Tôi để cho âm nhạc của Kings Of Convenience trôi tuột qua đôi tai mình trong khi đang mò mẫm một vài trang báo mạng đã lâu không đọc. Thứ âm nhạc đơn giản và dễ chịu với guitar, không màu mè, bóng bẩy. Loại nhạc mà nếu thích tôi có thể nghe đi nghe lại hàng ngày vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ và chẳng hề thấy chán. Một con đường ngọt ngào đưa ta vào những giấc mơ. Giọng nam ca sĩ hát chính cứ chậm rãi rót từng lời ca vào tai người nghe. Chậm rãi và từ tốn. Như thể anh chẳng hề quan tâm đến thế giới bên ngoài kia đang hối hả ra sao. Như thể anh đã biết chắc rằng tôi sẽ thích cái cách hát này. Dù sớm hay muộn.
Quiet is the new loud. Sự yên tĩnh cũng là một thứ âm thanh. Tên đĩa nhạc thật “cool”. Tôi muốn dùng từ “cool” thay cho những từ khác. Mặc dù nó là một từ tiếng Anh và tôi không phải là người thích dùng nhiều từ tiếng Anh trong những bài viết của mình, nếu bạn để ý. Không phải từ nào khác, mà là “cool”, vì đơn giản nó diễn tả hết những suy nghĩ của tôi lúc này. Xin đừng dịch ra thành “mát lạnh”, hoặc là “ngầu”. Tôi sẽ rất buồn.
Quiet gợi cho ta rất nhiều điều. Trước tiên, chắc hẳn phải là Simon & Garfunkel. Không có nhiều ngạc nhiên. Kings Of Convenience cũng là một bộ đôi đến từ Nauy. Họ thừa nhận mình chịu ảnh hưởng từ đàn anh. Và họ cũng hát folk. Cặp song ca Mỹ có trong tay The sound of silence – Thanh âm của tĩnh lặng. Tôi muốn khác đi. Tôi không dùng “silence” nữa. Thay vào đó là “quiet”. “Quiet” là “new sound” của tôi. Nhưng bạn sẽ thấy “loud” thay vì “sound”. Một cách chơi chữ, vì không có gì ồn ào ở Kings Of Convenience.
“Quiet” không giống với “silence”. Khác hẳn. “Silence” tăm tối và đáng sợ hơn. Bóng tối là nơi sản sinh ra tội ác. Tội ác bắt nguồn từ bóng tối. Tôi vẫn nhớ mãi cảnh Anthony Hopkins ăn thịt sống một cách man rợ trong The Silence of the Lambs. Đôi mắt lạnh lẽo, vô hồn, miệng đầy máu, tay vẫn liên túc cầm côn đánh vào nhân viên cảnh sát. Không phải đến chết, mà là đến khi xương cốt rã ra. Thật ám ảnh. Âm nhạc của Simon & Garfunkel không ám ảnh đến mức đó. Không ám ảnh nhưng mê hoặc, quyến rũ hàng triệu con người.
“Quiet”, trái lại, dịu dàng, nhẹ nhàng hơn. Nếu là họa sĩ, tôi sẽ dùng màu đen, để vẽ “silence”, và màu xám, để vẽ “quiet”. Vì trong màu xám có màu buồn. Mà buồn nhất trong đĩa nhạc của Kings Of Convenience lại là bài cuối cùng: Parallel Lines – Những đường thẳng song song.
Có ai còn nhớ câu chuyện của Turn right, turn left không nhỉ? Một cô nàng luôn luôn chỉ rẽ trái, và một anh chàng chỉ rẽ phải. Hoặc ngược lại. Tôi chẳng nhớ. Họ là hai đường thẳng song song, quy luật là không thể nào gặp nhau. Và ta không thể phá vỡ quy luật ấy. Dù cố gắng, vẫn không thể gặp nhau, không thể hòa làm một.
Em mơ mộng đâu đó nơi khu vườn hoạt họa
Chẳng bao giờ anh có thể hiểu được.
Lời bài hát đơn giản. Nhưng cái cách dùng piano và guitar làm hình tượng cho hai đường thẳng song song thì thật hay. Guitar bắt đầu bài hát. Sau đó piano như cô gái bẽn lẽn bước vào cuộc đời chàng trai. Đôi khi cô ấy biến mất, đôi khi cô ấy trở về. Tan rồi hợp, hợp rồi tan. Cuối cùng chỉ còn lại mỗi mình piano vang vọng trong không gian xám xịt của “quiet”. Nhưng kết thúc bài hát không phải là piano, mà là guitar. Một tiếng khẽ gọi người yêu quay trở lại. Cũng xám xịt, vì ta không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Và một điều cần chú ý, Quiet is the new loud, cả đĩa nhạc viết về câu chuyện tình yêu của hai con người. Câu chuyện bắt đầu khi họ không còn ở bên nhau nữa, nhưng đâu đó trong mỗi bài hát vẫn có một tia sáng hy vọng khiến ta nhoẻn miệng cười. “Dù nàng không muốn tôi bên cạnh, thì đôi chân vẫn kiếm tìm” (Winning a battle, losing the war). “Đêm qua em lại gọi cho tôi, ba năm rồi từ lần cuối ta trò chuyện” (I don’t know what I can save you from).
Riêng bài hát cuối cùng, kết thúc tất cả. Một kết thúc buồn.