Nhạc Việt Catalogue: Tản Mạn Về Dòng Nhạc Acoutic
/

Tản mạn nhạc Acoustic Việt

Bắt đầu
16 phút đọc

Bài viết năm trong chuyên mục “Nhạc Việt Catalogue” được lập ra với mục đích tổng hợp lại một số album nhạc Việt đang chú ý qua mỗi năm.

Bài viết và chuyên mục sẽ được cập nhật (Cập nhật 20/7/2021).


Trào lưu làm nhạc acoustic có lẽ bắt đầu rộ lên kể từ khi nhiếp ảnh gia Lê Thanh Hải chịu chơi mời hẳn diva nhạc nhẹ Việt Nam tham gia vào dự án âm nhạc hi-end của mình. Thanh Lam acoustic ra đời, không hề có bất kỳ lời hứa hẹn nào với khán giả, cũng chẳng được đánh tiếng trước với báo giới, nhưng vẫn ghi dấu ấn đối với công chúng yêu nhạc bởi sự mạnh dạn đầu tư của nhà sản xuất cũng như  bởi giọng hát tràn đầy nội lực của “người đàn bà hát”. Sự kết hợp giữa Thanh Lam và dòng nhạc acoustic ít nhiều gây tò mò đối với người hâm mộ, nhất là khi đây không phải là album Lam tự tay chuẩn bị mà được thực hiện theo lời mời, một lời mời đưa Lam trở về với Jazz, trở về với lối hát nhẹ nhàng quen thuộc.

Lê Thanh Hải – người mở đường trào lưu Acoustic

Thanh Lam acoustic là đĩa nhạc jazz thứ hai sau Shadow in the dark với giọng ca của Arlene Estrella được Lê Thanh Hải thực hiện theo chuẩn audiophile. Chính vì sự xuất hiện của Arlene Estrella trong hai ca khúc You Passed My Way (Em đi qua tôi)Shadow In The Dark (Bóng tối ly cà phê) chưa thể làm thỏa mãn cơn khát jazz của khán giả nên Thanh Lam acoustic như một cơn mưa bất ngờ tưới mát tâm hồn những người yêu nhạc. Tám tình khúc cũ được hát theo đơn đặt hàng, có bài gắn liền với tên tuổi của Thu Phương (Dòng sông lơ đãng) hay Hồng Nhung (Khúc mưa), nhưng qua tay Lam thì đều trở thành của Lam.

Bìa album Thanh Lam Acoustic do Lê Thanh Hải thực hiện.
Bìa album Thanh Lam Acoustic do Lê Thanh Hải thực hiện.

Thành công của Thanh Lam acoustic được nối tiếp bằng sự ra đời của Lệ Quyên acoustic Hoàng Nhật Minh acoustic, cũng là hai album gán mác audiophile được sản xuất bởi Lê Thanh Hải. Trong khi Lệ Quyên là một trong số ít những ca sĩ miền Bắc đã “Nam tiến” thành công thì dường như Hoàng Nhật Minh vẫn còn là một tên tuổi mới toanh đối với khán giả. Ít ai biết rằng chàng ca sĩ chất giọng hao hao giống Bằng Kiều này tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân Đội Hà Nội và là gương mặt quen thuộc tại các phòng trà Đà Nẵng. Cho đến nay anh cũng đã kịp cho ra đời hai album cá nhân, trong đó Hoàng Nhật Minh acoustic là album đầu tay. Đáng buồn là cả hai ca sĩ trẻ này vẫn chưa đạt được độ chín về kỹ thuật cũng như cảm xúc để có thể sánh ngang với diva nhạc Việt. Tuy nhiên, là tập hợp những bản tình ca cũ trên nền acoustic được cất lên bởi những giọng ca lạ, đây vẫn là hai album đáng nghe và có chất lượng giữa thị trường âm nhạc trôi nổi như hiện nay.

Trở lại với Arlene Estrella, nữ ca sĩ Philippines này đã tiếp tục hợp tác với Lê Thanh Hải để thực hiện Sun dance, một album nhạc Dương Thụ với phần lời được viết lại bằng tiếng Anh như một món quà cho những ai yêu mến các ca khúc của ông. Trái với The Unmake-up của Đoan Trang và Cock-tail của Hà Anh Tuấn, Sun dance không mắc phải nhiều lỗi phát âm hay ca từ bởi Arlene Estrella đã có thâm niên 15 năm biểu diễn ở nhiều nước châu Á, châu Âu và âm nhạc của Dương Thụ vốn có giai điệu đẹp, dễ cảm thụ, nhất là khi lại được chuyển ngữ khá ổn bởi chính Lê Thanh Hải cùng các cộng sự của mình. Sundance không trở thành Arlene Estrella acoustic bởi nó không phải là một album thuần acoustic như ba album kể trên. Nếu lắng nghe kỹ, ngoài tiếng guitar quen thuộc của Dũng Đà Lạt thì vẫn có sự xuất hiện của cây guitar điện tử. Nhưng với album này, Arlene Estrella hoàn toàn có đủ khả năng để đứng chung một sân khấu với Thanh Lam trong đêm nhạc Echo Of Love mà không bị lu mờ.

Bìa 4 album Acoustic do Lê Thanh Hải sản xuất, với tiêu chí "live music - live sound".
Bìa 4 album Acoustic do Lê Thanh Hải sản xuất, với tiêu chí “live music – live sound”.

Quốc Bảo, Mỹ Linh và những người bạn

Thế nhưng những đĩa nhạc acoustic của Lê Thanh Hải chỉ góp phần khẳng định một dòng nhạc vẫn có chỗ đứng riêng chứ không phải là những đĩa acoustic tiên phong của làng nhạc Việt. Ngay cả Shadow in the dark cũng chưa hẳn là dự án audiophile đầu tiên và duy nhất lúc bấy giờ. Trước đó, Quốc Bảo đã nhen nhóm một dự án khi mời ba gương mặt trẻ là Mai Khôi, Tóc Tiên và Hòa T. Trần vào góp giọng trong đĩa acoustic mang tên My Guitar. My Friends của mình. Nếu chưa quên thì album độc nhất mỗi tiếng guitar của Quốc Bảo này cũng đã được gán mác audiophile reference. Ngoài ra, còn phải kể đến sự trở lại thành công của Hiền Thục với album acoustic mang tên Mộc đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khán giả lẫn giới phê bình. Hay từ khá lâu, Trần Thu Hà cũng là một ca sĩ rất chuộng acoustic khi mời Thanh Phương đánh guitar cho một số ca khúc trong Hà Trần 98 – 03; đặc biệt là bản acoustic của Quê nhà, trở thành dấu ấn khó quên trong album điện tử Đối thoại ’06. Và để điểm qua thì trong gia tài acoustic của làng nhạc Việt còn có Dạ khúc dương cầm của Lê Hiếu, Acous’84 của Hà Anh Tuấn và mới đây là nữ tác giả – ca sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý với album đầu tay mang tên chính mình.

My Guitar My Friends của nhạc sĩ Quốc Bảo cũng là một album nhạc Acoustic Việt đáng chú ý.
My Guitar My Friends của nhạc sĩ Quốc Bảo cũng là một album nhạc Acoustic Việt đáng chú ý.

Acoustic không phải thể loại nhac, mà thiên về phong cách.

Một đặc điểm của acoustic là đơn giản về nhạc cụ. Acoustic không đòi hỏi ca sĩ phải phô bày quá nhiều kỹ thuật mà chỉ cần một lối hát mộc mạc, chân thành. Nhạc acoustic cũng khá kén người nghe, có người nghe hoài không chán, có người nghe vài bài đã chán. Vì lý do đó, các ca sĩ và nhà sản xuất thường chọn một lối đi có phần an toàn khi làm nhạc acoustic. Nếu nhìn sơ bộ qua các đĩa nhạc acoustic nói trên thì tất cả đều có một điểm chung, đó là đều bao gồm những ca khúc cũ, đã quen thuộc với khán thính giả, họa may lắm mới có thêm một vài sáng tác mới. Và Tóc ngắn acoustic – Một ngày ra đời như một nét mới lạ cho khán giả yêu thích acoustic.

Có thể nói rằng Mỹ Linh là một trong những ca sĩ lười ra album nhất trong làng nhạc Việt, mặc dù chị vẫn xuất hiện đều đặn trong các đêm nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng… Để giải thích cho cái sự lười biếng này, chị lên báo tâm sự rằng chẳng còn động lực nào để mà ra đĩa, rằng trước cái vấn nạn địa lậu tràn lan như hiện nay thì ra đĩa có mà ế à (chi tiết xin liên hệ google). Phải nói như vậy để thấy được những khó khăn và vất vả của Mỹ Linh trong việc cho ra đời Tóc ngắn acoustic. Thế nên, chị quyết định giá bán của bản CD là 200 nghìn đồng chẵn để bù đắp công sức cũng như bù lỗ cho các đĩa trước. Sự chịu chơi của Mỹ Linh còn gấp mấy lần Lê Thanh Hải khi làm cả bản đĩa LP với số lượng hạn chế như một lời thách thức: chị đố bọn bay làm lậu đĩa than đấy.

Mỹ Linh bước vào thế giới nhạc Acoustic Việt với Tóc Ngắn Acoustic - Một Ngày.
Mỹ Linh bước vào thế giới nhạc Acoustic Việt với Tóc Ngắn Acoustic – Một Ngày.

Tóc ngắn acoustic nổi lên không chỉ vì sự trở lại của Mỹ Linh trên thị trường băng đĩa mà còn vì lần đầu tiên các ca khúc được chị viết lời, vì lời hứa hẹn trước rằng Mỹ Linh sẽ cho ra đời một thứ acoustic hiện đại và thời trang. Để làm hài lòng mấy em choai choai, chị sẵn sàng mời nhóm M4U vào hát chung bài Nhớ mưa. Để các em đồ rê mí không thấy buồn, chị cho bé Mỹ Anh vào góp giọng trong bài Cơn bão. Chính vì phục vụ được hầu như mọi đối tượng như vậy (khán giả nghe nhạc Mỹ Linh có đủ độ tuổi), Tóc ngắn acoustic trở thành một album của gia đình. Một ngày của tóc ngắn xúc động bởi tình cảm gia đình thắm thiết, bởi tình mẹ con, tình cha con và cả tình yêu của người phụ nữ đối với người đàn ông của mình. Nhưng ngoài những yếu tố mới lạ kể trên thì hầu như Tóc ngắn acoustic sẽ là một thất vọng đối với những ai đã quá mong đợi. Cách hát của Mỹ Linh không có gì thay đổi nhiều, chưa kể lời bài hát mà chị viết có phần cũ kỹ (ảnh hưởng nhiều từ ca từ của Dương Thụ), sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu không được “cứu cánh” bằng phần âm nhạc.

Mỹ Linh từng tâm sự rằng đã từng khóc khi nghe Nguyên Thảo hát. Tôi nghe Nguyên Thảo hát Mơ về mẹ của Dương Thụ cũng thấy muốn khóc, còn khi nghe Lời mẹ hát của Mỹ Linh thì đúng chỉ là lời mẹ hát mà thôi (bởi vì mẹ đâu phải là ca sĩ). Ngay cả Tiếng dương cầm của Mỹ Linh cũng chẳng thể xóa được dấu ấn của đàn em Hồ Ngọc Hà để đóng mác chính mình. Nếu đánh giá tổng thể thì ca khúc tốt nhất thuộc về Cơn bão (bản hát cùng Mỹ Anh), còn hai ca khúc nghe có vẻ “lạ” nhất là Mùa cũGửi anh thì lại có phần lời hơi bị chuối.

Đức Trí lặng lẽ với acoustic

Trái ngược với album Mỹ Linh đang nổi đình nổi đám hiện nay là một đĩa nhạc acoustic ít người biết mà có phần chìm vào quên lãng giống như cái tên của nó: Nào có ai biết. Sự gặp gỡ giữa hai người bạn cũ trong một không gian âm nhạc mới mẻ đối với cả hai là những ca khúc của Đức Trí và giọng hát Phương Thanh đã tạo nên một album acoustic ngập tràn cảm xúc yêu đương. Bên cạnh những ca khúc đóng đinh với tên tuổi Phương Thanh như Khi giấc mơ về, Vì em yêu anh, Ta chẳng còn ai,… là những bản cover các bài hit đã quen thuộc của Hồ Ngọc Hà (Có bao giờ, Đêm nghe tiếng mưa), Phương Vy (Giận anh, Em biết) và cả sáng tác mới như Nào có ai biết, khiến cho đĩa nhạc vừa cũ vừa mới và vẫn lạ. Nếu như Giận anh như một intro dễ thương và có phần lạc điệu so với cả album, thì các ca khúc còn lại là nỗi xót xa, đau đớn, đắng cay về một tình yêu không thành. Nghe album, dường như chẳng còn nhớ rằng các ca khúc kia đã từng được hát trước đây bởi ai mà hoàn toàn mang đậm dấu ấn Phương Thanh. Bấy lâu nay, Phương Thanh vẫn là một giọng ca bản năng thiên về cảm xúc nhiều hơn là kỹ thuật, và cũng như acoustic, giọng Phương Thanh cũng thuộc dạng kén người nghe, có người nghe chẳng nổi một bài nhưng cũng có người đã thích rồi thì thành ghiền. Còn tình ca Đức Trí thì chưa bao giờ rắc rối về mặt ngữ nghĩa, dễ cảm và đi vào lòng người. Chính những yếu tố đó đã tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời với acoustic.

Thành công hay thất bại của các đĩa nhạc acoustic cũng đã mở ra một lối đi mới cho các ca sĩ trong việc khai phá một địa hạt đầy tiềm năng, nhất là khi trong cuộc sống xô bồ hiện đại người ta lại càng đi tìm đến những gì đơn giản, những giá trị bền vững. Đã có những dấu hiện tích cực khi các ca sĩ từ mạnh dạn đưa acoustic vào các single của mình (như Cho một tình yêu của Mỹ Tâm, Nếu như anh đến của Văn Mai Hương,…) cho đến phát hành hẳn album riêng cho dòng nhạc này. Tuy nhiên, khi số lượng các ca khúc hay đĩa nhạc acoustic càng tăng lên thì càng chứng tỏ rằng nếu không có một sự đầu tư chuẩn bị chu đáo sẽ dễ dàng cho ra đời một sản phẩm “mì ăn liền”, bị pop hóa, trở nên dễ nghe và cũng dễ quên. Thứ nữa, các ca sĩ cũng đừng nên quá thờ ơ với những đứa con tinh thần của mình, không dành thời gian quảng bá để rồi cuối cùng acoustic cũng chỉ nổi lên như một thứ “mốt” còn các album thì nằm một góc lẻ loi giữa các hàng băng đĩa (như trường hợp của Phương Anh acoustic).

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

20 Comments

  1. Cám ơn vì cuối cùng bạn Phước cũng có một bài về thể loại nhạc này. 🙂

    Hôm rồi đi tìm CD Một ngày của Mỹ Linh, vô tình thấy CD của Phương Anh. Đắn đo mãi, mình quyết định không cả hai, vì giá CD Một ngày quá đắt, còn Phương Anh acoustic không đáng để mua.

    Thể loại acoustic đáng ra phải được nâng niu lắm, vì nó không sử dụng nhạc cụ điện tử, chỉ những ca sĩ có vocal chau chuốt, thật sự tốt, mới dám làm CD. Đáng thất vọng, số lượng đầu đĩa phát hành trên thị trường nhạc Việt, để gọi là chấp nhận được, thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại đa phần làm theo phong trào, trăm hoa đua nở, ra đĩa cho có, chất ít lượng nhiều.

    Trong số này, mình đáng giá cao CD Quốc Bảo – My Guitar.My Friends. Nhẹ nhàng, sâu lắng, không tiếc tiền khi mua CD gốc. Tiếc là bác QB không còn phong độ như ngày xưa nữa. Chắc ai rồi cũng chỉ có một thời. Nên dừng lại ở đỉnh cao để hình ảnh đẹp còn giữ lại trong ký ức của khán giả mộ điệu.

    P/S: Xin lỗi chứ giờ này mà còn nghe Phương Thanh thì quả là biết cách chịu đựng đó. 😉

    • Mình nghĩ rằng nếu mà nghe nhạc cũng phải “chịu đựng” thì thật là khổ. Người ta cũng hay dùng từ “chịu đựng” với Thanh Lam, nhưng thực sự thì cảm giác của mình khi nghe Thanh Lam có thể tóm gọn trong một từ: “đã”. Trước giờ mình chỉ nghe những gì hợp với mình chứ chẳng cần phải gồng mình chịu đựng gì cả. Giống như nhiều người thấy nhạc Trịnh được gọi là sang cũng học đòi nghe nhạc Trịnh trong khi lại chẳng cảm nhận được âm nhạc của ông. Chi vậy nhỉ?

      Còn về Phương Thanh, mình không nghe nhiều. Những album sau này của Phương Thanh cũng không còn được như cái thuở Giã từ dĩ vãng hay Tình 2000 nên cũng không để lại ấn tượng mấy. Nhưng Nào có ai biết thì có thể được coi như là đĩa nhạc đầu tay của Đức Trí vậy. Trí biên tập, Trí sản xuất, Trí đánh guitar, Trí đệm piano,… Phương Thanh chỉ có một việc là hát. Thế nên sản phẩm này mang dấu ấn Đức Trí nhiều hơn là Phương Thanh. Trước giờ Phương Thanh cũng hát nhiều ca khúc khác nữa của Đức Trí chứ không riêng gì những bài trong đĩa này. Nhưng với đĩa này thì rõ ràng Phương Thanh đã chứng tỏ rằng mình hợp với nhạc Đức Trí nhất, không như Phương Vy còn quá non nớt, chưa thể hiện được hết cảm xúc bài hát hay Hồ Ngọc Hà chẳng có gì hơn ngoài một chất giọng lạ. Và nếu dành thời gian lắng nghe thì còn có cảm giác rằng acoustic của Đức Trí còn hiện đại và hợp thời hơn cả Mỹ Linh nữa.

      Đĩa Quốc Bảo cũng đáng nghe nhưng mình không thích Hòa T. Trần cho lắm.

      • Nói thẳng ra là giọng Phương Thanh hư rồi, giờ đụng bài nào là tiêu luôn bài đó. Mình vẫn thích Đức Trí, nhưng anh nên tìm một ca sĩ khác thể hiện tốt nhất các tác phẩm của mình. Trường hợp Thanh Lam thì lại khác, có chất giọng tốt, song từ dạo chia tay Quốc Trung thì chị này đánh mất phong cách luôn. Cứ như từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm. Thấy người ta hát nhạc Trịnh cũng đua đòi ra đĩa. Sau đó còn thể hiện tình cảm đàn chị – đàn em với Đàm để ra album Sa Mạc Tình Yêu, tràn trề thất vọng. Nói chung là Lam đã thua Linh và Nhung mất rồi…

        Hòa Trần trong CD Quốc Bảo là một chất giọng lạ. Anh này tham gia thi tuyển giọng ca của trung tâm Thúy Nga nhưng không thứ hạng gì. Yêu ca hát là thế, mà giọng ca còn hạn chế, thành ra chỉ dừng lại ở mức độ nào đó thôi.

        Mình thấy nhạc Trịnh chỉ hợp với phong cách: một người hát, một người đánh đàn guitar. Thế là đủ để thưởng thức. Đừng dùng trống kèn xập xình các loại, ồn ào lại chẳng ra làm sao cả. 🙂

        • Thế mà Này em có nhớ của Thanh Lam lại là một trong những đĩa nhạc Trịnh yêu thích của mình đấy.

          Mình nghĩ là Lam không hề thua Nhung và Linh, chỉ là hai người họ vẫn chưa thể hoàn toàn thắng được Lam. Vậy thôi.

          Còn Hòa Trần là bác sĩ, có họ hàng với Hà Trần nền mới có dây mơ rễ má với Quốc Bảo chứ không thì cũng chẳng ai biết anh ta là ai.

  2. Bài viết hay lắm. Các album bro nói mình nghe hết rồi. đồng ý 2 tay với bro về vấn đề cảm giác thoải mái khi nghe nhạc. Đó không phải là thứ để làm sang.

    Về acoustic, Vấn đề nan giải nhất của acoustic là nó chỉ cần sự mộc mạc, tình cảm, nhưng nếu chỉ sử dụng đúng một loại nhạc cụ thì sẽ dễ dẫn đến một màu cả album. Mình nghĩ 1 đĩa hay là một đĩa phải có ý tưởng xuyên suốt nhưng mỗi track lại phải có một bản sắc riêng của mình. Ngoài ra, các bài phải tương đối đồng đều nhau về độ… hay, hoặc ít nhất cũng chấp nhận được thỉnh thoảng có 1-2 bài đỉnh. Nói chung hồi nào giờ vẫn vậy, chưa thấy có đĩa nào đáp ứng 3 điều trên cả trừ Trần Tiến của Hà Trần và Kim Cương của Hiền Thục, nhưng 2 album này thì ko đơn thuần là acoustic nên khó mà xếp chung được.

    p/S: cái Biển Em của Phương Anh không đến nỗi tệ như bạn beep.forever nói đâu. Mình thấy vài bài khá được, ca khúc chủ đề khá hay mừ. Còn Thanh Lam thì mình nghĩ không cần thiết phải có Quốc Trung, nhạc của Lê Minh Sơn có cái hay riêng của nó. Vấn đề là chị ấy nên tiết chế như thế nào. một 2 bài thì đẳng cấp, chứ cả album mà cứ trổ giọng như thế thì khó mà làm người nghe thoải mái được

    • Về CD Biển & Em của Phương Anh: thông thường ca khúc đầu tiên trong 1 album phải là bài hát được chú trọng nhiều nhất, để tạo hứng thú và dẫn dắt người nghe thưởng thức các track sau, nhưng khi bật lên, mình thấy hoàn toàn thất vọng và bỏ qua luôn. Có lẽ mình già và khó tính rồi. Haha. Nhưng đã lao động nghệ thuật là phải nghiêm túc. Ở Việt Nam, người ta chưa chú trọng lắm đến đạo đức nghề nghiệp, cho nên các sản phẩm thường dở dở ươn ươn.

      • Trước giờ mình không đánh giá cao giọng hát của Phương Anh, mặc dù cô vẫn có một số bài hát khiến người ta phải nhớ đến (đây cũng chính là một may mắn của cô). Trong số đó, mình vẫn thích các ca khúc của Huy Tuấn (Để trái tim luôn gần nhau, Anh trôi về em chẳng hạn) hơn là của Anh Quân (Giấc mơ của tôi, Chờ anh,…) và Huy Tuấn cũng khá mát tay nên Phương Anh mới được như ngày nay. Thế nhưng acoustic vẫn chưa phải là một lối đi thông minh đối với Phương Anh, theo mình nghĩ.

      • Mình hoàn toàn đồng ý với ý kiến về track đầu của 1 CD thì phải thu hút người nghe của bạn beep.forever. Tuy nhiên, thường thì mình lấy tên ca khúc được đặt cho album để nghe trước…

        Về CD Biển Em thì mình nghĩ nó tốt so với mặt bằng chung hiện nay dù chưa phải là một CD hoàn thiện, vẫn có lỗi chung là một màu quá về lối hát lẫn hòa âm. Ý mình chỉ là khen CD có 1 số bài đáng nghe vd: Biển Và Em, Thuyền Giấy…

        Về ý kiến của bạn nsphuoc thì mình hơi khác chút. Huy Tuấn là một nhạc sĩ dung hòa tốt giữa 2 thái cực, nên các ca khúc thường dễ đi vào lòng người hơn. Tuy nhiên, kiểu bài đó thì mình thấy Phương Anh khó mà thoát được cái bóng của Mỹ Linh. Với Anh Quân cũng vậy.

        Về giọng hát và cá tính âm nhạc, mình nghĩ Phương Anh nằm giữa Thanh Lam và Mỹ Linh , nhưng cô ấy vẫn cứ thế, lơ lững không hơn. Nói thật, mình cũng chẳng biết Phương Anh nên đi theo lối nào thì tốt hơn… nhưng nếu cô ấy cứ đi theo những Ngày Em Chờ, Giấc Mơ Của Tôi thì với mình thế là tốt rồi…

        Nói hơi nhiều về Phương Anh thế thôi, chứ ca sĩ mình nghe nhiều nhất là Trần Thu Hà, khâm phục nhất là Mỹ Linh và Thanh Lam, trân trọng nhất là Hồng Nhung và Hiền Thục, khoái nhìn nhất là Hồ Ngọc Hà, iu mến nhất là Lê Cát Trọng Lý nhưng muốn cưới nhất thì chỉ có Phương Vy idol. Đủ 8 cô, hơn Vi Tiểu Bảo chút xíu…

  3. chào chủ Blog!
    cám ơn anh/chú về bài viết rất hay.Nó giúp con có nhìu thông tin ,1 cái nhìn khach quan về dòng nạhc này.thực sự ra con chũng chỉ mới nghe nhạc accoúntic trong 2 năm gần đây,nên cũng không biét nhiều về dòng nhạc này.con chỉ cảm nhận theo đúgn những lời con nghe nhưng cũng phải nói rằng dòng nạhc này mang cho con nhìeu cảm xúc “lạ” và thấm thía…Nó đơn giản là điều con nghĩ.:)

    con muốn hỏi chú 1 câu ngoài lề.vì lúc trước con ko có điều kiện mua đĩa,nên có vài đĩa không còn thấy nữa.Chú có thể chỉ cho con biết chỗ nào chuyên bán đĩa gốc,và có thể tìm vài đĩa cũ của Hà Trần,Quốc Bảo,Lê Cát trọng Lý vol.1(con ko thích vol 2 lắm)

    cuối cùng,con cám ơn chú vì 1 bài viết hay!

    • Bạn ơi, bạn phải cho mình biết là bạn ở đâu đã chứ? Mình đang ở TP. HCM nhưng cũng không rành lắm đâu, bạn ghé Bến Thành Audio (chắc là nhiều) hoặc Uyên (ở Nguyễn Thị Minh Khai) thử, không thì vào các nhà sách siêu thị đôi khi cũng còn đó (vì ít ai mua trong này)

      Còn theo mình biết thì Lê Cát Trọng Lý chỉ mới có 1 đĩa đầu tay thôi bạn ạ.

  4. xin phép trả lời ké 1 chút:
    Lê Lý có ra 1 đĩa đầu tay gồm mấy chục bản ghi bằng vi tính, bán cho khách hàng quen thuộc ở quán cafe, đĩa này đã được đưa lên mạng, có những bài như Chưa ai, Cười adam, Chênh vênh, Nghe tôi kể này … Đĩa này ko phát hành chính thức nên không được xem là vol1 đâu bạn ạ.

    Còn những CD cũ của Hà Trần, Quốc Bảo còn nhiều vô số kể. Chúc bạn mua được đủ bộ nhé.

    • bạn ơi , mình đi tìm album My guitar my friend ở mấy nhà sách lớn cả ngày hôm qua nhưng vẫn không thấy . bạn có thể chỉ mình biết chỗ nào còn bán được không ?

  5. Mình thíc Mộc của Hiền Thục…
    Và mình thích nhất acoustic khi được nghe các ca sỹ hát ngoài đời bên người chơi guitar của họ. Và chắc hẳn không có đĩa nhạc acoustic nào làm được những cảm xúc khi đó

  6. Cám ơn tác giả bài viết rất nhiều.
    Bạn viết tốt và khách quan, công bằng.
    Mình thích acoustic, thích Phương Thanh….

  7. nếu ai thích acoustic việt, hãy nghe thử CD: Phác thảo mùa thu của nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc với tiếng hát của Hoàng Quyên. Chỉ biết miêu tả bằng hai chữ “tuyệt vời”, tòan bộ không gian của mùa thu được miêu tả qua tiếng hát không chê vào đâu được của Hoàng Quyên và Trọng Tấn

    • Em ủng hộ ý kiến về đĩa Phác Thảo Mùa Thu…tiếc rằng bác Đặng Hữu Phúc không hào hứng với việc quảng bá tên tuổi nên ít người tìm nghe nhạc của bác.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Người đua diều (ghi vội)

Tiếp theo

Thế giới nghịch – Michael Crichton

Latest from Âm nhạc