'So Sad So Sexy' - Cú lội ngược về dòng chính của Lykke Li
/

‘So Sad So Sexy’ – Cú lội ngược về dòng chính của Lykke Li

Bắt đầu
8 phút đọc

So Sad So Sexy gồm 10 bài hát mới của Lykke Li. Album như một cánh cửa đưa cô từ thế giới indie pop bước sang con đường mainstream.


Lấy đời sống làm chất liệu viết nhạc không phải là điều mới mẻ với các nghệ sĩ Tây phương. Như đã thành thông lệ, hàng năm lại có một vài album thất tình ra đời.

Một vài bài hát được viết để “gửi người yêu cũ”, “gửi anh và cô ấy” hay dùng đả kích những đối tượng thù hằn. Thậm chí, cách thức sáng tạo này đã trở thành dấu ấn cá nhân của một số ca sĩ (Taylor Swift hay Eminem).

Giữa trào lưu ấy, nữ ca sĩ người Thụy Điển Lykke Li thực sự là một kẻ ngoài cuộc. Nghe album mới nhất của cô, So sad so sexy, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là một album thất tình – được nhào nặn từ sau một cuộc chia tay đầy buồn bã như lời gợi ý từ nhan đề. Nhưng không.

So Sad So Sexy không phải là một album thất tình như nhiều người vẫn nghĩ.
So Sad So Sexy không phải là một album thất tình như nhiều người vẫn nghĩ.

Bước ngoặt trên con đường âm nhạc

Kể từ I Never Learn (2014) – sản phẩm cuối cùng trong bộ ba album viết về hành trình tìm kiếm tình yêu của một người phụ nữ tuổi đôi mươi, Lykke Li mất 4 năm để chuẩn bị cho album mới.

Suốt thời gian đó, khó thể hình dung cô đã trải qua những gì nếu không lục lọi một chút về đời tư. Đầu 2015, Lykke Li đã phải hủy toàn bộ tour diễn vì tình trạng sức khỏe kiệt quệ. Một năm sau, cô sinh con đầu lòng, rồi lại tiếp tục đối diện nỗi đau mất mẹ. “Đó là cả một năm điên khùng. Bạn có em bé và bạn phát hiện ra mẹ mình thì lại sắp chết”, cô nói.

Nỗi đau thể xác hay tinh thần cũng không hạ gục tình yêu Lykke Li dành cho âm nhạc. Cuối 2016, cô trở lại như là một mảnh ghép trong nhóm nhạc mang tên LIV. Đứng sau nhóm nhạc không ai khác ngoài chồng cô, Jeff Bhasker. Anh là nhà sản xuất nhạc người Mỹ từng cộng tác với rất nhiều tên tuổi như Bruno Mars (24k Magic), Mark Ronson (Uptown Special), Katy Perry (Witness), Rihanna (Anti),… Đáng tiếc, LIV chỉ ở mức dạo chơi với 4 đĩa đơn mà không có album phòng thu.

Bhasker xuất hiện, ảnh hưởng rất lớn đến âm nhạc của Lykke Li, nhất là So Sad So Sexy. Từ một nữ ca sĩ thường được xem như là một trong những “cục cưng” của giới indie pop, Lykke Li đã rất nỗ lực để chuyển mình lội ngược về dòng chính (mainstream).

Đội ngũ sản xuất tên tuổi

So Sad So Sexy được thực hiện bởi đội ngũ sản xuất “khủng” (Skrillex, Rostam, T-Minus, DJ Dahi,…); nếu so với những album trước chỉ từ hai đến ba người, thì . Riêng Jeff Bhasker góp sức trong 4/10 ca khúc.

Không ngẫu nhiên mà tờ Consequence of Sound dùng từ “tự tái chế” (“Reinvents Herself”) để nhận xét về album. Còn cô thì tự nhận mình đã “tái sinh” (“reborn”) khi trả lời tạp chí NME.

Dễ nhận ra nhất, Lykke Li đã không còn hát dream pop như trong I Never Learn. Cô bước sang một địa hạt khác dễ nghe và “thân thiện với đài” hơn.

Bài mở màn Hard Rain gợi nhớ đến A Hard Rain’s A-Gonna Fall của Bob Dylan. Ca khúc bắt đầu bằng phần điệp khúc với tiết tấu chậm được hát trên nên nhạc điện tử như ong vò vẽ. Theo thời gian, từng lớp âm thanh mới được thêm vào. Tiếng vỗ tay kèm theo giọng bè được bóp méo bởi auto-tune. Tiếng bass chậm chạp như nhịp tim thình thịch. Bộ gõ đột ngột xuất hiện, đẩy người nghe về phần lời một (verse) với tiết tấu nhanh, mang âm hưởng nhạc R&B thập niên 90.

Trong So Sad So Sexy, Lykke Li không còn hát dream pop mà chuyển hướng sang dòng mainstream.
Trong So Sad So Sexy, Lykke Li không còn hát dream pop mà chuyển hướng sang dòng mainstream.

Âm thanh thành thị mới mẻ, cấp tiến

Lời hát là tâm sự của một người bất lực trước những rạn vỡ trong tình yêu. Cô đứng nhìn cơn bão ập đến mà không tìm được nơi trú ẩn (“And look at us now, us is holding us hostage”). Ở nửa sau bài hát vẫn không ngừng biến hóa. Giọng bè nam như rô bốt tự động lặp lại lời hát. Phần nhạc mẫu (sampler) như súng bắn liên thanh ở cuối bài, tạo cảm giác vị lai xen lẫn bồi hồi, tiếc nuối.

Các bài hát trong album đều đem lại cho người nghe cảm giác tân thời, cấp tiến. Kinh nghiệm từ hơn một nửa thập kỷ sống ở Los Angeles phủ lên âm nhạc của Lykke Li những màu sắc “thành thị” rõ rệt.

Trong Two Nights (sản xuất bởi Skrillex), cô kết hợp với ca sĩ nhạc rap Aminé để tạo nên một màn đối đáp giữa hai nhân tình, như hai góc nhìn hoàn toàn khác biệt về một câu chuyện, tương tự như Dido từng kết hợp với Kendrick Lamar trong Let Us Move On.

Thể hiện rõ tinh thần của album nhất là Jaguars in the airSex Money Feeling Die. Cả hai đều có tiết tấu nhanh, chú trọng điệp khúc (hook), sử dụng nền trap beat thời thượng. Giọng hát (vocal) thì được bóp méo tối đa bằng auto-tune.

So Sad So Sexy chưa phải là một cú lột xác quá ngoạn mục. Song, vẫn thấy được dấu ấn của Lykke Li trong vai trò sáng tác. Ca khúc chủ đề, So Sad So Sexy, được xây dựng theo cấu trúc bán ballad (semi-ballad). Phần điệp khúc lại chuyển thành synth-pop – thứ âm nhạc buồn bã mà người nghe vẫn có thể nhún nhảy theo được.

Đánh đổi nhiều để tạo sự bắt tai

Mong muốn dung hòa giữa âm thanh mới và phong cách cũ khiến đôi khi album bị lặp lại. Last Piece, Better Alone hay Bad Woman không gì hơn là những bản pop buồn về sự đổ vỡ. Lykke Li cũng phải đánh đổi khá nhiều để mang lại sự bắt tai trong từng ca khúc. Dễ nghe và dễ nhớ nhưng phần điệp khúc của Jaguars in the air lẫn Sex Money Feeling Die đều kém sâu sắc. Thậm chí, trường hợp của Hard Rain là tối nghĩa: “I have a seafull (?!?) I can give you an ocean”.

Ca khúc có chiều sâu nội dung sẽ đọng lại lâu hơn là sự hào nhoáng ở phần sản xuất. Minh chứng thể hiện rõ ràng ở Utopia, một ca khúc khá giản dị về mặt âm nhạc (giữ nhịp bằng guitar điện tử) lẫn lời hát (điệp khúc cực kỳ ngắn gọn). Bài hát ghi lại những khoảnh khắc sung sướng khi được tận hưởng thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khép lại toàn bộ album buồn bã u tối này bằng một tiếng nấc nghẹn ngào của niềm hạnh phúc.

So sad so sexy không tạo được ấn tượng mạnh như I Never Learn. Điều đó cho thấy Lykke Li vẫn phù hợp với indie pop, hơn là nhạc đại chúng. Song, cô vẫn thỏa hiệp được giữa sự cá tính và thử nghiệm. Album dễ nghe và có những khoảnh khắc đáng ghi nhớ.


Ca khúc đáng nghe: Hard Rain, Deep End, Utopia.
Đánh giá: *** (3/5)


Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Burning’ – một thế hệ trẻ Hàn Quốc lạc lối

Tiếp theo

‘Thiên thần sa ngã’ – Chưa đủ liều lượng để trở thành doping

Latest from Âm nhạc