'Minari': Hồi ức đan xen giữa giấc mơ Mỹ và mùi Hàn Quốc
/

‘Minari’: Hồi ức đan xen giữa giấc mơ Mỹ và mùi Hàn Quốc

Bắt đầu
15 phút đọc

Bộ phim Minari kéo người xem trở lại một thời khó khăn của người Hàn kiều trong quá khứ, để nhắc ta cần phải trân trọng gia đình hơn ở hiện tại.

*Bài review phim Minari tiết lộ nội dung tác phẩm.


Lấy bối cảnh năm 1983, Minari là bộ phim bán tự truyện của đạo diễn người Mỹ gốc Hàn Lee Isaac Chung. Kịch bản được anh lấy cảm hứng từ ký ức tuổi thơ, kể về một gia đình Hàn kiều gồm bốn thành viên tìm cách vượt qua khó khăn nơi đất Mỹ.

Minari đan xen giữa phần hình ảnh mơ mộng, âm nhạc êm dịu và nội dung nhuốm màu sắc hoài cổ. Tất cả được lồng ghép khéo léo để lột tả cuộc sống khắc nghiệt của những người Hàn kiều trong quá khứ, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình.

Ý nghĩa sâu sắc giúp Minari giành đến 6 đề cử tại Oscar 2021, bao gồm Phim truyện xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc.

Giấc mơ Mỹ của bố

Chuyện phim bắt đầu khi Jacob Yi (Steven Yeun) dẫn đường đưa vợ con đến ngôi nhà mới. Arkansas, nơi gia đình anh sắp sửa đặt chân tới, là vùng đất vắng vẻ, đồng không mông quạnh, khác hẳn sự tấp nập của phố thị California nơi họ từng sinh sống. Vợ anh, Monica (Han Ye-ri), lái xe chở hai đứa con theo sau chồng với ánh mắt hoang mang, lo ngại cho tương lai phía trước.

Mái ấm mà Jacob chuẩn bị cho gia đình thực chất chỉ là một căn nhà tạm bợ (trailer). Cậu bé David (Alan Kim) và chị gái Anne (Noel Kate Cho) háo hức khi lần đầu trông thấy một ngôi nhà có bánh xe, trong khi mẹ chúng tỏ ra không hài lòng. “Đây đâu phải là điều anh hứa”, Monica nói với chồng rồi tìm cách leo vào nơi ở không có nổi một bậc thang.

Minari là câu chuyện về một gia đình Hàn Quốc nhập cư tới Mỹ vào thập niên 1980. Ảnh: A24.
Minari là câu chuyện về một gia đình Hàn Quốc nhập cư tới Mỹ vào thập niên 1980. Ảnh: A24.

Cuộc sống mới không hề dễ dàng ngay từ những đêm đầu tiên, bởi căn nhà có thể bị cuốn bay bất cứ lúc nào mỗi khi bão ập tới. Tín hiệu truyền hình chập chờn, đèn điện chớp bật chớp tắt, hai vợ chồng nhanh chóng phát sinh mâu thuẫn.

Những đứa trẻ thì tỏ ra quen với việc người lớn cãi nhau. Chúng chạy vào phòng để gấp những chiếc máy bay giấy ghi dòng chữ “don’t fight” (đừng cãi lộn) rồi phóng về phía bố mẹ.

Monica không tài nào cảm thông với chồng, nhất là khi nơi ở cách bệnh viện hơn một tiếng đồng hồ chạy xe, trong khi căn bệnh tim đang đe dọa David mỗi ngày.

Song, với Jacob, đây chính là mơ ước và hoài bão. Để có được căn nhà, anh và vợ đã phải dành dụm từng đồng suốt cả chục năm trời bằng nghề soi lỗ huyệt gà. Giấc mơ của Jacob còn lớn hơn thế. Anh muốn biến mảnh đất cằn cỗi trở thành một khu vườn rộng lớn, để trồng rau củ và cung cấp thực phẩm cho những người đồng hương.

Mùi Hàn Quốc của bà

Sau nửa tiếng đầu, Minari đưa người xem tiến sâu hơn vào câu chuyện gia đình Jacob bằng sự xuất hiện của bà ngoại Soon-ja (Youn Yuh-jung).

Phần lớn hình ảnh người bà được kể lại thông qua góc nhìn hồn nhiên của David. Người phụ nữ lạ mặt đập tan mọi định nghĩa của cậu bé 5 tuổi về bà ngoại. “Bà trông không giống bà”, David ngây thơ nhận xét.

Bà ngoại Soon-ja mang đến cho David món thuốc tự nấu với vị đắng kỳ lạ, không giống những viên thuốc bé xíu cậu hay uống. Bà không biết nấu ăn, không biết làm bánh cookie, nói tiếng Mỹ không sõi bằng David.

Sự xuất hiện của người bà gợi lên "mùi" Hàn Quốc cho cả gia đình David lẫn người xem. Ảnh: A24.
Sự xuất hiện của người bà gợi lên “mùi” Hàn Quốc cho cả gia đình David lẫn người xem. Ảnh: A24.

Trái lại, bà ngoại liên tục chửi thề, chỉ thích chơi bài và ngáy rất to khiến David không thể nào ngủ được. Bà còn tỏ ra đáng ghét khi muốn dành cả món ăn sáng được kết hợp giữa chuối và phô mai mà cậu tự nghĩ ra.

Trên tất cả, điều ấn tượng nhất của David về bà chính là thứ mùi gợi nhớ Hàn Quốc – đất nước cậu chưa bao giờ đặt chân đến.

Nếu giấc mơ Mỹ của Jacob là một hình ảnh mông lung, thì mùi Hàn của Soon-ja là thứ khán giả dễ dàng “ngửi” thấy được. Món quà bà tặng cho con gái là hai túi bột ớt và cá cơm – điều cô không thể tìm thấy tại nơi đất khách quê người.

Món quà Lee Isaac Chung tặng những người Hàn kiều lại là cả một bầu trời ký ức. Trong một cảnh quay, bà ngoại Soon-ja ngồi trước chiếc TV bé xíu hình vuông, vừa ăn kim chi, vừa nghe một ca khúc tiếng Hàn mà Monica rất thích khi còn nhỏ. Giai điệu bài hát sau đó lan tỏa khắp vùng quê Arkansas, rồi vang vọng đến những góc phố chìm trong ánh đèn vàng của Dallas.

“Bọn chúng đến Mỹ rồi quên tiệt hết mọi thứ”, bà tuyên bố.

Cuộc sống Hàn kiều nơi đất Mỹ

Không chỉ xúc động bởi tình cảm gia đình, Minari còn ấm áp bởi tình người.

Nước Mỹ của thập niên 1980 luôn dang rộng vòng tay chào đón những người nhập cư như gia đình Jacob. Khi họ đến nhà thờ, không một ai tỏ vẻ phân biệt với những người có màu da khác. Vị cha xứ niềm nở gọi họ đứng dậy để giới thiệu với mọi người. Thậm chí, những người bạn mới còn hứa hẹn dạy Monica học tiếng Anh trong tương lai.

Bộ phim khắc họa những khó khăn của cộng đồng Hàn kiều tại nước Mỹ. Ảnh: A24.
Bộ phim khắc họa những khó khăn của cộng đồng Hàn kiều tại nước Mỹ. Ảnh: A24.

Cộng đồng Hàn kiều thì ngược lại. Không một ai hân hoan chào đón vợ chồng Jacob và Monica khi họ đến nơi làm việc mới. Những người đồng hương ném cho bộ đôi những ánh nhìn mệt mỏi và lo sợ cho tương lai phía trước.

Cuộc sống khó khăn khiến cho người Hàn mất dần đi đức tin vốn có. “Người Hàn quanh đây đều rời thành phố với cùng một lý do. Họ muốn thoát khỏi mấy cái nhà thờ Hàn Quốc”, một nữ đồng nghiệp chia sẻ với Monica.

Những nét văn hóa Hàn, Mỹ được Lee Isaac Chung lồng ghép một cách tinh tế qua từng chi tiết nhỏ. Ngay cả kịch bản phim do anh viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng có đến 70% lời thoại là tiếng Hàn.

Nước Mỹ gắn với ký ức tuổi thơ hai chị em David là chai nước thần kỳ Mountain Dew màu xanh lá. Đó là thứ đồ uống mà người ta quảng cáo là “lấy từ núi” và “rất tốt cho sức khỏe”.

Nước Hàn ẩn sâu trong trái tim Monica là món kim chi mà dù sống ở nơi heo hắt, cô phải tìm cách làm bằng được để đãi mẹ khi bà đến ngoại quốc lần đầu.

Minari – Hồi ức tươi đẹp và buồn bã

Giống như hơi thở thoi thóp của David, Minari bóp nghẹt trái tim của người xem bằng những hồi ức tươi đẹp và buồn bã về thập niên cũ. Đó là thời điểm mà cả Jacob lẫn Monica vẫn phải sống trong những định kiến về truyền thống gia đình của xã hội phương Đông, dù đang ở một đất nước phương Tây.

Ở một cảnh phim, David được bố dạy cho bài học đầu đời về nam tính (masculinity). Nếu giống đực không giúp đỡ được cho gia đình, họ sẽ bị xã hội vứt bỏ như những chú gà trống vô dụng.

minari giac mo my 4
Theo dõi Minari, người xem có cảm giác đang đọc những trang nhật ký tươi đẹp, nhưng phảng phất màu buồn bã. Ảnh: A24.

Sức ép của người con trưởng đè nặng lên vai Jacob, khiến anh phải còng lưng gánh vác số phận gia đình lớn lẫn gia đình nhỏ. Ngay khi David còn chưa được vào trường học, Jacob đã tìm cách truyền tư tưởng ấy cho con trai. “Nên cả bố và con phải cố gắng hữu ích”, anh nói.

Lối suy nghĩ của Jacob ảnh hưởng nhiều đến David. Cậu bé bắt chước bố từ dáng đi cho đến cách chống tay. Chẳng cần biết “giấc mơ Mỹ” là gì, David vẫn tự tin tuyên bố với mẹ: “Con sẽ sống ở đây cho đến lúc chết”.

Jacob mơ mộng bao nhiêu, thì Monica thực tế bấy nhiêu. Song, cô gần như không có tiếng nói trong gia đình.

Monica đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Á Đông cam chịu. Xuyên suốt bộ phim, ánh mắt cô chưa bao giờ giấu nổi vẻ buồn bã và mệt mỏi. Như có một gọng kìm vô hình, người vợ chỉ biết lẳng lặng nghe theo lời chồng, dù giấc mơ của anh chưa chắc đã là điều cô hướng đến.

Chỉ đến những khoảnh khắc cuối cùng, giọt nước mắt mới thực sự tuôn rơi trên khuôn mặt Monica. Cô buồn bã thú nhận rằng mình đã mất hết niềm tin ở người chồng. “Em không thể tiếp tục được nữa”, cô nói.

Dù ở đâu, chúng ta là một gia đình

Khi đặt chân đến một vùng đất hoàn toàn mới như Mặt Trăng, Neil Armstrong đã nghĩ gì?

Đạo diễn Damien Chazelle từng trả lời câu hỏi đó thông qua bộ phim tiểu sử First Man (2018). Khoảnh khắc phi hành gia nổi tiếng bước xuống hành tinh xa lạ, tâm trí đưa anh ngược lại Trái Đất. Những ký ức về con gái quá cố thôi thúc Armstrong sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về bên gia đình.

Khác với Neil Armstrong, cả Jacob lẫn Monica đều không có ý định quay lại Hàn Quốc dù chỉ một lần. Họ luôn cố gắng bám trụ ở nước Mỹ, bởi một lý do duy nhất là gia đình.

Hai tiếng “gia đình” giúp các thành viên trong nhà luôn giữ chặt lấy nhau mỗi khi giông bão kéo đến. Ở đầu phim, David tỏ ra xa cách và e ngại với bà ngoại. Đến cuối phim, cậu bé bất chấp căn bệnh tim hiểm nghèo, dốc hết sức lực chạy theo để gọi bà về nhà.

Cái nắm tay của David chính là một lời công nhận ngầm, bởi không biết từ lúc nào, bà ngoại đã là một phần không thể thiếu trong trái tim cậu.

Youn Yuh-jung nhận đề cử Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhờ vai người bà trong Minari. Ảnh: A24.
Youn Yuh-jung nhận đề cử Oscar cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhờ vai người bà trong Minari. Ảnh: A24.

Cảnh quay tiếp theo sẽ khiến những ai đồng cảm phải ứa nước mắt: các thành viên trong nhà Jacob nằm ôm lấy nhau trong phòng khách – nơi từng xảy ra biết bao trận cãi vã. Đó cũng là không gian chung quen thuộc của những gia đình châu Á, từng xuất hiện không biết bao lần qua những thước phim của Ozu hay Kore-eda.

Sau cơn mưa trời lại sáng, những chồi non minari bé nhỏ mà bà ngoại gieo trồng lại càng nở rộ, bám chặt lấy đất mẹ. Hình ảnh biểu tượng được sử dụng làm tên phim vốn là một loài thảo mộc với nhiều công năng, dễ mọc dù ở mảnh đất khô cằn nhất. Nó tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của những người Hàn kiều, dù khó khăn đến mấy vẫn cố gắng trụ chân ở nước Mỹ xa xôi.

Minari – hình ảnh khép lại bộ phim – không phải là cái kết, mà chỉ là khởi đầu.

40 năm trôi qua, liệu David có còn đội chiếc mũ đỏ của bố, để tiếp tục gieo giấc mơ ở đâu đó trên nước Mỹ? Liệu chị gái Anne có mạnh mẽ hơn mẹ khi trưởng thành, để đứng lên tranh đấu cho tiếng nói của phụ nữ trong xã hội?

40 năm trôi qua, có lẽ bà ngoại Soon-ja không còn trên cõi đời, hay thậm chí cả Jacob hay Monica. Song, bất chấp thời gian, những mầm cây minari của bà sẽ mãi bám rễ và tươi tốt, như cái cách bộ phim của Lee Isaac Chung bám chặt vào tâm trí người xem.


Đánh giá: **** (4/5)


Thông tin:

  • Tác giả đặt bài viết trong mục Phim Châu Á vì phần lớn lời thoại và diễn viên là người Hàn Quốc, nhưng đây là một bộ phim Mỹ.
  • Tại Oscar 2021, phim Minari nhận 6 đề cử, Youn Yuh Jung thắng giải “Nữ phụ xuất sắc”.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘Dương quang phổ chiếu’ – sự đè nén dưới ánh Mặt Trời

Tiếp theo

‘Another Round’ – Lăng kính cuộc đời nhìn qua đáy chai

Latest from Điện ảnh