Placeholder Photo

Đọc tiếp Người trong bóng tối

Bắt đầu
8 phút đọc

Owen Brick, gã đàn ông sắp bước sang tuổi 30, một ảo thuật gia, “lên giường với vợ ở New York, làm tình, rồi ngủ, và khi tỉnh dậy thì lại đang nằm dưới một cái hố ở giữa một nơi vô định khốn khiếp nào đó, mặc một bộ quân phục mắc dịch” (tr. 51). Điều duy nhất hắn có thể chắc chắn là đây không phải một giấc mơ và ngoài kia súng ống, lựu đạn đang nổ vang trời.

Với màn khởi đầu đầy hào hứng và hấp dẫn không thua kém Mất tích hay Vượt ngục, Paul Auster thừa sức để biến cuốn sách của mình trở thành một tác phẩm đồ sộ. Thay vì vậy, ông lại để cho câu chuyện mang màu sắc giả tưởng trên cái nền chiến tranh này diễn ra rất nhanh chóng và gọn ghẽ.

Chẳng bao lâu sau đó, Brick biết được mình đang có mặt trong một thế giới khác song song với thế giới hắn đang sống. Vẫn là nước Mỹ đấy, nhưng chưa từng xảy ra sự kiện 11/9 và cũng không hề có chiến tranh Iraq, trái lại đối diện với một sự thật kinh hoàng: nội chiến. Trong cái thế giới này, hắn trở thành trung sỹ Brick, được giao nhiệm vụ đi tìm và giết một nhà văn tên là August Brill – kẻ đã kiến tạo ra cuộc nội chiến ở đây bằng trí tưởng tượng của mình (có vẻ mang hơi hướm của Kẻ hủy diệt).

Không nên quá tập trung vào Brick bởi hắn không phải là nhân vật chính của chúng ta (và số phận của hắn cũng sẽ được định đoạt sớm thôi). Người cần phải nói đến là August Brill, nhà văn 72 tuổi đã từng đoạt giả Pulitzer, sống cùng con gái 47 tuổi và cháu gái 23 tuổi đều đang trong tình trạng chăn đơn gối chiếc. Bị tai nạn phải ngồi xe lăn, hàng ngày Brill đối diện với chính mình trong bóng tối qua những đêm mất ngủ và để giết thời gian, nghĩ ra một gã Brick nào đấy, vứt gã xuống một cái hố rồi bắt đầu thay gã quyết định cuộc đời.

Cốt truyện đơn giản vậy thôi, nhưng Auster đã làm cho ranh giới giữa thực và ảo trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Người đọc thực sự tin rằng câu truyện sẽ kết thúc khi Brick kết liễu Brill và đem lại hòa bình cho thế giới (ảo/thực). Công bằng mà nói, cái ý tưởng thế giới song hành vốn cũ rích và được xào đi xào lại quá nhiều lần nên Auster đã chính xác khi không đi vào đào sâu khai thác chủ đề này cũng như phát triển nhân vật Brick thêm nữa. Tuy nhiên, độc giả thì vẫn cứ thấp thỏm chờ đợi điều gì tiếp theo sẽ xảy đến với số phận Brick và cũng có chút tiếc nuối vì quyết định của tác giả.

Ngược hẳn lại với tuyến nhân vật Brick rất nhiều adventure và có phần action là Brill, chìm đắm trong giọng văn trầm buồn đầy chất tự sự của tác giả. Người đàn ông đang sống những giây phút cuối đời này nghĩ ra một câu truyện ảo tưởng để quên đi thực tại (đáng chú ý là lại ép cho nhân vật ảo ấy đi giết chính mình) nhưng càng chạy trốn bao nhiêu thì lại càng nhận ra rằng mình bất lực bấy nhiêu.

Có vẻ như Auster đã đưa vào câu chuyện của mình khá nhiều vấn đề để có thể bàn tới, tuy vậy lại không đi sâu vào làm rõ từng vấn đề mà chỉ nêu ra vậy thôi khiến cho chẳng có cái nào đi được đến nơi đến chốn cả.

Dễ dàng thấy được điều đầu tiên Auster muốn đề cập đến chính là chiến tranh cũng như những hậu quả khôn lường mà nó đem lại: “Chuyện chiến tranh. Cứ mất cảnh giác một tí thôi là chúng ào đến, từng trận một, từng trận một” (tr. 146). Đề tài quen thuộc này được August điểm qua bằng những câu chuyện nho nhỏ mà Brill kể lại, từ cái chết của người điệp viên hai mang cho đến cuộc hành quyết dã man của nữ tù nhân ngoài hai mươi tuổi…

Nhưng cuộc chiến thực sự lại chính là cuộc chiến giữa Brill với bóng tối, vẫn diễn ra hằng đêm trong căn phòng nhỏ của mình. Bóng tối đeo bám tâm trí Brill bấy lâu nay chính là cái chết của người vợ yêu dấu và của Tidus, bạn trai cháu gái mình. Ở tuổi 72, Brill nhìn lại những sai lầm đã mắc phải trong cuộc đời mình cũng như cuộc sống hiện tại của con và cháu mình, Katya.

“Katya tự đổ tội cho mình vì những gì đã xảy ra, cho rằng nó đã can dự vào mọi biến cố dây chuyền cuối cùng đã dẫn đến cái chết của Tidus” (tr. 204). Cũng giống ông mình, Katya hàng ngày chìm đắm vào những bộ phim để quên đi cái chết của Tidus. Người chết thì đã chết rồi, còn người sống thì cũng chẳng sống yên (tự dưng làm nhớ tới Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng). Và cái thông điệp mà Auster muốn gửi gắm cũng đơn giản thôi: “Thế giới kỳ dị này vẫn trôi lăn tiếp tục”. Riêng tôi nghĩ rằng, cũng như Brill và Katya, sẽ phải mất một thời gian khá dài độc giả mới có thể quên được cái chết của Tidus.

Tóm lại, có thể xem một nửa cuốn sách là hành trình của Brick và nửa còn lại là hồi ký ngắn của Brill. Đáng buồn, điểm nhấn thú vị duy nhất mà người đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách này lại thuộc về những bình luận điện ảnh giữa hai ông cháu Brill, chiếm lấy vỏn vẹn vài trang sách ít ỏi. Còn hầu như giọng kể đều đều của Brill (hay chính Auster nhập vai xuất sắc) khiến cho mạch văn trở nên dài lê thê và có phần buồn tẻ dù chẳng có nhiều tình tiết cho lắm. Âu cũng dễ hiểu, vì ít có người trẻ tuổi nào mà thấy hào hứng khi nói chuyện với một lão già 72 tuổi trong hàng giờ đồng hồ.

 

Ngoài lề:

1/ Mua cuốn sách từ năm 2008 chỉ để thử cái cảm giác cầm sách trên tay cùng lúc với người Mỹ như thế nào, nhưng thực ra thì chả có gì đặc biệt. Bây giờ người Việt mình còn được xem phim chiếu rạp trước người Mỹ cơ mà. Mất ba năm để đọc xong.

2/ Nhân vật Tidus được đặt tên theo con trai của danh họa Rembrandt. Ông đã vẽ hai bức tranh cho con mình, một còn nhỏ và một đã lớn. Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi sẽ chọn gì nếu được sở hữu một bức tranh, Auster trả lời là bức chân dung cậu con trai Tidus của danh họa Rembrandt.

3/ Trong cuốn này Paul Auster có nhắc đến Italo Calvino.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

2 Comments

  1. Mình vừa bắt đầu làm quen với Paul Auster qua New York Trilogy và lờ mờ nhận thấy sẽ bổ sung thêm một cái tên trong danh sách những tác giả mình yêu thích. 🙂

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Đọc lại Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ

Tiếp theo

Nếu một đêm đông có người lữ khách – Italo Calvino

Latest from Văn học

Moon Palace

Một việc hết sức tình cờ và ngẫu nhiên là vào ngày hôm qua, Cá tháng