranh đấu với những nỗi đau của chính mình, thì cô lại… nhớ người yêu cũ! Cứ thế, nửa cuối của đĩa nhạc trải dài bằng nỗi nhớ, sự trống vắng, khao khát bắt đầu lại tất cả như thuở ban sơ.

Bước ngoặt trong sự nghiệp Uyên Linuy

So với hai đĩa trước đó của Uyên Linh, Portrait hào phóng hơn về mặt số lượng ca khúc, thống nhất hơn về mặt nội dung chủ đề, hoàn chỉnh hơn về mặt cá tính âm nhạc.

Đĩa đầu tay của cô, Giấc mơ tôi (2012), thiếu sự đột phá và mang nặng dấu ấn nhà sản xuất (Quốc Trung). Đĩa thứ hai, Ước sao ta chưa gặp nhau (2014), giàu cảm xúc nhưng một nửa thành công lại thuộc về tác giả (Dũng Dalat).

Đến Portrait, Uyên Linh mạnh dạn đặt tên mình ở vị trí sản xuất, không cần bất cứ một cái tên nào khác đồng hành. Trong bức “chân dung” mà cô tự vẽ cho mình, có không ít những khoảnh khắc độc hành như vậy (“một mình nhảy múa theo từng lời yêu tan vỡ”).

Thậm chí, cô còn không cho phép một giọng bè nào xuất hiện bên cạnh tiếng hát của mình. Xuyên suốt thời lượng vỏn vẹn 36 phút của đĩa nhạc là một không gian âm nhạc hoàn toàn khép kín, chỉ có người hát và người nghe giao cảm với nhau.

Bìa album "Portrait" của Uyên Linh.
Bìa album “Portrait” của Uyên Linh.

Âm hưởng của blues, soul và jazz thể hiện rõ trong Portrait, từ cách Uyên Linh nắn nót từng câu từng chữ cho đến những bản phối nhuốm màu buồn bã và u tối. Để tạo một màu sắc khác biệt so với album trước đó vốn được dẫn dắt bởi tiếng guitar của Dũng Dalat (Ước sao ta chưa gặp nhau), Portrait đã tìm cách triệt tiêu hoàn toàn guitar, thay bằng piano làm chủ đạo.

Bài hát đầu tiên, Mơ hoa hồng (Phạm Hải Âu), mở màn bằng tiếng piano mạnh và sắc, mang hơi hướm Alicia Keys. Hai sáng tác của Trang gồm Bài hát của emBiết đâu thì lại mềm mại và dịu dàng, gợi nhớ đến phong cách Yiruma. Một bài cũ hơn, Xin giữ em cho hoàng hôn (Việt Anh), sử dụng piano làm nền ở hơn một nửa thời lượng, vốn là một bản phối khá an toàn của Hoài Sa.

Phần sản xuất dựa dẫm nhiều vào piano

Không có gì sai khi sử dụng piano làm chủ đạo trong một đĩa nhạc, nhưng điều đó dễ đẩy tất cả đến ranh giới của việc lạm dụng, hoặc tạo ra cảm giác nhàm chán ở phía người nghe. Cảm giác đó xuất hiện ít nhiều ở nửa cuối của đĩa nhạc, khi piano tiếp tục rải đều trong các ca khúc.

Ngay cả khi saxophone đột ngột xuất hiện trong Trái Tim Mông Lung hay dàn dây thấp thoáng trong Khoảng Trống (Linh Lan), cũng không khiến cho bản phối trở nên đa dạng sắc màu. Cách xử lý của Uyên Linh cũng đã hạn chế phần lớn kịch tính (dramatic) của bài hát. Chẳng hạn như bản thu Có đôi khi (Trần Nhật Hà) đã được làm “mềm” nhất có thể, nếu so với những màn trình diễn trước đó của Uyên Linh trên sân khấu.

chan dung portrait uyen linh review son phuoc feature1

Giữa những ca khúc chìm trong những nhịp điệu chậm rãi, Đại lộ tan vỡ (Phạm Hải Âu) dễ dàng trở thành điểm sáng của Portrait. Phần âm nhạc đặc quánh neo-soul với tiếng guitar điện gợi nhớ đến The Fall của Norah Jones, nhưng không khí và nhịp điệu là Rockferry của Duffy. Phần lời cũng hoàn toàn tách biệt so với những bài thất tình quen thuộc trong nhạc Việt, thậm chí còn mang một chút nữ quyền. Đáng tiếc đĩa nhạc lại không giữ được tinh thần mà Phạm Hải Âu xây dựng trong Đại lộ tan vỡ.

Nhìn chung, Portrait thiếu đi sự gai góc để tạo được ấn tượng mạnh từ phía người nghe. Nếu dựa trên nhan đề thì bức chân dung âm nhạc lần này của Uyên Linh không có nhiều điểm mới. Vẫn là những hình ảnh mà khán giả đã thấy hoặc có thể dự cảm về cái tên Uyên Linh.

Giá như một lần Uyên Linh mạnh dạn bước ra khỏi vòng an toàn của mình, có lẽ các sản phẩm của cô sẽ thực sự đột phá hơn.


YouTube player

Đọc thêm: Ước sao ta chưa gặp nhau – Uyên Linh & Dũng Dalat (2014)
Ảnh: Fanpage Uyên Linh.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Semper Femina’ – Chân dung phụ nữ của Laura Marling

Tiếp theo

‘Sóng Hấp Dẫn’ và hấp lực của Hoàng Quyên

Latest from Âm nhạc