Địa Đàng 2 review - Nguyên Hà
Địa Đàng 2 review - Nguyên Hà
/

‘Địa đàng 2’: Nguyên Hà ru ta vào những dịu dàng

Bắt đầu
8 phút đọc

Địa Đàng 2 với những sáng tác mới của nhạc sĩ Quốc Bảo trở nên dịu dàng quá đỗi qua giọng hát mềm như nhung của Nguyên Hà.


Trước khi Địa Đàng (2012) ra đời, Nguyên Hà vẫn còn là một gương mặt xa lạ trên thị trường âm nhạc. Song, đối với khán giả yêu nhạc Quốc Bảo nói riêng, ít nhiều đã biết đến cô với cái tên Nguyễn Hà qua bản thu âm ca khúc Tàn phai (2010) mà cô hát mộc chỉ với đàn guitar.

Giọng hát mềm mại, ấm áp, dễ chiếm được cảm tình của người nghe, nhanh chóng gây được sự chú ý của chính tác giả. Kết quả, hai năm sau Địa đàng ra đời, và hai năm sau nữa là Địa đàng 2. Nhưng chỉ nên xem hai đĩa Địa đàng là tuyển tập các ca khúc của Quốc Bảo do Nguyên Hà thể hiện, chứ không phải là một concept album có ý tưởng rõ ràng.

‘Địa đàng 2’ – Nơi Một Bến Hồng…

Nếu Tàn phai, theo chia sẻ của Quốc Bảo, là “đã tiết chế, giấu kín, gói gọn cảm xúc rồi”, thì đến đĩa Địa đàng anh lại tìm cách bung hết ra. Nhạc sĩ sử dụng những câu chữ từ hoa mỹ (Địa Đàng, Duyên) cho đến đơn giản (Tôi yêu em) để ca ngợi một tình yêu vừa chớm nở. Đáng tiếc vì thế, Địa đàng mắc phải một cố tật của Quốc Bảo: quá ngọt ngào.

Độ ngọt trong giọng hát Nguyên Hà vốn đã đủ, nay lại như mật rót thêm đường bởi ca từ của nhạc sĩ. Những bài buồn như Hoàng Hoa, Đừng Xôn Xao, hay hai bài Ru ở cuối đĩa không hiệu quả bằng những bài vui. Bản phối sử dụng nhiều dương cầm, vĩ cầm nặng nề, trong khi Nguyên Hà vẫn trung thành với cách hát dịu dàng, đơn giản của mình, khiến cho đĩa nhạc bị kìm lại trong một không gian gò bó nhất định, thay vì trở thành một vườn địa đàng bay bổng, mơ màng.

Chính thức phát hành vào ngày 17/7 năm nay, Địa đàng 2 tiếp nối với mười một ca khúc mới, vẫn có những điểm sáng nhất định của riêng mình và đã phần nào lấp đi được những hạn chế cũ. Đĩa bắt đầu bằng một đoản khúc dài hơn hai phút. Nơi một bến hồng không còn hân hoan, vui sướng như Địa đàng mở màn đĩa trước. Trong giây phút chuếnh choáng cơn say, tác giả nhìn thấy bóng hình người yêu chợt quay về. Niềm vui hoà chung nước mắt, không rõ là thực hay ảo, anh chỉ biết vội vã ôm nàng vào lòng. “Tình ấm thân an đã là vui, là ơn phúc vô lượng…”

Hình ảnh ca sĩ Nguyên Hà và dự án Địa Đàng 2.
Hình ảnh ca sĩ Nguyên Hà và dự án Địa Đàng 2.

Sở dĩ Địa đàng không giống concept album (album có ý tưởng) vì được chắp nối từ nhiều bài hát được sáng tác ở những giai đoạn khác nhau. Đến Địa đàng 2, Quốc Bảo đã cố gắng sắp xếp các bài hát thành một câu chuyện nhất định. Giọng tình, Ru 4 Ru 7 kéo dài mạch cảm xúc trước đó, đều là những bài hát được sáng tác trong đêm mưa buồn. Trong đó, Giọng tình có giai điệu dễ nghe, nhưng lời hát lại có chút khiến ta rùng mình. Còn nhớ ở Hoàng Hoa, Quốc Bảo từng viết “bài ca tươm máu, ca thêm ra gì”, đến nay lại so sánh “tiếng hát” với “tiếng ma”, rồi tạo thành một vòng luẩn quẩn không tìm ra lối thoát, đành đau đớn giữ trong lòng.

Hai bài Ru liền kề được rút từ loạt chín bài hát ru của tác giả. Ru 4 là tâm trạng chán chường khi tình yêu vừa chấm dứt, ru mình nhiều hơn là ru người. Thậm chí, lời hát còn có chút trách móc (“Mới một ngày đã quên ngay hình dung cũ”). Trái lại trong Ru 7, nhạc sĩ không thèm ngắt nhịp mà để nguyên một câu dài, như thể lời hát bất chợt tuôn ra từ tim, không tài nào kìm chế được. Giờ thì hình bóng người yêu đã hiện ra ở khắp nơi trước mặt, thậm chí hóa thành cả cơn mưa, mà anh vẫn không thể chạm đến. Có thể nói, Địa đàng 2 là đĩa nhạc mà Quốc Bảo sử dụng hình ảnh mưa nhiều nhất (hình ảnh cơn mưa còn thoáng xuất hiện trong Thì Ta YêuEm Sẽ Ở Mãi Bên Anh).

Lòng thì từ tâm mà đời
thì còn bất an

Hai ca khúc tiếp theo là sự sắp đặt đối xứng có chủ định của nhạc sĩ. Một bài hát có nhan đề lẽ ra vui (Tình ngây ngất tình) thì lại được phối chậm rãi với guitar chủ đạo, không gian lắng đọng. Còn một bài hát có nhan đề lẽ ra buồn (Bài hát buồn trong mưa), lại được phối nhịp nhàng, mở đầu bằng trống và guitar tươi vui. Một bài bất cần (“Thì mưa thêm hay không cũng vậy thôi”), một bài tha thiết (“Này mắt sao khuê nhìn anh nữa đi”), nhưng thực tế, cả hai vẫn chỉ chắp nối cơn mơ từ đầu đến giờ.

Riêng Ta như trăng hồng Những ngày xôn xao là hai ngoại lệ trong đĩa. Những ngày xôn xao được phối theo phong cách pop thập niên 90, không khác một bản nhạc phim là bao. Nội dung kể về một người con gái tìm về mái trường mến yêu nhưng không làm sao trở lại được ngày xưa cũ. Giai điệu không có gì đặc biệt ngoại trừ tiếng sóng được đặt ở cuối bài hát, khá đắt.

Trong khi đó, Ta như trăng hồng là một ca khúc mang âm hưởng ca dao dân ca, được phối theo phong cách bossa nova, kết hợp guitar, piano với đàn dây. Cách Nguyên Hà xử lý bài này vẫn theo kiểu thảnh thơi, từ tốn, nhưng nghe rất thú vị.

Bìa album "Địa đàng 2" của Nguyên Hà
Bìa album “Địa đàng 2” của Nguyên Hà.

Địa đàng 2 kết thúc bằng Thời khắc dàiEm Sẽ Ở Mãi Bên Anh, để nhắc ta rằng chủ đề chính của Địa đàng vẫn là tình yêu. Hai bài này và Thì ta yêu là những bài kém thú vị nhất đĩa nhạc khi quay trở về công thức viết pop quen thuộc của Quốc Bảo, với điệp từ sử dụng nhiều lần, và giai điệu lặp đi lặp lại.

Nghe qua hai đĩa Địa đàng, thấy rằng Nguyên Hà hát đĩa sau mượt hơn đĩa trước. Âm nhạc trong Địa đàng 2 cũng tiết chế và dễ nghe hơn đĩa trước. Có lẽ theo thời gian, Quốc Bảo đã tìm được cách thích hợp để mài dũa và sử dụng giọng ca Nguyên Hà một cách hợp lý. Tuy nhiên, cách xử lý của nữ ca sĩ vẫn chỉ dừng lại ở mức an toàn, không có điểm gì mới hay nổi bật. Hơn nữa, cách đặt tên Địa đàng 2 sẽ khiến nhiều người hiểu lầm, rằng đây chỉ là một sản phẩm ăn theo.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

‘A Touch Of Sin’: Chạm đáy tội ác

Tiếp theo

‘Nobody’s Daughter Haewon’: một cuộc tình vụng trộm

Latest from Âm nhạc