Review album Những Kẻ Mộng Mơ của Lê Cát Trọng Lý
/

Trở thành ‘những kẻ mộng mơ’ cùng Lê Cát Trọng Lý

Bắt đầu
9 phút đọc

Được phát hành với số lượng hạn chế, Những kẻ mộng mơ cho thấy Lê Cát Trọng Lý vẫn luôn vững tin bước trên con đường âm nhạc độc lập của mình: chỉ làm những gì mình thích và muốn.

Chỉ giọng hát hay thôi chưa đủ để làm nên thành công của một ca sĩ. Bằng chứng là ở Việt Nam có rất nhiều giọng ca hay, đẹp, lạ, nhưng vẫn chưa thể thành công. Trong rất nhiều yếu tố, người ca sĩ cần có một nhà sản xuất tốt, hiểu rõ những ưu, nhược điểm trong giọng hát của mình để có thể giúp họ tỏa sáng. Thế nhưng, dường như Lê Cát Trọng Lý lại đang chứng tỏ điều hoàn toàn ngược lại. Hai album từng phát hành trước đây của cô đều có phần sản xuất không mấy ấn tượng: Lê Cát Trọng Lý (2011) được phối theo phong cách acoustic, Tuổi 25 (2012) thu thanh trực tiếp với phần nhạc cụ mộc mạc. Album thứ ba của Lý mang tên Những kẻ mộng mơ, cũng không nằm ngoại lệ. Mười ca khúc trong đĩa đều là những sáng tác cũ, được thu trực tiếp tương tự như Tuổi 25, nhưng chất lượng âm thanh kém hơn một chút – có thể hiểu như một cách hạn chế “phụ gia” phòng thu ở mức tối đa – đôi chỗ còn nghe được giọng Lý tương tác với khán giả.

Trái ngược với tên gọi khá bay bổng của album – gợi nhớ đến một bộ phim của Bernardo Bertolucci – Lê Cát Trọng Lý chọn cách biên tập đầy thách thức. Cô đặt những bài nhanh lên trước, trong khi phần còn lại đều là những bài chậm, đòi hỏi phải nghe nhiều lần mới thấy thấm thía. Nửa đầu album là những bài hát thuộc về phần “thực”, viết về cuộc sống; trong khi nửa sau mới thiên về phần “mộng”, về những giấc mơ. Âm nhạc trong phần đầu cũng sử dụng nhiều bộ dây tạo cảm giác chua xót, còn phần sau chủ yếu là piano và guitar nhẹ nhàng. Chẳng hạn, ca khúc đầu tiên, Nghe tôi kể này, đã từng xuất hiện cách đây hơn 5 năm, kể về một cô gái bị điên. Dưới góc nhìn của Lý, cô gái ấy tuy điên nhưng cũng thật xinh đẹp, trong sáng (“em làm mùa xuân chín trong nụ cười tươi sáng”); và như bao con người bình thường khác, cô cũng có những giấc mơ của riêng mình (“cô mong làm mây bay hóa kiếp thành con gió”), đến mức mà người sáng tác cũng phải thốt lên rằng: “tôi thèm làm người điên!”

Có thể thấy, các sáng tác của Lý từ trước đến nay vẫn tập trung nhiều vào chuyện đời, chuyện người, và cô đặc biệt quan tâm đến những kiếp người bé mọn. Những bài hát tiếp theo trong nửa đầu album thể hiện rõ quan điểm đó. Ca khúc thứ hai, Nhanh nhanh quá, là một đoản khúc dài chưa đầy hai phút. Bài hát kết thúc chóng vánh như tên gọi của nó, nội dung là lời tự vấn của tác giả về cuộc đời với chuyện sinh tử diễn ra hàng ngày: “ta từ đâu, chết đến đâu nào có hay?” Cười Adam tiếp tục đặt ra những câu hỏi không lời đáp: “ai mang loài người xuống bỏ đây?”, “ai mang tình người trút bể dâu?”. Không khí của đĩa nhạc bắt đầu trùng xuống bởi phần ca từ nặng nề, đầy ai oán. Như là lặp đi lặp lại từ “chết”, thể hiện tâm trạng bất lực, không tìm đâu ra lối thoát. Thế thôi lại là tiếng cười mỉa mai dành cho những con người giàu có về vật chất, nhưng lại thiếu thốn tâm hồn – những “người máy biết yêu”, những “trái tim mang đầy nghi vấn”.

Đến ca khúc thứ sáu mang tên Con đường Santiago, Lý bắt đầu bằng một đoạn solo guitar rất đẹp. Trước khi đánh đàn, cô lý giải với khán giả về nguồn gốc cũng như nội dung bài hát, sau đó tạm chốt lại bằng một câu nói: “nằm mơ có cảm giác như dzậy nè”. Giả sử nếu Lý không mở lời trước như vậy, hẳn khó có ai đoán được điều cô muốn thể hiện. Trước đây, Lê Cát Trọng Lý từng trở nên nổi tiếng khi sáng tác Chênh vênh dựa trên chuyện tình Tiên Dung và Chữ Đồng Tử. Con đường Santiago thì lại được lấy cảm hứng từ câu chuyện chàng trai trẻ Santiago lên đường đi tìm kho báu trong mơ (tiểu thuyết Nhà giả kim của Paulo Coelho). Cứ thế, Lý vừa thong dong cất từng lời hát rồi lại tạm dừng để kể tiếp câu chuyện của mình. Cô kết bài bằng cách mở rộng chuyện Santiago đến với giấc mơ của mỗi người: “chuyện ai cũng trên đường đi kiếm kho tàng trong tim mong bình yên.”

Phần còn lại của album, Lý “mơ” nhiều hơn, âm nhạc cũng mềm mại và bay bổng hơn. Đôi bờ là giấc mơ về tình yêu bị chia cách với biết bao hoài niệm (“nếu sớm nào ngày trở về liệu rằng em còn yêu anh như khi chúng ta mới yêu thương nhau?”). Này Lâm ơi là giấc mơ thời thơ ấu, được trò chuyện cùng rừng cây – “Lâm” ở đây là rừng, cô gọi rừng là “Lâm” thân thiết như một người bạn, vì vốn thích rừng từ bé. Cao hơn vì sao là giấc mơ được cất tiếng hát đi khắp nơi, xua tan nỗi cô đơn. Ca từ ngắn gọn, đơn giản, nhường đất cho phần âm nhạc nâng bài hát lên cao một cách nhẹ nhàng. Cuối cùng, Lý khép lại hành trình gom nhặt những giấc mơ của mình bằng Bến vắng, một bản tình ca buồn bã. Nội dung bài hát là ước muốn của một chàng trai muốn được gặp lại người cũ nơi bến xưa – giấc mơ mãi mãi không thành hiện thực.

Phải nói rằng Lê Cát Trọng Lý không phải là một giọng ca quá xuất sắc. Đôi chỗ cô thể hiện sự ngọng nghịu trong cách nhả chữ còn mang nặng vùng miền, hoặc vài đoạn cô suýt hụt hơi khi hát. Song, Lý vẫn luôn nổi bật bởi khả năng sáng tác với phần ca từ nặng chiều sâu và tất nhiên, chỉ cô là người hiểu rõ những gì mình viết nhất. Chính điều đó đã tạo nên những cảm xúc mạnh mẽ khi cô hát những sáng tác của mình. Riêng Những kẻ mộng mơ cho thấy hình ảnh Lê Cát Trọng Lý như một người kể chuyện với rất nhiều câu chuyện để chia sẻ. Đây thực sự là một đĩa nhạc tạo được nhiều cảm hứng cho người nghe, giống như cách Lý nhận được cảm hứng từ Paulo Coelho và sáng tác Con đường Santiago để kể lại câu chuyện ấy cho mọi người. Tuy nhiên, để nhận xét một cách công bằng, thì Lê Cát Trọng Lý vẫn cần có một nhạc sản xuất thích hợp để âm nhạc của cô không chỉ dừng lại ở những gì cô đã và đang làm.

Bài liên quan:
Tuổi 25 – Lê Cát Trọng Lý (2015)

Ảnh: Lê Cát Trọng Lý

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Ngắm hoàng hôn ở Dinh Cậu (Phú Quốc)

Tiếp theo

‘Honeymoon’ – Tuần trăng mật buồn bã của Lana Del Rey

Latest from Âm nhạc