Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino là cuốn tiểu thuyết khó đọc nhưng nếu kiến nhẫn sẽ có những trải nghiệm thú vị.
Bạn sắp bắt đầu đọc bài viết về cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino do tôi viết. Hãy đóng hết tất cả các cửa sổ khác của trình duyệt web bạn đang dùng, nhất là những trang nghe nhạc trực tuyến như zing và chacha. Còn nếu bạn nghe nhạc bằng phần mềm riêng của mình như iTunes, WMP, Winamp,… thì cũng đừng chần chừ gì mà không tắt đi. Nhớ phóng to cửa sổ trình duyệt ra hết cỡ và điều chỉnh ánh sáng màn hình cho thật vừa vặn để khi đọc không đau mắt. Tất nhiên là bạn sẽ không phải làm những điều trên nếu như bạn đọc blog của tôi thông qua di động. Vì vậy, bây giờ hãy hít thở thật sâu và bắt đầu đọc thật chậm rãi.
Thật khó để có thể xếp Nếu một đêm đông có người lữ khách – cuốn tiểu thuyết của Italo Calvino, một trong những nhà văn lớn nhất của Ý thế kỷ XX đã quen thuộc với độc giả Việt Nam qua tác phẩm “Nam tước trên cây” – vào một thể loại nhất định nào. Câu chuyện được kể với một giọng văn khi thì hài hước nhưng cũng lại rất nghiêm túc, khi hồi hộp như một câu chuyện trinh thám, nhưng vẫn mang phong cách riêng biệt khiến người đọc không ngừng lật giở từ trang này đến trang khác, để rồi rơi vào một cuộc chơi văn chương đầy thú vị đã được dàn sẵn.
Ngay chương đầu tiên, nhà văn đã đưa ra những lời khuyên về việc đọc sách rất hữu ích. Từ việc đóng cửa phòng, tìm cho mình tư thế thoải mái nhất, điều chỉnh ánh sáng sao cho phù hợp,… cho đến cho đến việc “phải vừa lơ đãng vừa tinh nhạy cao độ” trong khi đọc. Tác giả sau đó tiếp tục phân loại sách chưa đọc thành những cái nhãn như: “sách bạn không cần đọc”, “sách làm ra cho những mục đích khác ngoài đọc”, “sách bạn chưa mở ra thì cũng đã đọc rồi bởi vì chúng thuộc loại sách chưa viết ra thì người ta đã đọc rồi”, “sách bạn cũng có ý đọc nhưng có những sách khác bạn phải đọc trước đã”, “sách hiện giờ quá đắt nên bạn sẽ chờ đến khi nào chúng được bán hạ giá”.
Ở chương tiếp theo, Calvino tiếp tục câu chuyện với một người lữ khách không tên xa lạ, mang một chiếc va li hình vuông có bánh xe mà chẳng rõ chứa gì bên trong, đang đứng đợi một người lữ khách khác bước xuống khỏi một đoàn tàu khác, cũng không tên và xa lạ, cũng mang một chiếc va li hình vuông có bánh xe giống hệt, nhưng rỗng. Kế hoạch sẽ thành công một khi hai chiếc va li va vào nhau như thể tình cờ, và người này sẽ hoán đổi chiếc va li của mình cho người kia rồi họ tiếp tục tiến bước về những đoàn tàu khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả khi tưởng chừng như có thể hoàn hảo thì nó vẫn thất bại. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Đây chỉ là một mở đầu trong cuốn tiểu thuyết chứa đầy những mở đầu này.
Thực ra thì “bạn”, Người Đọc, mới chính là nhân vật chính trong cuốn sách này. Trong lúc đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino, bạn bỗng phát hiện ra có lỗi, rất nhiều lỗi trong bản in. Thay vì quẳng cuốn sách ra khỏi cửa sổ thì bạn, cùng với sự nôn nóng muốn biết được chuyện gì tiếp theo sẽ xảy ra với số phận của người lữ khách, liền chạy ù ra hiệu sách ngay ngày hôm sau để khiếu nại. Tại đây, bạn vô tình gặp nàng, Ludmilla, một Người Đọc Nữ cũng rơi vào hoàn cảnh y hệt bạn. Ngay lập tức, bạn bị nàng hớp hồn và cảm thấy như “đã bước vào một từ trường có sức hút mà bạn không thể thoát ra”. Thông qua nàng, bạn gặp được Lotaria – em gái nàng, Irnerio – Người Không Đọc, nhà văn Sinas Flannery… Cứ như thế, khi thì bạn là Người Đọc, khi bạn lại trở thành Người đọc Nữ ở đôi chỗ. Các nhân vật liên hệ với nhau trong chuyến hành trình đi tìm phần còn lại của câu chuyện đầu tiên, để rồi đi qua tất cả mười mở đầu đầy hấp dẫn, thách thức người đọc đi tìm cái kết.
Các chương trong cuốn tiểu thuyết được chia làm hai phần nằm xen kẽ nhau. Các chương chẵn được đặt tên cụ thể gồm các mở đầu không có hồi kết. Còn các chương lẻ được đánh số thứ tự là hành trình đi tìm phần còn lại của các mở đầu mà bạn chính là nhân vật chính. Mười mở đầu trong Nếu một đêm đông có người lữ khách với bối cảnh riêng biệt như được rút ra từ mười cuốn tiểu thuyết của các tác giả khác nhau. Có thể là câu chuyện về hai người lữ khách tìm cách hoán đổi va li cho nhau (Nếu một đêm đông có người lữ khách); về đôi tình nhân đang cố gắng phi tang một cái xác (Nhìn xuống bóng tối đang dần dày đặc); hay là về một giảng viên bị ám ảnh bởi tiếng đổ chuông điện thoại, tình cờ nhận được một cuộc gọi kỳ lạ và phải đứng trước lựa chọn giữa sự sống và cái chết của một cô gái (Trong mạng lưới những đường xoắn xuýt),…
Không liên quan với nhau về nội dung nhưng được sắp xếp rất chặt chẽ và hợp lý, mười mở đầu trong tiểu thuyết của Calvino dễ khiến ta liên tưởng đến những câu truyện của nàng Sheherazade: ngay lúc cao trào nhất, hấp dẫn nhất cũng chính là lúc dừng lại. Thông qua góc nhìn của ngôi thứ hai, tức chính bạn, tác giả dẫn dắt người đọc đi hết câu truyện này đến câu truyện khác với những lý do rất lôgic: hoặc bị làm giả, cuốn sách này được lồng trong bìa cuốn sách kia, hoặc bị thất lạc những trang cuối cùng. Bằng cách đó, tác giả tạo ra một cuộc chơi văn chương cao cấp mà mỗi mở đầu là một câu đố đối với người đọc, cũng chính là thử thách mà tác giả tự đặt ra cho mình, đó là làm thế nào để duy trì mạch truyện mà vẫn giữ được cái không khí mới mẻ như ngay khi bắt đầu.
Ngoài ra, Nếu một đêm đông có người lữ khách còn là một cuộc tranh luận không ngừng về sự đọc và viết, mà ở đó Irnerio, Ludmilla, Lotaria là những đại diện cụ thể cho người đọc sách nói chung. Lotaria luôn cho rằng việc chị mình “đọc hết tiểu thuyết này đến tiểu thuyết khác nhưng chả bao giờ làm rõ các vấn đề” là lãng phí thời gian. Irnerio thì tự mình học cách không đọc gì cả. Riêng Ludmilla lại giữ vững quan điểm: “đọc là tiến về phía cái gì đó sắp sửa hiện hữu xong chưa ai biết nó sẽ là gì”. Cũng như vậy, Sinas Flannery là đại diện cho các tác giả, đôi khi cũng phân vân không biết mình nên là nhà văn mắn chữ với “những cuốn tiểu-thuyết-làm-bằng-máy chiều theo thị hiếu công chúng”, hay là nhà văn phu chữ với các tác phẩm “đầy những nghĩa ẩn mật”.
Italo Calvino đã thành công khi xuất sắc vượt qua những thách thức trong trò chơi của chính mình. Những câu hỏi liên tục được đặt ra mà không chờ đợi lời giải. Đôi lúc tác giả “chồng chất hết giả định này lên giả định khác trong những đoạn văn dài không đối thoại”, khi lại “lặp lại cả đoạn văn, từng từ một” khiến cho độc giả liên tục phải suy ngẫm và đoán định, cuối cùng cũng như vị vua Shahryar, chỉ biết cuốn theo cái mạch truyện không hồi kết ấy.
Như chúng ta đã biết, thử thách mà Italo Calvino đặt ra trong Nam tước trên cây đó là làm thế nào để Cosimo không hề đặt chân xuống mặt đất một lần nào mà cứ ở trên cây suốt cuộc đời. Còn với Nếu một đêm đông có người lữ khách, Italo Calvino đã đưa người đọc của mình vào một mê cung mà việc bạn nhấc chân lên tiến về phía trước hay lùi lại, bước sang phải hay trái đều phụ thuộc cả vào tác giả. Có khi chúng ta duy chỉ mắc kẹt giữa một cái nhà ga và quán bar thôi nhưng cũng đủ để nhận ra rằng có biết bao nhiêu điều để ông ấy có thể tha hồ mà viết về. Bạn cứ chạy tới chạy lui giữa hai mắc xích mà vẫn ngẩn to te vì chưa kịp hiểu rõ cái điều mà tác giả muốn nói cho lắm. Bạn lật về những trang đầu một lần nữa để đọc đi đọc lại, rồi không biết rằng đã mắc phải cái bẫy mà ông ấy giăng sẵn tự khi nào: bạn say mê câu truyện này mất rồi. Bạn gắng sức hét lên thật to. Không, tôi chưa muốn thoát khỏi cái nhà ga và quán bar này. Nhưng vô ích, bởi tác giả muốn bạn bước tiếp.
Chúng ta có thể trách cứ được ai đây, vì “đây là một cuốn tiểu thuyết mà, một khi đã bước vào rồi, bạn muốn tiến tới trước, không dừng lại” và ông ấy đã cảnh báo cho bạn ngay từ đầu rồi mà. Và chỉ đến khi qua hết mọi ngõ ngách, bạn mới nhận ra rằng, hóa ra trong cái mê cung này, đường vào và lối ra vốn chỉ là một.
Ngoài lề:
– Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng là đủ lý do để mua về đọc. Thêm nữa, Đỗ Hữu Chí thiết kế bìa vẫn rất tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu chỉ vì cái tên thơ mộng cũng như cái bìa quyến sờ rũ này mà mua sách về đọc thì bạn dễ bị hụt hẫng.
– Cuốn sách này có duyên với tôi. Tôi bấy lâu nay vẫn là người tin vào duyên phận mà.
Bài review này có khúc đầu từa tựa một review em từng đọc trên GoodReads 😀
Tác phẩm này được xem như là tiêu biểu cho dòng văn học hậu hiện đại của Ý nói riêng và của thế giới nói chung. Đây là cuốn giá trị nhứt trong năm 2011 (cho đến giờ) của Nhã Nam, nhưng xem ra không mấy ai tìm đọc 🙁
Thì cũng đều từ Calvino mà ra cả mà 😀
Co quyen sach nao khj doc xong se thay co njem tjn vao chjnh mjnh hon ko?neu co thj gjoj thjeu len blog dj ban
Bạn đọc thử Tin vào chính mình (I can do it) hoặc các cuốn Hạt giống tâm hồn thử, thể loại này nhà sách nhiều lắm 😀
Nghe có vẻ hấp dẫn. Tôi sẽ tìm đọc cuốn này.
Italo Calvino luôn khiến người đọc phải bất ngờ thảng thốt trước những câu chuyện ông tạo dựng, trước cách lập luận tài tình ông vận dụng vào.
…
Tôi đọc hoài không thể đoán ra
Nghĩa lí sao, tại đâu lại thế
Do ở thợ in cẩu thả
Hay anh đóng sách điên rồ
Chuyện hai người cách xa
Chắc rồi sau gặp gỡ
Em có đọc, em ơi đừng buồn sợ
Thật ra sách trên đời
Có phải trái đầu đuôi
Tất cả rối bời
Là do người ta lầm lẫn.
(Cuốn sách xếp lầm trang – Lưu Quang Vũ )
mình cần mua cuốn này bạn nào biết chỗ bán chỉ mình với