Cũng là electronica, nhưng Khởi Hành của Nguyễn Trần Trung Quân không chất chứa hoài niệm như Đối Thoại 06 (Trần Thu Hà, 2006), không nặng triết lý và trải đời như Vòng Tròn (Hồng Nhung, 2011), càng không sôi nổi, ồn ã như Gặp Tôi Ngày Rất Đông (Nguyễn Đình Thanh Tâm, 2014). Chất “điện tử” trong đĩa thiên nhiều về ambient và dòng IDM (Intelligent dance music) – hoàn toàn khác với lựa chọn của Nguyễn Đình Thanh Tâm là EDM (Electronic dance music). Một nỗ lực đáng ghi nhận trong việc khai thác dòng nhạc vẫn còn chưa phổ biến nhiều tại Việt Nam, đồng thời cố gắng chọn cho mình một con đường riêng biệt.
Nguyễn Trần Trung Quân: ‘Khởi Hành’ với nhạc điện tử
Ý tưởng của những người thực hiện Khởi Hành là muốn tạo thành một concept album kể về một ngày bình thường của Nguyễn Trần Trung Quân*. Thực hiện phối khi cho Khởi Hành là Khắc Hưng, một cái tên khá lạ nếu không được giới thiệu như là em trai và người thực hiện rất nhiều sản phẩm của Khắc Việt. Mười ca khúc trong đĩa – bao gồm một đoản khúc ở đầu và một ở cuối – được sắp xếp theo trật tự có chủ định, đúng theo chiều quay của kim đồng hồ, có thể tạm chia thành bốn “tổ khúc”: sáng – trưa – chiều – tối. Tuân thủ theo đúng cấu trúc này, các bản phối trong đĩa cũng liên tục “chuyển mình” cho phù hợp với đúng thời điểm của bài hát.
Chẳng hạn như hai ca khúc đầu tiên, đều thể hiện thời điểm bắt đầu ngày mới nhưng lại mang sắc thái khác biệt. Đoản khúc mở đầu, Thức giấc, dài chưa đầy một phút, chậm rãi và có phần uể oải, tạo cảm giác của một người còn ngái ngủ, chưa chịu bước chân ra khỏi giường mà vẫn muốn đắm chìm trong những giấc mơ. Đến Hừng Sáng thì Nguyễn Trần Trung Quân mới thực sự kéo người nghe vào “buổi sáng” của mình, một buổi sáng dịu dàng mà vẫn tràn đầy hơi thở của thành phố – tiếng synth mở màn chạy ngoằn ngoèo như những chiếc xe đua nhau tiến vào đô thị.
Trong khi đó, hai ca khúc “buổi trưa” lại đánh đổi sự trong trẻo, tươi mới của “buổi sáng” bằng sự hoang mang, lạc lõng. Âm nhạc tiết giảm điện tử, lồng vào sáo và khèn – những lựa chọn đã đi vào lối mòn đối với các nghệ sĩ Việt Nam khi muốn kết hợp nhạc điện tử quốc tế với nhạc cụ dân tộc. Cụ thể, bản phối của Ảo Ảnh Trưa vô tình (hay cố ý) lại có phần giống với Giấc Mơ Trưa của Khánh Linh – bản thu trong đĩa Giáng Son (Giáng Son, 2007) – khi cả hai đều sử dụng sáo và tiếng bè của dàn đồng ca.
Song, tiếng sáo trong Ảo Ảnh Trưa không có ý định hòa nhịp vào với những lớp âm thanh điện tử, mà luôn đứng tách biệt, thi thoảng vang vọng. Cũng như người hát, luôn thấy mình cô độc giữa đám đông: “Ta đi tìm ai, ai đi tìm ta giữa những khuôn mặt xa lạ?” Ca khúc tiếp theo, Hồ Nước, có nội dung tương tự Ảo Ảnh Trưa khi lặp lại câu hỏi: “Tìm đâu nước ngọt?… Tìm đâu hồ nước?” Nhưng Khắc Hưng lại đưa người nghe lên vùng non cao bằng tiếng khèn Tây Bắc, sau đó lại dồn trọng tâm vào phần điệp khúc như thác ghềnh dữ dội.
Trái ngược với “buổi trưa”, “buổi chiều” của Trung Quân nghe bình yên, dễ chịu hơn hẳn, chắc chắn là phần hay nhất trong Khởi Hành. Nỗi buồn trong Tiếng Mưa Dai Dẳng không âm ỉ, vang vọng như Tiếng Mưa Để Lại của Hồng Nhung (Khu Vườn Yên Tĩnh, 2004). Thay vì vậy, cách hát của Trung Quân nhẹ tênh như mây, đôi lúc lại tinh nghich, phiêu theo nền dubstep của Khắc Hưng, thả mình cuốn trôi theo dòng mưa “điện tử” để rồi bùng nổ ở cuối.
Không gian “chiều” tiếp nối bằng Cỏ và chập choạng “tối” bằng Nghiêng – những sáng tác độc đáo của Huyền Sambi. Cả hai ca khúc này đều có cách viết lời lẫn nhịp điệu lại trúc trắc, bất cần. Bản phối của Khắc Hưng thực sự càng tăng thêm màu sắc cho bài hát bằng cách đẩy mạnh độ dồn dập và sử dụng auto-tune để biến hóa chất giọng của người hát. Lời nhạc cũng tếu táo, nhưng không phải kiểu đàn ông viết: “Chỉ mong ta hóa thân cỏ dại” (Cỏ), “Thôi em về đi đợi kiếp sau” (Nghiêng).
Về giọng hát, Trung Quân sở hữu một chất giọng đẹp, nhưng lại mềm mại và nữ tính quá. Giọng của Quân không thuộc kiểu nhẹ nhàng bề nổi như Nguyệt Ánh mà thực sự có chiều sâu, dù không nhiều độ gai góc bằng Nguyễn Đình Thanh Tâm. Có điều cả Quân lẫn Tâm đều có cách xử lý bài hát chịu nhiều ảnh hưởng từ đàn anh là Tùng Dương. Một sự so sánh không cần thiết bởi giọng Quân vốn không giống Dương. Tuy nhiên, đôi chỗ Quân gằn giọng, nhấn nhá lại tạo cảm giác đó, đặc biệt là những đoạn trầm (Nghiêng, Lửa). Với một chất giọng mềm như vậy, nếu Quân luyến nhiều quá sẽ thành điệu, hơi phản cảm.
Tuy nhiên, người nghe nhạc điện tử có thể thấy rằng âm nhạc trong Khởi Hành thực sự vẫn không quá mới mẻ. Chỉ cần lấy dẫn chứng từ phần còn lại của “buổi tối”: Lửa gợi nhớ đến Army Of Me của Bjork (Post, 1995), trong khi Thử Thách Đêm lặp lại chất liệu của Đối Thoại 06. Một chút chỗ này, một chút chỗ kia, nhưng người làm nhạc, cụ thể là Khắc Hưng, biết cách điều phối hợp lý nên vẫn tạo nên được sự thú vị. Cả mười ca khúc đều có màu sắc riêng, vừa vặn với chất giọng của Trung Quân nên nghe thoải mái và thư giãn tốt.
Điều bất ngờ nhất của Khởi Hành không phải là nhạc điện tử, mà vì đây là đĩa nhạc đầu tay của một ca sĩ còn rất trẻ (Nguyễn Trần Trung Quân sinh năm 1993). Nhưng Khởi Hành không phải là chuyền tàu xuất phát của một người đi từ con số không (Trung Quân từng tham gia Sao Mai, Sao Mai Điểm Hẹn 2010, và có một số giải thưởng âm nhạc). Đúng hơn, Khởi Hành là những tâm sự của một chàng trai hai mươi, bỏ qua những muộn phiền ngày cũ để bắt đầu một ngày mới, như lời của ca khúc Hừng Sáng: “Mở tung cửa sổ đón gió về, gạt hết ưu phiền lòng ta.” Nết xét ở mức độ đĩa đầu tay, thì Khởi Hành là một đĩa nhạc không tồi, thậm chí tốt hơn so với mặt bằng chung. Nhưng Trung Quân cũng rơi vào trường hợp tương tự như Hoàng Quyên với Cửa Thơm Mùi Nắng, khi cả hai đều đã bỏ lỡ cơ hội để làm một điều gì đó xuất sắc.
* Cấu trúc đi theo tuyến tính thời gian vốn cũng không mới, nhất là trong điện ảnh (gần đây có Two Days, One Night của anh em nhà Dardenne). Riêng với nhạc Việt thì Mỹ Tâm với chủ đề thời gian, đặc biệt là bìa sau của đĩa Trở lại (2008) với hình chiếc đồng hồ đã từng thể hiện phần nào ý tưởng này. Đáng tiếc là cô đã không thực hiện.