Placeholder Photo
/

Nocturnes – Little Boots (2013)

Bắt đầu
7 phút đọc

Trong khi Florence + The Machine vẫn đang gây sốt với Over the love – một ca khúc nằm trong đĩa nhạc phim The Great Gatsby, thì dường như mọi người có vẻ đã lãng quên một cái tên khác cũng vừa ra đĩa là Little Boots. Thật đáng tiếc vì trong năm 2009, chính Little Boots đã vượt mặt Florence + The Machine để giành ngôi vị đầu bảng cuộc bình chọn gương mặt âm nhạc của năm do đài BBC tổ chức (BBC Sound of 2009). Một chiến thắng không dễ dàng đối với bất kỳ ca sĩ nào mới vào nghề, và càng khó khăn hơn khi đối thủ Florence + The Machine vốn là “con cưng” của đài BBC (hay cụ thể là chương trình BBC Introducing đã góp công rất lớn trong việc đưa Florence + The Machine đến đông đảo khán giả).

Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất để ta trông đợi vào Little Boots. Hands (2009) – đĩa nhạc đầu tay của cô, là sự kết hợp hoàn hảo giữa pop và electronic, ảnh hưởng nhiều từ dòng synthpop của thập niên 80. Với chất giọng khỏe và âm vực rộng, Victoria Hesketh (tên thật của Little Boots) hát về tình yêu tan rỡ một cách thẳng thẳng thắng và trực diện. Cô ngay lập tức lôi người nghe vào sàn nhảy bằng những đoạn điệp khúc tuy đơn giản nhưng dồn dập, liên tiếp công phá giữa tiếng trống mạnh mẽ cùng phần synth rung loạn xạ chẳng theo một quy chuẩn nào. Không dành thời gian để than vãn hay khóc lóc, cô tuyên bố: “Dancing is my remedy remedy” và đơn giản như thế, Remedy trở thành một trong những ca khúc hay nhất của cô lúc bấy giờ.

Nocturnes - Little Boots 1

Trái ngược với câu “Vạn sự khởi đầu nan”, sự nghiệp của Little Boots khá thuận lợi ở bước đầu nhưng lại trắc trở về sau. Hàng loạt buổi biểu diễn ở Mỹ bị hủy bỏ, thay đổi hãng đĩa và trong vòng bốn năm không ra thêm một album nào khác. Chính vì vậy, sự trở lại của Little Boots càng khiến cho nhiều người phải hoài nghi. Nhất là hiện nay khi cô đã ngấp ngưỡng độ tuổi ba mươi, thì liệu sẽ giữ nguyên phong cách đã mang lại thành công ban đầu hay là chuyển sang một hướng đi mới hơn, đặc biệt với dòng nhạc điện tử luôn cần những khám phá mới lạ?

Câu trả lời Nocturnes (2013) hẳn sẽ là một thất vọng đối cho những ai mong đợi một phiên bản khác của Hands. Bởi lẽ vẫn là Little Boots với điện tử, nhưng đã bỏ bớt đi phần hoang dại và nổi loạn để tập trung vào chiều sâu bài hát. Cô thay thế những âm thanh sôi động bằng một không gian đẳm thắm và có phần tăm tối hơn, khiến cho đĩa nhạc trở về đúng với tên gọi của nó: Nocturnes – những khúc nhạc đêm.

Nocturnes - Little Boots 2

Bài hát đầu tiên, Motorway, chính là minh chứng cụ thể. Chẳng còn trống đập bùng bùng đến nhức óc hay là synth dữ dội, mà “chỉ có anh và em”. Motorway chính là ca khúc đồng hành cùng ta trong những chuyến xe đêm, không khỏi làm ta liên tưởng đến Nightcall của Kavinsky từng được sử dụng trong bộ phim Drive của đạo diễn Nicolas Winding Refn. Bài hát là lời mời gọi từ bỏ tất cả mọi thứ để cuốn vào màn đêm, bắt đầu cuộc sống mới. Giọng Little Boots chậm rãi từ tốn rồi lại vang lên một cách đầy tha thiết: “Hãy gặp em ở xa lộ, cùng nhau ta sẽ làm nên cuộc đào tẩu vĩ đại”.

Nhưng phải qua bài thứ hai thì Little Boots mới thực sự bước vào cuộc chơi. Cô kêu gọi mọi người “mở to lên, mở to lên” (turn it up, turn it up) và hãy làm theo những điều cô ấy nói vì từ đây đĩa nhạc sẽ trở lại với house, thứ âm nhạc khiến ta nhún nhảy. Trong đó, Confusion dễ dàng trở thành bài hát dễ nghe nhất vì phần điệp khúc đúng theo phong cách Little Boots: ngắn gọn và thẳng thắng. Nhưng cô không còn ngây dại vì tình như trước mà sẵn sàng vạch mặt người yêu: “Anh chỉ chơi đùa thế thôi, anh nghĩ mình lại có thể phá nát tim tôi được nữa sao?”.

Đến Broken record thì cô dữ dội hơn về phần âm nhạc và qua Shake thì chuyển hẳng sang club. Nhưng khi Little Boots nhường sân cho các DJ khoe mẽ cũng là cô bộc lộ yếu điểm về phần sáng tác. Hai ca khúc tính ra đơn giản và không có gì nổi bật nếu so cùng thể loại. Phần sau của đĩa nhạc, cô trở lại với electro-pop mà điển hình là  Crescendo, Strangers hay Satellite với một đặc điểm chung là luôn đi từ chầm chậm rồi nhanh dần hoặc tập trung vào phần điệp khúc.

Ngoài ra, Little Boots còn đưa vào đĩa nhạc của mình hai ca khúc như để đáp trả những nhận xét về việc ảnh hưởng từ âm nhạc của Kylie Minogue và Madonna – hai đàn chị từ thành công với dòng electro-pop. Trong đó, nguyên phần đầu của Beat Beat cô hát giống hệt giọng của nữ ca sĩ người Úc, còn Everynight I Say A Prayer lại khiến ta nhớ đến nữ hoàng nhạc pop. Hành động của Little Boots như thể muốn chứng tỏ rằng trong âm nhạc, người này giống người kia một chút thì cũng chẳng có gì phải làm lớn chuyện.

Đáng tiếc, con đường đi vào màn đêm của Little Boots lẽ ra sẽ thực sự hoàn hảo hơn nếu không có những khoảnh khắc cô đi trật đường ray. Khi thì cô khiến ta muốn nhức óc vì âm nhạc club trong Shake, khi lại thực sự đưa ta vào giấc ngủ với All for you (lời bài hát vốn cũng có nhắc đến việc đi ngủ). Chính điều đó khiến cho Nocturnes không đi từ nhẹ nhàng đến bùng nổ, hoặc ngược lại. Thay vì vậy thì lên xuống thất thường như quỹ đạo của một đường zic zắc. Mà trong nhạc điện tử, bất ổn cũng là một điều không nên.

Nocturnes - Little Boots (cover)

Sơn Phước

Người viết tự do, chuyên viết về điện ảnh và âm nhạc.

Theo dõi Facebook page để cập nhật thêm thông tin bài.

1 Comment

  1. Anh thì thích album đầu tay của Florence and the Machine hơn là của Little Booths. Cô này nhìn múp múp thì dễ thương hơn, chứ ốm đi chả thấy có cảm tình 🙂

Trả lời

Your email address will not be published.

Trước đó

Parallel Lines – Kings Of Convenience (Quiet is the new loud)

Tiếp theo

Đọc “Tôi có quyền hủy hoại bản thân” của Young-Ha Kim

Latest from Âm nhạc