Sơn Phước Review album Ultraviolence của Lana Del Rey
/

‘Ultraviolence’: Thế giới tàn bạo của Lana Del Rey

Bắt đầu
11 phút đọc

Với album phòng thu thứ tư mang tên Ultraviolence, Lana Del Rey đã vẽ ra một thế giới tàn bạo, chỉ có đau đớn và mất mát.

So với Born To Die, 5 bài đầu của Ultraviolence không bắt tai và hút người nghe ngay lập tức. Phần điệp khúc cũng đơn giản hơn hẳn. Cách hát của Lana Del Rey vốn đã chậm rãi, lại càng chậm hơn. Người nghe cần phải có thời gian để hòa mình vào không khí của album.


“Giờ mọi thứ đã kết thúc rồi” – Lana Del Rey lặp lại câu hát từ những phút đầu của Ultraviolence. Song, dường như vẫn có điều gì đó không dứt khoát và thiếu chắc chắn trong cách thể hiện. Bài hát tên là Cruel World, dài tận 6 phút rưỡi. Đây là bài dài nhất trong tất cả sáng tác của Lana Del Rey tính đến hiện tại – như thể cô chưa muốn tạm biệt cái “thế giới tàn bạo ấy” một cách vội vàng.

Album ra đời khi ý tưởng cạn kiệt

Sau Born To Die, Lana cho rằng mình sẽ không viết thêm album nào, vì đã nói hết điều muốn nói. Nghe Paradise của một năm sau và nay là Ultraviolence, mới thấy lời dự đoán này hoàn toàn có cơ sở. Nữ ca sĩ chưa khai thác được đề tài mới mẻ, ngoại trừ hình ảnh thích tiệc tùng, chuyên hát về tình, tiền, đàn ông và nước Mỹ…

Thậm chí không ít lần Lana Del Rey phải vay mượn ý tưởng từ nhiều nguồn khác nhau. Tên gọi Ultraviolence xuất phát từ một câu trong A Clockwork Orange – cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được Stanley Kubrick chuyển thể thành phim. Đoạn mở đầu của Old Money mang giai điệu khá tương đồng với A Time For Us; trong khi The Other Woman là bản cover từ ca khúc cùng tên của Nina Simone…

Tất nhiên, điều đó không xấu. Ngược lại, nó cho thấy Lana Del Rey là một người ý thức rõ về điểm mạnh yếu của bản thân. Vấn đề nan giải là: làm sao tạo ra một album mới mà vẫn giữ phong cách cũ; nhất là sau thành công vang dội của Born To Die (với hơn 7 triệu bản được bán ra trên toàn cầu)?

Nhà sản xuất âm nhạc cho Ultraviolence, Dan Auerbach – giọng hát chính của nhóm rock trứ danh The Black Keys, đã phần nào giúp cô tìm được lời đáp cho câu hỏi ấy.

Lana Del Rey thực hiện Ultraviolence khi đã cạn kiệt ý tưởng.
Lana Del Rey thực hiện Ultraviolence khi đã cạn kiệt ý tưởng.

Lần đầu tiên khai phá indie rock

Ngay từ tiếng guitar đầu tiên của Cruel World, có thể thấy được thay đổi trong âm nhạc của Lana Del Rey. Tối giản hơn, thô ráp hơn, thiên về rock thay vì trip hop như album trước.

Bài hát tái hiện trọn vẹn sự đen tối đến đáng sợ trong những thước phim của Kubrick. Tinh thần tự do của Ride vẫn được giữ nguyên, song nước cờ giờ đây đã đổi khác. Thế chủ động thuộc về người hát. Không còn lụy tình, cô thẳng thửng tuyên bố mọi thứ đã chấm hết: “I did what I had to do, I could see you leaving now.”

Nhưng khoan hãy vội kẻo nhầm lẫn. Lana Del Rey thể hiện bài hát trong tâm trạng của một người đang phê thuốc. Cô hát giữa một lớp âm thanh cuồng loạn của psychedelic rock – cuồng loạn như chính cảm xúc bấy giờ. Một đoạn cô thủ thỉ với người tình: Rời xa anh, tôi hạnh phúc, đó là điều tôi cần phải thực hiện. Đoạn khác, cô hát cho hình ảnh chính mình đang bay lượn chóng mặt xung quanh: “bởi vì mày còn trẻ, hoang dại và tự do…”

Có thể xem Cruel World là lời Lana Del Rey nhắn nhủ với bản thân. Bài hát là lời chào tạm biệt bản ngã trước đây để tìm đến với cái tôi mới. Không phải một mà là rất nhiều hóa thân được cô lựa chọn trong đĩa nhạc lần này.

Thêm gia vị cho công thức quen thuộc

Ở bài chủ đề Ultraviolence, Lana sử dụng công thức làm nên tên tuổi với Videos Games, Blue Jeans, Summertime Sadness. Phần đàn dây đặc trưng kéo theo lời hát uể oải, lồng vào tiếng keyboard nhấn từng nhịp đều đặn. Lời bài hát được lấy từ ca khúc He Hit Me (And It Felt Like A Kiss) của The Crystals năm 1962, nhưng nội dung phức tạp hơn.

Cũng như Cruel World, bài hát khiến người nghe dễ bị rối. Ban đầu cô gọi người tình ở ngôi thứ ba (“anh ấy”), về sau lại xưng hẳn bằng tên (“Jim”). Dù không nói rõ, người nghe vẫn ngầm hiểu đối tượng là một người đàn ông lớn tuổi. Điều tệ hơn đó lại là người từng nuôi cô khôn lớn.

Bài của The Crystals bắt nguồn từ một vụ bạo lực, thì Ultraviolence thực sự “cực kỳ bạo lực”. Lời ca ẩn ý về một mối tình không kết cục, thậm chí gây thương tổn về tinh thần lẫn thể xác. Nhưng cô chấp nhận, vì cảm thấy đây là “tình yêu thực sự”.

Không khí hoài cổ trở nên mạnh mẽ hơn khi chuyển sang phần lời cuối. Lana tha thiết muốn quay về lúc xưa. New York bỗng trở thành biểu tượng mang lại cho cô hy vọng. “Yêu anh lần đầu, yêu anh lần cuối” – cô kết luận.

Nửa đầu khá chắc tay, nửa sau kém chiều sâu

Nửa đầu của Ultraviolence được viết rất chắc tay, có mục đích và chủ đề rõ ràng. Chất giọng của nữ ca sĩ cũng biến hóa hơn trước. Trong Brooklyn Baby, Lana thực sự là chính mình, một cô gái New York vừa tự tin vừa bông đùa khi hát về bản thân. “Em nghĩ mình quá ngầu để biết anh” (“I think I’m too cool to know ya”) hay “Bạn trai tôi thật ngầu, nhưng cũng chẳng ngầu bằng tôi” (“Yeah my boyfriend’s really cool but he’s not as cool as me”).

Tuy nhiên, nửa sau của đĩa nhạc lại không giữ được chiều sâu như ban đầu. Ca từ có nội dung đơn giản hơn, chủ yếu tập trung điệp khúc theo cách viết pop thông thường.

Sad GirlPretty When You Cry, được đặt gần nhau, giống nhau về giai điệu phần điệp khúc. Cả hai như muốn nhấn mạnh cảm xúc của người hát, “buồn bã” đến mức phải “khóc” lên thành tiếng.

Money, Power, Glory là bài hát đoán được nội dung ngay từ nhan đề. Fucked My Way Up to the Top được cho là đòn tấn công dành cho những kẻ lên tiếng chỉ trích âm nhạc và phong cách của cô.

Ba bài còn lại thì được phối đơn giản và “mềm mại” hơn, thiên về acoustic. Cách xử lý của Lana Del Rey cũng đi theo hướng soul và jazz. Không có gì bất ngờ, vì cô đã khoe khéo về bộ sưu tập nhạc jazz trong Brooklyn Baby*.

Lana Del Rey lần đầu khai thác indie rock với Ultraviolence.
Lana Del Rey lần đầu khai thác indie rock với Ultraviolence.

Cứu vớt từ Dan Auerbach

Vai trò quan trọng của Dan Auerbach được thể hiện rõ rệt trong suốt album. Chẳng hạn, Shades Of Cool sẽ thiếu đi sức nặng nếu không có đoạn solo guitar của anh ở cuối. Tuy nhiên, công thức này bị lặp lại nhiều lần trong album. Đặc biệt là cao trào cứ dồn vào cuối bằng guitar (Money, Power, Glory) gây cảm giác nhàm chán.

Đĩa đơn mở màn West Coast là một điểm nhấn. Đây là một bản alternative mang âm hưởng rock cổ điển của thập niên 70. Dan Auerbach đã thổi toàn bộ sự phóng khoáng vùng biển California phương Bắc vào bài hát. Âm nhạc của Lana Del Rey vừa phải, êm ái chứ không não nề, mệt mỏi.

Phong cách The Black Keys thấp thoáng đâu đó với tiếng trống bập bùng mở màn, tiếng guitar nhịp nhàng hòa với giọng hát Lana thều thào tựa gió thoảng. Đến phần điệp khúc thì cấu trúc bài hát thay đổi ngay lập tức. Tiếng đàn đột ngột dừng lại, Lana chuyển tông chậm rãi. “Em đang yêu, em đang yêu”, cô nhấn mạnh điều đó không ít lần.

Ở nửa cuối, Dan Auerbach chỉ đảm nhận 3/6 bài, nhưng thấy rõ nỗ lực của anh trong việc thêm “gia vị” cho từng bài. Sad Girl The Other Woman sử dụng guitar điện làm chủ đạo. Cả hai đều buồn bã và cũ kỹ như đang được phát từ radio của xe ô tô. Fucked My Way Up to the Top xoay chuyển từ tiếng beat đập thình thịch sang piano nhẹ nhàng, thi thoảng chêm vào tiếng hú gọi hồn.

Với Ultraviolence, Lana Del Rey đã thoát khỏi hình ảnh Lolita quen thuộc.
Với Ultraviolence, Lana Del Rey đã thoát khỏi hình ảnh Lolita quen thuộc.

Thoát khỏi hình bóng Lolita

Cần phải nói thêm, Dan Auerbach là một trong những tay guitar cực giỏi. Bản thân The Black Keys cũng là nhóm rock chuộng phong cách retro. Thế nên Dan Auerbach cũng dễ dàng xử lý giọng hát của Lana Del Rey, không làm mất đi chất riêng của cô.

Về cơ bản, Ultraviolence vẫn có những khoảnh khắc đắt giá, cho thấy sự tiến bộ trong âm nhạc. “Đen tối”, đúng như lời giới thiệu. Song, Lana Del Rey vẫn chưa can đảm thoát khỏi vòng an toàn, để bước sang một đỉnh cao mới. Điều đáng mừng là cô đã giã từ hình ảnh Lolita ngây thơ, ngốc dại trong tình yêu. Cô trở thành một phụ nữ trải đời, nhìn lại quá khứ một cách đau buồn.

“Sân khấu này là của tôi”, Lana Del Rey mạnh dạn tuyên bố. Và có vẻ như cô vẫn làm chủ được sân khấu ấy.


Chú thích:
* Đây là dự báo trước cho album Honeymoon mang phong cách jazz sau đó.

* Đọc thêm các bài viết về Lana Del Rey tại đây.

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

7 Comments

  1. Em đã theo dõi các bài viết của anh về Lana từ lâu và thấy anh nhận xét rất có chiều sâu. Hẳn anh cũng rất hâm mộ Lana. Album mới này thật sự chưa hẳn là những gì em mong đợi. Vì Ultraviolence đúng là có quá nhiều điểm tương đồng với Born To Die. Ngay cả từ giai điệu. Mặc dù đúng là có khá nhiều thay đổi nhưng nhiều người nghe, ngay không phải người hâm mộ cũng nói là “hình như giông giống”. Với em album này thực sự có Ultraviolence và Black Lady là nổi bật hơn thôi (dù theo ý kiến bản thân em thì so với Ride vẫn có chút kém cạnh hơn). Còn lại ngay cả Brooklyn Baby cũng có nét hao hao Summertime Sadness, nội dung thì có phần tương đồng Black Lady. Thật sự rất mong muốn album này sẽ lại có 1 EP riêng giống như album đầu tay

  2. Sao ít nhận xét về bài Old Money thế, mình thích bài đấy nhất album … nghe rất tuyệt ., tuy là mượn giai điệu phần version của All Tine For Us .

  3. thú thực là mình không chủ động tìm nghe Lana, từ sau khi nghe mấy bài trong album đầu tự thấy đây là một giọng ca có khả năng hủy hoại mình về cả tinh thần lẫn cảm xúc. mình không thích phụ nữ quá bi lụy vì tình.

    bạn đã nghe album mới của Tony Bennett và Lady Gaga chưa? có vẻ như không phải là loại nhạc bạn ưa thích?

  4. Em rất thích nhạc của Lana giờ đọc bình luận của anh lại càng thích chắc anh cũng giống em nhỉ .Chỉ có một chỗ không ưng lắm sao anh lại đánh giá album không mới. Theo em so với Born To Die mang chút cảm hứng của pop và hiphop và em thấy mang tính thị trường sao ấy thì album lần này thật sự rất Lana nghe thật sự ma mị.

Để lại một bình luận

Your email address will not be published.

Trước đó

‘I Never Learn’: Tình yêu là bài học khó khăn

Tiếp theo

‘Enemy’ – Kẻ thù trong mỗi chúng ta

Latest from Âm nhạc