‘I Never Learn’ của Lykke Li: Tình yêu là bài học khó khăn
‘I Never Learn’ của Lykke Li: Tình yêu là bài học khó khăn
/

‘I Never Learn’: Tình yêu là bài học khó khăn

Bắt đầu
8 phút đọc

‘I never learn’ của Lykke Li là album thất tình u ám, buồn bã, đen tối, đưa người nghe đến với những cảm xúc đau đơn nhất của tình yêu.


Lykke Li chưa bao giờ ngừng yêu và thôi hát về tình yêu. Trong đĩa phòng thu thứ ba, I Never Learn, cô tiến từng bước về phía giáo đường ngập tràn ánh sáng. Nhưng thay vì mỉm cười hạnh phúc bên vòng tay người yêu, giọng ca Thụy Điển không ngần ngại trút hết mọi tâm sự về chuyện tình buồn đã qua, như một kẻ tội đồ đang đứng sám hối trước đức tin của mình.

Khi một cuộc tình tan vỡ

Tiếp nối Youth Novels (2008) và Wounded Rhymes (2011), I Never Learn là đĩa nhạc cuối cùng trong bộ ba đĩa có cùng chủ đề (trilogy), kể về hành trình “tìm kiếm tình yêu và chính mình” trong những năm hai mươi của một người phụ nữ. So với hai đĩa trước, I Never Learn ngắn hơn về thời lượng (khoảng 33 phút) nhưng rõ ràng hơn về chủ đề.

9 bài hát trong đĩa đều là những bản power ballad buồn bã, u uất, viết về tình yêu tan vỡ. Lykke Li chọn lối sáng tác thẳng thắng, trực diện, với phần lời đơn giản, điệp khúc ngắn gọn, dễ nhớ, không sử dụng nhiều tu từ, ẩn dụ. Âm nhạc được phối thành một thể hòa quyện thống nhất, không hề có bất cứ một bài nào bị lạc tông hay thừa thải. Nhạc cụ chủ đạo dàn trải, từ mộc mạc như acoustic guitar, đàn dây, trống, cho đến synth điện tử, guitar điện và cả dàn hợp xướng.

Vậy thì tình yêu tuổi 28 có gì khác so với thời 23? Nếu như Youth Novels là khát vọng được yêu, Wounded Rhymes thất vọng khi mất đi tình yêu, thì I Never Learn thực sự không còn gì ngoài nỗi tuyệt vọng! Đúng như tên một bài hát mà Lykke Li từng viết trong đĩa thứ hai, “Tuổi trẻ làm sao biết được nỗi đau” (Youth Knows No Pain), I Never Learn chứng tỏ rằng với trải nghiệm theo thời gian, tình yêu có thể khiến con người ta đau đớn đến mức nào.

Lykke Li khai thác tận cùng nỗi đau trong "I Never Learn".
Lykke Li khai thác tận cùng nỗi đau trong “I Never Learn”.

Ngay trong ca khúc chủ đề mở màn đĩa nhạc, cô đã tình nguyện hy sinh vì tình: “Em sẽ chết ở đây như người tình ảo tưởng của anh” (“I’ll die here as your phantom lover”). Bài hát bắt đầu bằng guitar được đánh liện tục, dữ dội như sóng biển đang cuộn trào. Giọng hát Lykke Li vang lên lấn át cả tiếng guitar, từ chậm rãi ban đầu cho đến dồn dập ở phần điệp khúc và nhấn lại ở câu tuyên ngôn: “I never learn, I never learn”. Toàn bộ phần lời được hát đúng một lần, như thể tình yêu qua đi không bao giờ trở lại. Cuối bài có chêm đàn dây vào, nhẹ nhàng êm ái, nhưng dường như vẫn không đủ để có thể xoa dịu hết nỗi đau.

Một điều cần chú ý, đó là Lykke Li đã từ bỏ những giai điệu “bắt tai”, trong sáng ở hai đĩa trước để đưa vào giọng hát của mình sự thô ráp và u tối. Ngay cả Unrequited Love, ca khúc tha thiết nhất từ đĩa trước, cũng không hề “tối” bằng bất kỳ sáng tác nào trong I Never Learn.

I Never Learn ra đời trong giai đoạn khó khăn nhất

Các bài hát có cấu trúc tưởng chừng đơn giản nhưng được viết trong khoảng thời gian khó khăn nhất của nữ ca sĩ. Sau khi kết thúc cuộc tình “lớn nhất” của đời mình, Lykke Li chuyển từ Thụy Điển đến Los Angeles để sinh sống và dành hai năm rưỡi ở đây để sáng tác. Chính vì thế, I Never Learn không giàu năng lượng như các đĩa trước, mà có phần uể oải và bất lực. Bài hát thứ hai, No Rest For The Wicked, thành thật mô tả tâm trạng của cô lúc bấy giờ: “Cô đơn, em đang hết sức cô đơn” (“Lonely I, I’m so alone now”).

Cứ thế, cảm giác cô đơn ấy ngập tràn trong toàn bộ phần còn lại của đĩa nhạc. Just Like A Dream là tâm sự của một người đã biết trước kết cục của mình (“Bình minh sẽ đến, tim em sẽ vỡ”) nhưng vẫn mong được nằm cạnh tình nhân một lần cuối trong đời, dẫu chỉ là mơ. Never Gonna Love Again khẳng định rằng sẽ không yêu bất kỳ ai nữa, bởi vì cuộc tình này là cuối cùng rồi!

Các ca khúc có nội dung không mới nhưng giai điệu ngay lập tức bám vào đầu người nghe. Với I Never Learn, Lykke Li muốn mọi người biết đến mình với vai trò một nhạc sĩ hát sáng tác của mình (singer-songwriter), hơn là một ngôi sao nhạc pop. Cũng không thể phủ nhận rằng ma lực từ giọng hát của nữ ca sĩ mới chính là điều giữ chân ta trong suốt đĩa nhạc: dày và đục, chững chạc hơn, đậm tự sự, tha thiết và chân thành.

Bìa album "I Never Learn" của Lykke Li.
Bìa album “I Never Learn” của Lykke Li.

Bên cạnh đó, GunshotLove Me Like I’m Not Made Of Stones cũnglà những điểm nhấn thú vị. Khởi động bằng Siver Line khá nhẹ nhàng và mềm mại, Gunshot giống như một phát súng đột ngột mà Lykke Li dành cho người nghe. “Em đã hy vọng rằng anh sẽ cứu em”, lời hát không mang hàm ý oán trách mà chỉ tăng thêm nỗi tuyệt vọng về cuộc tình này. Tình thế không thể cứu vãn, chỉ có nhịp điệu bài hát là thay đổi liên tục. Trái lại, Love Me Like I’m Not Made Of Stones cố định với guitar xuyên suốt từ đầu đến cuối. Giọng Lykke Li thành khẩn van nài: “Hãy yêu em đến khi anh không thể”. Hai thái cực hoàn toàn khác nhau nhưng đều thể hiện tình yêu không lối thoát.

Đĩa nhạc kết thúc bằng Heart Of SteelSleeping Alone, đều là những lời độc thoại nội tâm, le lói một chút hy vọng: “Nếu anh dành trái tim mình cho em, rồi ta sẽ lại gặp nhau”. Sau tất cả đau thương và mất mát, cuối cùng con tim vẫn tiếp tục muốn yêu và được yêu, như thể lần đầu tiên. Đó cũng là thông điệp mà Lykke Li muốn truyền tải qua I Never Learn. Tình yêu là thứ mà ta không tài nào học được, chỉ có thể cảm nhận bằng con tim, nuôi dưỡng bằng cảm xúc và minh chứng bằng hành động.

YouTube player

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Sài Gòn buổi sáng với Voigtländer

Tiếp theo

‘Ultraviolence’: Thế giới tàn bạo của Lana Del Rey

Latest from Âm nhạc