Nửa, Hoàng Anh hay là Quốc Bảo
/

‘Nửa’, Đinh Đặng Hoàng Anh, hay là Quốc Bảo

Bắt đầu
9 phút đọc

Nửa, album đầu tay của Hoàng Anh, là một album alternative đáng nghe với sự nhào nặn của nhạc sĩ Quốc Bảo.


Quốc Bảo viết cho đĩa đầu tay của Hoàng Anh cả thảy chín bài, chưa kể một đoạn interlude đặt ở giữa, chia kết cấu đĩa nhạc ra làm hai: nửa đầu là những đợi chờ, là nỗi nhớ khôn nguôi, là cơn đau ta xin giữ riêng mình; nửa sau hóa thành hành động, khi không ngăn nổi cơn nhớ, không gượng nổi cơn đau thì bấc giác ta lê bước chân đi tìm em, gọi em khắp phố.

Hai nửa sáng – tối của Hoàng Anh

Mỗi bài hát cũng được chia nửa. Tôi gọi là nửa tối – nửa đau thương và mất mát, và nửa sáng – nửa hạnh phúc và hy vọng, dẫu cả hai đều là về đoạn tuyệt, về chia ly, về “những cơn đau một nửa”, đúng như Quốc Bảo viết: “giữa bóng tối có bóng em… giữa tiếng khóc có tiếng vui” (Mục đồng). Ranh giới của hai nửa không rõ ràng, đúng ra là không gì ngăn cách mà hòa vào nhau, nửa này đan xen nửa kia. Hai phần sáng tối ấy khi đặt trong một tổng thể lại quyện vào nhau đến lạ.

Quốc Bảo từng làm đĩa đầu tay cho Thủy Tiên, Tóc Tiên, Từ Hiền Trang,… nhưng phải nói rằng đĩa của Hoàng Anh là hay nhất. Chất liệu alternative làm nhớ đến Vực – track đầu tiên của đĩa Mai Khôi hát Quốc Bảo, cũng là bài duy nhất tôi thích trong đĩa này. Còn chất giọng lại gợi về Từ Hiền Trang, đầy bản năng mà không gọt dũa. Tuy nhiên, giọng của cô Hoàng Anh này thì không trầm đặc trưng như Trang mà lạnh ngắt như tiền, đôi chỗ hát như học trò trả bài thầy giáo. Thử nghe Hoàng Anh cất câu hát đầu tiên, thật mà như chơi, chơi mà lại thật: “Muốn xé khúc hát ra hai nửa, phần anh hát câm” (Nửa).

Chân dung Hoàng Anh trong Nửa qua ống kính của nhạc sĩ Quốc Bảo (Nguồn: FB Quốc Bảo).
Chân dung Hoàng Anh trong Nửa qua ống kính của nhạc sĩ Quốc Bảo (Nguồn: FB Quốc Bảo).

Nhưng cũng chính cái lạnh đó xem ra lại hợp với ý đồ của tác giả: hát về nỗi đau mà nhẹ như không, trong khi nhạc réo rắt mà lời bài hát lại quá đắng cay. Tôi không phải là một người say mê Quốc Bảo, tuy vậy cũng phải công nhận rằng anh đã viết cho Hoàng Anh những bài tình rất hay, viết như rút ruột mà lấy chữ viết ra. Xưa lắm rồi cái thời Quốc Bảo “trầm”, “hồng”, “tinh khôi” hay “dịu dàng”,… Quốc Bảo cất vào Nửa toàn là nỗi đau, đã thế lại tô đậm nỗi đau bằng những từ rất mạnh. Nỗi đau không chỉ chuếnh choáng tâm hồn mà đã thấm hết vào da thịt, để “khắp châu thân anh tê lạnh” (Anh gọi em gọi em gọi em), đau đến “buốt xương da” (Những cơn đau một nửa), “môi kim châm”, “nỗi nhớ cứa lên tim sâu” (Môi gai)…

Thế giới alternative của Quốc Bảo

Không rõ Quốc Bảo viết lời trước rồi mới viết nhạc, hay viết nhạc trước rồi mới viết lời. Đọc lời ca thấy hay quá, không biết nên hát theo điệu nào. Đến khi nghe nhạc thì thấy khớp với nhau một cách hoàn hảo. Điểm đặc biệt của các ca khúc trong Nửa là bài nào cũng có “hook”, không quá u tối và khó nghe như Ngọt và đắng của Thủy Tiên mà trái lại, rất bắt tai và dễ thuyết phục. Từ thời Q+B đã có thể thấy rõ Quốc Bảo rất chuộng electric guitar. Nhưng Q+B vẫn chỉ là những bản pop thông thường, không cho ta nhiều không gian để vùng vẫy như rock. Dẫu chưa thể gọi là phá cách, hay một cái gì đó ghê gớm trong thể loại, nhưng Quốc Bảo đã tỏ ra cực kỳ sành sỏi khi biết dùng tiếng guitar của Dũng Dalat làm “hightlight” ở một số bài như: Em hòa làm một với bình minh, Anh gọi em gọi em gọi em, Mục đồng,…

Tuy vậy, alternative không có nghĩa là chối bỏ tất cả. Ta vẫn thấy một Quốc Bảo – người đã rất chắc tay với pop – quên thuộc trong những câu chữ rất nên thơ. Dẫu khi em xa “bầu trời rỗng”, “bối rối mây như dây đàn trên nền trời”…  thì hãy thử nhìn vào nửa sáng, vẫn tràn trề hy vọng, bởi “vết đau nào không lành?”. Đâu đó vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng Saigon giữa những bài hát của anh. Đó là “những phố”, là “một quán lạ” không thể thiếu trong cuộc sống Quốc Bảo, như đã có lần anh tâm sự: tôi lớn lên bằng quán.

Bìa album Nửa của Hoàng Anh do nhạc sĩ Quốc Bảo sản xuất.
Bìa album Nửa của Hoàng Anh do nhạc sĩ Quốc Bảo sản xuất.

Giống như nhiều sáng tác khác của Quốc Bảo, các ca khúc trong Nửa được viết cho giọng nữ nhưng là lời của người đàn ông, xưng “anh”. Không ai khác, chính là tâm sự của người viết. Kịch bản đã có sẵn, Hoàng Anh chỉ là người diễn thay. Hay đúng hơn, cô thay mặt Quốc Bảo kể lại câu chuyện của mình. Bởi cách thể hiện gián tiếp ấy, cùng với cách hát lạnh của Hoàng Anh, mà cơn đau như giảm xuống, chắc cũng chỉ còn một nửa.

Và phải nghe Nửa mới thấy được tình yêu của người đàn ông sao rộng lượng mà lại chua xót đến thế : “Chia đôi ly đắng ra, phần nhiều anh xin uống” (Chờ em); “Anh lấy nửa đau cất đi nửa vui chờ em nhé” (Nửa)… Để rồi sau cùng tất cả nửa đau và nửa vui ấy, Tìm kết thúc cả đĩa nhạc với những câu hỏi không lời giải đáp. Liệu người đàn ông s có tìm thấy được nửa kia của mình hay không? Những bài hát có trọn vẹn được hay không? Hay tất cả chỉ là một “cơn mơ thơ dại”?

Nghe bảo Hoàng Anh muốn đi theo hướng indie (nhạc độc lập). Thế cũng tốt. Trong Nam có Hoàng Anh. Ngoài Bắc có Hoàng Quyên cũng có vẻ đang lưỡng lự với con đường indie nhưng đã kịp theo Lê Minh Sơn. Nền âm nhạc Việt Nam cần lắm những giọng ca trẻ nhiệt huyết như các bạn, dù có là indie hay không.

Tôi đồng ý với ý kiến của Mỹ Linh. Bắt đầu từ năm nay giải Cống hiến cần có thêm một mục kiểu như Nghệ sĩ mới của năm. Vì dù gì thì nó cũng đang là giải thưởng âm nhạc có uy tín nhất đất nước này. Và ít ra thì những người trẻ như Hoàng Anh cũng xứng đáng được xướng tên một lần, dẫu có chỉ là ở danh sách đề cử.

Hình ảnh trích từ album Nửa của Hoàng Anh.
Hình ảnh trích từ album Nửa của Hoàng Anh.

Lời người viết: Tôi đi lang thang trên mạng mà thấy buồn vì chẳng tìm ra một nơi nào viết về đĩa nhạc này (ngoài blog của chính tác giả), một đĩa nhạc rất hay do Quốc Bảo làm riêng cho cô học trò trẻ Đinh Đặng Hoàng Anh. Cũng bởi vì hay quá nên biết bao lần muốn viết về nó, mà chẳng tìm đâu ra chữ.

Về Quốc Bảo, trong trang đầu tiên của đĩa, anh viết:

Tôi khởi sự viết loạt ca khúc này vào đầu mùa xuân, 2011, và ngay trong ngày đầu tiên, hoàn tất ba bài Em hòa làm một với bình minh, Nửa và Môi gai

Thế mới thấy sức sáng tạo và lao động của Quốc Bảo. Dường như anh vẫn còn dồi dào năng lượng lắm lắm.

(Bài viết chỉnh sửa ngày 19/7/2021 dựa trên bản gốc 25/2/2012)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

5 Comments

    • Cám ơn bạn, sau khi viết bài này thì một số người cũng gửi cho mình địa chỉ trên. Đúng là không hỏi thì thôi, một khi đã hỏi mới biết là nhiều người cũng quan tâm lắm lắm 🙂

  1. Nghe chùa trên mạng, chắc tháng 5 về VN tìm mua đĩa quá T___T. Chứ tìm link cũng không có.

    Btw, bạn Phước có link HQ 2 album đầu của Thuỷ Tiên không, không ngờ nghe hay quá *O*.

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Di sản của mất mát

Tiếp theo

‘Hanoi Love Stories’ – ‘Chuyện tình Hà Nội’ của Trí Minh

Latest from Âm nhạc