Sau khi Only God Forgives ra mắt tại liên hoan phim Cannes 2013 thì có rất nhiều ý kiến, từ khán giả lẫn giới phê bình, nhận xét rằng bộ phim giống như một phần tiếp theo của Drive (2011). Sự việc không hề bất ngờ bởi thành công quá lớn từ lần cộng tác đầu tiên khiến cho không ít mong đợi dồn vào sự trở lại lần này của bộ đôi đạo diễn Nicolas Winding Refn và nam tài tử Ryan Gosling. Câu hỏi đặt ra là điều đó có quan trọng hay không, khi mà biết bao người vẫn luôn mong muốn loạt phim Harry Potter kéo dài thêm một hoặc hai phần nữa, dẫu chỉ là một sêri dành cho tuổi thanh thiếu niên? Tuy nhiên, những ai vội vàng đặt nhiều niềm tim vào lời nhận xét đó sẽ có phần thất vọng, bởi nếu chỉ so riêng với Drive, Only God Forgives đã là một màu sắc khác.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy là Nicolas Winding Refn đã chọn cho mình một phong cách đơn giản về góc máy quay. Không còn những pha rượt đuổi giật gân hay màn nổ súng đoàng đoàng kiểu Mỹ, thay vào đó đa phần là những khung hình chuẩn, đặt đối tượng/nhân vật vào trung tâm để tạo sự cân bằng. Điều này cho thấy không khí của bộ phim rất “tĩnh”, thậm chí là còn yên ắng và lặng lẽ hơn cả Drive.
Một khi đã tối giản về góc máy, đòi hỏi đạo diễn phải chú trọng vào những yếu tố khác, chẳng hạn như màu sắc của phim, rất ấm áp, rất “châu Á”. Không khó hiểu vì Only God Forgives lấy bối cảnh chính là ở Thái Lan. Gần hai mươi phút đầu tiên Nicolas Winding Refn dìm bộ phim của mình vào gam màu nóng và tăm tối, từ màu vàng hắt ra của ánh đèn, màu cam của những bức tường và đặc biệt là màu đỏ – màu sắc ưa chuộng của người phương Đông. Màu đỏ chạy dọc theo từng vệt máu hay là sắc đỏ nhuộm khắp trên căn phòng, hắt lên cả mặt người và những họa tiết đầy huyền bí xung quanh, tạo nên một hiệu ứng thị giác ấn tượng.
Quả thật Only God Forgives đã có một sự khởi đầu khá ấn tượng về mặt thời gian. Nhìn chung, hai mươi phút mở màn vẫn mang đậm phong cách đặc trưng của Nicolas Winding Refn nhưng chưa hề thoát ra được cái bóng Drive trước đó, khiến cho sự hoài nghi ban đầu của người xem lại càng có căn cứ. Thậm chí thẳng thắn thì đây là một mở màn quá mức cần thiết, khiến cho mạch phim trải dài trong khi nội dung lại ngắn. Nhưng cái không gian tĩnh lặng hoàn toàn ấy đặt vào những âm thanh đậm chất ambient của Cliff Martinez khiến cho bộ phim có một cảm giác mới mẻ, mang hơi hướm kinh dị và rùng rợn.
Sự thú vị của bộ phim chỉ bắt đầu sau đó khi Kristin Scott Thomas xuất hiện trong vai Crystal, một người mẹ từ Mỹ bay sang Thái Lan để trả thù cho đứa con trai đầu lòng của mình. Tạo hình của nữ diễn viên Pháp trẻ hơn rất nhiều so với tuổi, khiến cho ta khó có thể nhận ra người phụ nữ này đã sắp sang tuổi 54. Trong Only God Forgives, Kristin vừa trở thành một trùm mafia sành sỏi luật giang hồ, vừa trở thành một bà mẹ sành điệu và cá tính, từ lời nói đến phong cách ăn mặc. Lời thoại của Crystal có lẽ là phần hấp dẫn nhất trong số những đoạn thoại của bộ phim.
Nhân vật đáng nói thứ hai chính là viên cảnh sát Chang do nam diễn viên Thái Vithaya Pansringarm thủ vai. Tuy mang danh là người thực hiện công lý nhưng hắn lại mang ánh mắt của một sát thủ, lạnh lùng và quyết liệt khi ra đòn. Ánh mắt đó tượng trưng cho các thế lực đen tối vẫn đang ngấm ngầm tung hoành giữa những con phố Bangkok huyên náo. Từ dân xã hội đen cho đến cảnh sát đều chìm trong một u tối mà hành động của chúng đã nói lên tất cả. Đặc biệt, Nicolas Winding Refn đã tạo cho nhân vật Chang một hình ảnh khá kinh điển khi hắn vung thanh đoản kiếm (tạm gọi) của mình lên không trung rồi lượn một vòng như thể đó là một thế võ của môn phái nào đó.
Đặt bên cạnh hai nhân vật khá thú vị và có cá tính mạnh như vậy, sự xuất hiện của Ryan Gosling trong bộ phim hóa ra lại mờ nhạt. Ban đầu vai diễn của Ryan có chút sức hút nhờ mối quan hệ khá bí ẩn với cô gái làng chơi tên Mai cùng những hình ảnh luôn ám ảnh trong tâm trí anh ta về sự trả thù. Song, càng về sau thì nhân vật Julian của anh lại càng mất đi cá tính. Nếu so với vai tay tài xế mạnh mẽ và quyết đoán trong Drive, thì Julian của Ryan lại khá yếu đuối và hơi có vấn đề về tâm thần. Chẳng hạn như việc anh ta không hề thích Mai, dẫu cô khá nóng bỏng (sự việc cũng khiến cho Only God Forgives loại bỏ được những yếu tố sến sụa của tình yêu từ Drive). Ngay cả việc anh ta hay bị ám ảnh về những hình ảnh liên quan đến việc trả thù cho anh trai, hay về người mẹ của mình, cũng cho thấy Julian là một đứa trẻ bị tổn thương về tâm hồn, chỉ giỏi tỏ ra mạnh mẽ ở bên ngoài nhưng thực ra là ngược lại.
Điểm trừ tiếp theo cho thời lượng phim ngắn (chỉ gói gọn trong vòng 90 phút) xem ra khá dễ hiểu vì kịch bản của Only God Forgives quá đơn giản và xúc tích. Nếu so với Drive vốn được viết dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên khá hấp dẫn của James Sallis, thì toàn bộ kịch bản của Only God Forgives do một tay Nicolas Winding Refn chắp bút. Có điều, từ trước đến nay Nicolas chưa hề chứng tỏ rằng mình là một người viết kịch bản tồi. Điển hình là tác phẩm đầu tay Pusher (1996) do anh viết cùng với Jens Dahl khi vừa mới công chiếu đã ngay lập tức trở thành một bom tấn để đời. Các bộ phim sau đó của Nicolas đa phần đều do anh tự viết kịch bản, kể cả hai phần tiếp theo của Pusher.
Chính vì vậy, lựa chọn Thái Lan làm bối cảnh chính cho bộ phim lại là một quyết định sáng suốt. Bởi với cốt truyện này nếu đặt vào bối cảnh Anh hoặc Mỹ e là sẽ khó thu hút vì đề tài quá cũ. Có vẻ như Nicolas Winding Refn biết rõ điều đó nên chủ ý không tập trung vào nội dung mà thay đổi bối cảnh để phát triển câu truyện. Song, thực sự người xem vẫn chưa thấy rõ chất Thái Lan đâm nét, ngoại trừ một số bài hát tiếng Thái được sử dụng trong bộ phim.
Nhắc đến âm nhạc, sẽ khá thừa thãi nếu tiếp túc tán thưởng phần âm nhạc do Cliff Martinez đảm nhận. Nhưng phải nói rằng chính âm nhạc khiến cho Only God Forgives trở nên hấp dẫn hơn hẳn. Một cảnh quay đáng nhớ trong bộ phim là khi Julian và Chang tay không đối đầu với nhau tại một nơi khá giống với võ đường (thực ra là sàn tập boxing). Từ cách đặt góc máy cho đến việc sử dụng âm nhạc thiên về electronic, khiến cho người xem có cảm giác như đang tham gia vào một trò chơi điện tử (video game) thể loại đối kháng rất phổ biến ở Châu Á vào thập niên 90.
Bên cạnh đó thì tính bạo lực trong phim của Nicolas Winding Refn không hề suy giảm, vẫn bạo lực đến trần trụi, bất ngờ và đột ngột. Chất kinh dị và rùng rợn quay trở lại vào mười phút cuối của bộ phim, khi Julian tự tay móc ruột mẹ đẻ của mình và công cuộc trả thù kết thúc.
Theo đánh giá cá nhân thì với Only God Forgives, Nicolas Winding Refn vẫn đang muốn thử nghiệm một điều gì đó, không hẳn là mới. Tất nhiên, câu trả lời đúng sai chỉ có thể rõ ràng vào một ngày nào đó, trong tương lai không xa.