Những tâm sự hài hước, cay đắng của Frédéric Beigbeder về gia đình lần lượt hiện ra qua từng trang sách, đan xen với thực tại khi ông bị nhốt trong xà lim đưa người đọc đến gần hơn với một Beigbeder đầy ưu tư, trái ngược với hình ảnh tay chơi thường thấy.
Xuất bản tiểu thuyết đầu tiên, Hồi ký một thanh niên không yên ổn, ở tuổi hai mươi bốn, nhưng phải hai mươi năm sau, đến tận khi “tôi già hơn cụ của tôi”, Frédéric Beigbeder mới chính thức bắt tay vào viết câu chuyện kể về bản thân mình, về lịch sử gia đình mình, từ ông cụ là “một hiệp sĩ sùng đạo đã bị đóng đinh thập giá lên đám dây thép gai ở Champagne” cho đến người anh trai “được phong tước hiệp sĩ Bắc đẩu bội tinh”.
Nói là chính thức cũng bởi trong các tác phẩm trước, Beigbeder toàn sử dụng một thế thân, chẳng hạn như với bộ ba tiểu thuyết đầu tay, Beigbeder đóng vai Marc Marronnier là một tay chơi ngoại hạng chẳng thua kém tác giả ngoài đời. Nhưng trong cuốn tiểu thuyết/tự truyện mới nhất của mình, Một tiểu thuyết Pháp, Beigbeder lại chính là Beigbeder, có điều tay chơi nay không còn được tự do bay nhảy ở các hộp đêm hay những bữa tiệc của giới thượng lưu nữa mà bị tổng thắng vào trong xà lim chỉ vì cái tội xài ma túy giữa đường giữa xá.
Có thể thấy rõ rằng khi tuổi tác tăng lên thì mức độ huênh hoang, hợm hĩnh của một tay chơi trong văn chương của Beigbeder có phần bớt đi (hay là vì đã từng nói đến quá nhiều), tuy vậy cái giọng văn hài hước đặc trưng thì vẫn không thay đổi. Tác giả so sánh sở cảnh sát với nhà trẻ một cách đầy mỉa mai: “người ta cởi quần áo cho bạn, người ta cho bạn ăn, người ta theo dõi bạn, người ta không cho bạn ra ngoài” (tr. 30). Rồi cũng từ “cái nhà trẻ” đó, Beigbeder bắt đầu lần tìm lại những mảnh vỡ ký ức đã bị thất lạc, để trả lời cho câu hỏi làm thế nào mà từ một thằng con út rụt rè mỗi lần thấy gái là đỏ mặt lại có thể trở thành nhà văn Beigbeder nổi tiếng kiêm tay chơi sành sỏi như ngày nay.
Tác giả tuyên bố: “Tôi kinh tởm các trò thanh toán trong gia đình, những tiểu sử tự thuật quá mức phô trương, những thứ phân tâm học giả trang thành sách và giặt đồ bẩn chỗ công cộng” và giễu cợt Mauriac vì ở đầu cuốn Hồi ký nội tâm khi nói đến gia đình đã “tự hy sinh” như sau: “Tôi sẽ không nói về tôi, để không phải tự kết án mình đến gia đình”. Tuyên bố thẳng thừng như vậy đồng nghĩa với việc sẽ phải bắt mình viết một cuốn tự truyện không hề liên quan đến gia đình. Vậy mà sau đó, ông có đôi chút chạnh lòng: “Tại sao tôi lại không có được cùng một sức mạnh như vậy để câm lặng? Một chút phẩm giá có thể có được chăng khi mà người ta cứ tìm cách biết mình từ đâu đến? Tôi cảm thấy mình sẽ phải mang tới đây nhiều người thân, còn sống hoặc đã chết (tôi đã bắt đầu). Những con người được yêu mến này không đòi hỏi được có mặt trong cuốn sách này cũng như không muốn ở trong một cuộc bố ráp”. Rồi cuối cùng quyết định “mỗi người sở hữu một sự thật của mình; ngay lập tức hay nói cho rõ rằng cuốn truyện này sẽ chỉ trưng bày một mình tôi” (tr. 55 – 56).
Tất nhiên là trong cuốn truyện này sẽ không chỉ “trưng bày một mình tôi” bởi Beigbeder cực kỳ giỏi trong việc phủ định chính mình. Mở đầu cuốn sách thứ ba về Marc Marronnier, ông đưa ra luận đề “Tình yêu kéo dài ba năm” và dành gần hết các phần để chứng minh luận đề đó. Đến phút thứ tám chín, tác giả lật ngược thế cờ bằng một vài con chữ, bởi dĩ nhiên là tình yêu không kéo dài 3 năm, và ông sung sướng vì mình đã nhầm.
Cũng như vậy, đọc Một tiểu thuyết Pháp mới thấy rằng Beigbeder dành những trang sách để nói về gia đình mình còn nhiều hơn cả bản thân, mặc dù nhà văn tự nhận mình mắc chứng quên và có một gia đình không hoàn hảo. Bố mẹ ly dị khi vừa lên ba, Beigbeder sống cùng mẹ là người chuyên dịch các tiểu thuyết ướt át và anh trai lớn hơn mình một tuổi rưỡi trong những căn hộ không cố định. Bố ông, trái lại, “sống trong một căn hộ hai tầng lộ xà nhà và lót sàn bằng thảm lông dài màu trắng”, điều hành một văn phòng Mỹ trong ngành “headhunter”, “đi vòng quanh thế giới mỗi năm bốn lần”. Hai đứa con trai chỉ được đến thăm bố trung bình một kỳ cuối tuần mỗi tháng. Tuy vậy, chính những bữa tiệc cocktail cuối tuần cùng bầu không khí kém kỷ luật ở nhà bố lại ảnh hưởng rất lớn đến phong cách tay chơi sau này của Beigbeder và ông cũng thừa nhận rằng bố và anh trai là “hai người đàn ông của đời mình”.
Bản thân từng trải qua hai cuộc hôn nhân đỗ vỡ, tác giả cho rằng cuộc đời mình cũng có đầy chuyện để kể hệt như một cuốn tiểu thuyết Pháp. Ông dửng dưng định nghĩa gia đình “là một loạt trò khổ sai, một đám những con người biết bạn từ quá sớm, trước khi các bạn chưa xong xuôi được gì – những người cũ lại là những người có vị trí tốt nhất để biết rằng bạn vẫn chưa xong xuôi được gì” (tr. 57) và cho rằng mục đích chính của gia đình “là để chia tách với nhau”. Bằng trải nghiệm của chính mình, Beigbeder giúp cho độc giả thấy được mặt trái của hôn nhân cùng những hậu quả của nó đối với con trẻ. Tuy nhiên, ông cũng thổ lộ: “tôi không có chút đánh giá đạo đức nào đối với cuộc ly dị của bố mẹ tôi, vì đến lượt mình tôi cũng đã bắt thế hệ sau tôi phải gánh chịu điều y hệt” (tr. 217).
Những lời kể chân thật về hai dòng họ nội ngoại cùng những tâm sự đôi khi hài hước mà cũng rất cay đắng về cuộc chia tay của bố mẹ, về người anh trai hoàn toàn trái ngược với mình và cả đứa con gái độc nhất lần lượt hiện ra qua từng trang sách, đan xen với thực tế không mấy hay ho của một nhà văn nổi tiếng đang bị nhốt trong xà lim đưa người đọc (hay chính tác giả) đến gần hơn với một Frédéric Beigbeder cũng đầy nỗi niềm ưu tư trái ngược với hình ảnh tay chơi thường thấy. Cuốn tiểu thuyết, vì vậy, khi vừa mới ra đời vào năm 2008, đã giành được nhiều thiện cảm từ giới phê bình lẫn độc giả, đem lại cho nhà văn giải Renaudot danh giá.
🙂 Thì ra bạn có đọc Beigberder rồi nhưng chưa có “rate” thôi 🙂 Cuốn xuất sắc nhất mình nghĩ là 99F, cuốn hài hước nhất là Tình yêu kéo dài 3 năm, cuốn sâu sắc nhất đang phân vân giữa Cửa sổ trên tháp đôi và Một tiểu thuyết pháp 😉 Chưa biết xếp loại thế nào. Nhưng nhìn chung mình thích những tác phẩm của Beig 🙂