Review phim Claire's Camera của Hong Sang-soo
/

‘Claire’s Camera’ – Ống kính độc đáo của Hong Sang Soo

Bắt đầu
13 phút đọc

Claire’s Camera lấy bối cảnh tại Cannes đúng lúc liên hoan phim diễn ra, như một lời ân Hong Sang Soo dành cho thánh đường điện ảnh Pháp. Nói không ngoa, đây là phim “Hong Sang Soo” nhất trong những phim của Hong Sang Soo.


Hong Sang Soo là một cái tên được ưa chuộng ở các liên hoan phim lớn trên thế giới, nhất là Cannes. Hàng năm những bộ phim của ông luôn được chào đón nồng nhiệt tại đây, dù tham gia tranh giải chính thức hay chỉ công chiếu ở những hạng mục phụ. Tác phẩm thứ hai mươi của Hong Sang Soo mang tên Claire’s Camera, lấy bối cảnh tại Cannes đúng vào lúc liên hoan phim đang diễn ra, như một sự tri ân đặc biệt của đạo diễn xứ Hàn dành cho thánh đường điện ảnh nước Pháp. Nói không ngoa, đây là phim “Hong Sang Soo” nhất trong những phim của Hong Sang Soo.

Phim “Hong Sang Soo” nhất từ trước đến nay

Nội dung của Claire’s Camera xoay quanh hành trình kết thân lạ kỳ của hai nhân vật: Claire (Isabelle Huppert) – một giáo viên lớn tuổi người Pháp nhưng rất yêu nghệ thuật, lặn lội từ Paris sang Cannes để tham dự buổi ra mắt phim của một người bạn; và Man-hee (Kim Min-hee) – một nhân viên tiếp thị phim đến từ Hàn Quốc vừa bị sếp đuổi việc vì cho rằng cô đang dan díu với nhân tình của mình. Từ chỗ không quen biết, Claire vô tình gặp được Man-hee khi đang đi dạo trên bãi biển. Hai người trở thành bạn đồng hạnh của nhau tại Cannes, để rồi liên tục “xoắn” vào nhau bởi những sự trùng hợp hết sức kỳ quặc.

Đây là lần thứ hai Isabelle Huppert xuất hiện trong phim của Hong Sang-soo.
Đây là lần thứ hai Isabelle Huppert xuất hiện trong phim của Hong Sang Soo.

Claire’s Camera là một trong ba dự án phim được Hong Sang Soo đồng loạt giới thiệu trong năm 2017, bên cạnh On The Beach At Night Alone The Day After – cả hai bộ phim đều thuộc thể loại chính kịch (drama) với nội dung hơi buồn bã trong khi Claire’s Camera lại chọn hướng đi hài hước nhẹ nhàng (light comedy) vốn là sở trường của Hong Sang Soo. Tuy nhiên, giữa ba tác phẩm này vẫn có nhiều điểm tương đồng: đều mang hơi hướm tự truyện; nội dung đề cập chuyện ngoại tình, lừa dối trong tình yêu; có sự tham gia của nữ diễn viên Kim Min-hee, được thực hiện khi mối quan hệ giữa cô và đạo diễn đang là tâm điểm của dư luận.

Hai nhân vật: một quen, một lạ

Đây cũng là lần thứ hai Isabelle Huppert cộng tác với Hong sang Soo, sau sáu năm kể từ In Another Country (2012). Ông phải tranh thủ lúc bà đang ở Cannes để quảng bá cho Elle (Paul Verhoeven, 2016) mới có thể mời bà tham gia dự án kỷ niệm này. Vốn được “đo ni đóng giày” ngay từ đầu nên những vai diễn của Huppert trong phim của Hong đều rất thú vị, là nhân tố tạo nên tiếng cười hào sảng cho phim. Trong In Another Country, bà đóng một lúc ba vai: ba người phụ nữ Pháp quốc đến Hàn Quốc để tìm kiếm tình yêu. Bộ phim khai thác sự hài hước thông qua những khác biệt về văn hóa, sự lạ lẫm của người Tây phương nơi đất khách, cũng như thứ tiếng Anh “lạ lùng” của dân bản địa. Đặc biệt, diễn xuất duyên dáng của Isabelle Huppert là điểm nhấn không thể thiếu, là linh hồn của cả bộ phim.

Mặc dù lần này Huppert không phải bay sang Hàn như trước nhưng cảm giác “ở một đất nước khác” vẫn là nguyên vẹn, nhất là khi bà phải làm việc cùng một đội ngũ diễn viên toàn là người Hàn. Tiếng cười trong Claire’s Camera bắt nguồn từ sự hồn nhiên đến lạ của nhân vật Claire. Với máu nghệ sĩ sẵn có, bà luôn mang theo chiếc máy ảnh Polaroid như một người bạn đồng hành. Bà thoải mái chụp bất cứ thứ gì mình thích: một vị đạo diễn Hàn Quốc tình cờ gặp trên đường, một chú chó trong quán cà phê, một cô gái lặng lẽ đứng khóc giữa trời chiều. Lý giải cho những háo hức trẻ thơ ấy, Huppert không khỏi khiến ta bật cười: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Cannes… Thật đấy!”

Nhân vật của Kim Min-hee như bước ra từ phim "On The Beach At Night Alone".
Nhân vật của Kim Min-hee như bước ra từ phim “On The Beach At Night Alone”.

Trong khi đó, vai diễn của Kim Min-hee lại thuộc tuýp nhân vật “kinh điển” trong phim của Hong Sang Soo: cô gái trẻ rơi vào cuộc tình tay ba với một đạo diễn lớn hơn mình nhiều tuổi. Nếu như Claire đại diện cho niềm vui thì Man-hee đích thị là nỗi buồn. Nhân vật này như là hiện thân của cô nàng Young-hee bước ra từ On The Beach At Night Alone. Đáng chú ý, trong một khoảnh khắc đạo diễn cố tình tái sử dụng cảnh quay Man-hee độc bước trên biển để gợi nhắc sự liên kết không chính thống giữa hai bộ phim. Ở khía cạnh này, có thể xem Claire’s Camera như là một phần tiền truyện (prequel) hay hậu truyện (sequel) của On The Beach At Night Alone đều được.

Nhãn quan độc đáo của Hong Sang Soo

Dấu ấn cá nhân của Hong Sang Soo đậm nét đến nỗi chỉ cần lướt qua vài cảnh quay là có thể nhận ra ngay. Claire’s Camera vẫn trung thành với những cú máy dài (long take), những cú “pan” và “zoom”* đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong phim của Hong. Phong cách tối giản về kỹ thuật này có thể dễ dàng “đánh lừa” người xem, che đậy sự phức hợp về nội dung lẫn cấu trúc. Thực tế kể từ thời Hahaha (2010), những bộ phim sau này của Hong thường có cấu trúc rất đặc biệt, không đi theo trật tự thông thường về mặt thời gian, càng không tuân thủ cấu trúc ba hồi kinh điển.

Đỉnh cao của trò chơi cấu trúc mà Hong Sang Soo tự thiết lập chính là Hill Of Freedom (2014) – bộ phim kể về hành trình của một người đàn ông Nhật Bản (Ryo Kase) đến Hàn Quốc để tìm người yêu, với manh mối duy nhất là những lá thư mà cô để lại. Hong Sang Soo xử lý mỗi cảnh quay như là một cuốn phim ngắn, kể về nội dung của một bức thư bất kỳ, rồi cố tình xáo trộn hoàn toàn trật tự của các bức thư, khiến người xem phải tập trung cao độ để dõi theo diễn biến câu chuyện.

"Claire's Camera" đi theo đúng phong cách tối giản mà Hong Sang Soo thiết lập hơn hai mươi năm nay.
“Claire’s Camera” đi theo đúng phong cách tối giản mà Hong Sang Soo thiết lập hơn hai mươi năm nay.

Tương tự, Claire’s Camera không hề đi theo một trật tự nhất định về mặt thời gian. Nội dung phim thực ra chỉ bao gồm những đoạn hồi tưởng (flashback) được xếp chồng lên nhau: cảnh cuối là sự nối tiếp của cảnh đầu khi Man-hee đang dọn đồ rời công ty vì bị sếp sa thải. Giữa cảnh trước và cảnh sau luôn có sự khác biệt: khi Claire quay lại quán ăn để lấy áo khoác, bối cảnh đã hoàn toàn thay đổi (từ chiều tối chuyển thành buổi sáng). Thậm chí, chỉ riêng việc Claire gặp Man-hee cũng được xây dựng từ những góc nhìn trái ngược: Claire kể rằng mình gặp Man-hee trong một khách sạn, nhưng cảnh quay sau đó tái hiện việc hai người gặp nhau trên bãi biển.

Lời châm biếm sâu cay dành cho bản thân

Là người thích đưa chuyện đời mình vào phim ảnh, không có gì ngạc nhiên khi Hong Sang Soo đặt tên nhân vật của Kim Min-hee là Man-hee, còn vị đạo diễn cô yêu là So Wan-soo (nghe giống Hong Sang Soo) – như thể đây là hình ảnh phản chiếu cho mối tình của chính ông. Song, Claire’s Camera vốn không phải là cuốn phim được làm để giải bày về đời tư, mà là lời châm biếm sâu cay Hong Sang Soo dành cho bản thân. Sự tự giễu nhại thể hiện ngay từ trong nhan đề bộ phim: Claire’s Camera gợi nhớ đến tác phẩm nổi tiếng Claire’s Knee của Éric Rohmer – bậc thầy đạo diễn người Pháp mà Hong Sang Soo thường xuyên được đem ra để so sánh về phong cách. Từ “caméra” trong tiếng Pháp chỉ dùng để nói đến máy quay phim (tên tiếng Pháp của phim là La caméra de Claire), nhưng xuyên suốt bộ phim Claire lại dùng máy ảnh, mà lại còn là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư.

Giống như Woody Allen, lời thoại đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong phim của Hong Sang Soo. Thông qua “ống kính của Claire”, Hong Sang Soo không ngừng bộc lộ quan điểm của mình về đời sống, nghệ thuật. Với Claire, bất cứ ai cũng có thể là một nghệ sĩ – dù họ là một đạo diễn có tiếng hay chỉ biết sáng tác một bài hát hết sức vu vơ – nhưng chưa một lần bà tự nhận mình là nghệ sĩ. “Thật khó để làm một bộ phim chân thật. Bạn cần phải chân thật trong cuộc sống, nhưng điều đó chẳng hề dễ dàng”, lời thoại của một nhân vật trong phim chẳng khác gì lời tự sự buồn bã của vị đạo diễn Hàn Quốc về chuyện đời tư của mình.

"Claire's Camera" là lời châm biếm sâu cay mà Hong Sang Soo dành cho chính mình.
“Claire’s Camera” là lời châm biếm sâu cay mà Hong Sang Soo dành cho chính mình.

“Khi tôi chụp ảnh bạn, bạn sẽ không còn cùng là một người nữa”, “hãy nhìn mọi thứ thật chậm rãi một lần nữa” – những câu thoại của nhân vật Claire chính là chiếc chìa khóa quan trọng để thấu hiểu bộ phim. Nói cách khác, có thể xem mỗi cảnh quay của Claire’s Camera như là một câu chuyện ngắn với nội dung tách bạch trong cả một cuốn phim dài. Phim như đời – chính là kim chỉ nam cho cách xây dựng kịch bản của Hong. Mỗi cảnh quay thể hiện một ký ức của các nhân vật; thời gian trôi qua, ký ức không còn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Hệt như lời Claire, khi mỗi thước phim trôi qua, người xem như được gặp những nhân vật hoàn toàn khác, ở những bối cảnh hoàn toàn khác.

Chính vì lẽ đó, dù thời lượng của Claire’ Camera chỉ vỏn vẹn có 69 phút nhưng lại có quá nhiều điều lạ lùng xảy đến trong hành trình của các nhân vật. Một vài tình tiết sẽ là thách thức với những ai muốn hiểu rõ dụng ý của đạo diễn (như việc ông sử dụng bản concerto Winter của Vivaldi để làm nhạc nền trong khi bối cảnh phim lại là mùa hè). Song, chắc chắn Claire’ Camera sẽ là một trải nghiệm thú vị với khán giả yêu điện ảnh – dù chỉ để nhìn thấy chai rượu soju xuất hiện trên đất Pháp, hay là biểu tượng điện ảnh Huppert xuất hiện trong một bộ phim Hàn.

* Đọc thêm các bài viết về Hong Sang Soo ở đây.


Đánh giá: ****1/2 (4,5/5)


Chú thích:
* Pan & Zoom: dịch chuyển ống kính theo chiều ngang, phóng to hoặc thu nhỏ.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Leave a Reply

Your email address will not be published.

Trước đó

‘God’s Favorite Customer’ – Đại dương đơn côi của Father John Misty

Tiếp theo

‘Dirty Computer’: Hành trình Janelle Monáe tìm lại bản ngã

Latest from Điện ảnh