Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Khánh Linh đã có những bước tiến tuy chậm mà chắc. Đĩa nhạc đầu tay Họa mi hót trong mưa (2004), cô tự tin hát lại những tình khúc Dương Thụ vốn gắn liền tên tuổi đàn chị một cách trong trẻo và tươi mới như chính giọng hát của mình. Sau đó, ta lại thấy cô bay lượn trong không gian điện tử với Quốc Trung (Ban Mai Xanh, 2006), dân gian đương đại với Lê Minh Sơn (Sau Cơn Mưa, 2007) và cả âm nhạc Phạm Duy – một địa hạt không dễ khai phá. Lần cuối cùng, cô gây bất ngờ cho khán giả khi quyết định Nam tiến để phát triển sự nghiệp, cũng như xuất hiện với những hình ảnh mới trưởng thành, đầy trải nghiệm. Nhưng phải rất lâu sau đó, Khánh Linh mới thực sự trở lại cùng Giấc mơ mang tên mình (2013), đĩa nhạc với hình ảnh và con đường âm nhạc hoàn toàn trái ngược với những gì cô đã “định làm” trước đó.
Có thể nói rằng, sau sáu năm loay hoay để tìm hướng đi mới thì nay họa mi lại quyết định trở về với “cơn mưa”, về với dòng nhạc pop ballad sở trường, với cộng sự là những người bạn miền Bắc và cả cách chọn bài đầy thách thức thuở ban đầu. Hai phần ba đĩa nhạc là những ca khúc vốn đã quen thuộc với công chúng yêu nhạc, từ trẻ (Võ Thiện Thanh, Văn Phong) cho đến già (Trịnh Công Sơn, Lam Phương). Chỉ có ba sáng tác mới của Dương Cầm và Nguyễn Linh khá nhẹ nhàng và hoàn toàn trái ngược với hình ảnh bên ngoài bìa đĩa cũng thách thức không kém: một cô nàng tóc ngắn cá tính trong bộ đồ bụi bặm và chiếc nón đội lệch theo kiểu dân hát nhạc rap.
Sự thách thức của Khánh Linh còn thể hiện ở cả cách chọn người sản xuất Dương Cầm là một nhạc sĩ còn rất trẻ và nhiều tiềm năng. Có điều Dương Cầm tuy xuất hiện đã lâu nhưng lại chưa thực sự tạo được dấu ấn mạnh, ngoại trừ một vài bài hát mà nhiều người biết đến. Phong cách Dương Cầm có thể xem như là sự kết hợp giữa vẻ mềm mại, ngọt ngào của Anh Quân và sự trẻ trung, tươi mới của Huy Tuấn song vẫn tạo ra được nét riêng, đặc biệt là tiếng piano dịu dàng khe khẽ, đúng như tên gọi của anh. Cũng vì thế, sáng tác của Dương Cầm thiên về hai kiểu: một day dứt đong đầy tâm sự (Mong Anh Về), một lại dễ thương, giữ được nét hồn nhiên, tinh nghịch của tuổi trẻ, ngay cả khi giận hờn cũng rất vu vơ (những bài anh viết cho Cẩm Tú trong đĩa Love Song).
Như vậy, xem ra giọng hát trong sáng của Khánh Linh có vẻ lại hợp rơ với kiểu nhẹ nhàng của Dương Cầm. Nhất là khi cả hai đều theo đuổi phong cách semi-classic (bán cổ điển) và Dương Cầm đã từng thổi hơi thở mới vào rất nhiều các ca khúc xưa trong đĩa Tình Ca Xanh của Lan Anh. Về cách xử lý bài hát hát thì vẫn thế, Khánh Linh thay vì cố gắng biến bài hát thành của mình thì lại chọn cách thể hiện theo cảm xúc riêng. Linh hát thoải mái, dễ chịu đúng như cái cách cô dùng từ “tung tẩy” để nói về cách hát của mình. Riêng phần hòa âm đã có sự học hỏi từ ê kíp Thanh Phương trong việc sử dụng đàn tranh (bản phối Giọt Sương Mai). Nhưng hiệu quả nhất vẫn là những sản phẩm của Hiền Thục và gần đây đã có Phương Linh trong Tiếng hót từ bụi mận gai. Thế nên, đến lượt Khánh Linh thì đã không còn mới lạ nữa.
Tuy nhiên, trong “cơn mưa” đó, Khánh Linh vẫn cố gắng để tạo ra những thanh âm mới, bằng việc pha vào một chút blues jazz cho các bản nhạc xưa. Làm mới nhạc cũ đã không còn là xu hướng lạ và thật khó khăn cho Khánh Linh nếu như phải so sánh với các bản trước đó. Điển hình là Phút cuối, hát chung với Minh Quân, sẽ phù hợp hơn nếu đưa vào một đĩa nhạc kỷ niệm hay hát đôi giữa hai người. May mắn bài hát đặt ở cuối như một “bonus track” trong đĩa nhạc.
Bỏ qua cú sốc về bìa đĩa, âm nhạc trong Giấc mơ mang tên mình vẫn chưa làm thỏa mãn cơn khát sáu năm chờ đợi Khánh Linh. Nhìn chung, Khánh Linh và Dương Cầm vẫn thành công trong việc cho ra đời một đĩa nhạc mềm mại đúng chất của cả hai. Nhưng mềm mại cũng là một con dao hai lưỡi, khiến cho đĩa nhạc chỉ dừng lại ở mức thư giãn chứ không chứa đựng nhiều đột phá, điều mà Khánh Linh đã làm khá tốt trong hai đĩa trước.
Sẽ dễ dàng để xem đây như một nghỉ chân của Khánh Linh nếu thời gian không phải là sáu năm. Hơi buồn vì họa mi lại lựa chọn bay về vùng an toàn. Và càng buồn hơn khi cô nay đã khác, thay vì sáng tạo hơn trong chất nhạc thì lại tập trung quá nhiều màu sắc vào phần bìa đĩa.
Em thì lại quá ư hứng thú với những bài phối đậm chất jazz (Chiều một mình qua phố, Người tình trăm năm) và acoustic (Giấc mơ mang tên mình) trong đĩa này. Con đường em mơ, Tình yêu ở lại thì không khoái lắm. Đặc biệt là vụ dùng đàn tranh, nghe ngang ngang 🙁
Nhưng nhìn chung em thấy đĩa này khá thành công đấy chứ. Làm chơi mà ăn thật 😀 Có vẻ đang bán khá lắm.
Một sản phẩm không đồng nhất và quá tham phụ kiện. Tất cả đều có chiều hướng trôi tụt. Cái cần phát triển nhất chính là “Chiều một mình qua phố” nhưng KL thay vì khó khăn hơn với chính mình, cô lại thỏa hiệp và quá dễ dãi đến mức lạc hậu.