Dung Nham tiếp tục cho thấy Hà Anh Tuấn là một người luôn thử thách mình bằng những sáng tạo mới trong âm nhạc.
Nổi danh từ Sao Mai Điểm Hẹn 2006, Hà Anh Tuấn đến với âm nhạc như một “kẻ ngoại đạo”. Anh nhanh chóng trở thành kiểu mẫu điển hình cho các ca sĩ chưa từng trải qua trường lớp đào tạo bài bản, mà hát bằng bản năng và cảm xúc tự nhiên. Nhưng Tuấn hơn người khác bởi óc thẩm mỹ và sự thông minh, luôn chủ động tìm kiếm những nhà sản xuất uy tín cho mỗi sản phẩm của mình. Từ Café sáng (2007) với Võ Thiện Thanh, Saigon Radio (2009) với Hồ Hoài Anh, đến Cocktail (2010) với Dương Khắc Linh, đều là những đĩa nhạc được đầu tư chỉnh chu, lên ý tưởng – nội dung – hình ảnh rõ ràng. Dung Nham* lần này cũng không là ngoại lệ. Nhưng ngoài Cao Trung Hiếu, thì tham gia sản xuất cho Hà Anh Tuấn lần này đều là những tên tuổi hoàn toàn mới lạ.
Tiếp tục mới những ý tưởng mới
Về mặt ý tưởng, Dung nham thực sự là nhan đề phù hợp để miêu tả âm nhạc của Hà Anh Tuấn hiện tại: beat dồn dập, mạnh mẽ, lời hát thẳng thắng, dứt khoát, không nhân nhượng. Nếu loại hai bài hát tặng kèm ở cuối** và bản intro mở màn, thì tổng cộng đĩa có bảy ca khúc mới. Năm trong số đó được viết bởi ba cái tên hoàn toàn mới: Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Hoàng Gia và Nguyễn Bá Hùng Lân. Hai ca khúc còn lại gồm một bản electro-pop của Trần Trung Đức (Cuộc chiến) và một bản pop ballad của Phạm Toàn Thắng (Cứ thế), thể hiện hai hình ảnh hoàn toàn khác nhau của nam ca sĩ ở độ tuổi 30: có sự náo nhiệt, ồn ã, lẫn tĩnh tại, nhẹ nhàng.
Ca khúc đầu tiên mang tên Cuộc chiến, bắt đầu bằng tiếng synth nghe như các bản dance-pop của Hàn Quốc (!?!). Lời hát chua chát là tâm sự của một người vừa đứng dậy từ những vấp ngã: “Thôi kêu than oán trách cuộc đời, ngậm cười cuộc đời là thế!” Không lạm dụng auto-tune như trào lưu làm nhạc IDM hiện tại, giọng của Hà Anh Tuấn được giữ nguyên giữa những lớp âm thanh chất chồng lên nhau, liên tục bắn phá từ đầu đến cuối. Thay vì bị nhấn chìm, phần vocal lại hòa cùng nhịp beat để đẩy mạnh cao trào. Nếu xem bài hát là một “dòng chảy” của dung nham, thì sức nóng của nó đổ dồn vào phần điệp khúc. Một câu bảy chữ được lặp lại đúng tám lần, thể hiện tinh thần không chịu khuất phục trước bất kỳ sóng gìó: “Hãy vững bước trong cuộc sống này!”
Nếu Cuộc chiến là sự giằng xé nội tâm của một người đàn ông, thì Nhịp si mê đơn giản chỉ là lời hát anh dành cho nhân tình của mình: đêm nay, ta hãy quên hết tất cả để đến với nhau. Nội dung gợi nhớ đến Come with me trong Cocktail, nhưng âm nhạc thì xoay 180 độ: thay sự uyển chuyển của R&B bằng sự căng tràn của electro. Lần này, giọng hát của Hà Anh Tuấn lại trở thành trọng tâm của cả bài. Giọng chính được nối liên tiếp không ngừng nghỉ, nhảy từ đoạn này sang đoạn khác, rồi lại nhảy từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Giọng hát đệm – cũng của Hà Anh Tuấn – ré lên rất cao ở phía sau. Chưa kể những câu “ố ô” cứ vang lên đầy chủ ý, trở thành điểm rất riêng của bài hát, tất cả tạo nên một không gian thực sự “loạn nhịp”.
Ở phần sau, Xanh mãi (Forever Young) nối tiếp những nhịp điệu ngập tràn năng lượng của Dung nham bằng giọng rap rất ngọt của Xuân Lân. Bất ngờ là nội dung bài hát lại có tính chất “phong trào đoàn”: hãy trân trọng tuổi trẻ, bởi “thời gian như vòng xe quay thật mau”. Tuấn hát thoải mái, đơn giản là chính mình. Lân cũng không cố “bắn chữ liên phanh” cho ra kiểu rapper, mà ngắt nhịp rành mạch, rõ ràng. Giọng cả hai – một nam một bắc – hòa vào nhau tạo nên sức hút nhất định cho cả bài. Ca khúc chủ đề – Dung nham (Lava) – là bài “tối” nhất đĩa, lặp lại phần nhạc intro như một vòng tuần hoàn, “kết” cũng là “mở”. Nội dung tiếp nối Cuộc chiến nhưng u ám hơn hẳn. Sự kiên định, bất khuất trước đó hoàn toàn bay biến, thay bằng nỗi hoang mang đến lạc lối, đánh mất cả chính bản thân. Phần điệp khúc xoáy chuyển thành electro-rock, khiến đây trở thành bài hát mang đậm tính thử nghiệm nhất từ trước đến giờ của Hà Anh Tuấn.
Đáng tiếc, phần kém hấp dẫn nhất của Dung nham lại là những ca khúc viết về tình yêu. Vô hình là bản R&B được xếp sau Cuộc chiến, cũng như Bóng mưa xếp sau Radio (Saigon Radio), hay Làm sao nói yêu em xếp sau Buổi sáng ở Ciao Café (Café Sáng) – một công thức đã cũ trong các đĩa nhạc của Hà Anh Tuấn – nhưng lại không có gì mới về cả nội dung (tình yêu hậu chia tay trở nên xa lạ như vô hình) lẫn âm nhạc (lấy keyboard làm nền). Thủy tinh khá hơn khi cố gắng thay đổi nửa sau bài hát bằng một chút electro-rock, nhưng lời nhạc không có gì đáng nhớ, kể cả điệp khúc. Riêng Cứ thế lại là ca khúc chán nhất đĩa. Không có gì lạ vì đây vốn là một bài hát được chọn làm nhạc phim truyền hình (hợp tác Hàn Quốc).
Sẽ càng đáng tiếc hơn nếu nhớ rằng, đây là đĩa nhạc đánh dấu sự trở lại của Hà Anh Tuấn sau 4 năm. Dung nham chứa đựng những ý tưởng rất tốt, nhưng kết quả lại chưa trọn vẹn. Ê kíp mới của Hà Anh Tuấn lặp lại những cố tật từ trước đến nay của anh. Tại sao phải tặng kèm một bản Instrumental vào cuối, khi nội dung đĩa đã thể hiện hết? Tại sao phải lồng những bản mid-tempo vào giữa, khi mà âm nhạc đang cuộn trào thế kia? Và có nhất thiết phải cố gắng chèn Chuyện của mùa đông vào không? Để chiều khán giả ư? Nếu tạm quên đi việc hát bằng tiếng Anh, thì Cocktail vẫn là đĩa nhạc có cấu trúc hoàn chỉnh, ngắn gọn và liền mạch nhất trong các đĩa nhạc của Hà Anh Tuấn. Trong khi Dung nham vẫn chỉ là một đĩa pop, tập hợp một vài ca khúc mới với đủ thể loại, chỉ để nhắc mọi người rằng, Hà Anh Tuấn chưa hề biến mất.
*Đĩa phòng thu thứ 5 của Hà Anh Tuấn, thứ 7 nếu tính cả hai đĩa làm chung với Phương Linh.
**Chuyện của mùa đông (Phạm Toàn Thắng) đã được phát hành trực tuyến cuối năm ngoái.
Nên nghe: Cuộc chiến, Nhịp si mê, Xanh mãi (Forever Young)