Bài viết nằm trong chuyên mục “Nhạc Việt Catalogue” được lập ra với mục đích tổng hợp lại một số album nhạc Việt đang chú ý qua mỗi năm.
Bài viết và chuyên mục sẽ được cập nhật nếu cần thiết (tác giả ghi nhận mọi ý kiến đóng góp).
(Cập nhật 19/7/2021).
Năm 2015 là một năm mà người nghe “đói” album. Không có nhiều album được phát hành cũng như không có một album nào thực sự ấn tượng hay nổi bật lên hẳn.
Việc một số nghệ sĩ như Hà Anh Tuấn, Lê Cát Trọng Lý bất ngờ phát hành album là những điểm sáng, cho thấy việc “làm” vẫn tốt hơn “nói” hay “hứa lèo”.
Giải Mã – Vũ Cát Tường
(Pop – 12/2014)
Giải Mã của Vũ Cát Tường được phát hành từ cuối năm 2014, nhưng sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua đĩa nhạc này. Trong album đầu tay do Huy Tuấn sản xuất, Vũ Cát Tường đã thể hiện tốt được cả hai khía cạnh người hát (singer) và người sáng tác (song-writer). Những sáng tác như Yêu Xa và Vết Mưa nên là những bản pop ballad tiêu chuẩn cho nhạc trẻ Việt, thay cho phần lớn các ca khúc thất tình bi lụy hiện nay. Dù các sáng tác này đã từng được nhiều ca sĩ hát lại, nhưng Vũ Cát Tường chứng tỏ rằng cô mới là người thể hiện thành công nhất những bài hát của mình, bằng một giọng hát chưa nhiều kỹ thuật nhưng nguyên vẹn cảm xúc. Đọc thêm ở đây.
Nên nghe thử: Yêu Xa, Vết Mưa, Phai Màu.
193 – Đoàn Thúy Trang
(Pop – 03/2015)
Lẽ ra Đoàn Thúy Trang phải phát hành 193 từ cách đây hai hoặc ba năm trước, khi Tình yêu màu nắng còn đang là một “cơn sốt”. Nhưng có câu “thà trễ còn hơn không”. Khi được nung đủ độ nóng, 193 trở thành một đĩa nhạc pop nhẹ nhàng, vừa vặn với những gì mà Đoàn Thúy Trang đang có. Song, giá như Trang và ê kíp của mình – bao gồm Nguyễn Thanh Hà và Phạm Thanh Bình – tập trung hơn vào phần electro-pop (Anh Đến Từ Giấc Mơ) thay cho pop ballad (Có Phải Anh Là), thì có lẽ album sẽ còn hấp dẫn hơn nữa. Điểm đáng tiếc lớn nhất là phần PR dành cho album này có vẻ vẫn còn nhiều dở dang. Đọc thêm ở đây.
Nên nghe thử: Anh Đến Từ Giấc Mơ, Tình Yêu Màu Nắng, Cầm Tay Anh.
Về – Hoàng Quyên
(Pop – 05/2015)
Hoàng Quyên không chỉ chọn cho mình một con đường rất khác so với các ca sĩ cùng trang lứa, mà cô còn bước những bước đi hết sức ung dung và tự tại trên con đường mình chọn. Bảy ca khúc trong Về đều là những bản nhạc xưa, được phối với dàn nhạc giao hưởng theo phong cách thính phòng, tạo nên một không gian chậm rãi, tách biệt với sự ồn ào, náo nhiệt của nhịp sống hiện đại. Cách xử lý của Hoàng Quyên thiên về sự tròn trịa, đầy đặn và tỉ mỉ. Người phối khí cũng hiểu rõ về giọng hát ấy, nên có khoảnh khắc còn để cô hát acapella nhằm phô bày vẻ đẹp của giọng hát tuổi 23 (Để Em Mơ). Đọc thêm ở đây.
Nên nghe thử: Để Em Mơ, Giọt Nước Mắt Ngà, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng.
Những kẻ mộng mơ (Dreamer)
– Lê Cát Trọng Lý
(Folk – 10/2015)
Thực tế, Những kẻ mộng mơ là một bộ đĩa gồm 3 CD đã được thu âm và ghi hình từ trước của Lê Cát Trọng Lý, phát hành với số lượng hạn chế dành cho những khán giả yêu thích giọng hát của nữ ca sĩ. Với 10 ca khúc được thu âm trực tiếp, Lý tiếp tục cho thấy âm nhạc của cô mang nhiều tính ngẫu hứng. Sự ngẫu hứng từ việc viết nhạc dựa trên một câu chuyện nổi tiếng (Con Đường Santiago) hay ước muốn nói chuyện vời rừng cây (Này Lâm Ơi). Như một kho báu không dành cho tất cả mọi người, Những kẻ mộng mơ chỉ thực sự quý giá với những ai biết trân trọng nó. Đọc thêm ở đây.
Nên nghe thử: Con đường Santiago, Đôi Bờ, Bến Vắng.
Bóng Tối Jazz – Giáng Son
(Jazz Pop – 10/2015)
Một đĩa nhạc cũ về cả nội dung (nhiều ca khúc đã được trình bày trước đó trên sân khấu), ý tưởng (phối nhạc jazz), cách biên tập (hai ca sĩ nam nữ thay phiên nhau hát), đến người trình bày (Tùng Dương và Hà Trần). Nhưng Giáng Son ý thức được điều mình đang làm với Bóng tối Jazz. Có những khoảng khắc cô như đang “dạo chơi” với jazz, bằng cách tăng nhịp thật nhanh (Vệt Buồn) hay kéo giãn không gian đầy bồng bềnh (Đêm Đợi).
Về người hát, Tùng Dương tiếp tục thể hiện mình là một nam ca sĩ hát jazz tốt, trong khi Hà Trần lại quá cố gắng thể hiện cá tính bản thân, đôi khi làm hỏng bài hát (những bản cover của cô thực sự thừa). Nhìn chung, điểm trừ của Bóng tối Jazz là không thể hiện được nhiều “cái tôi” của Giáng Son, ít nhất là so với đĩa đầu tay của cô. Nếu bỏ cái tên Giáng Son đi, người nghe sẽ nhầm tưởng đây là đĩa song ca của Tùng Dương và Hà Trần. Với album nhạc tác giả, thì đó là một sự thất bại.
Nên nghe thử: Chạm, Vệt Buồn, Đêm Đợi.
4 – Quốc Bảo
(Pop – 12/2015)
Không có nhiều điều để chờ đợi dành cho album mới nhất của nhạc sĩ Quốc Bảo. Ngoài việc nếu thích nhạc của ông, thì nên nghe thử. Tên album bắt nguồn từ việc các ca khúc được sáng tác dành cho bốn “nàng thơ” của ông, gồm hai cái tên gắn liền với nhạc Quốc Bảo (Nguyên Hà, Mai Khôi) và hai cái tên mới hơn (Ái Phương, Hoàn Hảo). Theo thứ tự, mỗi ca sĩ hát hai ca khúc rồi cùng nhau hòa giọng trong một bài mang tên Có Gì Đâu.
Phong cách âm nhạc trong album không có nhiều điểm mới so với âm nhạc của Quốc Bảo trước đây, bốn giọng ca cũng đồng đều, không có ai thực sự nổi bật hay xuất sắc hơn so với những người còn lại. Vì thế, 4 nghe nhẹ nhàng, mềm mại và dễ chịu. Cuối đĩa có tặng kèm một bài hát mang tên Bi Khúc do Đan Hy thể hiện, vốn là một phiên bản khác của Tàn Phai.
Nên nghe thử: Lời Ca Xanh, Câu Đố, Có Lúc.
Nhịp Phố Thị (Streets Rythm) – Hà Anh Tuấn
(R&B – 12/2015)
Hà Anh Tuấn kết hợp trở lại với Võ Thiện Thanh có lẽ là việc nằm trong sự mong đợi của nhiều khán giả, bởi lẽ Cà Phê Sáng vẫn là một đĩa nhạc thành công trong sự nghiệp của Hà Anh Tuấn. Từ trước đến nay, các dự án của Tuấn vẫn luôn có ý tưởng rất hay và hấp dẫn. Không ngoại lệ, Nhịp phố thị có cái tên rất hay cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Song, kết quả mà album đem lại không thực sự ấn tượng. Bỏ qua việc bìa đĩa còn giống người này người kia, thì ý tưởng bìa không ăn nhập với tên gọi, mà khiến ta liên tưởng đến những cái tên khác (Tự kỷ thời địa số chẳng hạn!); trong khi nội dung lại gợi nhớ đến đến một Cà Phê Sáng 2, từ việc mời Hà Okio góp giọng đến những sáng tác mang tên Cà Phê Mang Đi, Espresso hay Ngã Tư.
Dung Nham thất bại đôi chỗ nhưng cho thấy một Hà Anh Tuấn dám thử thách mình, thì Nhịp Phố Thị anh lại quay về vòng an toàn của mình. Song, dẫu Tuấn có trở lại với dòng R&B mà mình theo đuổi cả chục năm nay, thì Nhịp Phố Thị vẫn chưa cho thấy rằng anh đã chinh phục được dòng nhạc ấy. Điều duy nhất album khiến người nghe chờ đợi, là liệu anh có tiếp tục tái hợp với Hồ Hoài Anh hay Dương Khắc Linh hay không?
Nên nghe thử: Cà Phê Mang Đi, Espresso, Ngã Tư.
Một thời đã xa – Nhiều nghệ sĩ
(Pop – 09/2015)
Một Thời Đã Xa là đĩa nhựa LP thứ ba do nhạc sĩ Đức Trí sản xuất (bên cạnh Lặng Lẽ Tiếng Dương Cầm & Ngàn Thu Áo Tím). So với hai đĩa trước, thì Một Thời Đã Xa gây được nhiều tiếng vang hơn vì các ca khúc được chọn đều là những sáng tác nổi tiếng từ cuối thập niên 90 đến đầu 2000 (Giấc Mơ Tuyệt Vời, Đánh Rơi Bên Hồ,…) ; các ca sĩ thể hiện cũng trẻ trung (Uyên Linh, Thùy Chi, Thái Trinh,…). Chính vì vậy, các nhà sản xuất đã quyết định phát hành ấn bản CD dành riêng cho album này, như một lời tri ân với khán giả. Đây chỉ là một trong số rất nhiều đĩa nhạc xưa được phát hành trong năm của Lệ Quyên, Đình Bảo, Quốc Thiên, Hà Vân… cho thấy nhu cầu nghe nhạc xưa của khán giả Việt là rất cao.
Nên nghe thử: Một Thời Đã Xa, Bóng Mây Đời Tôi, Giấc Mơ Tuyệt Vời.
Chất nhạc của Hà Anh Tuấn lúc nào cũng làm người khác thấy bồi hồi rộn rạo mà cũng thiết tha