Hai mươi năm làm nghề với 7 album và 15 giải Grammy, Alicia Keys là một trong những nữ singer-songwriter (ca-nhạc sĩ) nổi tiếng và thành công nhất thập niên 2000s.
*Bài viết nằm trong chuyên mục PLAYLIST sẽ được tiếp tục cập nhật.
Năm 2021 là vừa đúng 2 thập kỷ Alicia Keys xuất hiện và trở thành một cái tên quan trọng của dòng R&B đương đại.
Kể từ khi phát hành album đầu tay Songs In A Minor, Alicia Keys đã viết nên hàng trăm ca khúc cho chính mình lẫn các ca sĩ khác.
Rất nhiều trong số đó trở thành hit.
Dưới đây là danh sách 10 ca khúc nổi bật tổng kết sự nghiệp 20 năm của Alicia Keys.
1. Fallin’ (2001)
Album: Songs In A Minor
Thể loại: Neo-soul, R&B
Phát hành: 4/2001
Tháng 4/2001, Fallin’ được phát hành và cả thế giới “rơi” vào âm nhạc của Alicia Keys.
Khi ấy nữ ca sĩ vừa tròn 20 tuổi, nhưng đã đủ khả năng tự sáng tác và sản xuất ca khúc. Bản phối của Fallin’ đơn giản, chỉ kết hợp pinao và bass, cùng phần bè theo kiểu gospel (thánh ca). Lời hát thể hiện tâm trạng rối bời của một cô gái vừa đi qua tuổi mới lớn: “Thi thoảng em yêu anh, thi thoảng anh khiến em buồn”.
Hai thế cực cảm xúc ấy được Alicia Keys luồn lái một cách khéo léo qua giọng hát đầy nội lực. Ngay từ nốt đầu tiên, cô đã khiến người nghe phải sởn da gà.
Nữ ca sĩ xử lý Fallin’ như thể đang rít một điếu thuốc. Cô dùng hết hơi để nhấn ở chữ “in” (rồi), sau đó nhả chữ “out” (ra) một cách nhẹ nhàng. Đâu đó trong bài vẫn có thể nhận ra sự thô ráp từ giọng hát, nhưng đó cũng là điểm khiến cảm xúc được bảo quản trọn vẹn.
Tại Grammy 2002, Fallin’ thắng đến 3 hạng mục gồm: “Ca khúc của năm”, “Ca khúc R&B xuất sắc”, “Trình diễn giọng R&B nữ xuất sắc”. Bài hát cũng được đề cử “Thu âm của năm”, nhưng thua Walk On (U2).
Là đĩa đơn mở màn cho album đầu tay Songs In A Minor, Fallin’ được xem là ca khúc “đóng đinh” với tên tuổi Alicia Keys. Các ca sĩ khác khi cover (hát lại) Fallin’ đều không thể vượt qua cái bóng quá lớn của chủ sở hữu.
Họ chỉ bắt chước cô.
2. You Don’t Know My Name (2003)
Album: The Diary of Alicia Keys
Thể loại: Soul, R&B
Phát hành: 11/2003
Hai năm sau Fallin’, Alicia Keys viết tiếp cuốn nhật ký tuổi mới lớn với album thứ hai The Diary of Alicia Keys. Trong đó, You Don’t Know My Name là một trang đáng nhớ, một trong những ca khúc thú vị nhất trong sự nghiệp Alicia Keys.
Lời hát tiếp tục quanh quẩn ở chuyện tình yêu. Keys kể rằng cô tình cờ gặp một chàng trai và tiếng sét ái tình làm tim cô bùng cháy. Nàng bắt đầu mơ mộng hão huyền về chàng, từ cái hẹn đầu tiên đến nụ hôn đầu đời.
Nhưng mà trời ơi, còn gì buồn hơn khi “chàng chẳng biết tên em”.
Bản phối do Kanye West đảm nhận, được xây dựng dựa trên sample (nhạc mẫu) của Let Me Prove My Love to You. Đây là một ca khúc từng được thể hiện bởi The Main Ingredient – một nhóm R&B thành lập ở New York thập niên 1970.
Thành công của West là đã biến phần nhạc xưa cũ thành một bản R&B hợp thời, giúp You Don’t Know My Name càn quét bảng xếp hạng Billboard trong 8 tuần liền, thắng kèn vàng Grammy 2005 ở hạng mục “Ca khúc R&B xuất sắc”.
Đáng nhớ nhất là phần piano thi thoảng trượt dài ở nền, vẽ ra một không gian mơ mộng mang màu sắc Disney. Trước khi bài hát đi vào điệp khúc lần cuối, Alicia Keys ngừng hát và chuyển sang nói. Nữ ca sĩ tiếp tục mộng mị về tình yêu:
“Oh hey/ Anh khỏe không / Tôi thấy mình khá ngớ ngẩn khi làm việc này / Nhưng tôi là nhân viên phục vụ của quán cà phê số 39 và Lennox / Người có bím tóc ấy…”
Ít ai biết góp giọng ở phần bè là John Legend – khi ấy còn chưa nổi tiếng.
Alicia Keys những năm 2004 với album thứ hai.
3. If I Ain’t Got You (2003)
Album: The Diary of Alicia Keys
Thể loại: R&B, Soul, Jazz
Phát hành: 6/2004
If I Ain’t Got You là một sáng tác được nhào nặn từ những nỗi buồn. Sự kiện khủng bố 9/11 và cái chết trẻ của Aaliyah (22 tuổi) thôi thúc Alicia Keys thực hiện bài hát.
Mở đầu ca khúc, cô viết: “Vài người sống vì tài sản / Vài người sống vì danh vọng / Vài người sống cho quyền lực / Vài người sống chỉ để chơi trò chơi”.
Sau khi liệt kê những thú vui vật chất, Keys tuyên bố rằng mình không cần bất cứ điều gì trên đời, ngoại trừ tình yêu.
Suýt nữa sáng tác này đã nằm trong album Stripped (2002) của Christina Aguilera nếu quản lý của Keys không ngăn cản kịp thời. Lý do là vì người sáng tác – Alicia Keys – cho rằng bài hát đơn giản, cô có thể viết ra “hàng trăm ca khúc” như vậy.
Vào tay Aguilera, hẳn cô sẽ đẩy kịch tính ngay từ nốt đầu tiên. Cách xử lý của Keys thì hoàn toàn khác. Cô nhẹ nhàng ở đầu và dồn hơi cho điệp khúc. Song, độ khàn trong giọng hát của Keys khiến những nốt cao của bài nghe khá chới với.
Phần âm nhạc tiếp tục do Alicia Keys tự đảm nhận, cho thấy sự trưởng thành trong vai trò sản xuất. Cô khéo léo kết hợp nhiều nhạc cụ, từ piano, bass, trống, thi thoảng chêm kèn (horn), nhưng vẫn đưa bài đi đúng hướng hướng neo-soul.
Bài hát thắng giải Grammy 2005 ở hạng mục “Trình diễn giọng R&B nữ xuất sắc”, thua ca khúc Daughters (John Mayer) ở hạng mục “Ca khúc của năm”.
Quả thực, những màn trình diễn sau này của If I Ain’t Got You hay hơn bản thu âm gốc rất nhiều.
4. Superwoman (2007)
Album: As I Am
Thể loại: Soul, R&B
Phát hành: 7/2008
Trước khi “nữ quyền” trở thành cụm từ được sử dụng tràn lan trên mặt báo, Alicia Keys đã tạo ra As I Am. Album phòng thu thứ 3 của Keys là hàng loạt tuyên ngôn dành riêng cho phái nữ, trong đó có Superwoman.
Bài hát đánh dấu sự trưởng thành trong ngòi bút sáng tác của Alicia Keys khi mở rộng ca từ ra khỏi “những câu chuyện tình tuổi teen”. Cô tuyên bố: “Bài này dành riêng cho những người mẹ / đang chiến đấu vì tháng ngày tươi đẹp sắp tới/ Cho tất cả những người phụ nữ của tôi / đang cố gắng về nhà trước lúc mặt trời mọc”.
Lập tức, Keys kéo người nghe về năm 1973 khi tổng thống Franklin D. Roosevelt quyết định giới hạn “8 giờ” làm việc mỗi ngày. Trước đó, người lao động sẽ làm việc cho đến khi chủ cho nghỉ, đến sáng hôm sau lại tiếp tục như một vòng tuần hoàn.
Song, Superwoman nào phải bài ca lao động. Sáng tác ra đời nhằm mục đích xoa dịu nỗi buồn và phải đối những bất công với các chị em. Trên nền nhạc piano giản đơn, cô kêu gọi hội phụ nữ hãy đoàn kết lại, vượt qua mọi khó khăn vì hai chữ “có thể”.
Để đậm nét, Alicia Keys dùng chính bản thân làm dẫn chứng: đã có lúc tôi vụn vỡ, nhưng không ai biết bên trong tôi là “siêu nhân”.
“Chúng ta có thể bay”, cô hát.
Độ phổ quát đã giúp Superwoman trở thành ca khúc chủ đề cho mùa WNBA (Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Nữ) năm 2008 của Mỹ. Keys cũng dành được một giải Grammy cho hạng mục “Trình diễn giọng R&B nữ xuất sắc”.
Alicia Keys trong phòng thu thời As I Am.
5. No One (2007)
Album: As I Am
Thể loại: R&B
Phát hành: 9/2008
Xét ở nhiều khía cạnh, No One không phải là một bài hát đột phá.
So với Superwoman, nhịp điệu bài hát có lôi cuốn hơn, nhưng phần sản xuất không quá mới lạ. Cách phối piano làm nền và tiếng bass đập thình thịch vốn xuất hiện trong rất nhiều ca khúc nhạc pop khác.
Lời bài hát cũng không có gì đặc biệt, chỉ phát triển rõ hơn nội dung của If I Ain’t Got You. Nữ ca sĩ khẳng định tình yêu của mình là duy nhất: “Không ai / Không ai / Không ai có thể dừng được cảm xúc trong em”.
Song, chính sự đơn giản ngay từ điệp khúc giúp No One trở nên gần gũi với người nghe. Bài hát đứng đầu Billboard Hot 100 trong 5 tuần liên tiếp, chứng tỏ sự yêu mến của khán giả.
Trong Superwoman, Alicia Keys phô diễn phím đàn, đến No One cô tiếp tục trưng trổ giọng hát. Nữ ca sĩ khéo léo biến sự thô ráp từ giọng hát thành điểm đặc trưng của bài. Khi bài hát kết thúc, câu hát “No One No One” cứ lặp mãi trong đầu người nghe.
Trả lời phỏng vấn Billboard, Alicia Keys cho biết đây là ca khúc cô hoàn toàn tự viết. “Rất nhiều bài không như vậy. Đây là một trong những bài hát cuối cùng tôi (tự) viết”, cô nói.
Tại Grammy 2008, No One thắng 2 hạng mục “Trình diễn giọng R&B nữ xuất sắc” và “Ca khúc R&B xuất sắc”. Bài háthấp dẫn đến độ huyền thoại âm nhạc Aretha Franklin cũng quyết tâm phải cover (hát lại). Bà thu âm phiên bản mới cho ca khúc và đưa vào album Aretha Franklin Sings the Great Diva Classics phát hành năm 2014.
6. Try Sleeping with a Broken Heart (2009)
Album: The Element of Freedom
Thể loại: Synth-pop, R&B
Phát hành: 11/2009
Try Sleeping with a Broken Heart là đĩa đơn nằm trong The Element of Freedom – album thứ tư của Alicia Keys.
Khác các album trước, lần này Keys bắt đầu thử nghiệm những âm thanh mới so với chính mình. Điều rõ nhất là cô đã dũng cảm bớt đi thứ được xem là “đặc sản” trong phong cách: đàn piano.
“Bắt tai” là từ hoàn hảo để mô tả Try Sleeping with a Broken Heart. Ca khúcra đời với nhiệm vụ bám vào tâm trí người nghe ngay từ lần đầu.
Tiếng synthesizer mở đầu nhỏ nhẹ rồi trườn vào bài hát như một con rắn. Bộ gõ (percussion) đánh dồn dập với nhịp điệu không đổi.
Hai nhà sản xuất Jeff Bhasker (We Are Young) và Plain Pat (Rare) đã đem những gì tinh túy nhất trong âm nhạc của Prince dâng về cho Keys. Đến cuối bài, họ mới cho piano xuất hiện để xác nhận đây là ca khúc của cô.
Điều đáng chú ý là kể từ khi cất giọng, Alicia Keys không hề ngừng nghỉ. Cô hát liên tiếp để kéo người nghe vào câu chuyện. Cô tuân thủ tuyệt đối chiến thuật “tấn công” – thứ mà người ta thường nhắc đến khi nghĩ về Christina Aguilera.
Đúng như nhan đề, ca từ là lời tự sự của “một con tim tan vỡ”. Chủ đề không mới, nhưng cách triển khai của Keys đã trưởng thành hơn hẳn thời Fallin’.
Cô đi từ mời gọi (“Anh có thể thử trên giường của em”) đến hờn trách (“Anh đã nói sẽ không bao giờ bỏ em”), và cuối cùng là dứt khoát (“Đêm nay em sẽ làm điều đó mà không cần anh”).
Vẫn là đau đớn vì tình, nhưng lần này Alicia Keys đã thực sự là “đàn bà”.
Alicia Keys máu lửa cùng Jay-Z trên sân khấu.
7. Empire State of Mind (2009)
Album: The Blueprint 3
Thể loại: Hip hop, R&B
Phát hành: 10/2019
Là ca khúc không nằm trong bất kỳ album nào của Alicia Keys, Empire State of Mind có số phận khá gian truân từ lúc ra đời đến khi được Keys góp giọng.
Ban đầu, Angela Hunte (Do Somethin’) cùng Janet Sewell-Ulepic sáng tác ca khúc nhằm mục đích tôn vinh New York – quê hương của cả hai. Họ gửi cho Jay-Z và bị từ chối thẳng thừng.
Nhiều tháng sau, bài hát một lần nữa lại được gửi đến rapper nổi tiếng. Anh quyết định giữ phần hook (điểm nhấn) nhắc đến “New York”, đổi lời chính (verse) và thay giọng Hunte bằng Alicia Keys.
Lời ca và phím đàn của Keys chính là điểm sáng của bài. Tiếng piano len lỏi, không bao giờ chịu lép vế trước phần bass mạnh và giọng rap liên hồi của Jay-Z, chỉ cho đến khi Keys cất lời.
Cô hát: “Giờ bạn ở New York / Đường phố sẽ khiến bạn tươi mới / Đèn lớn sẽ truyền cảm hứng cho bạn.”
Phần hook khiến bài hát vượt khỏi phạm vi tri ân ban đầu. Nó khích lệ cả những kẻ mới đặt chân đến thành phố không ngủ. Người nghe có thể không hiểu Jay-Z nói gì, nhưng giọng của Keys thì cứ vang vọng mãi.
Empire State of Mind được đưa vào album The Blueprint 3 (2009) của Jay-Z, đứng đầu bảng Billboard trong 5 tuần liên tiếp, thắng 2 kèn vàng tại Grammy 2011.
Thành công của bài khiến Alicia Keys quyết định thu bản solo (hát đơn) mang tên Empire State of Mind (Part II) Broken Down. Ca khúc được xem là phần tiếp (sequel) của bài gốc, phối theo phong cách unplugged (không dùng nhạc điện tử), chỉ sử dụng piano.
8. Girl on Fire (2012)
Album: Girl On Fire
Thể loại: R&B
Phát hành: 9/2012
Bước sang thập niên 2010s, liệu cái tên Alicia Keys có còn đủ sức hút? Nữ ca sĩ trả lời: “Bạn có thể thử, nhưng sẽ không thể nào quên được tên cô ấy”.
Girl on Fire ra đời với ý nghĩa tái khởi động sự nghiệp của Alicia Keys, là ca khúc đầu tiên cô thực hiện sau khi chấm dứt hợp đồng với hãng để “chuyển nhà” sang RCA (Sony).
Lời bài hát vẽ tiếp ước mơ siêu nhiên của Keys: cô không chỉ “bay” được, mà còn có thể “bước đi trên lửa”.
Trong bài, Alicia Keys không phải là lửa. Cô là một ngọn đuốc. Nữ ca sĩ cởi bỏ lớp áo Siêu Nhân trong Superwoman để hóa thân thành phiên bản nữ của Johnny Storm trong Fantastic Four.
Ca khúc tiếp tục phát triển lối hát “tấn công” của Try Sleeping with a Broken Heart, nhưng tất cả sức mạnh dồn hết vào điệp khúc. Ca từ ngắn gọn, thoáng nhắc đến thế giới với nhiều “thảm họa” và nỗi đau.
Làm nền cho giọng hát của Keys là tiếng trống mạnh mẽ của nhóm rock Billy Squier trong ca khúc The Big Beat (1980). Phần sản xuất của Jeff Bhasker và Salaam Remi (Back To Black) thực sự đã đẩy giọng hát của Keys lên “đỉnh của thế giới”.
Bài hát không có một chút nỗi buồn, bởi Alicia Keys đang ngập tràn hạnh phúc với cuộc hôn nhân cùng nhà sản xuất âm nhạc Swizz Beats. Họ vừa chào đón con trai đầu lòng, Egypt.
Girl On Fire là một thành công thương mại bất ngờ, là bản hit quốc tế của Alicia Keys, được chứng nhận 5x Bạch kim từ RIAA (Hiệp hội Ghi âm Hoa Kỳ).
Trong album chính thức cùng tên, Keys mời Nicki Minaj góp giọng trong phiên bản mang tên Inferno, chỉ để “thêm dầu vào lửa”.
Alicia Keys trần trụi, giản đơn trong album Here (2016).
9. Blended Family (What You Do For Love) (2016)
Album: Here
Thể loại: Hip hop, R&B
Phát hành: 10/2016
Sau thành công lớn từ album Girl On Fire, Alicia Keys biến mất và trở lại thầm lặng với Here (2016). Album cũng nhẹ nhàng và riêng tư hơn so với các album trước. Keys không còn chú trọng về thành công thương mại mà chủ yếu hát cho bản thân.
“Blended family” hay “stepfamily” là cụm từ dùng để chỉ những gia đình mà vợ chồng sống chung với con riêng của vợ hoặc chồng. Trường hợp này đúng với Keys, khi chồng cô – A$AP Rocky – có một con trai riêng tên là Kasseem Dean. Bài hát này là lời Keys dành tặng riêng cho Dean.
Phần sản xuất của Blended Family thô ráp, sử dụng guitar và trống làm chủ đạo. Bài hát có sự tham gia của rapper A$AP Rocky thay cho đoạn chuyển (bridge).
Trong bài, Keys hát khá trìu mến và chân thật: “Mẹ không phải mẹ ruột con / Nhưng không có nghĩa mẹ không yêu con / Và dù mẹ cưới bố con / Đó không phải lý do duy nhất mẹ ở đây với con”.
Giống Alicia Keys, A$AP Rocky cũng mượn ca khúc này làm cơ hội để tâm sự về bản thân. Anh kể về việc có mẹ kế lúc lên chín, về bữa tối mẹ kế nấu và những là bà đưa anh đến bữa dạ hội.
Lời hát riêng tư và âm nhạc bỏ qua những yếu tố thị trường khiến Blended Family không có thành tích nổi bật so với các ca khúc khác của Keys. Song, ca khúc thấy rõ cô đã ngày càng trưởng thành theo thời gian.
Hình ảnh mới của Alicia Keys trong album tự đặt tên Alicia (2020)
10. Time Machine (2019)
Album: Alicia
Thể loại: Funk
Phát hành: 11/2019
Show Me Love là đĩa đơn đầu tiên, nhưng Time Machine mới thực sự là phát súng mở màn cho Alicia (2020) – album tự đặt tên đánh dấu sự trở lại của Alicia Keys sau bốn năm kể từ Here.
So với cách sáng tác thời kỳ đầu, ca từ của Alicia Keys đã thôi đề cập đến tình yêu đôi lứa. Nữ ca sĩ bắt đầu trăn trở về cuộc sống khi sắp sửa bước sang tuổi 40.
Cô nhìn vào gương và sợ hãi hình ảnh mình đang đối diện. Thời gian trở thành nỗi muộn phiền cô không thể trốn tránh. Cô thấy tuổi trẻ bay vèo như cơn gió qua cửa sổ. Những giấc mơ ngày xưa trở thành ác mộng đeo bám cô hàng đêm.
Ở phần điệp khúc, nữ ca sĩ bắt đầu xoay 180 độ. Cô tuyên bố: “Không / Ta không thể quay lại / Cuộc đời đâu phải cỗ máy thời gian / Nhưng một khi bạn giải phóng tâm trí / Mọi thứ đều thật đẹp đẽ.”
Keys hát từ tốn, nhưng bài hát thì dồn dập với tốc độ lên đến 106 nhịp/phút, nếu phải so với 93 nhịp/phút của Girl On Fire.
Âm nhạc trong Time Machine cũng hoàn toàn khác biệt. Bản phối do Keys thực hiện cùng Rob Knox (The 20/20 Experience) tái tạo âm thanh retro-funk với tiếng synthesizer gần như chủ đạo.
Synthesizer luồn lách dưới phần beat ngập trong những tiếng tiếng bass dày và chắc. Khi Keys kết thúc điệp khúc, synthesizer trồi lên như sóng tạt vào bờ.
Bên cạnh sự mới lạ, Time Machine cũng cho thấy sự cứng đầu của Alicia Keys. Cô hoàn toàn có thể đổi mới chính mình, nhưng chưa bao giờ dám vượt qua ngưỡng an toàn.
Time Machine là một dấu hiệu tốt, khẳng định âm nhạc của Keys sẽ còn những biến đổi đáng trông đợi theo thời gian.
Ngoài 10 bài hát trên, Alicia Keys còn nhiều sáng tác hay rải rác trong các album, cũng như cộng tác cùng các nghệ sĩ khác.
Trong phạm vi giới hạn, tác giả chọn ra 10 bài có thể xem là tiêu biểu nhất.
*Danh sách tham khảo từ MasterClass. Thông tin tổng hợp từ Wikipedia.
Hay quá ….iu Keys rất rất nhiều .